Nhằm cung cấp một bức tranh tổng quan và toàn diện về các nghiên cứu xoay quanh chủ đề giáo dục khai phóng (GDKP) trên quy mô toàn cầu, TS Phạm Hùng Hiệp và các cộng sự thuộc Viện Nghiên cứu Giáo dục và Chuyển giao Tri thức – Trường Đại học Thành Đô, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Trường Đại học Việt Nhật, ĐHQGHN đã phối hợp cùng Viện Libero xây dựng “Tổng quan nghiên cứu về giáo dục khai phóng từ 1908-2022 từ dữ liệu Scopus”. Ngày hôm nay, 13/01/2024, trong khuôn khổ hội thảo “Lịch sử giáo dục khai phóng tại Việt Nam và những gợi mở”, nhóm nghiên cứu vui mừng được công bố một số kết quả bước đầu.
Phạm vi của nghiên cứu bao gồm tất cả 3509 bài báo khoa học, sách, chương sách, bài hội thảo được xuất bản trong khoảng 1908, năm đầu tiên ghi nhận tài liệu nghiên cứu liên quan đến GDKP, cho đến 2022, từ các nguồn xuất bản được Scopus chỉ mục.
Các câu hỏi nghiên cứu được đặt ra:
1. Xu hướng xuất bản trong nghiên cứu về GDKP là gì?
2. Các quốc gia và mạng lưới hợp tác quốc tế trong nghiên cứu về GDKP có đặc điểm gì?
3. Các cơ sở nghiên cứu chủ đạo trong nghiên cứu về GDKP là những đơn vị nào?
4. Cộng đồng nghiên cứu về GDKP trong giai đoạn có đặc điểm gì?
5. Đâu là các nguồn công bố chính trong nghiên cứu về GDKP?
6. Các công trình nào có sức ảnh hưởng đến nghiên cứu về GDKP?
7. Các chủ đề nghiên cứu chính trong nghiên cứu và các xu hướng nghiên cứu mới nổi trong nghiên cứu GDKP là gì?
Nghiên cứu sử dụng phương pháp trắc lượng thư mục khoa học (Bibliometric analysis) làm công cụ chính để thực hiện các phân tích. Đây là một trong những phương pháp thường được sử dụng trong các nghiên cứu tổng quan, phương pháp trắc lượng thư mục khoa học nổi trội ở điểm tập trung vào tổng hợp và phân tích các siêu dữ liệu (metadata), như tác giả, năm xuất bản, tên tạp chí, chỉ số trích dẫn, … của các công bố khoa học.
Tính từ thời điểm nhóm bắt đầu thu thập dữ liệu là ngày 09/09/2023, nhóm xác định được kết quả bước đầu là 7340 tài liệu. Sau khi áp dụng lệnh tìm kiếm tối ưu cho ra kết quả 4307 tài liệu. Quá trình screening được tiến hành với 3509 tài liệu được đưa vào xử lý dữ liệu.
Sau quá trình nghiên cứu, nhóm đã tổng hợp:
• các xu hướng xuất bản về GDKP theo năm hay tỉ lệ các dạng công bố về GDKP,
• các quốc gia hàng đầu và mạng lưới hợp tác quốc tế,
• các cộng đồng, nhóm nghiên cứu, các nguồn công bố,
• các công trình có sức ảnh hưởng,
• các chủ đề nghiên cứu chính và nổi trội,
• …
Kết luận
GDKP là chủ đề “kinh điển” trong nghiên cứu khoa học giáo dục, và vẫn tiếp tục thu hút được sự quan tâm của giới nghiên cứu
Tại Việt Nam, chúng ta dường như biết nhiều về GDKP thông qua các tác phẩm dạng sách trong khi bài báo Tạp chí mới là dạng tài liệu chủ yếu của nghiên cứu về GDKP
Học giả từ trường ĐH các nước nói tiếng Anh, đặc biệt là Hoa Kỳ là các tác giả chính của nghiên cứu về GDKP
Gần đây, nổi lên 1 số học giả từ các nước Châu Á nhưng chưa có sự kết nối để tạo thành các nhóm nghiên cứu mạnh
Có 4 hướng nghiên cứu chính: (i) Triết lý chung; (ii) Giáo dục đại học; (iii) Chương trình, phương pháp và đánh giá; và (iv) GDKP và các chuyên ngành hẹp
Sự hiểu biết của cộng đồng học thuật Việt Nam về GDKP dường như vẫn quá hạn hẹp; sự đóng góp của cộng động học thuật Việt Nam cho nghiên cứu GDKP trên thế giới vẫn quá khiêm tốn (chỉ có 2 chương sách của 2 tác giả, 1 từ Viện Quốc tế Pháp ngữ – ĐHQGHN, 1 từ Trường Đại học Cần Thơ).
Hiện, cơ sở dữ liệu của nghiên cứu hiện chia sẻ tại đường dẫn: https://research.libero.school/. Trong đó, các tài liệu được phân loại theo các trường: tiêu đề, tác giả, năm, số trích dẫn. Mỗi tài liệu đều được đính kèm link để truy cập chi tiết nghiên cứu.
Thân mời quý bạn quan tâm truy cập!