Kinh tế học nghiên cứu về cách con người đưa ra quyết định khi đối mặt với sự khan hiếm. Đó có thể là quyết định cá nhân, quyết định gia đình, quyết định kinh doanh hoặc quyết định xã hội. Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy rằng sự khan hiếm là một thực tế của cuộc sống. Khan hiếm là mong muốn về hàng hóa, dịch vụ và tài nguyên của con người vượt quá những gì có sẵn. Các tài nguyên như lao động, công cụ, đất đai và nguyên liệu thô là cần thiết để sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ chúng ta muốn nhưng lại có nguồn cung hạn chế. Tất nhiên, tài nguyên khan hiếm nhất là thời gian – mọi người, giàu hay nghèo, chỉ có 24 giờ mỗi ngày kiếm thu nhập để mua hàng hóa và dịch vụ, dành thời gian giải trí hoặc ngủ. Tại bất kỳ thời điểm nào, chỉ có một lượng tài nguyên hữu hạn có sẵn.
Hãy nghĩ về điều này: Năm 2015, theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, lực lượng lao động ở Hoa Kỳ có hơn 158 triệu công nhân. Tổng diện tích đất là 3,794,101 m2. Mặc dù đây là những con số lớn, nhưng chúng không phải là vô hạn. Bởi vì các tài nguyên này bị giới hạn, nên số lượng hàng hóa và dịch vụ mà chúng ta sản xuất cũng bị giới hạn. Kết hợp điều này với thực tế rằng mong muốn của con người dường như là vô tận, và bạn có thể thấy tại sao sự khan hiếm là một vấn đề.
— Trích dịch từ cuốn sách Principles of Economics 3e trên Openstax
Hãy xem xét vấn đề sau đây: Có phải ai cũng cần thức ăn để ăn? Có phải ai cũng cần một nơi ở đàng hoàng? Có phải ai cũng có quyền tiếp cận chăm sóc y tế? Ở mọi quốc gia trên thế giới, có những người đói, vô gia cư (ví dụ, những người gọi ghế công viên là giường như trong Hình 1), và cần chăm sóc y tế, một vài hàng hóa và dịch vụ quan trọng. Tại sao điều này lại xảy ra? Đó là do sự khan hiếm. Khái niệm khan hiếm rất quan trọng để hiểu kinh tế học.
Vấn đề Khan hiếm
Hãy nghĩ về tất cả những thứ bạn tiêu thụ: thực phẩm, chỗ ở, quần áo, giao thông, chăm sóc sức khỏe và giải trí. Làm thế nào bạn có được những thứ đó? Bạn không tự sản xuất chúng. Bạn mua chúng. Làm thế nào bạn có đủ khả năng mua những thứ đó? Bạn làm việc để kiếm tiền. Nếu bạn không làm, ai đó sẽ làm thay bạn. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta không bao giờ có đủ thu nhập để mua tất cả những thứ mình muốn. Điều này là do sự khan hiếm. Vậy chúng ta giải quyết nó như thế nào?
Mọi xã hội, ở mọi cấp độ, đều phải lựa chọn cách sử dụng tài nguyên của mình. Các gia đình phải quyết định liệu có chi tiền vào một chiếc xe mới hay một kỳ nghỉ sang trọng. Các thị trấn phải chọn liệu có đưa nhiều ngân sách hơn vào bảo vệ cảnh sát và cứu hỏa hay vào hệ thống trường học. Các quốc gia phải quyết định liệu có dành nhiều ngân sách hơn cho quốc phòng hay bảo vệ môi trường. Trong hầu hết các trường hợp, không đủ tiền trong ngân sách để làm tất cả mọi thứ. Làm thế nào chúng ta sử dụng tài nguyên hạn chế của mình một cách tốt nhất có thể, tức là để có được nhiều hàng hóa và dịch vụ nhất có thể? Có vài lựa chọn. Đầu tiên, chúng ta có thể tự sản xuất mọi thứ chúng ta tiêu thụ. Hoặc chúng ta có thể sản xuất một phần những gì chúng ta muốn tiêu thụ, và “trao đổi” phần còn lại những gì chúng ta muốn. Tại sao chúng ta không tự sản xuất tất cả những thứ chúng ta tiêu thụ? Ở thời kỳ khai phá, con người biết làm nhiều thứ hơn nhiều so với chúng ta ngày nay, từ xây dựng nhà cửa, trồng trọt, săn bắn thức ăn, đến sửa chữa thiết bị. Hầu hết chúng ta không biết làm tất cả—hoặc không biết làm bất kỳ cái gì—những thứ đó, nhưng không phải vì chúng ta không thể học mà vì chúng ta không phải học bởi đã có phân công và chuyên môn hóa lao động, một sáng tạo sản xuất đầu tiên được đưa ra bởi Adam Smith (Hình 2) trong cuốn sách của ông, Của cải của các quốc gia (The Wealth of Nations).
