Giảng viên khóa học “Tinh hoa Triết học phương Đông”

GS.TS. Nguyễn Quang Hưng

GS.TS. Lại Quốc Khánh

GS.TS. Lại Quốc Khánh là Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. GS.TS. Lại Quốc Khánh là một học giả uy tín trong lĩnh vực triết học và chính trị Á Đông. Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông bao gồm: triết học Trung Quốc, tư tưởng và chính trị Việt Nam, triết học chính trị, chính trị học tôn giáo. Ông từng được Bộ Ngoại giao Đài Loan cấp học bổng nghiên cứu 1 năm tại khoa Chính trị học, Đại học Quốc lập Đài Loan. Ông đã công bố nhiều sách chuyên khảo, giáo trình, bài báo khoa học trong và ngoài nước về triết học và chính trị học. Ông cũng là dịch giả của nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về triết học Trung Quốc như “Đạo của quản lý”, “Triết học quản lý Kinh dịch”, “Hòa hợp học và Ý thức Đông Á”, “Thuật ngữ then chốt của Triết học chính trị”, v.v.. Ông là giảng viên có uy tín tại nhiều trường đại học, học viện trong nước và đã từng thỉnh giảng tại Trung Quốc, Đài Loan, v.v.. Đã có gần 20 nghiên cứu sinh và nhiều thạc sĩ được ông hướng dẫn bảo vệ thành công luận văn và luận án.

GS.TS. Nguyễn Quang Hưng

GS.TS. Nguyễn Quang Hưng

GS.TS. Nguyễn Quang Hưng là một trong những học giả có uy tín tại Việt Nam trong lĩnh vực tôn giáo học, đặc biệt với chuyên sâu về mối quan hệ giữa tôn giáo và văn hóa trong bối cảnh Đông Nam Á. Ông nguyên là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tôn giáo đương đại, Phó trưởng khoa Triết học và hiện là giảng viên cao cấp tại Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQGHN, đồng thời là thành viên các hội đồng tư vấn về tôn giáo của Nhà nước. Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Triết học tại Đại học Rostov (Liên Xô cũ) năm 1986, ông tiếp tục hoàn thành chương trình thạc sĩ chuyên ngành Đông Nam Á học – Tôn giáo học tại Đại học Passau (CHLB Đức) năm 1998 và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Humboldt (Berlin, CHLB Đức) năm 2004. Hướng nghiên cứu chính của ông bao gồm: triết học cổ điển Đức, lịch sử truyền giáo và cộng đồng Công giáo – Tin Lành ở Việt Nam, quan hệ giữa tôn giáo và văn hóa, cũng như các khía cạnh xung đột văn hóa và chính trị trong cộng đồng dân tộc thiểu số như người Mông. Với hơn 70 bài báo khoa học trong nước và quốc tế, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, cùng 10 đầu sách (trong đó có 3 sách xuất bản ở nước ngoài), ông đã đóng góp quan trọng vào việc phát triển ngành tôn giáo học tại Việt Nam.

PGS.TS. Nguyễn Tài Đông

PGS.TS. Nguyễn Tài Đông là nhà nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực triết học Trung Quốc cổ đại và tư tưởng Nho giáo. Ông hiện là Viện trưởng Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nơi ông đã có hơn hai thập kỷ cống hiến trong vai trò nghiên cứu, quản lý và đào tạo. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội (1995), bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Công giáo Phụ Nhân (Fujen Catholic University, Đài Loan) năm 2008, ông là một trong không nhiều học giả được đào tạo bài bản tại cả Việt Nam và nước ngoài về triết học Trung Quốc. Ông là chủ nhiệm của nhiều đề tài khoa học cấp Bộ và cấp Nhà nước xoay quanh các chủ đề như: tư tưởng Tam dân của Tôn Trung Sơn, Pháp trị của Hàn Phi, vai trò của trách nhiệm xã hội trong Nho giáo Việt Nam, và vấn đề dân chủ hóa từ góc nhìn triết học. Bên cạnh đó, PGS. TS. Nguyễn Tài Đông cũng có nhiều nghiên cứu chất lượng trên các lĩnh vực triết học Phật giáo và tư tưởng Việt Nam. Hơn 30 bài báo khoa học, trong đó có nhiều công bố quốc tế bằng tiếng Anh, tiếng Trung trên các tạp chí như Philosophy Quarterly Review, Studies in Confucianism, Journal of Confucian Philosophy and Culture đã giúp đưa những phân tích sâu sắc về triết học Á Đông từ góc nhìn Việt Nam ra thế giới.

