Great Books of the Western World (Great Books) là một bộ sách được xuất bản lần đầu vào năm 1952 bởi Encyclopaedia Britannica, được biên tập của Robert Maynard Hutchins, hiệu trưởng Đại học Chicago và Mortimer Adler, nhà triết học giáo dục nổi tiếng, nhằm mục đích tổng hợp những tác phẩm kinh điển quan trọng nhất của nền văn minh phương Tây. Những tác phẩm trong bộ sách không được chọn dựa trên tính đa dạng văn hóa, mà dựa vào tầm ảnh hưởng và giá trị lịch sử của chúng đối với sự phát triển của tri thức nhân loại.
Bộ sách ban đầu bao gồm 54 tập, chứa khoảng 443 tác phẩm từ 74 tác giả, trải dài từ triết học cổ đại đến khoa học hiện đại, văn học và chính trị. Phiên bản thứ hai của bộ Great Books được xuất bản năm 1990, bao gồm 60 tập và bổ sung thêm nhiều tác phẩm quan trọng từ thế kỷ 20.
Các lĩnh vực
Great Books bao gồm nhiều lĩnh vực đa dạng, phản ánh sự phát triển của tư duy phương Tây qua hàng thế kỷ. Bộ sách gồm nhiều tác phẩm kinh điển từ các lĩnh vực triết học, khoa học, văn học, chính trị và tôn giáo… Bộ sách được thiết kế nhằm giúp người học phát triển khả năng tư duy phê phán, khả năng giải quyết vấn đề, và hiểu biết sâu sắc về các giá trị văn hóa và tri thức nhân loại. Bằng cách đọc và thảo luận về những tác phẩm này, người học được tham gia vào “The Great Conversation” (tạm dịch “những cuộc hội thoại lớn”) về các vấn đề cơ bản của con người, xã hội và vũ trụ. Điều này giúp người đọc mở rộng tầm nhìn, hiểu rõ hơn về các vấn đề đương đại và phát triển tư duy toàn diện.
- Triết học (Philosophy): là trụ cột quan trọng của bộ sách. Các tác phẩm triết học bao gồm từ các triết gia cổ đại như Plato (The Republic – Cộng hòa), Aristotle (Nicomachean Ethics – Đạo đức học Nicomachea), đến các triết gia hiện đại như Immanuel Kant (Critique of Pure Reason – Phê phán lý tính thuần túy)… Những tác phẩm này đại diện cho sự phát triển của triết học phương Tây, từ nền tảng đạo đức và chính trị đến những vấn đề siêu hình học và nhận thức luận.
- Khoa học (Science): Các tác phẩm trong lĩnh vực này bao gồm các nghiên cứu và lý thuyết khoa học của Isaac Newton (Mathematical Principles of Natural Philosophy – Nguyên lý toán học của triết học tự nhiên), Charles Darwin (On the Origin of Species – Nguồn gốc các loài) và Galileo Galilei (Dialogue Concerning the Two Chief World Systems – Đối thoại về hai hệ thống thế giới chính)… Những khám phá này đã thay đổi hoàn toàn cách con người hiểu về thế giới tự nhiên, đặt nền tảng cho khoa học hiện đại.
- Văn học (Literature): Văn học trong Great Books không chỉ đại diện cho nghệ thuật ngôn từ mà còn phản ánh những giá trị nhân sinh, luân lý và xã hội qua các thời kỳ lịch sử khác nhau. Các tác phẩm văn học trong bộ sách gồm những kiệt tác như Homer (The Iliad và The Odyssey), Dante Alighieri (Divine Comedy – Thần khúc) và Shakespeare (Hamlet, Macbeth).
- Chính trị và Luật học (Politics and Law): gồm các tác phẩm chính trị và pháp luật quan trọng, định hình những lý thuyết về quyền lực, chính phủ, và sự phân bổ của cải trong xã hội, là nền tảng cho các hệ thống chính trị và kinh tế hiện đại, như Niccolò Machiavelli (The Prince – Quân vương), John Locke (Two Treatises of Government – Hai luận thuyết về chính quyền), và Karl Marx (Das Kapital – Tư bản luận).
- Lịch sử (History): gồm các tác phẩm lịch sử nổi tiếng như Herodotus (The Histories – Lịch sử), Edward Gibbon (The History of the Decline and Fall of the Roman Empire – Lịch sử suy tàn và sụp đổ của Đế chế La Mã) …
- Tôn giáo và Thần học (Religion and Theology): Tôn giáo đóng vai trò cốt lõi trong sự hình thành các giá trị văn hóa và đạo đức của phương Tây. Các tác phẩm tôn giáo như Kinh Thánh (The Bible) và St. Augustine (Confessions – Thú tội) được đưa vào để phản ánh vai trò của tôn giáo trong đời sống tinh thần và chính trị phương Tây.
- Toán học (Mathematics): như Euclid (Elements – Cơ bản) là những nền tảng quan trọng của toán học cổ điển, là nguồn tư liệu quan trọng trong việc giáo dục toán học và lý thuyết số học.
Tiêu chí đưa một cuốn sách vào Great Books
Ban đầu các biên tập viên có ba tiêu chí để đưa một cuốn sách vào loạt sách này, dựa trên nền văn minh phương Tây: cuốn sách phải có liên quan đến các vấn đề hiện đại, không chỉ quan trọng trong bối cảnh lịch sử; cuốn sách phải mang lại giá trị khi đọc lại nhiều lần liên quan đến giáo khai phóng; và cuốn sách phải là một phần của “The Great Conversation” (Tạm dịch: Những cuộc hội thoại lớn), có liên quan đến ít nhất 25 trong số 102 “Great Ideas” (Tạm dịch: Những ý niệm lớn). Những cuốn sách được chọn không dựa trên tính đa dạng về chủng tộc và văn hóa và cũng không dựa trên việc các biên tập viên có đồng ý với quan điểm của các tác giả hay không.
Ý nghĩa của bộ sách đối với tư duy hiện đại
Great Books không chỉ là một bộ sưu tập các tác phẩm quan trọng của phương Tây, mà còn là một biểu tượng của sự kết nối giữa tri thức cổ điển và những vấn đề đương đại. Những tác phẩm trong bộ sách này đã đóng góp lớn vào sự phát triển của tri thức nhân loại qua nhiều thế kỷ, và thông qua đó, thúc đẩy sự phát triển của tư duy hiện đại.
Các ý tưởng về dân chủ, quyền lực, khoa học, và đạo đức được thảo luận trong các tác phẩm của Aristotle, Shakespeare, Newton, và Machiavelli vẫn giữ nguyên giá trị cho đến ngày nay. Chẳng hạn như, The Republic của Plato tiếp tục là nguồn cảm hứng cho các cuộc thảo luận về chính trị và xã hội, trong khi các tác phẩm của Einstein và Freud thách thức chúng ta suy nghĩ lại về bản chất con người và vũ trụ.
Great Books cũng đã thúc đẩy việc phát triển tư duy phê phán trong giới học thuật và giáo dục. Các trường đại học và chương trình giáo dục khai phóng dựa trên Great Books đã tạo ra một môi trường học tập khuyến khích đối thoại, nghiên cứu và phản biện. Điều này không chỉ phát triển khả năng tư duy mà còn giúp sinh viên hiểu rõ hơn về vai trò của tri thức trong đời sống xã hội.