Clive Wear là một nhạc sĩ tài năng. Ông đã mất khả năng hình thành ký ức mới sau khi mắc bệnh ở tuổi 46. Mặc dù có thể nhớ cách chơi piano hoàn hảo nhưng ông không thể nhớ mình đã ăn gì vào bữa sáng dù chỉ một giờ trước đó (Sacks, 2007). James Wannerton là người đàn ông “nếm” được vị của âm thanh. Tên bạn gái cũ của anh ấy có vị như đại hoàng (Mundasad, 2013). Còn John Nash là một nhà toán học xuất sắc và từng đoạt giải Nobel. Tuy nhiên, khi còn là giáo sư tại MIT, ông đã nói với mọi người rằng tờ New York Times chứa đựng những thông điệp được mã hóa từ những sinh vật ngoài hành tinh dành cho ông. Ông cũng bắt đầu nghe thấy những giọng nói và trở nên nghi ngờ mọi người xung quanh. Ngay sau đó, Nash được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt và được đưa vào trại tâm thần (O’Connor & Robertson, 2002). Nash là chủ đề của bộ phim A Beautiful Mind sản xuất năm 2001. Tại sao họ lại có những trải nghiệm này? Bộ não con người hoạt động như thế nào? Và có mối liên hệ gì giữa các quá trình bên trong của não bộ và hành vi bên ngoài của con người? Cuốn sách này sẽ giới thiệu đến bạn một vài cách mà lĩnh vực của tâm lý học trả lời các câu hỏi này.

— Phần giới thiệu của cuốn sách Psychology 2e trên Openstax

Lịch sử tâm lý học

Bắt đầu phát triển vào thế kỉ XIX, tâm lý học là một bộ môn khoa học còn khá non trẻ, nếu như đặt trên bàn cân với các ngành nghiên cứu khác, chẳng hạn như sinh lý học con người. Như đã nói, bất kì ai hứng thú khám phá những vấn đề liên quan tới tâm trí con người thường được thực hiện trên danh nghĩa của triết học. Hai học giả của thế kỉ XIX, Wilhelm Wundt và William James, cho đến nay vẫn được coi là cha đẻ của ngành tâm lý học, những người đã có công tách biệt tâm lý học thành một ngành nghiên cứu riêng, độc lập với triết học. Phần này sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về sự thay đổi tư duy đã ảnh hưởng tới tâm lý học như thế nào, xuyên suốt từ thời kỳ của Wundt và James cho tới ngày nay.

Wundt và Chủ nghĩa cấu trúc (Structuralism)

Wilhelm Wundt

Wilhelm Wundt (1832 – 1920) là nhà khoa học người Đức, được coi là nhà tâm lý học đầu tiên

Wilhelm Wundt (1832 – 1920) là nhà khoa học người Đức, được coi là nhà tâm lý học đầu tiên. Trong cuốn Những nguyên lý của Tâm sinh lý học (Principles of Physiological Psychology), xuất bản năm 1873, Wundt nhìn nhận tâm lý học như là bộ môn khoa học nghiên cứu những trải nghiệm có ý thức và ông tin rằng, mục đích của tâm lý học là xác định các thành phần của ý thức và cách chúng liên kết với nhau để tạo ra “trải nghiệm có ý thức”. Wundt đã phát triển phương pháp tự vấn nội tâm (introspection) (ông gọi là “nhận thức nội tại”), quá trình mà một người tự kiểm điểm những trải nghiệm có ý thức của mình một cách khách quan nhất có thể, như cách nhà nghiên cứu quan sát một khía cạnh của tự nhiên. Wundt tin vào khái niệm của chủ nghĩa duy ý chí, rằng con người có ý chí tự do và nên được biết mục đích của thí nghiệm tâm lý mà mình tham gia vào (Danziger, 1980). Wundt rất coi trọng việc thực nghiệm tự vấn nội tâm và sử dụng các công cụ để đo thời gian phản ứng. Trong cuốn Volkerpsychologie xuất bản năm 1904, ông gợi ý rằng tâm lý học cần bao hàm nghiên cứu về văn hoá bởi mối liên hệ mật thiết tới nghiên cứu con người. Một học trò của Wundt là Edward Titchener đã xây dựng chủ nghĩa cấu trúc (structuralism), tập trung vào quá trình xử lý của não bộ hơn là về các chức năng riêng biệt (Pickren & Rutherford, 2010). Năm 1879, Wundt mở phòng nghiên cứu tâm lý học tại Đại học Leipzig. Tại đây, ông cùng các học trò đã thực hiện nhiều thí nghiệm, chẳng hạn như thời gian phản ứng. Đối tượng nghiên cứu, đôi lúc ở trong phòng riêng tách biệt với nhóm nghiên cứu, sẽ nhận được một kích thích dưới dạng ánh sáng, hình ảnh hoặc âm thanh. Đối tượng sẽ phản ứng với kích thích bằng cách ấn vào một cái nút và có thiết bị ghi chép lại thời gian phản ứng. Wundt có thể ghi được kết quả chuẩn tới 1/1000 giây (Nicolas & Ferrand, 1999).

