Để thành công hơn khi làm việc với đối tác Nhật Bản, hiểu biết sâu rộng về văn hoá là điều quan trọng. Cho nên việc làm thế nào ấy để hai bên hiểu biết lẫn nhau để giao lưu, làm ăn trôi chảy sẽ cần rất nhiều chất xúc tác. Đặc biệt là tạo thêm những cầu nối để 2 bên thương quý nhau hơn. 

Những điểm tương đồng giữa văn hóa Việt Nam và Nhật Bản cũng rất rõ ràng và rất dễ hiểu. 

Ví dụ như rất đơn giản 2 nước này đều nằm ở khu vực Đông Á, đều chịu những ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, đều nằm trong vùng văn hóa chữ Hán. Mặc dù hiện nay Việt nam không dùng chữ Hán nữa, nhưng những từ vựng của Việt Nam có nguồn gốc Hán, như tên của người Việt có thể viết được bằng chữ Hán. Có lẽ 70% vốn từ vựng của Việt Nam là chữ Hán. Và rất nhiều những yếu tố văn hóa Trung Quốc đã được du nhập. 

Tuy nhiên, cách du nhập và biến chuyển văn hoá của 2 bên rất khác nhau. 

Sự lựa chọn nhanh từ thời kì cổ đại của Việt Nam và Nhật Bản đã khác nhau và từ đó nó cũng dẫn đến sự ảnh hưởng, phát triển khác nhau của các yếu tố văn hóa đó trong thời kỳ hiện đại ngày nay. Hoặc truyền thống trồng lúa nước chẳng hạn cũng rất quan trọng, hình thành nên những những đặc trưng của các cộng đồng dân cư ở Việt Nam cũng như ở Nhật Bản. Hay như văn hóa dùng đũa, ở các nước Đông Á có văn hóa dùng đũa, còn các nước Nam Á hoặc Đông Nam Á thì không. Như Lào, Thái Lan thì không phải nước dùng đũa như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản hay bán đảo Triều Tiên. Đương nhiên, những điểm lớn thì có thể giống nhau như vậy, nhưng nếu đi vào chi tiết thì sẽ có rất nhiều những điểm khác biệt. 

Mặc dù từ đầu thế kỷ 20, Phan Bội Châu đã cho rằng Việt Nam và Nhật Bản 2 nước đồng chủng đồng văn (“chủng” là chủng tộc da vàng, “văn” ở đây chính là văn hóa, cụ thể là Nho giáo – ảnh hưởng sâu sắc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, Singapore). Ông đã lựa chọn Nhật Bản là điểm đến để nhờ hỗ trợ cho một phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam lúc đó. Tuy nhiên, anh chị cũng biết kết cục của phong trào Đông Du của Phan Bội Châu và cách hiểu của Phan Bội Châu rất đơn thuần. Đồng chủng đồng văn có đúng hay không, tôi nghĩ rằng đó là một vấn đề lịch sử mà các sử gia Việt Nam rất cần suy nghĩ. 

Và điểm khác biệt thì cũng rất rõ ràng 

Về ngôn ngữ thì tiếng Nhật và tiếng Hàn là ngôn ngữ chắp dính, các từ sẽ viết liền nhau, không dùng dấu cách để đánh từng từ. Nhưng tiếng Trung và tiếng Việt là ngôn ngữ đơn lập. Nói như vậy để thấy rằng nó có thể cùng một nguồn gốc văn tự nhưng trong quá trình phát triển cấu trúc ngôn ngữ cũng như cấu trúc ngữ pháp đã khác nhau. 

Hay về văn hóa nho giáo cũng vậy. Ở Nhật Bản chúng ta có thể gọi là Nho học hay Chu tử học, nhưng rất khó để có thể gọi là Khổng học, bởi ở Nhật, rất ít những nhà nho tiếp thu tư tưởng Khổng Tử. Cũng như trong các chùa của Nhật Bản, người ta không thờ Phật Thích Ca, còn ở Việt Nam, trong chùa thường thờ Phật Thích Ca.  

