Qua hàng thiên niên kỷ, nhân loại đã bị choáng ngợp bởi mối liên kết giữa cá nhân và xã hội. Nhiều nỗ lực nghiên cứu của các nhà triết học cổ đại mô tả về một xã hội lý tưởng vẫn được nghiên cứu trong xã hội học hiện đại, bao gồm các lý thuyết về xung đột xã hội, kinh tế, sự gắn kết xã hội, quyền lực (Hannoum, 2003). Mặc dù chúng ta quen thuộc hơn với các triết gia phương Tây như Plato và học trò của ông là Aristotle, nhưng những nhà triết học phương Đông cũng có lý luận riêng về các vấn đề xã hội.
Mãi cho tới gần đây, chúng ta mới có được một vài ghi chép không mang màu sắc tôn giáo lý thuyết hóa về đời sống xã hội. Từ thế kỉ IV – thế kỷ XIX, Giáo hội Công Giáo là trung tâm quyền lực, trải dài từ Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay ở phía đông tới phía tây và bắc Châu u, bao gồm cả Quần đảo Anh. Các tu sĩ được giao chép tay lại kinh thánh, và cũng chỉ dành cho giới quý tộc biết đọc viết vào thời đó. Giáo hội ngày một củng cố quyền lực. Năm 800, Giáo Hoàng Leo III đã phong Charlemagne, vua của Francia (ngày nay là Pháp, Bỉ, Hà Lan và Đức) tước hiệu Hoàng đế của Đế chế La Mã Thần thánh, trao cho quyền lực kiểm soát hầu hết Châu u. Bằng cách đó, Giáo hội Công Giáo củng cố quyền lực truyền thống của mình và bảo vệ khỏi những người theo tôn giáo khác. Bất cứ ai có niềm tin nào chống lại đức tin của Giáo hội sẽ bị coi là kẻ ngoại đạo, bị thảm sát hoặc hoả thiêu trên cọc. Do vậy mà các ghi chép còn sót lại đến ngày nay đều mang nặng tính chủ quan và không đưa ra một cái nhìn khách quan về thực tiễn xã hội thời đó.
Vào thế kỉ thứ XIII, sử gia Trung Hoa – Mã Đoan Lâm là người đầu tiên ghi lại về động học xã hội và sự thúc đẩy tiến trình lịch sử, trong cuốn bách khoa toàn thư trứ danh Văn hiến thông khảo.
Đến thế kỷ XIV, sử gia Tunisia – Ibn Khaldun (1332 – 1406) đã đặt nền móng cho xã hội học và kinh tế hiện đại. Khaldun đã đưa ra lý thuyết về xung đột xã hội, đặt ra so sánh về cuộc sống du cư và cuộc sống định cư, phân tích về kinh tế chính trị và nghiên cứu về sự liên quan giữa gắn kết xã hội trong bộ lạc và khả năng thâu tóm quyền lực. Những nghiên cứu của Khaldun đặt ông vào vị thế chống lại các nhà cầm quyền thời đó. Khi các nhà xã hội học càng đào sâu vào những vấn đề của xã hội, họ càng dễ trở thành trung tâm của sự tranh cãi.
Từ 1347 – 1522, dịch hạch tràn qua Châu u, cướp đi sinh mạng của 35% dân số thời đó (Armstrong, 2019). Dịch bệnh đã giáng một đòn mạnh vào uy tín của Giáo hội Công giáo. Từ sự hỗn loạn này đã xuất hiện các tác phẩm của Copernicus, Galileo, Leonardo, Newton, Linnaeus và các triết gia khác chống lại các giáo lý của nhà thờ. Những sự kiện từng được rao giảng là sản phẩm của đấng tạo hoá, giờ đây lại có thể được giải thích bằng các giả thuyết khoa học, có thể kiểm chứng và các giả thuyết có thể kiểm chứng lại. Thông qua những cuộc chinh phạt và thuộc địa hoá, việc biết chữ bắt đầu được lan rộng, nhiều hồ sơ và tài liệu sẵn có tạo điều kiện các nhà sử học và xã hội học cùng nhau đưa ra các mảnh ghép xã hội.