Laboratory in Germany

Wilhelm Wundt (ngồi ghế) và xung quanh là các đồng nghiệp nghiên cứu, thiết bị trong phòng thí nghiệm của ông ở Đức.

Tuy vậy, mặc dù đã cố gắng hướng dẫn các nghiên cứu sinh về quy trình tự vấn nội tâm nhưng quy trình này vẫn còn nặng tính chủ quan, do đó dẫn đến sự không đồng thuận về ý tưởng trong nhóm nghiên cứu.

Chủ nghĩa chức năng (Functionalism)

William James

Bức chân dung tự họa của nhà tâm lý học người Mỹ đầu tiên, William James

William James, John Dewey và Charles Sanders Peirce là bộ ba đã xây dựng tâm lý học chức năng. Họ tán thành thuyết tiến hoá theo chọn lọc tự nhiên của Darwin và cho rằng lý thuyết này như một lời giải thích cho những đặc điểm của sinh vật sống. Trọng tâm của lý thuyết này là ý tưởng cho rằng: sự chọn lọc tự nhiên thúc đẩy các sinh vật thay đổi để thích nghi với môi trường sống, bao gồm cả hành vi. Thích ứng là một đặc tính của sinh vật sống, có chức năng sinh tồn và sao chép cá thể thông qua chọn lọc tự nhiên. Theo James, mục đích của tâm lý học là nghiên cứu về chức năng của hành vi trong xã hội, do vậy quan điểm của ông còn được biết tới với tên gọi là chủ nghĩa chức năng (functionalism). Chủ nghĩa chức năng tập trung trả lời cho câu hỏi làm cách nào các hoạt động trí óc ở sinh vật giúp chúng hoà nhập vào môi trường sống. Một cách hiểu khác về trường phái này, là các nhà nghiên cứu quan tâm tới cách thức vận hành của tâm trí như một tổng thể hơn là đi sâu vào từng thành phần riêng lẻ (vốn là trọng tâm nghiên cứu của chủ nghĩa cấu trúc). Giống như Wundt, James cũng tin rằng sự tự vấn nội tâm là phương tiện hỗ trợ nghiên cứu các hoạt động trí óc, nhưng chính ông cũng dựa nhiều vào các phương pháp mang tính khách quan hơn, bao gồm sử dụng nhiều các công cụ ghi chép đo đạc, kiểm tra các sản phẩm được tạo ra từ hoạt động trí óc, cũng như giải phẫu học và sinh lý học (Gordon, 1995).

Freud và thuyết Phân tâm học

Sigmund Freud (1856 – 1939) có lẽ là một trong những nhân vật nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng nhất trong lịch sử tâm lý học. Nhà thần kinh học người Áo bị thu hút bởi các bệnh nhân mắc “chứng cuồng loạn” (hysteria) và rối loạn thần kinh chức năng. Thuật ngữ “chứng cuồng loạn” được dùng từ thời xưa để chẩn đoán cho nhiều rối loạn, chủ yếu gặp ở phụ nữ với đa dạng triệu chứng, từ những bất thường về thể chất tới các rối loạn cảm xúc mà không xuất hiện bất kì nguyên nhân thực thể nào. Freud giả thuyết rằng rằng rất nhiều các vấn đề ở bệnh nhân xuất phát từ vô thức (unconscious mind). Theo góc nhìn của Freud, vô thức là nơi cất giữ những cảm xúc và ham muốn mà chúng ta không hề biết tới. Vậy nên việc tiếp cận với vô thức đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị thành công cho các vấn đề của bệnh nhân. Theo Freud, có thể tiếp cận vô thức thông qua phân tích giấc mơ, bằng việc xem xét từ ngữ đầu tiên nảy ra trong tâm trí con người, hay do buột miệng mà ra. Thuyết Phân tâm học (Psychoanalytic theory ) tập trung vào vai trò của vô thức ở con người, cũng như những trải nghiệm thuở ấu thơ và góc nhìn này đã thống trị ngành tâm lý lâm sàng trong hàng thập kỷ (Thorne & Henley, 2005).