Ở Nhật Bản, các tông phái khác nhau sẽ có đối tượng tín ngưỡng khác nhau và người ta thờ đối tượng tín ngưỡng đó, chứ không phải cứ chùa là phải thờ phật Thích Ca hay cứ nho giáo phải nhắc đến Khổng Tử. Có những người phê phán hoàn toàn Khổng Tử, phủ nhận những tư tưởng của Khổng Tử nhưng người ta vẫn gọi nhà nho bởi vì họ theo một phái khác của nho giáo, ví dụ như Dương Minh học, hoặc Chu Tử học.

Điều đặc biệt tôi thấy ở Nhật Bản đó là từ thời cổ đại dù đã biết đến nho giáo nhưng người Nhật không tiếp thu chế độ khoa cử. Hàn Quốc cũng có thời kỳ họ tiếp nhận khoa cử, chỉ có Nhật Bản là không hề tổ chức một kỳ thi khoa cử nho giáo nào. Tôi nghĩ đấy cũng là một cách lựa chọn rất khác biệt của Nhật Bản với so với các nước Đông Á khác. 

Trong khi đó chế độ khoa cử là chế độ ảnh hưởng rất lớn đến giáo dục cũng như tuyển dụng nhân tài cho chế độ phong kiến của Việt Nam. Hầu hết người tài đều được tuyển chọn thông qua các kỳ thi hương, thi hội, thi đình, để chọn quan chức, quan liêu của chế độ phong kiến. Nhưng Nhật Bản không dùng chế độ khoa cử nho giáo đấy, cho nên ảnh hưởng của nho giáo đến xã hội Nhật Bản và xã hội Việt Nam tôi nghĩ khác nhau. 

Về phật giáo có sự giống nhau và khác nhau. Phật giáo ở Nhật Bản và Việt Nam đều là phật giáo đại thừa, là nhánh phật giáo mà từ Ấn Độ qua Trung Quốc, các kinh điển đã được dịch ra chữ Hán và từ dòng đó đưa về các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam. Còn phật giáo tiểu thừa là phật giáo mà kinh điển không dịch mà để nguyên đó để tiếp thu và phát triển,ví dụ như nhánh ở Thái Lan hoặc Lào, Campuchia hiện nay. Việt Nam vẫn trung thành với phật giáo đại thừa mang tính chất nguyên thủy tức vẫn tôn trọng những bộ kinh được du nhập từ thời kì đầu hay đối tượng tín ngưỡng như Phật Thích Ca. Mặc dù có rất nhiều những tông phái đã phát triển ở Việt Nam nhưng đối tượng tín ngưỡng chính vẫn là Phật Thích Ca. 

Phật giáo Nhật Bản so với phật giáo Việt Nam cũng có nhiều điểm khác biệt nhất định. Bên cạnh đó có những sự khác biệt như các ngôi chùa thiền của Việt Nam, gọi là thiền nhưng vẫn có sự pha tạp giữa thiền với tịnh độ. Còn ở Nhật Bản thì thiền là thiền và tịnh độ là tịnh độ, rất ít pha tạp. Và họ phát triển những giáo lý rất rõ ràng giữa tông phái này và tông phái kia. 

Ở Nhật Bản, không có Giáo hội phật giáo Nhật Bản như ở Việt Nam. Mỗi một tông phái họ sẽ có một hệ thống quản lý khác nhau. Họ có thể vận hành những trường đại học khác nhau và các trường đại học thuộc các tông phái đó quy mô cũng phải gần bằng quy mô của ĐH Quốc gia HN bây giờ. Mỗi tông phái có thể có rất nhiều trường đại học khác nhau.

Những quan điểm khác nhau

Văn hóa hiện đại hiện nay của Nhật Bản đề cao chủ nghĩa cá nhân từ thời kỳ Minh trị Duy tân đến nay. Còn ở Việt Nam tính cộng đồng vẫn được coi trọng hơn tính cá nhân. Điều này cũng chi phối cách thức, lối hành xử của người Việt và người Nhật.

Hay ở Việt Nam và Nhật Bản cùng tiếp thu văn tự chữ Hán. Thế nhưng qua chiều dài lịch sử, nhiều từ Hán Việt được sử dụng khác với nghĩa của những từ Hán trong tiếng Nhật. 

