Liberal Education (tạm dịch là “Giáo dục khai phóng”) là một triết lí giáo dục được hiểu theo rất nhiều cách khác nhau. Tính đến thời điểm hiện tại, không có một định nghĩa chính thức nào về giáo dục khai phóng được chấp nhận rộng rãi. Ở Libero, chúng tôi chủ yếu tiếp cận giáo dục khai phóng dựa trên các quan điểm dưới đây:

Quan điểm đầu tiên, được trình bày trong cuốn “Biện hộ cho một nền giáo dục khai phóng” của Fareed Zakaria:

“Giáo dục khai phóng là một lĩnh vực rộng, bao gồm những môn học không phải thuần kỹ thuật, hay khoa học chuyên môn, mà liên quan đến nghệ thuật, âm nhạc, lịch sử, triết học, văn học, ngôn ngữ, v.v, tức mang tính nhân văn. Nó nhằm đào tạo con người toàn diện, phát triển nhiều khả năng, tạo nên kiến thức rộng, tạo ý thức về lịch sử, và nhân văn, để làm công dân, làm người văn hóa, hơn là một chuyên gia trong một lĩnh vực chuyên môn.”

Như vậy, giáo dục khai phóng là một định hướng đào tạo không bó buộc trong một hay nhiều học phần cụ thể, thậm chí trong một chuyên ngành cụ thể. Nó cho phép người học có thể học tập, nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Về bản chất, giáo dục khai phóng là giáo dục cho con người tự do và dạy họ cách sử dụng tự do. Quan điểm thứ hai này đã được đề cập trong tác phẩm “Cùng suy nghĩ về những ý niệm lớn” của Mortimer Adler. Theo đó,

  • Ở trường: Giáo dục khai phóng giúp học sinh hình thành kỷ luật học tập, học được phương pháp học sau đó làm quen lần đầu tiên với những ý niệm mà cả đời để hiểu thấu.
  • Đến tuổi trưởng thành: Người học giáo dục khai phóng có thể sử dụng các môn học khai phóng vốn là kỷ luật học tập, kỷ luật hình thành được ở trường, để tiếp tục tiến trình học và trọn đời theo đuổi hiểu biết, kiến giải và sử dụng sự khôn ngoan.

Giáo dục khai phóng đã xuất hiện từ rất lâu trong tiến trình phát triển tri thức của loài người. Thời kỳ tiền công nghiệp, khi giáo dục chỉ dành cho thiểu số, chỉ có giáo dục khai phóng mà không có giáo dục dạy nghề thuần túy. Đến thời kỳ công nghiệp và hậu công nghiệp, tính “đào tạo thực dụng” của giáo dục khai phóng nổi lên như một xu hướng giáo dục hiệu quả (học vì nền kinh tế cần).

Trọng tâm của giáo dục khai phóng nằm ở việc học (mà ở đây chủ yếu là tự học), trong sự tương tác giữa ba chủ thể chính: người dạy – người học – nhà tổ chức.

Một quan điểm khác đến từ Hiệp hội các trường cao đẳng và đại học Hoa Kỳ (AAC&U) cho rằng: một nền giáo dục khai phóng là một nền giáo dục hướng tới sự tự do, trong đó tâm trí được giải phóng để tìm kiếm sự thật mà không bị cản trở bởi những giáo điều, ý thức hệ hoặc những quan niệm định kiến. Một người được giáo dục khai phóng có thể tự suy nghĩ cho chính mình, vừa có tư tưởng rộng rãi, vừa cởi mở, và do đó, ít bị thao túng hoặc định kiến hơn.

Tóm lại, giáo dục khai phóng là triết lí giáo dục hướng vào con người, vì con người và cho con người, lấy con người làm điểm xuất phát đồng thời làm đích đến; lấy hạnh phúc của con người (cá nhân) làm mục tiêu và lấy tinh thần công lợi làm lý tưởng.

“Môn học khai phóng” (liberal arts) có thể hiểu là các nghệ thuật (hoặc môn học) làm người tự do. Còn “nền giáo dục khai phóng” (liberal education) là việc giáo dục các môn học khai phóng, phân biệt với giáo dục nghề chuyên môn.

