Seminar “Giáo dục Hiện đại: Theo bước chân nhà giáo Phạm Toàn” – là một seminar theo tinh thần “đi lại con đường người trước đã đi” để khám phá lại cách nghĩ, cách học, cách làm về giáo dục để làm mới tư duy giáo dục của bản thân, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục.
Phạm Toàn là ai?
Nhà giáo Phạm Toàn (1/7/1932-26/6/2019), người sáng lập của nhóm Cánh Buồm quê ở thôn Hội Phụ, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Ông đã làm công tác nghiên cứu, hoạt động giáo dục trong hơn 40 năm từ 1976 cho đến cuối đời. Ông từng công tác tại trường Thực nghiệm Liễu Giai, Bộ giáo dục và dạy học ở nhiều nơi. Sách dạy cho học sinh dân tộc vùng núi của ông đã được Giải thưởng UNESCO (1984). Các tác phẩm lí luận giáo dục như “Hợp lưu các dòng Tâm lý học giáo dục” (NXB Tri Thức, Hà Nội, 2008), và “Công nghệ dạy Văn” (NXB ĐHQG Hà Nội, 2009) có thể coi là những đúc kết giai đoạn nghiên cứu về giáo dục, và cũng là nền tảng lí luận cho chương trình giáo dục Cánh Buồm sau này (thể hiện trong tập kỉ yếu Một nền giáo dục Việt Nam hiện đại, NXB Tri thức, 2011). Năm 2009, ông sáng lập nhóm Cánh Buồm và lãnh đạo nhóm thực hiện việc viết bộ sách giáo khoa mới mang tên nhóm nhằm tạo ra một cái mẫu và một lí tưởng về giáo dục mới cho Việt Nam. Ngoài hoạt động giáo dục rất bền bỉ và năng suất, ông còn dịch giả nổi tiếng, nhà văn, và là một trí thức luôn nặng lòng với sự phát triển của dân tộc.
Người dẫn dắt của Seminar:
- Dương Trọng Tấn, Giám đốc Viện Phát triển Giáo dục khai phóng Libero. Anh Tấn có trên 20 năm hoạt động giáo dục với các lĩnh vực đa dạng từ giáo dục phổ thông, giáo dục nghề, giáo dục đại học và phát triển lãnh đạo. Là thành viên nhóm Cánh Buồm, anh Tấn có nhiều năm làm việc bên cạnh nhà giáo Phạm Toàn, và vẫn đang miệt mài tìm hiểu về tư duy giáo dục Phạm Toàn và giáo dục khai phóng.
- Đinh Phương Thảo (ThS), là một trong những thành viên chủ chốt của nhóm Cánh Buồm. Là cộng sự thân thiết của nhà giáo Phạm Toàn, cô Thảo là đồng tác giả của bộ sách Cánh Buồm do nhà giáo Phạm Toàn chủ trì. Cô đã từng tham gia sáng lập và điều hành Câu lạc bộ Ô Xinh để thúc đẩy tư duy mới trong giảng dạy và học tập tiếng Việt và đổi mới cách học Văn. Hiện nay cô là đồng sáng lập, phụ trách chuyên môn khoa học xã hội và nhân văn thuộc Công ty giáo dục An Nam. Trong hơn 15 năm hoạt động giáo dục, cô đã góp phần thúc đẩy sự quan tâm và thực hành giáo dục hiện đại tới hàng nghìn giáo viên trên toàn quốc.
Hình thức hoạt động:
Seminar sẽ sinh hoạt trực tiếp dưới sự dẫn dắt của Người hướng dẫn vào khung thời gian 18:00 – 20:30 thứ Hai và thứ Tư từ ngày 01/07/2024 (trừ lịch đột xuất), tại The Bookstop Cafe (số 6B14, khu đô thị Mỹ Đình 1, Hà Nội).
Đây là seminar, không phải một “bài giảng” truyền thống nơi người nói người khác ghi chép. Seminar khuyến khích sự chia sẻ, đối thoại, và sự chủ động tìm hiểu của người tham dự. Seminar là một dạng hoạt động học tập mở, vì thế nó khuyến khích người tham dự không sợ việc đặt ra những câu hỏi khó, những vấn đề hóc búa. Các hoạt động chủ đạo gồm: Thuyết trình, Đọc, Nghiên cứu, Đối thoại.
Do không gian hạn chế, Seminar chỉ nhận được tối đa 25 người tham gia.
Người tham gia:
Nếu bạn mong muốn có một cái nhìn mang tính hệ thống về giáo dục, không giới hạn bởi công việc thực dụng dạy và học hằng ngày, thì Seminar là điểm tốt để bắt đầu.
Nếu bạn rất quan tâm tới đường lối giáo dục của Cánh Buồm (hay Nhà giáo Phạm Toàn) trong khi vẫn có biết về nó tương đối ít; thì Seminar cũng là một điểm tốt để bắt đầu.
Nếu bạn là sinh viên sư phạm, nhất là các thầy cô giáo dạy Văn, Tiếng Việt tương lai, thì đây là một địa chỉ lí tưởng trong mùa hè 2024 để nạp thêm tri thức hữu ích cho việc phát triển sự nghiệp nhà giáo sau này.
Bạn sẽ có cơ hội gặp gỡ để chia sẻ và củng cố lòng yêu nghề giáo của mình.
Seminar không giới hạn độ tuổi, ngành nghề. Vì suy cho cùng, ai cũng sẽ được lợi khi có sự hiểu biết đáng kể về giáo dục.
Lệ phí:
Chương trình được tổ chức theo phương châm phi lợi nhuận. Miễn phí cho sinh viên sư phạm. Người đi làm xin vui lòng tài trợ 1 triệu đồng để phục vụ công tác tổ chức (nếu có điều kiện).
Nội dung các buổi:
- Về triết lí giáo dục (Khảo sát và so sánh hai nhân vật John Dewey và Phạm Toàn)
- Về sự hình thành trí tuệ và các loại trí khôn dưới góc nhìn tâm lí học (Khảo sát các nhà tâm lí học: Jean Piaget, Lev Vygotsky, Hồ Ngọc Đại và Howard Gardner)
- Giáo dục như là một hệ thống: Quan niệm lại về chương trình, nhà trường, nhà giáo, sách giáo khoa (Khảo sát Cánh Buồm như là một hệ thống)
- Môn Tiếng Việt và việc phát triển tư duy ngôn ngữ (Khảo sát chương trình Tiếng Việt của Cánh Buồm)
- Môn Văn và việc phát triển tư duy nghệ thuật (Khảo sát chương trình Văn và giáo dục nghệ thuật của Cánh Buồm)
- Tư duy khoa học, tư duy đạo đức và lối sống (Khảo sát chương trình giáo dục khoa học, lối sống của Cánh Buồm)
- Sơ kết: Sinh thái học xã hội và Người kiến tạo thay đổi (Khảo sát về đổi mới, sáng tạo, và cách thức kiến tạo sự thay đổi ở nhiều quy mô khác nhau).
Lưu ý cho người tham dự: nội dung trông có vẻ khô và khó, đậm chất lí thuyết (nhưng mà tốt); người tham dự cân nhắc kĩ trước khi đăng kí tham gia. Khi tham gia rồi cố gắng không bỏ cuộc, phải đi hết một lượt để nắm được hệ thống, làm chủ được cái gì đó có ích cho việc làm nghề giáo dục.
Nếu cần thông tin thêm, vui lòng liên hệ Trần Thị Thu Ngân theo SĐT: 0964595404 hoặc E-mail: ngan@libero.school.