Trích dịch từ cuốn Introduction to Sociology 3e trên OpenStax
Xuyên suốt lịch sử Hoa Kỳ, nhiều cá nhân đã thành lập các nhóm để đạt được mục tiêu và mang lại sự thay đổi. Một số nhóm hoạt động nhỏ lẻ, rời rạc, một số khác lại được tổ chức vô cùng hệ thống với sứ mệnh cụ thể. Đôi khi, những nhóm này có thể có ảnh hưởng lớn lao tới văn hoá, xã hội, nền kinh tế và chính phủ.
Năm 2009, những người phản đối việc chính phủ tiêu xài ngân sách vô lý đã tổ chức một chuỗi các “tiệc trà”, lấy ý tưởng từ Tiệc trà Boston, một sự kiện trong lịch sử Hoa Kỳ nhằm phản đối chính sách thuế của Anh tại 13 bang thuộc địa, mà sau này đã châm ngòi cho cuộc cách mạng Mỹ. Những nhà hoạt động thuộc nhóm Tiệc Trà phản đối chính phủ lớn, mức thuế cao, tham nhũng, ủng hộ quyền sở hữu súng và các giá trị truyền thống gia đình. Họ kêu gọi “sự chú ý tới các vấn đề thách thức tới an ninh, chủ quyền và sự an toàn của quốc gia thân yêu của họ, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ” (Tea Party, Inc. 2021). Phong trào ngày một phát triển mạnh mẽ, với hàng loạt nhóm mọc lên khắp đất nước.
Tới 2010, một vài thành viên của Tiệc Trà thậm chí đã giành được ghế ở cả Hạ Viện và Thượng Viện, càng thêm khẳng định quyền lực chính trị của nhóm và sức nặng của thông điệp gửi đi. Không chỉ còn là trào lưu của một nhóm cá nhân, Tiệc Trà giờ đây đã giành được ảnh hưởng trong nội bộ Đảng Cộng Hòa. Nhiều tư tưởng của nhóm đã được truyền tải vào trong các phong trào cánh hữu và cương lĩnh của Đảng Cộng Hòa.
Năm 2016, người dẫn chương trình truyền hình của Fox News, Gretchen Carlson, đâm đơn kiện chủ tịch Fox – Roger Ailes, cáo buộc ông này đã quấy rối tình dục. Vụ kiện của Carlson đã thúc đẩy nhiều phụ nữ khác đứng lên tố cáo Ailes cùng nhiều nhân vật có tiếng tăm khác trong ngành giải trí. Không lâu sau đó, nữ diễn viên Alyssa Milano đã đăng dòng trạng thái này lên Twitter: ”Nếu tất cả những phụ nữ từng bị quấy rối tình dục đều lên tiếng bằng dòng trạng thái “Me too” (Tôi cũng vậy), có lẽ chúng ta sẽ cho công luận thấy được sự nghiêm trọng của vấn đề này”. Cụm từ “Me too” lần đầu được sử dụng bởi nhà hoạt động Tarana Burke, trong nỗ lực nêu lên tiếng nói của phụ nữ da màu. Chỉ trong vòng một ngày kể từ bài đăng của Milano, hashtag #MeToo đã có hơn 500,000 lượt sử dụng trên Twitter, và được dùng trong 12 triệu bài đăng từ 4.7 triệu người trên Facebook. Hàng nghìn người, bao gồm cả những người nổi tiếng đã chia sẻ những câu chuyện về việc bị tấn công, lạm dụng và quấy rối tình dục (MeTooMvmt.org, 2020). Phong trào Me Too trở thành tâm điểm trên các bản tin và các chương trình trò chuyện. Trong tháng kế tiếp, phong trào bùng lên trong các công ty và chính phủ nhằm giúp nữ giới đẩy lùi nạn quấy rối tình dục. Phong trào đã cổ vũ những nạn nhân bước ra ánh sáng, góp phần loại bỏ những tên yêu râu xanh khỏi lĩnh vực học thuật, truyền thông, chính phủ và nhiều ngành công nghiệp khác.
Tiệc Trà từ một phong trào tự phát nhỏ lẻ đã tiến hoá thành một tổ chức phi lợi nhuận, một thế lực trong Đảng Cộng Hòa, với những vấn đề được đem ra họp bàn trước Quốc Hội. Phong trào MeToo bắt đầu với Burke năm 2006 và đã đem lại những sự thay đổi nhất định trong thời gian dài, trước khi cơn bùng nổ hashtag đã khiến công chúng thực sự quan tâm, từ đó những chính sách mới đã ra đời. Phong trào MeToo đã tập trung được lượng lớn người thành các nhóm đấu tranh, nhưng vẫn chưa hình thành nên một tổ chức MeToo cố định.