Vào thế kỉ thứ XVIII, những nhà Triết học khai sáng đã đưa ra các nguyên lý cơ bản nhằm lý giải đời sống xã hội. Những nhà tư tưởng như John Locke, Françoi-Marie Arouet (Voltaire), Immanuel Kant và Thomas Hobbes đã phản ứng với những gì họ coi là tệ nạn xã hội bằng cách viết các tác phẩm với hy vọng dẫn đến cải cách xã hội. Mary Wollstonecraft (1759 – 1797) viết về các điều kiện của người phụ nữ trong xã hội. Giống như Harriet Martineau và Jane Addams, các tác phẩm của bà không được coi trọng bởi tư tưởng trọng nam khinh nữ trong giới học thuật bấy giờ, nhưng từ những năm 1970 đổ đi, Wollstonecraft đã được coi như nhà nữ quyền nổi bật đầu tiên. Những ý tưởng về hệ thống kinh tế, gia đình, sức khoẻ, quốc phòng là những mối quan tâm hàng đầu trong xã hội thời đó.
Đầu thế kỷ XIX chứng kiến những biến chuyển lớn lao của thời thế, với cuộc Cách mạng Công nghiệp, sự cơ động được gia tăng và xuất hiện của những ngành nghề mới. Đó cũng là thời kỳ của của giao thương, du lịch và toàn cầu hoá, nơi nhiều người lần đầu tiên tiếp xúc với những xã hội bên ngoài cộng đồng của họ. Hàng triệu người chuyển tới các thành thị và rất nhiều người quay trở lại với những đức tin tôn giáo truyền thống của họ. Trong số các nhà triết học mới nổi, một số người tin rằng họ có thể lý giải tất cả mọi thứ.
Kiến tạo triết lý: Phương Tây
Auguste Comte (1798 – 1857)
Thuật ngữ “xã hội học” được đưa ra lần đầu năm 1780 bởi nhà tiểu luận người Pháp Emmanuel-Joseph Sieyès (1748 – 1836) trong một bản thảo chưa từng được công bố (Fauré et al. 1999). Năm 1838, thuật ngữ này được nhắc lại bởi Auguste Comte (1798 – 1857). Comte ban đầu có ý định trở thành một kỹ sư, nhưng về sau đã theo học nhà triết học xã hội Claude Henri de Rouvroy Comte de Saint-Simon (1760 – 1825). Cả hai người đều cho rằng các nhà khoa học xã hội có thể sử dụng các phương pháp nghiên cứu tương tự trong khoa học tự nhiên. Comte cũng tin vào khả năng thay đổi xã hội theo hướng tốt hơn của các nhà khoa học xã hội. Ông quả quyết rằng, một khi các học giả đã xác định được quy luật vận hành của xã hội, họ có thể giải quyết những vấn đề như thiếu giáo dục và đói nghèo (Abercrombie et al. 2000).
Comte đặt tên cho nghiên cứu về xu thế xã hội của mình là chủ nghĩa thực chứng (positivism). Ông giải thích rõ hơn triết lý của mình trong cuốn The Course in Positive Philosophy (Triết học thực chứng) (1830 – 1842) và A General View of Positivism (Tổng quan về chủ nghĩa thực chứng) (1848). Ông tin rằng việc nêu lên quy luật vận động của xã hội và các cá nhân sẽ mở ra một kỉ nguyên lịch sử “thực chứng” mới. Dù cho bộ môn nghiên cứu này và các thuật ngữ của nó đã có sự phát triển, các nhà xã hội học vẫn tin vào những ảnh hưởng tích cực từ nghiên cứu của họ.
Harriet Martineau (1802 – 1876)
Harriet Martineau giới thiệu xã hội học đến với các học giả nói tiếng Anh thông qua bản dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Anh của bà về các ghi chép của Comte. Bà là nhà phân tích thời kỳ đầu các hoạt động xã hội, bao gồm kinh tế, giai cấp, tôn giáo, tự tử, chính phủ và nữ quyền. Sự nghiệp của bà bắt đầu với tác phẩm Illustrations of Political Economy (Minh hoạ về kinh tế chính trị) nhằm giáo dục người dân về các nguyên tắc kinh tế (Johnson, 2003). Về sau, bà phát triển phương pháp so sánh quốc tế có hệ thống đầu tiên về các tổ chức xã hội trong hai tác phẩm tên tuổi: Society in America (Xã hội Hoa Kỳ) (1837) và Retrospect of Western Travel (Hồi ký du lịch Phương Tây) (1838).