Phân công và chuyên môn hóa lao động
Nghiên cứu chính thức về kinh tế học bắt đầu khi Adam Smith (1723–1790) xuất bản cuốn sách nổi tiếng của ông Của cải của các quốc gia vào năm 1776. Trước Smith, nhiều tác giả đã viết về kinh tế học, nhưng ông là người đầu tiên đề cập đến chủ đề này một cách toàn diện. Trong chương đầu tiên, Smith giới thiệu khái niệm phân công lao động, có nghĩa là cách sản xuất một hàng hóa hoặc dịch vụ được chia thành các nhiệm vụ mà các công nhân khác nhau thực hiện, thay vì tất cả các nhiệm vụ được thực hiện bởi cùng một người.
Để minh họa phân công lao động, Smith đếm số nhiệm vụ cần thiết để làm một cái kim. Smith đếm được 18 nhiệm vụ riêng biệt những người khác nhau thực hiện.
Các doanh nghiệp hiện đại ngày nay, ngay cả một doanh nghiệp tương đối đơn giản như một nhà hàng cũng phân chia nhiệm vụ phục vụ bữa ăn thành một loạt các công việc như đầu bếp chính, các đầu bếp phụ, nhân viên nhà bếp ít kỹ năng hơn, người phục vụ bàn, người chào khách tại cửa, nhân viên dọn dẹp, và người quản lý kinh doanh để xử lý bảng lương và hóa đơn – chưa kể đến các kết nối nhà hàng có với nhà cung cấp thực phẩm, đồ nội thất, thiết bị nhà bếp, và tòa nhà nơi đặt nhà hàng. Một doanh nghiệp phức tạp chẳng hạn như nhà máy giày (Hình 3), hoặc một bệnh viện có thể có hàng trăm phân loại công việc khác nhau.
Tại sao phân công lao động tăng sản lượng
Khi chúng ta phân chia và chia nhỏ các nhiệm vụ liên quan đến sản xuất một hàng hóa hoặc dịch vụ, công nhân và doanh nghiệp có thể sản xuất một lượng lớn hơn. Trong quan sát của mình về các nhà máy sản xuất kim, Smith nhận thấy rằng một công nhân một mình có thể làm 20 cái kim trong một ngày, nhưng một doanh nghiệp nhỏ với 10 công nhân (một số người trong số họ cần hoàn thành hai hoặc ba trong số 18 nhiệm vụ liên quan đến làm kim), có thể làm 48,000 cái kim trong một ngày. Làm thế nào mà một nhóm công nhân, mỗi người chuyên vào các nhiệm vụ nhất định, lại có thể sản xuất nhiều hơn nhiều so với cùng số lượng công nhân cố gắng sản xuất toàn bộ hàng hóa hoặc dịch vụ một mình? Smith đưa ra 03 lý do.