Là đơn vị xã hội bền chắc, nhóm giúp nuôi dưỡng các giá trị chung và là chìa khoá hình thành nên cấu trúc xã hội. Có ba quan điểm xã hội học chính khi nghiên cứu về Nhóm: Chức năng, Xung đột và Tương tác. Khi đặt Tiệc Trà và MeToo dưới góc nhìn của các phương pháp trên, chúng ta có thể làm rõ vai trò và thách thức chúng mang lại.
Quan điểm Chức năng đưa ra một cái nhìn toàn cảnh, vĩ mô cho cách các khía cạnh của xã hội tương tác với nhau. Quan điểm này dựa trên việc cho rằng xã hội là một bộ máy hoạt động cân bằng tốt với mọi mắt xích đều cần thiết xét trong tổng thể, và nó nghiên cứu vai trò của các bộ phận này trong mối quan hệ với tổng thể. Một nhà Chức năng có thể xem xét các nhu cầu cấp vĩ mô mà mỗi phong trào hướng tới. Chẳng hạn, một nhà Chức năng Cấu trúc sẽ đặt câu hỏi cho cách phong trào Tiệc Trà đã xuất hiện để nêu lên tiếng nói mối quan tâm của một bộ phận lớn trong xã hội cảm thấy ít được đại diện về mặt chính trị, hoặc làm thế nào MeToo thúc đẩy mọi người chú ý đến quấy rối tình dục và bất bình đẳng giới. Cách tiếp cận này tập trung xem xét cách các nhóm nêu lên quan điểm về sự bất bình, từ đó hướng tới ổn định xã hội.
Quan điểm Xung đột cũng là một quan điểm phân tích vĩ mô khác, tập trung vào căn nguyên và sự phát triển của bất bình đẳng. Một nhà lý luận xung đột nghiên cứu về phong trào Tiệc Trà có thể xem xét cách những lợi ích nhóm đã thao túng bộ máy chính trị trong suốt 30 năm qua. Hay cách phong trào MeToo chống lại những thể chế đã dung túng cho hành vi quấy rối tình dục để bao che cho những kẻ nắm quyền.
Quan điểm thứ ba là Tương tác Biểu trưng hay quan điểm Tương tác. Phương pháp phân tích nhóm này diễn ra ở tầm vi mô, thay vì đưa ra góc nhìn toàn cảnh, các nhà nghiên cứu sẽ nhìn vào tương tác thường nhật ở các nhóm. Khi chú ý vào những chi tiết này, các nhà Tương tác sẽ quan sát các vấn đề như phong cách lãnh đạo hay động lực nhóm. Trong trường hợp của Tiệc Trà, nhà Tương tác sẽ chất vấn: ”Động lực của Tiệc Trà ở New York có điểm gì khác biệt so với Tiệc Trà ở Atlanta?”, hay với MeToo là tìm hiểu về người đặt ra chủ đề đại diện và cách tiếp cận của phong trào.
Các mô hình nhóm
Đa số chúng ta đều sử dụng từ “nhóm” một cách thoải mái không mảy may suy nghĩ. Thông thường, mỗi người đều hàm ý khác nhau khi dùng từ này: một đám trẻ đang nhìn chú chó, 250 học sinh trong giảng đường hay 4 anh chị em họ chơi đùa trước sân nhà. Trong cuộc sống hằng ngày, “nhóm” mang ý nghĩa phổ thông, nhưng về mặt khoa học và chuyên môn, chúng mang có ý nghĩa quan trọng hơn. Thêm nữa, khái niệm về một nhóm là trung tâm của phần lớn cách chúng ta nghĩ về xã hội và sự tương tác của con người. Vậy làm cách nào để hiểu rõ và chính xác về nhóm cho mục đích nghiên cứu xã hội học?
Định nghĩa về nhóm
Nhóm là định nghĩa phức tạp và có thể chỉ các vô vàn tập hợp khác nhau, từ hai người trong một bài tập nhóm ở trường, một câu lạc bộ, một cuộc tụ họp chiến hữu, hoặc những người cùng làm việc hoặc có chung một sở thích. Tóm lại, từ này ám chỉ bất cứ tập hợp nào từ hai người trở lên, tương tác với nhau ở một tần suất nhất định và cùng có một vài điểm đồng điệu. Tất nhiên là không phải cứ người ta tụ tập vào một nơi thì là nhóm. Một cuộc vận động tranh cử là sự kiện một lần, và cùng là thành viên của một đảng phái chính trị không có nghĩa là sẽ tương tác với nhau. Những người xuất hiện ở cùng nơi, cùng thời điểm nhưng không tương tác hay không có điểm đồng điệu, như những vị khách ngẫu nhiên xếp hàng trước cửa tiệm Starbucks, chỉ được coi là một đám đông.