Các môn học khai phóng, theo truyền thống, đều nhằm phát triển những năng lực trí tuệ của con người, những năng lực trí tuệ và trí tưởng tượng mà không có chúng thì ta không thể hoàn tất được một công việc trí tuệ nào.

Truyền thống khai phóng có từ chương trình giảng dạy thời Trung Cổ. Nó bao gồm hai phần:

  • Phần đầu, tam khoa, bao gồm Ngữ pháp, thuật Hùng biện, và Luận lý. Nó dạy nghệ thuật đọc và viết, nghệ thuật nghe và nói, và nghệ thuật tư duy hợp lý.
  • Phần còn lại, cao đẳng tứ khoa, bao gồm Số học, Hình học, Thiên văn học, và âm nhạc (không phải loại âm nhạc có thể nghe được rõ ràng, mà là nhạc học được hình dung như một môn toán học).

Ngày nay chúng ta thêm vào nhiều bộ môn khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn khác nữa. Đấy là những gì đã được thực hiện qua nhiều nỗ lực hiện đại khác nhau nhằm cách tân nền giáo dục khai phóng.

Như vậy, nền giáo dục khai phóng, bao gồm tất cả các môn học truyền thống cũng như những ngành khoa học mới hơn.

(Trích “Nền giáo dục khai phóng là gì?”, Dr. Mortimer J.Adler)

“Giáo dục có thể cho bạn một kỹ năng, nhưng giáo dục khai phóng có thể đem lại cho bạn phẩm giá.”

-Ellen Key-

Giáo dục khai phóng cho thế kỷ XXI, theo định nghĩa của Hiệp hội các Đại học và Cao đẳng Mỹ, là (một cách tiếp cận) một lối học làm cho các cá nhân có năng lực mạnh mẽ, và chuẩn bị họ xử lý được tính phức tạp, đa dạng và thay đổi.

Nó cung cấp cho người học tri thức rộng của thế giới rộng hơn (chẳng hạn khoa học, văn hóa, và xã hội) cũng như sự nghiên cứu chiều sâu trong một lãnh vực đặc biệt của mối quan tâm.

Giáo dục khai phóng giúp người học:

  • phát triển một ý thức trách nhiệm xã hội,
  • phát triển các kỹ năng trí thức và thực hành mạnh và có thể chuyển giao được như: sự truyền đạt, các kỹ năng phân tích và giải quyết bài toán,
  • tạo ra năng lực áp dụng tri thức và kỹ năng trong những hoàn cảnh của thế giới thật.

(Theo “Tại sao cần giáo dục khai phóng?”, TS.Nguyễn Xuân Xanh)

Ở phương Tây, có thể nói giáo dục khai phóng có từ thời Hy Lạp với niềm tin của Socrates về “cuộc sống được thử thách” và lý tưởng của Aristotes về “công dân suy tư”.

Ở phương Đông, giáo dục Khổng giáo Trung Hoa với Tứ Thư, Ngũ Kinh và đạo đức triết học Nho giáo, cam kết phát triển tư duy trên một phạm vi kiến thức rộng.

Quan niệm con người tính bản thiện, cần nuôi dưỡng và phát triển bản năng con người để hoàn thiện trí tuệ và đạo đức. Việc cam kết phát triển tư duy trên phạm vi kiến thức rộng như vậy có thể xem là tương đồng với giáo dục khai phóng.

Ở Ấn Độ, trường Đại học Nalanda phát triển rực rỡ ở vùng đông bắc Ấn gần một nghìn năm cho đến cuối thế kỷ XII, giảng về Phật pháp và cũng đòi hỏi một nền giáo dục kiến thức rộng.

Ở Ai Cập, Đại học Al-Azhar tại Cairo thành lập từ năm 975, ngoài việc giảng triết lý đạo Hồi, còn dạy văn học nghệ thuật và chủ trương một nền giáo dục toàn diện.

Như vậy, có thể nói giáo dục khai phóng có nguồn gốc từ thời Socrates, Aristotes ở phương Tây cũng như thời Khổng tử, Đức Phật và các hiền triết đạo Hồi ở phương Đông.

Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, giáo dục khai phóng đang dần nhận được sự quan tâm của các nhà giáo dục, nhà quản lí và người học. Ryan Derby Talbot – Hiệu trưởng, Giám đốc học thuật trường Đại học Fullbright Việt Nam chia sẻ: “Giáo dục khai phóng đã phát triển từ rất lâu. Sinh viên ở các trường đại học sẽ được học rất nhiều môn, không chỉ tập trung vào một môn học phục vụ trực tiếp cho công việc sau này mà còn được học các môn khác như triết học, văn học, lịch sử, khoa học, toán học. Mục đích của việc đào tạo nhiều môn học không phải chỉ để giúp bạn trang bị những kiến thức cần thiết cho nghề nghiệp sau này mà còn dạy bạn cách tư duy”. GS. Furuta Motoo – Hiệu trưởng trường Đại học Việt – Nhật – ĐHQGHN thì cho rằng, “Giáo dục khai phóng là nền giáo dục dựa trên tinh thần tự do khám phá, cung cấp những hiểu biết cơ sở, trở thành nền tảng của khả năng nhìn thấu bản chất sự vật, hiện tượng và sự việc, tức là năng lực thấu hiểu”.

“Giáo dục khai phóng dạy bạn cách suy nghĩ” – đó là nhận định cơ bản của nhiều người khi nói về lợi ích của một nền giáo dục khai phóng.

Điều này chắc chắn là đúng. Mặc dù vậy, đối với tác giả Fareed Zakaria, người viết cuốn sách “Biện hộ cho một nền giáo dục khai phóng”, lợi ích đầu tiên của giáo dục khai phóng chính xác là dạy chúng ta cách tư duy.

“Đại học không phải là nơi một thanh niên tìm thấy nghề của mình, mà là nơi anh ta tìm thấy chính mình, là nơi biến các thanh niên chẳng suy nghĩ, chỉ biết thực hiện nhiệm vụ, thành những con người biết tư duy.” – Nguyễn Xuân Xanh.

Học để tư duy! Tư duy trong cách nghĩ, cách viết, tư duy trong cách nói năng, cách học tập. Giáo dục khai phóng dạy bạn cách đọc sách thông minh, cách nghiên cứu thông tin, cách đặt câu hỏi, phản biện và quan trọng nhất là bạn hiểu được rằng việc học là một niềm vui, một cuộc phiêu lưu khám phá tuyệt vời.

Thêm một lợi ích khác của giáo dục khai phóng là nó tạo nên một “tầng lớp quý tộc tự nhiên” – tầng lớp tinh hoa, tầng lớp mà ở đó không có sự phân biệt người giàu hay kẻ nghèo, tất cả đều bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục. “Tầng lớp quý tộc tự nhiên”, nói một cách tượng hình hơn, là một cộng đồng không thấy xấu hổ khi nói chuyện triết học với nhau.

Cuối cùng, tri thức chính là sức mạnh. Tích lũy tri thức cho chúng ta vốn hiểu biết sâu rộng, nâng cao nhận thức, khôn ngoan hơn trong xử lý các vấn đề của đời sống xã hội. Sức mạnh của tri thức nằm ở khả năng làm thay đổi thế giới thông qua sự vận dụng tri thức (mà ở đây là tri thức về giáo dục khai phóng) vào các hoạt động nghiên cứu, lao động và sản xuất.

Theo AACU (Hiệp hội các trường Cao đẳng và Đại học Hoa Kỳ), mục tiêu cơ bản mà một chương trình giáo dục khai phóng cần đạt được là:

  • Giáo dục kiến thức về văn hóa, vật lí và thế giới tự nhiên

Thông qua việc tìm hiểu khoa học tự nhiên, toán, khoa học xã hội, nhân văn, lịch sử, ngôn ngữ và nghệ thuật.

Tập trung vào việc tương tác sâu với các câu hỏi lớn, kể cả đương đại và truyền thống.

  • Rèn luyện kĩ năng tư duy và thực hành
    • Khảo sát và phân tích
    • Tư duy phê phán và sáng tạo
    • Giao tiếp nói và viết
    • Năng lực định lượng
    • Năng lực thông tin
    • Làm việc nhóm và giải quyết vấn đề

Thông qua thực hành, xuyên suốt chương trình đặt vào các bối cảnh thách thức với các vấn đề, dự án, và tiêu chuẩn cao về hiệu suất.

