Sử học là cách con người hình dung về trật tự và sự vận hành của thế giới thông qua việc lựa chọn những gì diễn ra trong quá khứ làm ví dụ minh họa. Sử học không phải (chỉ) là khoa học về quá khứ. Đó là ngành nghiên cứu về sự thay đổi (changes) của con người và xã hội loài người.
1. Về lịch sử
1.1. Lịch sử là gì?
Lịch sử, có thể nói đơn giản, là một danh từ dùng để chỉ quá khứ. Nó đồng thời chỉ hoạt động nghiên cứu sử học, khoa học về lịch sử. Nhận thức về lịch sử cũng là một phạm trù của lịch sử.
Như vậy, lịch sử có thể được hiểu là một môn khoa học nghiên cứu về quá khứ, đặc biệt là những sự kiện liên quan đến con người. Thuật ngữ này có liên quan đến các sự kiện trong quá khứ cũng như những ghi nhớ, phát hiện, thu thập, tổ chức, trình bày, giải thích và thông tin về những sự kiện đó.
1.2. Tại sao phải nghiên cứu lịch sử?
Nhu cầu tìm hiểu về quá khứ là một phần của loài người. Con người có tập tính xã hội, và một trong các biểu hiện là không kết nối với đồng loại của hiện tại mà còn của quá khứ, của tương lai. Bài học của quá khứ là những kinh nghiệm quý báu cho đời sau. Hiểu về quá khứ để tìm cách giới thiệu mình, khẳng định mình. Nghiên cứu lịch sử cũng là một cách để chiếm hữu quá khứ, để khẳng định hiện tại và tương lai.
Ví dụ, nghiên cứu lịch sử phong trào Tây Sơn, chúng ta có thể tiếp cận theo những phương pháp nào? Thông qua văn bản do Quang Trung phát hành, khảo cổ học di tích Quang Trung để lại, hoặc xem tài liệu người đương thời viết về Quang Trung (Tất nhiên, thời kỳ này vô cùng hỗn loạn, người đương thời có thể là phe Tây Sơn, thân Tây Sơn và thậm chí là thù Tây Sơn, nhà Thanh, giáo sĩ phương Tây.)
Vậy làm thế nào để có cái nhìn khách quan nhất về phong trào này? TS. Vũ Đức Liêm – Giảng viên / Nhà nghiên cứu tại Trường ĐHSP Hà Nội – đã đưa ra một cách thức như sau:
- Đầu tiên chúng ta có “Sự thật”: tất cả những tư liệu được kiểm chứng chặt chẽ.
- Diễn dịch sự kiện: ở bước này, chúng ta sẽ xem xét các sự kiện phản ánh điều gì.
- Từ đó tạo ra các diễn ngôn: lập luận của người viết, cách người viết hình dung sự việc, nội dung người viết muốn giới thiệu cho độc giả.
Đây là các khâu mà một nhà sử học sẽ làm. Lưu ý, chỉ có sự thật đã qua kiểm chứng là khách quan, còn lại hai bước sau có một phần tính chủ quan trong đó. Nền tảng kinh nghiệm, cách tiếp cận, mối quan tâm của người làm sử đều là những nhân tố có thể chi phối, làm ảnh hưởng đến cách họ tìm hiểu và viết về quá khứ.
2. Cuộc cạnh tranh của CÁC quá khứ
2.1. Tính khách quan và chủ quan của lịch sử
Nhận thức lịch sử có thể là nhận thức khách quan hay chủ quan luôn là câu hỏi lớn đặt ra cho mọi thời đại sử học. Những lí giải khác nhau giữa các trường phái sử học trên thế giới cho thấy đây là một vấn đề khó xác định.
Biểu hiện rõ nhất tính khách quan của lịch sử là thông qua các bằng chứng lịch sử. Bằng chứng lịch sử khác với bằng chứng pháp lý, bằng chứng về sự công nhận. Cuộc cạnh tranh của CÁC quá khứ phụ thuộc vào tính khách quan và chủ quan của người nghiên cứu lịch sử. Đối với các nhà chính trị, lịch sử là một phần trong tư duy của họ. Họ trở thành một yếu tố chi phối chủ thể nhận thức lịch sử – nhà sử học. Như ta đã bàn ở trên, lịch sử dựa trên sự diễn dịch của các bằng chứng, cho nên một khi quyền lực chính trị can thiệp vào, diễn dịch rất có thể bị thay đổi.
2.2. Tính quyền lực của lịch sử
Sức mạnh của lịch sử được kết tinh trong truyền thống và bản sắc. Quá khứ có thể không liên quan nhưng truyền thống và bản sắc liên quan đến tất cả mọi người. Truyền thống và bản sắc được coi là gắn với mỗi cá nhân, là sức sống của dân tộc, những điều không bao giờ mất. Việc diễn dịch lịch sử nghiễm nhiên trở thành cách nhanh nhất để đến gần hơn với trái tim của con người (thậm chí trước khi đến với “cái đầu”).