Sigmund Freud

Sigmund Freud là một nhân vật có ảnh hưởng lớn trong lịch sử tâm lý học. (b) Một trong nhiều cuốn sách của ông, Tổng quan về phân tâm học (A General Introduction to Psychoanalysis), được xuất bản vào năm 1922, đã chia sẻ ý tưởng của ông về liệu pháp phân tâm học.

Những quan điểm của Freud có sức ảnh hưởng, và bạn có thể sẽ bắt gặp khi nghiên cứu về kéo dài tuổi thọ, nhân cách và trị liệu. Chẳng hạn, nhiều chuyên gia trị liệu có niềm tin mạnh mẽ vào vô thức và tác động của những trải nghiệm thời ấu thơ tới phần đời còn lại của một cá nhân. Liệu pháp phân tâm học, trong đó bệnh nhân sẽ kể về những trải nghiệm và bản ngã, dù không phải phát kiến của Freud nhưng nhờ ông mà vẫn được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay. Tuy vậy, một vài tư tưởng khác của Freud lại là chủ đề gây tranh cãi. Drew Westen (1998) đưa ra lập luận rằng rất nhiều những chỉ trích về ý tưởng của Freud là nhầm chỗ, chúng chăm chăm vào các ý tưởng cũ của Freud mà không tính tới các công trình của ông sau này. Westen cũng cho rằng phe chỉ trích không xem xét thành công của các ý tưởng lớn mà Freud đã đưa ra và phát triển, chẳng hạn như về mối liên hệ giữa các trải nghiệm thời thơ ấu với những động lực khi trưởng thành, vai trò của những động lực vô thức và ý thức trong việc định hướng hành vi con người, sự thật rằng động lực có thể gây ra mâu thuẫn – tác động tới hành vi,… Westen đã chỉ ra thêm các nghiên cứu cũng ủng hộ tất cả quan điểm này.

Một vài phương pháp hiện đại ngày nay dựa theo tiếp cận lâm sàng của Freud đã cho thấy sự hiệu quả thực chứng (Knekt et al., 2008; Shedler, 2010). Một vài liệu pháp thường dùng hiện tại trong tâm lý trị liệu bao gồm kiểm tra các mặt vô thức của bản ngã và liên hệ giữa chúng, thường là thông qua mối quan hệ giữa nhà tâm lý và thân chủ. Những đóng góp lớn lao của Freud trong tâm lý trị liệu là xứng đáng để ghi tên ông vào dòng chảy lịch sử của ngành tâm lý học.

Wertheimer, Koffka, Kohler và Tâm lý học Gestalt

Max Wertheimer (1880 – 1943), Kurt Koffka (1886 – 1941) và Wolfgang Kohler (1887 – 1967) là ba nhà tâm lý học người Đức, nhập cư Mỹ vào đầu thế kỉ XX nhằm trốn khỏi Đức Quốc xã. Ba người này được cho là đã giới thiệu các quy tắc Gestalt tới giới tâm lý học Mỹ. Từ Gestalt được dịch là “toàn bộ”, điểm chính của tâm lý học Gestalt tập trung vào sự thật rằng, cho dù các trải nghiệm giác quan có thể chia ra làm nhiều phần riêng lẻ, thì cách các phần đó tương tác với nhau như một tổng thể thường là phản hồi cá nhân theo nhận thức. Ví dụ, một bài hát có thể cấu thành từ nhiều nốt nhạc, được chơi bởi nhiều nhạc cụ khác nhau, nhưng bản chất của bài hát được cảm nhận thông qua sự kết hợp của các nốt nhạc để định hình nhịp điệu, giai điệu và các hợp âm. Hiểu theo cách khác, quan điểm của bộ ba nhà khoa học Đức hoàn toàn trái ngược với ý tưởng của Wundt về chủ nghĩa cấu trúc (Thorne & Henley, 2005).