Một ví dụ cho việc không phải nhóm là những người có những đặc điểm giống nhau, những không ràng buộc với nhau bởi bất kỳ phương thức nào. Những người này được gọi là một phân loại, ví dụ như những đứa trẻ sinh trong khoảng 1980 – 2000 được gọi là thế hệ Thiên niên kỷ (Millennials). Tại sao lại là phân loại mà không phải nhóm? Dù vài người trong số họ có thể có vài điểm đồng điệu, nhưng toàn bộ những người này không tương tác thường xuyên với nhau.
Điểm thú vị là những người trong một đám hay một phân loại vẫn có thể trở thành nhóm. Trong thảm họa, những người sống trong cùng một khu vực (một đám) dù không quen biết nhau trước kia, có thể trở nên thân thiện và phụ thuộc lẫn nhau trong trại cứu hộ tập trung. Khi quay lại cuộc sống cũ, cảm giác gần gũi ấy có thể được duy trì bởi họ đều đã cùng trải qua hoạn nạn. Họ sẽ vẫn là một nhóm, cùng tập luyện ứng phó tình huống khẩn cấp, hỗ trợ trang thiết bị lẫn nhau cho lần tới, hoặc thay phiên chăm sóc cho những người hàng xóm cần sự giúp đỡ.
Tương tư như trên, nhiều nhóm có thể nằm trong một phân loại. Trong cùng một phân loại giáo viên, có thể tồn tại các nhóm nhỏ hơn như đoàn giáo viên, huấn luyện viên hay các nhân sự chịu trách nhiệm làm cầu nối giữa giáo viên – phụ huynh.
Các mô hình nhóm
Nhà xã hội học Charles Horton Cooley (1864 – 1929) đề xuất rằng các nhóm có thể chia làm hai loại: nhóm sơ cấp và nhóm thứ cấp (Cooley 1909). Theo ông, nhóm sơ cấp có vai trò quan trọng nhất trong đời sống chúng ta. Nhóm sơ cấp thường có kích cỡ nhỏ, bao gồm các cá nhân thường xuyên có các tương tác tình cảm mặt đối mặt trong thời gian dài. Nhóm này giúp chúng ta giải quyết nhu cầu về cảm xúc, thường bao gồm những người quan trọng, có ảnh hưởng lớn tới cuộc đời chúng ta. Một ví dụ điển hình nhất cho nhóm sơ cấp chính là gia đình.
So với nhóm sơ cấp, nhóm thứ cấp thường có kích cỡ lớn hơn và không mang tính cá nhân. Các nhóm này có thể chuyên môn về một nhiệm vụ cũng như bị giới hạn thời gian, phục vụ với các chức năng công cụ hơn là chức năng biểu hiện, tức là vai trò của chúng bị cố định bởi một mục tiêu rõ ràng hơn là ràng buộc cảm xúc. Một lớp học hay văn phòng là ví dụ cho một nhóm thứ cấp.
Dù là nhóm sơ cấp hay thứ cấp, chúng đều không hề bị quy định bởi những định nghĩa hà khắc hay những giới hạn. Trên thực tế, người ta có thể tự do di chuyển từ nhóm này qua nhóm khác. Chẳng hạn một nhóm đồng nghiệp ban đầu là nhóm thứ cấp, nhưng qua nhiều năm làm việc cùng nhau, họ dần tìm thấy nhiều mối quan tâm chung và thân thiết hơn, biến họ thành nhóm sơ cấp. Thậm chí một mạng lưới những người có cùng sở thích trên mạng cũng có thể đi từ nhóm thứ cấp thành nhóm sơ cấp.