Toàn bộ sức mạnh của lịch sử nằm ở chủ nghĩa dân tộc. Nó vận hành giống như một tôn giáo, thôi thúc chúng ta hành động vì một lý tưởng, phóng chiếu từ quá khứ – câu chuyện về những thế hệ đi trước – truyền thống và bản sắc, những điều chúng ta phải giữ gìn.
Câu chuyện quyền lực thứ hai của lịch sử nằm ở việc chứng minh tính thuyết phục hành động của các chính quyền. Những điều này phản ánh quyền lực từ quá khứ, cách thể hiện mình. Ai chiếm hữu quá khứ sẽ chiếm hữu hiện tại và tương lai. Người viết sử sẽ định hình cách nhìn về hiện tại và tương lai.
Chức năng quyền lực của sử
“Who controls the past controls the future, who controls the present controls the past” (George Orwell)
Tạm dịch là: “Ai kiểm soát quá khứ sẽ kiểm soát được tương lai, ai kiểm soát hiện tại sẽ kiểm soát được quá khứ”
3. Bản sắc
3.1. Khái niệm Bản sắc
Trong tiếng Việt, bản sắc là cái gắn với chúng ta, những gì không bao giờ mất đi, không bao giờ thay đổi. Dưới góc nhìn của người phương Tây, bản sắc (identity) là niềm tin về những điều thuộc về một cộng đồng nhất định. Như vậy, có sự khác nhau trong quan niệm về bản sắc, nhưng có một điểm chung là “bản sắc gắn liền với cộng đồng”. Dù là bản sắc văn hóa, bản sắc triết học hay bản sắc tư duy thì vẫn không có bản sắc nào nằm ngoài cộng đồng.
3.2. Quan hệ của sử học và bản sắc
Nếu coi văn hóa là tập hợp rộng nhất, bao gồm tất cả những thành tựu vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra thì truyền thống là một phần nằm trong đó. Và những yếu tố không bị mất đi của truyền thống ấy chính là bản sắc.
Không ở đâu có nguồn nguyên liệu phong phú như quá khứ để tìm về bản sắc. Quá khứ chính là mỏ quặng để bản sắc khai thác. Vào mỗi thời kỳ khác nhau người ta lựa chọn những đặc điểm khác nhau, yếu tố khác nhau cho bản sắc của mình.
3.3. Đặc trưng
Một số đặc trưng của bản sắc có thể kể đến như tính đa nguyên của nó, tính kiến tạo và tính biến đổi.
Vậy thì điều gì định hình bản sắc? Bản sắc, trong quá trình hình của nó, bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố. Điều gì quyết định đến việc lựa chọn bản sắc hay giới thiệu bản sắc? Đằng sau nó là câu chuyện quyền lực chính trị, lợi ích, văn hóa, cách chúng ta hình dung về mình và quan trọng nhất là cách chúng ta muốn người bên ngoài hình dung về chúng ta. Tính ý đồ, tính mục tiêu, tính khả dụng của bản sắc đều tham gia vào quá trình định hình ấy.
4. Lịch sử dân tộc và bản sắc dân tộc
4.1. Lịch sử dân tộc
Các cộng đồng người đã trải qua rất nhiều hình thái, từ thị tộc, bộ lạc đến nhà nước, quốc gia dân tộc hiện đại. Phạm vi ảnh hưởng của dân tộc không chỉ dừng lại ở mỗi cá nhân, hay mỗi quốc gia mà thậm chí là toàn cầu. Dân tộc ra đời đồng thời hình thành chủ nghĩa dân tộc. Để giải quyết vấn đề chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa khu vực ra đời. Ngày nay, thêm một chủ nghĩa mới xuất hiện – chủ nghĩa toàn cầu.
4.2. Bản sắc dân tộc
Thời điểm hiện tại, chúng ta đang hỗn loạn với chủ nghĩa khu vực và toàn cầu. Rất nhiều vấn đề của chúng ta là vấn đề khu vực và toàn cầu nhưng chúng ta lại chưa có một cơ chế toàn cầu chung thống nhất. Nói chung, bản sắc sẽ thay đổi theo quy luật vận động và phát triển của thế giới.
Dẫu vậy, ở thời điểm nào, bản sắc dân tộc vẫn sẽ là tiền đề, cơ sở để mỗi quốc gia tìm thấy điểm tựa và nguồn lực nội sinh cho sự phát triển. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Người Việt Nam luôn có ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc, thể hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống, trong cách sản xuất, tư duy, trong ứng xử với tự nhiên và xã hội…
Biên tập từ tư liệu buổi học của lớp Libero21 do TS. Vũ Đức Liêm, Giảng viên – Nhà nghiên cứu lịch sử tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội hướng dẫn.