Trong thời đại bùng nổ thông tin và biến đổi không ngừng, con người ngày càng cần thiết phải rèn luyện khả năng tư duy hiệu quả. “Học cách tư duy” không chỉ đơn thuần là trau dồi kiến thức mà còn là hành trình khám phá bản thân, thế giới xung quanh và cách thức vận hành của nó.

Vậy bạn đã bao giờ tự hỏi mình “học tư duy là tư duy gì” chưa? Hoạt động giáo dục nói chung, giáo dục khai phóng nói riêng không thể tách rời việc huấn luyện tư duy. Từ lâu Viện phát triển giáo dục khai phóng Libero và Học viện Agile đã theo đuổi tư tưởng huấn luyện, phát triển và mở mang cộng đồng phát triển tư duy. Một ví dụ điển hình là Trường hè tư duy. Trường Hè Tư Duy là một lát cắt mì-ăn-liền, mang tính xu thời và cú hích để người ta tìm về những cái cơ bản: Tư duy là gì? Có bao nhiêu kiểu tư duy trên đời, chúng có cái gì chung?

Tư duy là gì?

Khi nhắc tới “tư duy” thông thường chúng ta thường nói đến khái niệm “cách nghĩ” hay “việc nghĩ” của một người. Đối với con người, có thể coi việc nghĩ như là một chuyện quan trọng bậc nhất của con người.
Chúng ta thường nói khoa học tự nhiên dạy nhiều về tính toán, vì vậy người học khoa học tự nhiên sẽ có tư duy tốt hơn. Tuy nhiên, tác giả Phạm Hiệp trong bài viết “Học cách tư duy” tư duy gì? đăng trên báo tuoitre cho rằng, “biết tính toán” không phải là biểu hiện duy nhất của “biết tư duy”. Mà khái niệm “tư duy” ở đây là khái niệm liên ngành.
Năm 2002, Bộ Giáo dục liên bang Hoa Kỳ và một số tổ chức uy tín khác công bố một bộ kỹ năng cho thế kỷ 21, với 4 hợp phần chính bao gồm:
(i) Các môn cơ bản (ý thức toàn cầu; tài chính, kinh tế, kinh doanh và khởi nghiệp; công dân; sức khỏe; môi trường);
(ii) Kỹ năng học và sáng tạo;
(iii) Kỹ năng về thông tin, media, và công nghệ;
(iv) Kỹ năng sống và nghề nghiệp.
Theo nhà nghiên cứu giáo dục Phạm Hiệp, cả 4 hợp phần kể trên đều bao hàm nội dung về “tư duy”. Nhiệm vụ của các trường học ngày nay là phải trang bị cho sinh viên những nội dung “tư duy” theo nghĩa rộng với 4 hợp phần trên (hoặc tương tự) chứ không phải là “tư duy” theo nghĩa hẹp, chỉ bao gồm khả năng tính toán như trước.
Vậy đối với bậc sau đại học, sau khi rời khỏi trường học cũng nên theo đuổi khái niệm “tư duy” theo hướng đa ngành, liên ngành, kết hợp với học tập suốt đời chúng ta sẽ không ngừng bồi đắp năng lực tư duy và phát triển nó lên.

Tư duy gì?

Chúng ta vẫn thường hay nói “cải thiện tư duy”, “quan trọng là cách nghĩ”. Nhưng đã bao giờ bạn tự đặt câu hỏi có một cách tư duy chung cho tất cả mọi việc? Có một “cách nghĩ” toàn thể có thể giúp chúng ta tự tìm được ra câu trả lời cho riêng mình?
Trong khi ngoài kia, nhiều người không thể hiểu nổi khoa học khác nghệ thuật chỗ nào, khác tâm linh chỗ nào. Những khái niệm dường như đan xen, lẫn lộn, hỗn loạn và khó mà có thể đi đến tiếng nói chung.
Mọi thứ có thể gắn chữ “thinking” và làm thành một chuỗi dài những loại hình tư duy dễ khiến người ta bị rối trí: Tư duy logic, tư duy khoa học, tư duy hệ thống, tư duy phản biện, tư duy phức hợp, tư duy thiết kế, tư duy đạo đức, tư duy tổng hợp, tư duy phân tích, tư duy sáng tạo, tư duy đồng thuận, tư duy chuyên ngành, tư duy linh hoạt…, và còn nhiều loại hình tư duy khác nữa.
Để có thể giản lược cho người học, chúng tôi theo đuổi và phân loại các nhóm tư duy cơ bản theo quan điểm của nhà giáo Phạm Toàn với nhau để đem đến cho người học một bức tranh tổng quan và khởi đầu để khám phá: Tư duy Khoa học (thực chứng, logic); Tư duy Nghệ thuật (để trải nghiệm, cá nhân hóa, sáng tạo); Tư duy Tâm linh (siêu việt, chứng nghiệm, đức tin).
Những tư duy trên được thể hiện rõ nét trong chương trình Cánh Buồm: Văn rèn tư duy và tình cảm nghệ thuật; Tiếng Việt tiếp cận theo hướng khoa học ngôn ngữ, Khoa học rèn tư duy thực chứng/thực nghiệm; Lối sống rèn một ý thức tâm linh.