PGS.TS. Trần Nguyên Việt

PGS.TS. Trần Nguyên Việt là một học giả có uy tín về triết học phương Đông và lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam, với hơn ba thập niên nghiên cứu sâu rộng tại Viện Triết học – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Tốt nghiệp đại học tại Liên Xô (1984) và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 1998 tại Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga với đề tài nghiên cứu về triết lý của Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông đã sớm khẳng định hướng đi học thuật đặc sắc trong việc khai mở và hệ thống hóa các dòng tư tưởng triết học bản địa. Ông là chủ nhiệm nhiều đề tài khoa học cấp Bộ và Nafosted về tư tưởng triết học Việt Nam thế kỷ XVIII – thời kỳ giao thoa giữa Nho giáo bản địa và bối cảnh xã hội truyền thống. Các công trình khoa học của ông tập trung vào tư tưởng đạo đức, lễ giáo, bản tính con người trong triết học Tiên Tần, cũng như nghiên cứu so sánh Nho học Việt Nam và Hàn Quốc. Đặc biệt, ông có những đóng góp đáng chú ý trong việc tái hiện và lý giải vai trò tư tưởng của các nhân vật lịch sử như Nguyễn Bỉnh Khiêm, vua Minh Mệnh trong bối cảnh chính trị – văn hóa Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc làm sáng tỏ bản sắc triết học Việt Nam trong tiến trình giao lưu tư tưởng Đông phương và hiện đại hóa tri thức truyền thống.

PGS.TS. Trần Thị Hạnh

PGS.TS. Trần Thị Hạnh là một học giả uy tín trong lĩnh vực triết học phương Đông và lịch sử tư tưởng Việt Nam, hiện đang giảng dạy tại Bộ môn Lịch sử triết học, Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQGHN. Nghiên cứu của bà tập trung vào các chủ đề như: dung thông tam giáo ở Việt Nam, triết học Trung Quốc, triết học Nhật Bản, quá trình chuyển biến tư tưởng của nho sĩ và trí thức Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, và tác động của Phật giáo và tín ngưỡng dân gian đến đời sống hiện đại. PGS.TS. Trần Thị Hạnh đã có thời gian thực tập sau đại học tại Đại học Kyorin, Tokyo, Nhật Bản, và học khóa học Sĩ Lâm triết học tại Đại học Phụ Nhân, Đài Loan. Những hoạt động này đã giúp bà mở rộng tầm nhìn và tăng cường hiểu biết về triết học phương Đông trong bối cảnh toàn cầu hóa.

TS. Trịnh Văn Định

TS. Trịnh Văn Định, sinh năm 1982, người Hải Phòng, tiến sĩ, chuyên ngành Văn học Việt Nam Trung đại. Sở trường nghiên cứu về những chân dung lịch sử văn hóa chính trị, luận án tiến sĩ về chân dung văn hóa chính trị là những nhân vật là thầy, bậc thầy định hướng , dẫn dắt, phò tá vua chúa xưa ở Trung Quốc và Việt Nam như: Trương Lương, Khổng Minh (Trung Quốc), Vạn Hạnh, Nguyễn Trãi (Việt Nam). Đồng thời quan tâm nghiên cứu mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, nho giáo, Phật giáo và văn hóa Việt Nam. Hiện đang triển khai dự án nghiên cứu Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

TS. Phạm Thị Chuyền

TS. Phạm Thị Chuyền là giảng viên Khoa Nhân học – Tôn giáo học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Bà là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền, Thiền học và ứng dụng Thiền, cũng như Kinh điển Tôn giáo. Với nền tảng đào tạo bài bản về Hán Nôm và Tôn giáo học, cùng kinh nghiệm tham dự các khóa thiền trong và ngoài nước, bài giảng của bà kết hợp hài hòa giữa tri thức học thuật và trải nghiệm cá nhân, đồng thời cung cấp nhiều dữ liệu điền dã quý giá chưa từng công bố.

TS. Vũ Đức Liêm

TS. Vũ Đức Liêm – Chủ nhiệm chương trình “Đường về bản sắc Việt Nam”. Ông là Phó trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, là Giảng viên/Nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông là tác giả của nhiều nghiên cứu có giá trị và mang tính đột phá về lịch sử – chính trị Việt Nam thời sơ kỳ hiện đại. Ông đã tham gia các khóa đào tạo chuyên ngành Đông Nam Á tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), Đại học Quốc gia Singapore (Singapore) và Đại học Hamburg (CHLB Đức). Thừa hưởng tinh hoa nền giáo dục quốc tế, với lối tiếp cận và triển khai đa chiều, lịch sử trong các bài giảng của ông không hề khô khan hay khó tiếp cận, mà đã trở thành môn khoa học thú vị, giúp người học kết nối những giá trị xưa cũ với dòng chảy đương đại.