Martineau nhận thấy hoạt động của chủ nghĩa tư bản mâu thuẫn với các nguyên lý đạo đức được tuyên bố của người dân Hoa Kỳ. Bà chỉ ra những lỗ hổng của nền kinh tế thị trường, ở đó người lao động bị bóc lột trong khi các chủ doanh nghiệp ngày một giàu có. Bà lưu ý thêm, niềm tin rằng mọi con người sinh ra đều có quyền bình đẳng là không nhất quán với việc quyền của phụ nữ trong xã hội luôn thấp hơn. Cũng như Mary Wollstonecraft, các khám phá của Martineau không được coi trọng vào thời đó bởi tư tưởng trọng nam khinh nữ trong giới học thuật.
Karl Marx (1818 – 1883)
Karl Marx là nhà triết học, nhà kinh tế học người Đức. Năm 1848, ông cùng người đồng chí của mình là Friedrich Engels (1820 – 1895) đã viết tác phẩm The Communist Manifesto (Tuyên ngôn Đảng Cộng sản), một trong những bản thảo chính trị có sức ảnh hưởng nhất trong lịch sử. Trong tác phẩm, Marx đã trình bày về lý thuyết xã hội trái ngược với xã hội được Comte đề xuất.
Marx phản bác lại chủ nghĩa thực chứng của Comte, cho rằng xã hội phát triển và thay đổi là kết quả của cuộc đấu tranh giữa các giai cấp xã hội khác nhau để giành lấy tư liệu sản xuất. Thời điểm Marx phát triển học thuyết của mình, cuộc Cách mạng công nghiệp và sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa tư bản đã dẫn đến khoảng cách lớn về giàu nghèo giữa các chủ nhà máy và công nhân. Chủ nghĩa tư bản, mô hình kinh tế mang tính tư hữu hàng hoá và tư liệu sản xuất đã bám rễ ở nhiều quốc gia thời đó.
Marx tiên đoán rằng sự bất bình đẳng mà chủ nghĩa tư bản mang lại sẽ trở nên vượt ngoài tầm kiểm soát, dẫn đến sự nổi dậy của tầng lớp lao động. Cuối cùng, chủ nghĩa tư bản sẽ sụp đổ, nhường chỗ cho chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản loại bỏ hoàn toàn quyền tư hữu, tất cả tài sản được thuộc sở hữu công, được phân phối theo nhu cầu. Marx tin rằng chủ nghĩa cộng sản là mô hình đem lại sự công bằng vượt lên chủ nghĩa tư bản.
Mặc dù các dự đoán kinh tế của Marx không thành hiện thực trong khung thời gian mà ông dự đoán, ý tưởng của Marx rằng xung đột xã hội dẫn đến thay đổi trong xã hội vẫn là một trong những lý thuyết chính được sử dụng trong xã hội học hiện đại.
Herbert Spencer (1820 – 1903)
Năm 1873, triết gia người Anh Herbert Spencer xuất bản cuốn The Study of Sociology (Nghiên cứu xã hội học), cuốn sách đầu tiên mang thuật ngữ “xã hội học” trong tiêu đề. Spencer bác bỏ hầu hết lý thuyết của Comte, cũng như thuyết đấu tranh giai cấp và ủng hộ chủ nghĩa cộng sản của Marx. Thay vào đó, ông ủng hộ mô hình chính phủ cho phép các nguồn lực thị trường kiểm soát chủ nghĩa tư bản. Nghiên cứu của ông đã có ảnh hưởng tới nhiều nhà xã hội học thời kỳ đầu như Émile Durkheim (1858 – 1917). Spencer sử dụng nghiên cứu của Darwin làm tương quan so sánh, nói rằng, ”Sự sống còn của kẻ thích nghi nhất, như tôi đã cố gắng để diễn giải bằng thuật ngữ cơ học, cũng tương tự như cách Darwin định nghĩa về “chọn lọc tự nhiên”, hay sự bảo toàn của các giống loài được chọn trong nỗ lực giành giật sự sống”. Tuyên bố này vẫn thường bị hiểu sai và được đưa ra bởi những người tin vào sự vượt trội của chủng tộc này so với chủng tộc khác.