Nội nhóm (in-groups) và ngoại nhóm (out-groups)
Một trong những cách các nhóm trở nên ngày một mạnh là thông qua kết nạp, và ngược lại là khai trừ. Cảm giác khi thuộc về một nhóm ưu tú hoặc được chọn là cảm giác rất mạnh mẽ, trong khi cảm giác khi bị “cho ra rìa”, hay cạnh tranh trực tiếp với một nhóm dễ khiến cho người ta có thêm động lực. Nhà xã hội học William Sumner (1840 – 1910) đưa ra định nghĩa về nội nhóm và ngoại nhóm để giải thích hiện tượng này (Sumner 1906). Ngắn gọn là, một nội nhóm cho cá nhân cảm giác gắn kết, thuộc về, là một phần không thể tách rời của cá nhân đó. Ngược lại là ngoại nhóm, nhóm mà một người cảm thấy không có sự ràng buộc, thậm chí là khó chịu và đối địch. Đội thể thao, đoàn thể, hội nữ sinh là ví dụ cho nội nhóm và ngoại nhóm. Các nhóm sơ cấp cũng bao gồm cả nội nhóm và ngoại nhóm, tương tự như các nhóm thứ cấp.
Tuy liên kết trong nhóm có thể trung lập hoặc mang hướng tích cực, chủ đề của các nội nhóm và ngoại nhóm có thể lý giải cho một số hành vi tiêu cực ở con người, chẳng hạn như chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Bằng cách xem những người khác là “không giống chúng ta” và thấp kém, các nội nhóm cuối cùng nêu cao chủ nghĩa dân tộc, phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, chủ nghĩa tuổi tác và dị tính — cách đánh giá người khác tiêu cực dựa trên văn hóa, chủng tộc, giới tính, tuổi tác hoặc xu hướng tính dục của họ.
Đôi khi, các nội nhóm được sinh ra ngay trong một nhóm thứ cấp. Chẳng hạn, tại công sở có một hội chơi golf của các sếp, hội lập trình của các kỹ sư, hay hội độc thân của các bạn trẻ tập hợp sau giờ làm. Dẫu các nội nhóm này có thể tỏ ra ưa thích thành viên của nội nhóm khác, tổ chức mẹ thường không có khả năng hoặc không muốn thừa nhận chúng. Do vậy, ta cần cẩn trọng với quan điểm chính trị trong các nội nhóm, bởi các thành viên có thể tìm các đấu đá lẫn nhau để tranh giành địa vị.
Nhóm tham chiếu
Một nhóm tham chiếu bao gồm những cá nhân được mọi người đem ra so sánh với bản thân, coi như một thang đo tiêu chuẩn. Trong xã hội Mỹ, nhóm tham chiếu thường là các nhóm ưu tú trong lĩnh vực nào đó. Từ trẻ em tới người lớn đều quan tâm đến những người nổi tiếng ngoài kia nghe nhạc gì, ăn mặc ra sao, rảnh rỗi thì họ làm gì,…rồi đem so sánh bản thân với những gì họ trông thấy. Một người thông thường sẽ có nhiều hơn một nhóm tham chiếu, vậy nên một cậu nhóc học sinh sẽ không chỉ nhìn vào những người bạn học, mà còn cả những người bạn của anh trai mình và trông thấy những thói quen, chuẩn mực hoàn toàn khác nhau. Cậu nhóc ấy cũng có thể quan sát hành động của cầu thủ thần tượng như một hình mẫu khác để tham khảo.
Một vài ví dụ khác của nhóm tham chiếu là các trung tâm văn hoá, nơi làm việc, chốn tụ họp gia đình, cha mẹ. Thông thường, các nhóm tham chiếu sẽ đưa ra những thông điệp đầy cám dỗ. Thí dụ như trên phim ảnh và truyền hình, những thanh niên trẻ sở hữu những căn hộ và xe xa hoa, sống cùng những cuộc vui bất tận mà chẳng có lấy một công việc ổn định; các video ca nhạc thể hiện những hình ảnh các cô gái trẻ nhảy khiêu gợi, ám chỉ trải nghiệm vượt xa số năm tuổi. Dù ở bất cứ lứa tuổi nào, ta đều coi những nhóm tham chiếu là kim chỉ nam dẫn lối cho hành động và thiết lập chuẩn mực xã hội cho bản thân. Việc chọn cho mình những nhóm tham chiếu lành mạnh quan trọng tới mức nào? Bạn có thể không công nhận một nhóm tham chiếu nào đó, những bằng cách nào đó nó vẫn sẽ có ảnh hưởng lên hành vi của bạn. Xác định nhóm tham chiếu của bản thân sẽ giúp bạn có thể giúp bạn hiểu nguồn gốc của các bản sắc xã hội mà bạn khao khát hoặc muốn tránh xa bản thân
Trích dịch từ cuốn Introduction to Sociology 3e trên OpenStax