Thứ nhất, chuyên môn hóa trong một công việc nhỏ cụ thể cho phép công nhân tập trung vào các phần của quy trình sản xuất mà họ có lợi thế. Mọi người có những kỹ năng, tài năng và sở thích khác nhau, vì vậy họ sẽ giỏi một số công việc hơn các công việc khác. Những lợi thế này có thể dựa trên việc bằng cấp giáo dục, được hình thành bởi sở thích và tài năng. Chỉ những người có bằng cấp y tế mới đủ điều kiện trở thành bác sĩ, chẳng hạn. Đối với một số hàng hóa, vị trí địa lý có ảnh hưởng đến chuyên môn hóa. Ví dụ, dễ dàng trở thành nông dân trồng lúa mì ở North Dakota hơn ở Florida, nhưng dễ dàng hơn để điều hành một khách sạn du lịch ở Florida hơn ở North Dakota. Nếu sống ở hoặc gần một thành phố lớn, bạn dễ dàng điều hành một doanh nghiệp giặt là hoặc rạp chiếu phim thành công hơn là sống ở một khu vực nông thôn thưa thớt. Dù gì đi nữa, mọi người chuyên về sản xuất những gì họ làm tốt nhất, sẽ hiệu quả hơn nhiều so với sản xuất kết hợp những thứ họ giỏi và không giỏi.
Thứ hai, các công nhân chuyên vào các nhiệm vụ nhất định thường học cách sản xuất nhanh hơn và với chất lượng cao hơn. Điều này đúng với nhiều người, bao gồm từ các công nhân lắp ráp xây dựng ô tô, nhà tạo mẫu tóc cắt tóc tới các bác sĩ thực hiện phẫu thuật tim. Thực tế, các công nhân chuyên môn thường làm tốt công việc của mình, từ đó đề xuất, sáng tạo để công việc của mình được nhanh và tốt hơn.
Trong nhiều trường hợp, một doanh nghiệp tập trung vào một hoặc một vài sản phẩm (đôi khi được gọi là “năng lực cốt lõi”) thành công hơn các công ty cố gắng sản xuất nhiều sản phẩm.
Thứ ba, chuyên môn hóa cho phép doanh nghiệp tận dụng lợi thế quy mô, có nghĩa là đối với nhiều hàng hóa, khi mức độ sản xuất tăng lên, chi phí trung bình để sản xuất mỗi đơn vị riêng lẻ giảm. Ví dụ, nếu một nhà máy chỉ sản xuất 100 chiếc ô tô mỗi năm, mỗi chiếc ô tô sẽ khá đắt. Tuy nhiên, nếu một nhà máy sản xuất 50.000 chiếc ô tô mỗi năm, thì có thể thiết lập một dây chuyền lắp ráp với các máy móc lớn và công nhân thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn và chi phí trung bình để sản xuất mỗi chiếc ô tô sẽ thấp hơn. Kết quả cuối cùng, các công nhân có thể tập trung, học cách làm các công việc chuyên môn của mình tốt hơn. Nhờ vào sự phân công và chuyên môn hóa lao động, xã hội có thể vượt qua được những giới hạn của khan hiếm tài nguyên và nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua việc sản xuất và tiêu thụ nhiều hơn.
Thương mại và thị trường
Chuyên môn hóa chỉ có ý nghĩa nếu các công nhân có thể sử dụng tiền lương mà họ nhận được để mua các hàng hóa và dịch vụ khác mà họ cần. Chuyên môn hóa đòi hỏi thương mại.
Bạn không cần phải biết gì về điện tử hoặc hệ thống âm thanh để chơi nhạc – chỉ cần mua một chiếc iPod hoặc máy nghe nhạc MP3, tải nhạc về, và nghe. Bạn không cần phải biết gì về sợi nhân tạo hoặc cách sản xuẩt máy khâu, nếu bạn cần một chiếc áo khoác – bạn chỉ cần mua áo khoác và mặc. Bạn không cần phải biết gì về động cơ đốt trong để điều khiển xe hơi – bạn chỉ cần xe vào và lái. Thay vì cố gắng thu thập tất cả kiến thức và kỹ năng liên quan đến việc sản xuất tất cả các hàng hóa và dịch vụ mà bạn muốn mua, thị trường cho phép bạn học một bộ kỹ năng chuyên môn và sau đó sử dụng tiền lương bạn nhận được để mua các hàng hóa và dịch vụ bạn cần hoặc muốn. Đây là cách xã hội hiện đại đã phát triển thành một nền kinh tế mạnh mẽ.