George Simmel (1858 – 1918)
George Simmel là nhà phê bình nghệ thuật Đức, người viết về nhiều chủ đề chính trị và xã hội. Simmel có lập trường phản thực chứng và thường xuyên đề cập đến các vấn đề như mâu thuẫn xã hội, vai trò của tiền tệ, bản sắc cá nhân nơi thành thị, và nỗi sợ ngoại lai của người Châu u (Stapley 2010). Phần lớn các tác phẩm của ông tập trung vào các lý thuyết vi mô và phân tích chức năng của mô hình 2 người và 3 người, cũng như nhấn mạnh văn hoá cá nhân đại diện cho tính sáng tạo của mỗi người (Ritzer và Goodman 2004).
Émile Durkheim (1858 – 1917)
Émile Durkheim có công hình thành bộ môn xã hội học thành một ngành học chính thức bằng cách thành lập khoa xã hội học châu u đầu tiên tại Đại học Bordeaux vào năm 1895 và xuất bản sách Rules of the Sociological Method (Các quy tắc của phương pháp xã hội học) năm 1895. Trong Division of Labour in Society (Phân chia lao động trong xã hội) (1893), Durkheim tiếp tục trình bày lý thuyết của mình về cách các xã hội chuyển đổi từ một nhà nước nguyên thủy thành một xã hội tư bản, công nghiệp. Theo ông, con người đạt được đến cấp bậc nhất định trong xã hội thông qua đóng góp cá nhân.
Durkheim tin rằng các nhà xã hội học có thể nghiên cứu về các sự kiện xã hội khách quan (Poggi, 2000) để xác định liệu một xã hội có đang “khoẻ mạnh” hay “bệnh tật” gì không. Xã hội “khoẻ mạnh” có tính ổn định, trong khi xã hội “bệnh tật” có những biểu hiện suy giảm trong các chuẩn mực xã hội.
Vào năm 1897, Durkheim quyết định chứng minh các nguyên tắc nghiên cứu xã hội của mình khi ông xuất bản cuốn Suicide (Tự sát). Ông kiểm tra số liệu thống kê về những ca tự sát tại các quận để tìm hiểu sự khác biệt giữa cộng đồng Công Giáo và Tin Lành và kết luận rằng sự khác biệt là do các yếu tố tôn giáo xã hội thay vì các nguyên nhân về tâm lý hay cá nhân.
Max Weber (1864 – 1920)
Nhà nghiên cứu xã hội nổi tiếng là Max Weber đã thành lập một khoa xã hội học trực thuộc Đại học Ludwig Maximilians University, Munich, Đức vào năm 1919. Ông viết rất nhiều về các vấn đề bao gồm biến động chính trị tại Nga và những nhân tố xã hội đã thúc đẩy tầng lớp lao động đứng lên. Ông được biết đến nhiều nhất với tác phẩm The Protestant Ethic and the Spirit of Capitalism (Nền Đạo đức Tin Lành và Tinh thần Chủ nghĩa Tư bản) (1904) mà tới nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Một số người tin rằng Weber đã ám chỉ niềm tin của nhiều tín đồ Tin Lành, đặc biệt những người ủng hộ thuyết Calvin, đã dẫn tới sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản. Số khác lại khẳng định, nó đơn giản chỉ tuyên bố rằng tư tưởng về chủ nghĩa tư bản và Tin Lành bổ sung qua lại cho nhau.
Weber tin việc sử dụng các phương pháp khoa học căn bản để dự đoán chính xác hành vi của các nhóm người như một vài nhà xã hội học mong muốn, là cực kì khó, nếu không muốn nói là bất khả thi. Weber biện luận rằng cần phải tính đến ảnh hưởng của văn hoá lên hành vi con người. Điều này áp dụng cho cả các nhà nghiên cứu, những người ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi các thiên kiến về mặt văn hoá khi thực hiện các nghiên cứu. Để giải quyết vấn đề này, Weber và Wilhelm Dilthey giới thiệu thuật ngữ mới verstehen, một từ tiếng Đức có nghĩa là “hiểu sâu”. Nhằm đạt được verstehen, những người quan sát một xã hội từ bên ngoài (xã hội này có thể là cả một nền văn hoá, hoặc trong một thiết lập nhỏ) cố gắng để hiểu được các giá trị từ góc nhìn của người trong cuộc.
