Bản chất của lãnh đạo và quá trình lãnh đạo

Lãnh đạo có nhiều định nghĩa khác nhau, mỗi định nghĩa tập trung vào một khía cạnh cụ thể. Một số định nghĩa coi lãnh đạo là một hành động hoặc hành vi, chẳng hạn như khởi xướng cấu trúc để các thành viên trong nhóm biết cách hoàn thành nhiệm vụ. Các định nghĩa khác lại coi nhà lãnh đạo là trung tâm của các hoạt động nhóm, là công cụ để đạt được mục tiêu, có cá tính đặc biệt, sử dụng quyền lực và thuyết phục để khiến người khác tuân theo. Một số người nhìn nhận lãnh đạo như là việc quản lý các quá trình nhóm. Theo quan điểm này, một nhà lãnh đạo giỏi sẽ phát triển tầm nhìn cho nhóm, truyền đạt tầm nhìn đó, điều phối năng lượng và hoạt động của nhóm để đạt được mục tiêu, biến “một nhóm cá nhân thành một đội” và “chuyển đổi ý định tốt thành hành động tích cực.”

Lãnh đạo (leadership) thường được định nghĩa là một mối quan hệ ảnh hưởng xã hội (liên cá nhân) giữa hai hoặc nhiều người, những người phụ thuộc lẫn nhau để đạt được các mục tiêu chung trong một tình huống nhóm. Lãnh đạo hiệu quả giúp các cá nhân và nhóm đạt được mục tiêu của họ bằng cách tập trung vào nhu cầu duy trì của nhóm (nhu cầu để các cá nhân hòa hợp và làm việc cùng nhau, chẳng hạn như chia sẻ các quy tắc) và nhu cầu nhiệm vụ (nhu cầu để nhóm tiến tới việc đạt được mục tiêu mà họ cùng nhau thực hiện).

— Dịch từ Cuốn sách Hành vi Tổ chức (Organizational Behavior) trên Openstax

Hình 1. Joe Maddon trên gò ném bóng. Joe Maddon, huấn luyện viên trưởng của đội bóng chày Chicago Cubs, được ca ngợi vì cả kỹ năng quản lý và kỹ năng lãnh đạo của mình. Maddon là một hình mẫu cho các nhà quản lý đang cạnh tranh trong thế giới kinh doanh. Các nhà quản lý có thể học hỏi và thu được lợi ích từ triết lý của Maddon, bao gồm việc truyền cảm hứng cho đội với tinh thần lạc quan, duy trì sự thoải mái nhưng vẫn đảm bảo năng suất, và tránh trở thành trung tâm của sự chú ý.

Lãnh đạo và quản lý

Lãnh đạo và quản lý là hai khái niệm khác nhau, không chồng chéo. Cả hai vai trò đều quan trọng và bổ trợ lẫn nhau trong một tổ chức. Trong nhiều trường hợp, để trở thành một nhà quản lý giỏi, người đó cần phải là một nhà lãnh đạo hiệu quả. Nhiều CEO được thuê với hy vọng rằng kỹ năng lãnh đạo của họ, khả năng xây dựng tầm nhìn và khiến người khác “theo đuổi” tầm nhìn đó, sẽ đưa tổ chức tiến lên phía trước. Ngoài ra, lãnh đạo hiệu quả thường đòi hỏi khả năng quản lý – lập kế hoạch, xây dựng và thực hiện chiến lược, đưa ra quyết định và giải quyết vấn đề, tổ chức và kiểm soát.

Trước tiên, chúng ta định nghĩa hai khái niệm này khác nhau. Quản lý được định nghĩa là một quá trình bao gồm lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo và kiểm soát. Trong khi đó, lãnh đạo được định nghĩa là một mối quan hệ ảnh hưởng xã hội giữa hai hoặc nhiều người, những người phụ thuộc lẫn nhau để đạt được mục tiêu.

Thứ hai, các nhà quản lý và lãnh đạo thường được phân biệt về quá trình mà họ đến với vị trí của mình. Các nhà quản lý thường được bổ nhiệm. Dù nhiều tổ chức cũng bổ nhiệm người vào vị trí lãnh đạo, nhưng bản chất lãnh đạo là mối quan hệ xoay quanh sự chấp nhận hoặc từ chối của người đi theo đối với nhà lãnh đạo. Do đó, lãnh đạo thường xuất hiện từ các sự kiện xảy ra trong nhóm.

Thứ ba, các nhà quản lý và lãnh đạo thường khác nhau về loại và nguồn quyền lực mà họ thực thi. Các nhà quản lý thường có được quyền lực thông qua vị trí và vai trò mà họ nắm giữ trong một tổ chức. Quyền lực của họ không chỉ dựa trên khả năng cá nhân mà còn phụ thuộc vào hệ thống, cấu trúc và quyền hạn mà tổ chức trao cho họ. Hầu hết các tổ chức đều hợp pháp hóa việc sử dụng “cây gậy và củ cà rốt” (thưởng và phạt) như một cách để đảm bảo sự tuân thủ của nhân viên. Nói cách khác, với vị trí mà nhà quản lý nắm giữ (như chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng phòng, giám sát viên), các “quyền hành động” (lên lịch sản xuất, ký hợp đồng bán hàng, thuê và sa thải) đi kèm với vị trí và thứ bậc trong hệ thống quyền lực. Các nhà lãnh đạo cũng có thể nắm giữ quyền lực và khả năng thực thi ảnh hưởng bằng cách sử dụng thưởng và phạt. Tuy nhiên, quyền lực của lãnh đạo thường đến từ nhận thức của những người đi theo (followers) về kiến thức chuyên môn, tính cách, sức hấp dẫn, và mối quan hệ làm việc phát triển giữa lãnh đạo và người theo.

Từ quan điểm của những người chịu ảnh hưởng của nhà lãnh đạo và nhà quản lý, động lực tuân thủ thường có cơ sở khác nhau. Cấp dưới của nhà quản lý thường tuân thủ vì quyền hạn của vai trò quản lý và vì các phần thưởng và hình phạt mà nhà quản lý có trong tay. Trong khi đó, những người theo lãnh đạo tuân theo vì họ muốn. Như vậy, các nhà lãnh đạo chủ yếu khơi dậy động lực bên trong (nội tại) (như đam mê, niềm tin cá nhân hoặc giá trị của nhân viên…); trong khi đó, quản lý thường dựa vào các yếu tố bên ngoài (ngoại tại) để tạo động lực (như tiền thưởng, phúc lợi hoặc các hình thức khen thưởng vật chất khác).

Cuối cùng, điều quan trọng cần lưu ý là mặc dù các nhà quản lý có thể thành công trong việc chỉ đạo và giám sát cấp dưới nhưng họ thường thành công (hoặc thất bại) do có (hoặc không có) khả năng lãnh đạo. Như đã đề cập ở trên, lãnh đạo hiệu quả thường đòi hỏi khả năng quản lý và quản lý hiệu quả thường yêu cầu khả năng lãnh đạo.

Phần 2: Quy trình lãnh đạo

— Nguồn dịch: Cuốn sách Organizational Behavior trên Openstax