Trong guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, cha mẹ thường bận rộn với những mục tiêu ngắn hạn mà đôi khi quên đi những giá trị bền vững được hun đúc từ ngàn đời. Nuôi dạy con cái không chỉ là truyền đạt kiến thức, chăm sóc cho con mà còn là gieo mầm những giá trị tốt đẹp, giúp con người hoàn thiện bản thân.
Bài viết này sẽ cùng cha mẹ khám phá những giá trị tinh hoa trong truyền thống văn hóa Việt Nam và cách áp dụng chúng vào việc nuôi dạy con cái trong thời đại mới được tổng hợp từ buổi Cà phê giáo dục số 1 với chủ đề “Dạy con từ tinh hoa truyền thống” của TS. Bùi Trân Phượng dưới sự dẫn dắt của nhà hoạt động giáo dục Dương Trọng Tấn.
Giá trị truyền thống luôn chuyển biến cùng thời gian
Cách chúng ta nuôi dạy con cái chịu ảnh hưởng sâu sắc từ quá khứ. Đó có thể là quá khứ gần (giây phút chúng ta vừa lỡ tức giận với con cái vô cớ sau một ngày làm việc căng thẳng) hoặc quá khứ xa hơn (những ký ức tuổi thơ, những tổn thương thời thơ ấu) và cả những văn hóa từ xa xưa mà ta có thể chưa biết.
Trong suốt thời gian hình thành và phát triển, văn hóa Việt Nam không hề đóng kín mà luôn tiếp thu những tinh hoa của các nền văn hóa khác. từ nền văn minh lúa nước, văn minh Đông Nam Á, văn minh Trung Hoa cho đến văn minh phương tây. Những giá trị bản địa kết hợp cùng những giá trị mới là một kho tàng quý báu mà chúng ta cần gìn giữ và phát huy.
Đó là những giá trị truyền thống tốt đẹp có từ thời xa xưa và không hề lạc hậu so với thời đại như:
- Ý thức về nghĩa vụ: đạo làm người, làm dân (quốc dân đồng bào), làm gia trưởng, làm vợ, làm mẹ, làm con, làm anh/chị, làm em
- Lòng biết ơn: Công cha nghĩa mẹ. Uống nước nhớ nguồn. Ăn trái nhớ kẻ trồng cây
- Từ tâm, chia sẻ: Thương người như thể thương thân. Miếng khi đói bằng gói khi no. Lá lành đùm lá rách. Của một đồng, công một nén
- Coi trọng giá trị phi vật chất/thực chất: Tiền tài như phấn thổ, Nhơn nghĩa tợ thiên kim. Ăn chắc mặc bền. Cái nết đánh chết cái đẹp. Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
- Trọng công luận: Cọp chết để da, người ta chết để tiếng (không phải sĩ diện hão hay đua đòi vật chất)
Dạy con từ tinh hoa truyền thống
Trẻ em ngày nay tiếp xúc nhiều hơn với thầy cô ở nhà trường hơn là cha mẹ, và thường không có ông bà. Dù vậy cái quý giá nhất mà cha mẹ có thể cho con: Kỉ luật văn minh từ sơ sinh lọt lòng, bắt đầu càng sớm chừng nào thì càng hiệu quả như câu nói “con vào dạ, mạ đi tu”.
Để dạy con tốt hơn, chính cha mẹ cũng cần phải hiểu thế nào là tinh hoa truyền thống để dạy con. Điều đó phụ thuộc vào sự nhận thức của mỗi người. Trong truyền thống phải gạn lại những cái tinh hoa (ví dụ như ăn kiêng những thứ không có căn cứ thì chúng ta cần loại bỏ). Những cái có căn cứ là gì, cốt lõi là gì phải giữ lại.
Ngày nay áp lực xã hội nhiều hơn, ngày xưa môi trường sống trong lành, bớt nhiễm độc hơn chính vì vậy cha mẹ cần hiểu rằng, khi có sinh linh phát triển trong môi trường chống đỡ, chuẩn bị mình, sửa mình để giáo dục con. Lấy ví dụ như việc rèn con vào nền nếp ăn, ngủ, đúng giờ từ nhỏ là một kỉ luật có thể áp dụng ngay được và trong tầm tay của cha mẹ.
Thân giáo hơn là ngôn giáo. Lời nói có thể truyền cảm hứng, nhưng hành động mới là thứ để lại ấn tượng sâu sắc nhất. Cha mẹ là tấm gương cho con cái noi theo. Vì vậy, để dạy con về những giá trị truyền thống, trước hết chúng ta cần sống đúng với những giá trị đó.
Trong vai trò là một nhà khoa học, một nhà nghiên cứu và đồng thời là một người mẹ, một người bà. Cô Bùi Trân Phượng đã đưa ra những gợi ý hữu ích dưới đây dành cho các cha mẹ có thể làm được ngay:
- Cha mẹ tự tìm hiểu, nghiên cứu, thực hành các giá trị tinh hoa của truyền thống. Lưu ý rằng cha mẹ có thể khuyên bảo con vừa đủ để hiểu thôi còn lại là thực hành, làm mẫu cho con, giúp con tự tìm ra chính mình, khi rời khỏi ghế phổ thông biết ta là ai.
- Nói, viết tiếng Việt tốt: để trẻ học theo – cha mẹ nói tiếng Việt tốt ở nhà thì con sẽ nói tốt, tập cho trẻ thói quen đọc sách, sách tiếng Việt tử tế
- Đọc sách về văn hóa; giữ kết nối với các cộng đồng còn bảo tồn truyền thống tốt – con thấy bố mẹ đọc, thường xuyên lấy được văn hoá, ngôn ngữ 1 cách tự nhiên
- Quan tâm đến văn hóa khác trong và ngoài biên giới – ví dụ như con ở Hà Nội biết người Sài Gòn ăn uống ra làm sao, tổ chức chuyến giao lưu trong nước đi các tỉnh thành khác, đưa con về nông thôn sống với bà nội, bà ngoại, biết thêm đời sống nông thôn … trẻ lớn hơn một chút thì cho chúng đi giao lưu ở các nước lân cận
- Văn hóa bao gồm vật chất và tinh thần, kể cả ẩm thực, trang phục
- Cơ bản nhất trong truyền thống Việt: yêu nước, giỏi chịu cực, tình đồng bào ruột thịt, khả năng dung nạp cái mới/khác với mình, chừng mực, không cực đoan
- Truyền thống không nhất thành bất biến mà luôn sống động, linh hoạt, chấp nhận khác biệt, tự chuyển hóa, chung sống hòa bình và học hỏi từ văn hóa khác
Nuôi dạy con cái là một hành trình dài và đầy thử thách. Trên hành trình đó cha mẹ tự thức nếu biết cách kết hợp những giá trị truyền thống với những kiến thức hiện đại, chúng ta sẽ giúp con cái sống một cuộc sống có ý nghĩa hơn.
———————
Nội dung từ buổi Cà phê giáo dục “Dạy con từ tinh hoa truyền thống” tại Cà phê thứ 7 Hà Nội. Kể từ tháng 7/2024, Cà phê Giáo dục sẽ sinh hoạt thường kỳ mỗi tháng một lần tại Hà Nội, với sự góp mặt của các nhà giáo tâm huyết như Dương Trọng Tấn, Giáp Văn Dương, Bùi Trân Phượng.