Ví dụ: Chữ chữ “thực hành” trong tiếng Nhật nghĩa là thực hiện hơn là thực hành. Còn “bác sỹ” trong tiếng Nhật chỉ những người có học hàm, học vị tiến sĩ. Còn trong tiếng Việt lại chỉ những người làm ngành y. Tức là với cách sử dụng thông thường chứ không phải uyên bác Ở đây, tôi muốn nói rằng, sự biến đổi của chữ Hán trong tiếng Việt và tiếng Nhật đã rất khác nhau.

Hoặc quan niệm về “công” và “tư” chẳng hạn, nó rất khác biệt giữa người người Việt và người Nhật. Ví dụ sinh viên của chúng tôi hiện nay, các bạn ấy đã thử làm đề tài với cách xưng hô công sở các bạn ấy thấy rằng cách xưng hô công sở của Việt Nam, người ta vẫn dùng những đại từ trong thân tộc như “anh” “chị” “chú” “bác” … nhưng người Nhật thì trong một công sở người ta không dùng tất cả những từ thân tộc đó. 

Người Nhật quan điểm cái gì của công thì không phải của mình. Tôi nghĩ rằng hầu hết quan điểm của người Nhật là như vậy. Cứ cái gì ở bên ngoài là không phải của mình, mình không được chiếm dụng. Ở công ty cũng như vậy, mỗi người một cái bàn và kể cả khi họ không có ở đấy, có một món đồ nào đó anh chị đang cần, bút hay văn phòng phẩm chẳng hạn, anh chị cũng không được động tay vào đồ của người ta, chỉ khi anh chị hỏi mượn thì anh chị mới được dùng. Đây một cách nhìn nhận khá khác với ở Việt Nam.

Hay là những cái gì không hay, như là rác bẩn chẳng hạn thì người ta sẽ không đưa ra ngoài nhà mình. Những máng nước ở thành phố đô thị của Việt Nam thường các nhà sẽ dẫn nó ra ngoài đường để khi mà trời mưa nó sẽ chảy ra đường. Còn ở Nhật các nhà phải có một khoảng cách, không có nhà liền kề và người ta quy định máng nước sẽ chỉ chảy ra ranh giới đất nhà mình và đương nhiên trong khi một thiết kế nhà đã phải có.

Sở hữu đất đai ở Nhật Bản cũng là sở hữu tư nhân. Ở Việt Nam hiện nay người Việt chỉ được quyền sử dụng thôi, không được quyền sở hữu. Tại sao ở sân bay Narita, có một gia đình nằm giữa sân bay mà chính phủ không biết làm thế nào bởi đó là đất tư của họ và khi làm đường trong sân bay, người ta phải tránh nhà đó đi. 

Hoặc như các chùa Nhật Bản không phải là chùa công như ở Việt Nam, mặc dù ở Việt Nam bây giờ cũng nửa công nửa tư. Mỗi chùa ở Nhật Bản thuộc sở hữu của một gia đình hoặc một dòng họ, đời đời của họ và nhà nước, chính phủ không có quyền can thiệp vào đó. Khi một ngôi chùa có lịch sử cả ngàn năm, hơn ngàn năm và họ muốn làm hồ sơ gửi unesco để xin công nhận di sản văn hóa thì họ cũng tự làm. Chính phủ có sự hỗ trợ nhất định chứ không phải như ở Việt Nam, hồ sơ di sản là do nhà nước đứng ra làm và là một dự án của nhà nước. 

Ở Nhật Bản ấy, hệ thống tư nhân rất phát triển. Nhưng không phải trong những thời kỳ hiện đại mới như vậy mà trong lịch sử tôi đã thấy rằng rất nhiều gia tộc, rất nhiều dòng tộc đã có những lãnh thổ rất lớn, như những trang viên hoặc những ngôi chùa như một tiểu quốc, giống như Vatican chẳng hạn. Thời kỳ cổ đại hay thời kỳ trung thế ở Nhật Bản đã có những gia đình như vậy rồi, bất khả xâm phạm và quân đội của triều đình hay quân đội của Mạc phủ cũng không thể xâm phạm vào những ngôi chùa đó được. Họ đã hình thành nên những sở hữu tư rất lớn và quốc gia như triều đình cũng không thể can thiệp vào sở hữu tư.

Phạm Thu Giang (Dương Hương tổng hợp và biên tập)