Học tư duy để làm gì?

Tiếp nối câu chuyện về chương trình Cánh Buồm ở bậc phổ thông. Nếu được dạy tư duy như trên một cách đến nơi đến chốn thì trẻ con sẽ được khai phóng từ nhỏ. Đầu óc chúng không chỉ chứa lý trí của máy móc, mà còn có cảm xúc và trái tim của người nghệ sĩ, và phẩm chất của đức Phật/Jesus. Và khi chúng đem những thứ đó vào đời sống trưởng thành thật vững vàng về trí tuệ. Đó là phần lõi của “năng lực người” đã ở độ chín ở mức phổ thông.

Và ở các bậc sau, việc học tư duy sẽ có giá trị nhất là để trí tuệ sáng hơn (hoặc chí ít là biết được con đường đi đến sự sáng suốt hơn), và từ nghĩ sáng nghĩ tốt mà làm tốt hơn, sống tốt hơn. Ví dụ như học Tư duy lịch sử là để học cho được cách nghĩ của các sử gia, để thu lượm được nhiều chất liệu từ các nhà nghiên cứu sử học, để biết được dòng chảy làm nên thế giới hiện tại.

Nhưng không chỉ có thế. Như lời của triết gia Bertrand Russell (Nobel văn học 1950) với sự đồng tình: “Sử mở rộng trí tưởng tượng, gợi ý những khả năng hành động và cảm giác thường không được tìm thấy ở những bộ óc thiếu vắng kiến thức lịch sử. Nó chọn lọc từ quá khứ những yếu tố có ý nghĩa và hệ trọng; nó lấp đầy suy nghĩ của ta bằng những ví dụ ấn tượng, và khao khát về mục đích lớn hơn so với việc tự mình phản tư. Nó liên hệ hiện tại với quá khứ, và do đó nó cũng liên hệ tương lai với hiện tại. Nó làm cho sự phát triển và vĩ đại của các quốc gia trở nên hữu hình và sống động, cho phép ta mở rộng hy vọng của mình vượt ra ngoài phạm vi cuộc sống của bản thân. Vì những lí do này, kiến thức về lịch sử có khả năng mang lại cho cả nghệ thuật quản lý nhà nước lẫn việc suy nghĩ hàng ngày của chúng ta một bề rộng và phạm vi mà những người có quan điểm bị giới hạn trong hiện tại không thể đạt tới.”

Ngoài ra nếu chúng ta kết hợp với việc học tập suốt đời và dựa trên cái các tư duy căn bản và tư duy đa chiều, ta sẽ không ngừng bồi đắp cho năng lực người, cứ mãi lớn lên.

Về Trường hè tư duy 2024

Trường hè tư duy là một sáng kiến hướng đến thực hiện các mục tiêu phát triển tư duy đa chiều cho người Việt. Trường hè tư duy mong muốn trở thành một nền tảng uy tín để mở rộng sân chơi chữ nghĩa, phát triển tư duy đa chiều dành cho tất cả các đối tượng khác nhau từ trẻ cho đến già; mở rộng cơ hội học tập tự chủ và học tập suốt đời; kết nối giữa các thế hệ và gắn kết các cá nhân mong muốn dẫn dắt bên trong và xung quanh mình.
Trường hè tư duy là điểm bắt đầu để khám phá, hoặc khám phá lại những điều căn bản của tư duy, thông qua việc gặp gỡ và trao đổi.
Mùa thứ nhất, nó đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Trường hè Tư duy 2023 đón nhận 7 chuyên gia tới giảng bài, và hơn 40 học viên mỗi người mỗi vẻ. Từ những người trẻ chập chững bước vào giảng đường đại học, cho tới những doanh nhân cấp tiến, cầu thị hay đơn giản là những con người say mê học tập, phát triển bản thân, mong muốn trở thành người có ích cho xã hội.
Năm nay chúng tôi tiếp tục có thêm những gương mặt mới tham dự, hy vọng sẽ đem đến một “bữa tiệc” tư duy đầy lý thú dành cho người học.
Cách học tập theo tiếp cận giáo dục khai phóng, liên ngành, đa ngành mang lại cho não bộ và trái tim người học những cơ hội va đập hiếm có, để hình thành những nếp nhăn mới, những tình cảm mới. Nó cũng hình thành những mối quan hệ bạn bè mới, từ sự đồng điệu trong tư duy, tâm hồn và cuộc sống.

Tổng hợp và biên tập từ: Dương Trọng Tấn, Phạm Toàn, Phạm Hiệp