Trong cuốn The Nature of Social Action (Hành động xã hội), Weber mô tả xã hội học là nỗ lực “giải mã ý nghĩa của hành động xã hội, từ đó đưa ra giải thích nhân quả về cách hành động diễn ra và kết quả nó tạo ra”. Cùng những người lý tưởng tương thông, Weber đưa ra triết lý phản thực chứng, nhờ đó các nhà xã hội học sẽ theo đuổi tính khách quan khi tái hiện các quy trình xã hội, phong tục tập quán, giá trị cộng đồng. Phương thức tiếp cận này dẫn tới sự xuất hiện của các phương pháp nghiên cứu mới, hướng tới việc nhận thức xã hội một cách có hệ thống, thay vì dự đoán hoặc khái quát hoá.
Các phương pháp tiếp cận nghiên cứu dựa trên chủ nghĩa thực chứng hoặc phản thực chứng thường được coi như nền tảng phân tách xã hội học định tính và xã hội học định lượng ngày nay. Xã hội học định tính sử dụng các phương pháp thống kê như khảo sát số lượng lớn. Các nhà nghiên cứu phân tích dữ liệu thu thập dựa trên các phương pháp thống kê để tìm ra các đặc điểm hành vi con người. Xã hội học định lượng dựa vào các cuộc phỏng vấn chuyên sâu, phỏng vấn nhóm tập trung hay phân tích nguồn thông tin (báo chí, sách vở, các phương tiện truyền thông) để tìm hiểu về hành vi con người.
Áp dụng lý thuyết: Những gương mặt từ Hoa Kỳ
Vào những năm đầu thế kỷ XX, xã hội học đã được đưa vào các trường đại học tại Hoa Kỳ. William Sumner là quyền giáo sư giảng dạy bộ môn này đầu tiên tại Đại học Yale, Franklin Giddings là giáo sư đầu tiên tại Đại học Columbia, và Albion Small là người biên soạn cuốn sách đầu tiên về xã hội học. Các nhà xã hội học Mỹ thời kỳ đầu đã thử nghiệm và áp dụng các lý thuyết của Châu u, trở thành các gương mặt đi đầu trong giới nghiên cứu. Lester Ward (1841 – 1913) phát triển phương pháp nghiên cứu xã hội và ủng hộ cho việc sử dụng các phương pháp khoa học định lượng nhằm đánh giá hiệu quả của các chính sách công. Để xã hội học nhận được sự tôn trọng trong giới học thuật Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu xã hội hiểu rằng, họ buộc phải sử dụng các phương pháp thực nghiệm.
W.E.B. Du Bois (1868 – 1963)
William Edward Burghardt (W.E.B.) Du Bois, một học giả xuất thân từ đại học Harvard là người tiên phong trong việc áp dụng phương pháp luận thực chứng. Nghiên cứu trong hai năm 1896 – 1897 về các cộng đồng người Mỹ gốc Phi ở Philadelphia đã gây chấn động với hàng trăm cuộc phỏng vấn được thực hiện nhằm ghi lại cấu trúc gia đình và việc làm, từ đó đánh giá những thử thách chính mà cộng đồng này phải đối mặt. Các phương pháp nghiên cứu mới và chuyên sâu này của Du Bois trái ngược hoàn toàn so với các phương pháp thiếu khoa học thời đó mà chính Du Bois cũng coi là “cưỡi ngựa xem hoa”. Cách làm của Du Bois đã tiên phong và để lại ảnh hưởng tới các phương pháp nghiên cứu về sau. Thêm vào đó, bản công bố năm 1899 của Du Bois cũng đưa ra các bằng chứng xác thực nhằm chống lại tư tưởng ngụy khoa học về phân biệt chủng tộc trong khoa học, thứ đã được dùng làm căn cứ nhằm đàn áp những người thuộc các chủng tộc khác.
Du Bois cũng đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực đòi quyền lợi cho người Da màu. Lo lắng trước sự tiến bộ chậm chạp của các phong trào đấu tranh, cũng như từ những lời khuyên của một số nhà lãnh đạo Da màu, Du Bois đã đứng lên lãnh đạo phong trào đấu tranh mà sau này được gọi là phong trào Niagara. Năm 1905, ông cùng những đồng nghiệp khác đã soạn thảo ra một bản tuyên ngôn, yêu cầu quyền bình đẳng chính trị – kinh tế – xã hội cho người Mỹ gốc Phi ngay lập tức. Vài năm sau, ông là một trong những người hỗ trợ thành lập nên Hiệp hội Quốc gia về sự tiến bộ của người da màu (NAACP) và giữ vai trò giám đốc xuất bản.