Tại sao nghiên cứu Kinh tế học?
Kinh tế học không phải là một bộ sưu tập các sự kiện để ghi nhớ, mặc dù có rất nhiều khái niệm quan trọng để học. Hãy nghĩ về kinh tế học như một bộ câu hỏi để trả lời hoặc những câu đố để giải quyết. Quan trọng nhất, kinh tế học cung cấp các công cụ để giải quyết những câu đố đó.
Xem xét vấn đề rào cản giáo dục ở cấp độ quốc gia và khu vực, ảnh hưởng đến hàng triệu người và dẫn đến nghèo đói và bất bình đẳng lan rộng. Các chính phủ, tổ chức viện trợ và những cá nhân giàu có chi hàng tỷ đô la mỗi năm để cố gắng giải quyết các vấn đề này. Các quốc gia công bố chương trình phục hồi giáo dục; các công ty công nghệ tặng thiết bị và cơ sở hạ tầng, các ngôi sao và tổ chức từ thiện xây dựng trường học và tài trợ cho học sinh. Tuy nhiên, các vấn đề vẫn tồn tại, đôi khi gần như không thay đổi so với trước khi can thiệp. Tại sao lại như vậy? Năm 2019, ba nhà kinh tế học – Esther Duflo, Abhijit Banerjee, và Michael Kremer – đã được trao Giải Nobel vì công trình để trả lời những câu hỏi đó. Họ phân tích các vấn đề rộng lớn thành những mảnh nhỏ hơn, và làm các thực nghiệm để kiểm tra. Công trình nghiên cứu đã giúp giải quyết nghèo đói và cải thiện giáo dục. Esther Duflo, người là người trẻ nhất và là người phụ nữ thứ hai giành Giải Nobel về Kinh tế học, cho biết “Chúng tôi tin rằng giống như cuộc chiến chống ung thư, cuộc chiến chống đói nghèo sẽ không giành chiến thắng trong một trận chiến lớn, mà là trong một loạt các chiến thắng nhỏ … Việc này và văn hóa học tập được thúc đẩy trong các chính phủ đã dẫn cuộc sống của hàng trăm triệu người nghèo được cải thiện”. Có thể thấy, kinh tế học ảnh hưởng nhiều hơn là kinh doanh. Ví dụ:
- Hầu như mọi vấn đề lớn thế giới đang đối mặt hiện nay, từ biến đổi khí hậu toàn cầu đến nghèo đói, đến các xung đột ở Syria, Afghanistan và Somalia, đều có khía cạnh kinh tế. Nếu muốn giải quyết một phần của những vấn đề đó, bạn cần phải hiểu kinh tế học.
- Để trở thành công dân tốt, bạn cần phải có khả năng hiểu và đánh giá một cách thông minh về các vấn đề liên quan đến ngân sách, quy định và luật pháp để có thể đưa ra quyết định bỏ phiếu một cách chính xác và hợp lý.
- Một hiểu biết cơ bản về kinh tế học làm cho bạn trở thành một người suy nghĩ toàn diện. Khi đọc các bài báo về các vấn đề kinh tế, bạn sẽ hiểu và có thể đánh giá lập luận của người viết. Khi bạn nghe nói về kinh tế học, bạn sẽ có thể phân biệt giữa việc hiển nhiên và vô lý. Bạn sẽ tìm thấy những cách suy nghĩ mới về các sự kiện, về các quyết định cá nhân, kinh doanh, chính trị.
Việc nghiên cứu kinh tế học không quy định câu trả lời, nhưng nó có thể làm sáng tỏ các lựa chọn khác nhau.
— Trích dịch từ cuốn sách Principles of Economics 3e trên Openstax