  • Xây dựng trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm xã hội
    • Tri thức về công dân và sự can dự – địa phương và toàn cầu.
    • Tri thức và kĩ năng liên văn hóa
    • Tư duy và hành động đạo đức
    • Nền tảng và kĩ năng học tập suốt đời

Trọng tâm đặt vào sự tham gia tích cực với các cộng đồng đa dạng và các thách thức thực tế.

  • Học tập ứng dụng và tích hợp
    • Tổng hợp và hoạt động nâng cao thông qua các chương trình học tập tổng quát và chuyên biệt.

Thể hiện trong việc ứng dụng kiến thức, kĩ năng và trách nhiệm trong các tình huống mới mẻ và vấn đề phức tạp.

Ở Viện Libero, chúng tôi tin rằng tất cả những mục tiêu cơ bản trên, có thể tóm tắt đơn giản là, học lấy cách học, trọn đời phát triển trí tuệ, sử dụng khôn ngoan tự do của mình.

  • Việt Nam: Thời điểm này, tại Việt Nam, mới chỉ có hai trường đại học là Trường đại học Fulbright và Trường đại học Việt Nhật (VJU) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tuyên bố đề cao tinh thần khai phóng và áp dụng triển khai mô hình giáo dục đại học khai phóng. Có thể coi đây là những trường đại học đi tiên phong. Ngoài ra, mọi người có mối quan tâm đến giáo dục khai phóng có thể theo học các chương trình tại Viện Libero.
  • Hoa Kỳ: Top 10 trường Đại học Giáo dục Khai phóng tốt nhất tại Hoa Kỳ theo bảng xếp hạng năm 2020 của US News & World Report lần lượt là: Đại học Williams, Đại học Amherst, Đại học Swarthmore, Đại học Wellesley, Đại học Pomona, Đại học Bowdoin, Đại học Claremont McKenna, Đại học Middlebury, Đại học Carleton, Đại học Washington and Lee.
  • Châu Á: Top 10 Đại học Khai phóng tại Châu Á theo Forbes là: Yale – NUS tại Singapore, Đại học Quốc Gia Seoul tại Hàn Quốc, Đại Học Trung Quốc tại Hồng Kông, Đại học Tokyo tại Nhật Bản, Đại học Yonsei tại Hàn Quốc, Đại học Kyung Hee tại Hàn Quốc, Đại học Phụ nữ Ewha tại Hàn Quốc, Đại học Waseda tại Nhật Bản, Đại học Lingnan tại Hồng Kông, Đại học Quốc tế Christian tại Nhật Bản.

Về cơ bản, giáo dục liên ngành và toàn diện là một phần của giáo dục khai phóng, nhưng định nghĩa ‘toàn diện’ hoàn toàn dựa vào góc nhìn và lựa chọn của người học. Giáo dục khai phóng cho bạn những định hướng để mở ra những cơ hội học tập khác nhau.

Bạn hoàn toàn có thể tự mình khai phóng, thông qua các chương trình học được thiết kế sẵn, tự lựa chọn học liệu, nghiên cứu và rèn luyện tư duy phản biện, nói tóm lại là tự tạo ý thức! Phương pháp học này đòi hỏi tính kỉ luật cá nhân cực cao.

Còn nếu bạn cần thêm động lực, muốn tham gia vào một cộng đồng cùng nhau học tập, cùng nhau tiến bộ, theo học tại các trường khai phóng sẽ là một ý tưởng thú vị. Viện Libero là một trong những môi trường như thế.

Ở Libero, chúng tôi lấy tinh thần chủ đạo là TỰ HỌC dưới sự dẫn dắt và kích hoạt của đội ngũ giảng viên – chuyên gia. Người học tự học, tự giáo dục, tự làm ra chính mình, thực hành tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nuôi dưỡng tâm hồn, phát triển công việc.

Hiệu quả của việc học được đo bằng sự chuyển hóa trước – sau quá trình học tập. Tự học là trung tâm của quá trình học, mọi việc khác là hỗ trợ, bao gồm việc giảng dạy.