Thorsten Veblen (1857 – 1929)
Sau một thời gian ngắn thất nghiệp sau khi ra tốt nghiệp, Thorstein Veblen bắt đầu nghiên cứu nền kinh tế dưới lăng kính xã hội, viết bài về những tầng lớp giải trí, tầng lớp kinh doanh, hay các chủ đề khác về “việc làm”. Ông nhắm vào các đối tượng thất nghiệp lâu năm, đang thất nghiệp, tầng lớp lao động, và ảnh hưởng của kinh doanh và công nghiệp trong xã hội. Veblen được biết tới là đồng sáng lập của nhánh (trường phái) kinh tế học thể chế.
Jane Addams (1860 – 1935)
Jane Addams đã sáng lập ra Hull House, một trung tâm hỗ trợ người nhập cư nghèo thông qua các chương trình giáo dục và hoà nhập xã hội, đồng thời đem lại nhiều cơ sở cho việc nghiên cứu xã hội học. Được lập ở Chicago, Addams đã hợp tác chặt chẽ cùng khoa Xã hội học trực thuộc Đại học Chicago, trong việc thiết lập lý thuyết mới dựa trên môi trường phát triển các mối quan hệ và hành vi. Các nghiên cứu được thực hiện ở Hull House xoay quanh các chủ đề về lao động trẻ em, người nhập cư, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng và các chính sách công khác.
Charles Horton Cooley (1864 – 1929)
Charles Horton Cooley khẳng định các cá nhân luôn tìm cách so sánh bản thân với người khác nhằm tái đánh giá bản thân với các chuẩn mực xã hội, từ đó có được cảm giác rằng mình vẫn thuộc về cộng đồng. Cooley gọi ý tưởng này là “cái tôi trong gương”, lý luận rằng cách chúng ta nhìn nhận bản thân mình phụ thuộc rất nhiều vào góc nhìn đánh giá của những người xung quanh. Nếu có ai đó phản ứng tích cực với hành vi của ta, ta sẽ có xu hướng tiếp tục thực hiện hành vi đó. Trong các tác phẩm Human Nature and the Social Order (Bản chất con người và Thứ bậc Xã hội) (1902) và Social Organization (Tổ chức xã hội) (1909), Cooley dành phần lớn nội dung để viết về thứ bậc cuộc sống. Ông tỏ ra vô cùng lo lắng trước sự lớn mạnh của chủ nghĩa cá nhân và sự cạnh tranh trong xã hội Hoa Kỳ, sợ rằng điều đó sẽ gây tổn hại tới giá trị của các gia đình.
George Herbert Mead (1863 – 1931)
George Herbert Mead là một triết gia và nhà xã hội học, được biết đến với các công trình về cách các quy trình xã hội phát triển tâm trí và bản ngã ở con người (Crook, n.d). Ông lập luận rằng, tương tác với những cá nhân khác có ảnh hưởng lớn đến cách một người nhìn nhận bản thân mình. Dù có tương tự như định nghĩa về “cái tôi trong gương” của Cooley, Mead cảm thấy phản ứng của một cá nhân tới đánh giá tiêu cực/tích cực còn phụ thuộc vào người nhận xét là ai. Các cá nhân có tác động lớn nhất đến cuộc sống của một người là những người có ảnh hưởng lớn (significant others), trong khi những người bình thường (generalized others) đại diện cho quan điểm của một nhóm xã hội. Cùng với Cooley và Erving Goffman, Mead được coi là cha để của Lý thuyết tương tác biểu trưng.
Robert E.Park (1864 – 1944)
Robert E. Park được biết tới là người sáng lập ra bộ môn sinh thái học xã hội. Là một người theo trường phái Chicago, Park tập trung tìm hiểu cách các cá nhân sống trong môi trường của mình. Là một trong những nhà xã hội học hướng tới các dân tộc thiểu số, ông đã viết về sự đàn áp của thực dân Bỉ với người Congo. Sau khi trở về Mỹ, ông cùng Ernest Burgess nghiên cứu về các đô thị. Cả hai đi đến kết luận: Những hỗn loạn xã hội là không thể tránh khỏi, dù thành phần dân cư ở khu vực đó là ai; nói cách khác, thành phần dân cư không phải nguyên nhân đằng sau những hỗn loạn nơi đô thị, mà là chính môi trường sống.
— Trích dịch từ cuốn sách Introduction to Sociology 3e trên Openstax