Không may, khi chuyển tới Mỹ sinh sống, những nhà khoa học này đã bị ép bỏ lại phần lớn các công trình của mình và không thể tiếp tục thực hiện các nghiên cứu ở quy mô lớn nữa. Những bất lợi này, cùng với sự trỗi dậy của chủ nghĩa hành vi (behaviorism) ở Mỹ đã chặn đứng tầm ảnh hưởng của tâm lý học Gestalt tại Hoa Kỳ (Thorne & Henley, 2005). Dù vậy, một vài quy tắc Gestalt vẫn còn có ảnh hưởng đáng kể cho đến nay. Xem xét cá nhân con người như một tổng thể hoàn chỉnh thay vì sự kết hợp của các bộ phận riêng lẻ đã trở thành nền tảng quan trọng của lý thuyết nhân văn (humanistic) vào cuối thế kỷ XX. Ý tưởng của Gestalt cũng đã tiếp tục ảnh hưởng tới các nghiên cứu về cảm giác và nhận thức.

Chủ nghĩa cấu trúc, Freud và các nhà tâm lý học Gestalt đều quan tâm tới một hoặc nhiều cách mô tả và phân tích trải nghiệm nội tâm. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu khác lại lo ngại rằng liệu trải nghiệm nội tâm có phải là đối tượng hợp pháp của nghiên cứu khoa học không và họ đã lựa chọn tập trung nghiên cứu hành vi con người, hệ quả có thể quan sát một cách khách quan của quá trình tâm trí.

Pavlov, Watson, Skinner và Chủ nghĩa hành vi

Một trong những công trình đầu tiên trong lĩnh vực nghiên cứu hành vi được thực hiện bởi nhà sinh lý học người Nga, Ivan Pavlov (1849 – 1936). Pavlov nghiên cứu một dạng học tập hành vi gọi là “phản xạ có điều kiện”, một con vật/con người có phản xạ vô thức với một kích thích và qua thời gian, đối tượng hình thành phản xạ tương tự với một kích ứng khác có liên hệ với kích ứng ban đầu dưới chủ ý của người thực hiện thí nghiệm. Phản xạ mà Pavlov tìm hiểu là phản ứng tiết nước bọt khi nhìn thấy thức ăn. Phản xạ tiết nước bọt này có thể được xuất hiện bằng kích thích thứ hai, dưới dạng một âm thanh cụ thể, có liên kết với kích thích ban đầu (thức ăn) một vài lần. Khi phản ứng với kích thích thứ 2 được “học”, kích thích “thức ăn” có thể được bỏ đi. “Điều kiện hóa cổ điển” (classical conditioning) của Pavlov chỉ là một trong những hình thái “hành vi học tập” được những người theo chủ nghĩa hành vi khai thác.

John B.Watson (1878 – 1958) là nhà tâm lý học người Mỹ, nổi tiếng với các nghiên cứu vào đầu thế kỷ XX tại đại học John Hopkins (Hình 1.5). Trong khi Wundt và James quan tâm đến việc hiểu rõ trải nghiệm có ý thức, Watson lại cho rằng nghiên cứu về sự ý thức còn hạn chế. Ông tin rằng phân tích tâm trí dưới góc độ khách quan là bất khả thi, Watson đã lựa chọn tập trung vào các hành vi có thể quan sát và tìm cách để kiểm soát các hành vi đó. Watson là một cái tên đi đầu trong việc thay đổi trọng tâm của ngành tâm lý học từ tâm trí sang hành vi, hướng tiếp cận quan sát và kiểm soát hành vi được gọi là chủ nghĩa hành vi (behaviorism). Một đối tượng nghiên cứu chính của các nhà hành vi học là học tập hành vi và sự tương tác của hành vi với bản năng của sinh vật sống. Chủ nghĩa hành vi thường sử dụng động vật trong các thí nghiệm với giả định rằng mô hình học tập ở động vật có thể được áp dụng cho hành vi của con người theo mức độ nào đó. Tolman (1938) đã từng tuyên bố “Tôi tin rằng mọi thứ quan trọng trong tâm lý học (ngoại trừ … những vấn đề liên quan đến xã hội và ngôn ngữ) có thể được nghiên cứu thông qua các thí nghiệm liên tục và phân tích lý thuyết các yếu tố quyết định hành vi của chuột tại một điểm được lựa chọn trong mê cung”.

John B. Watson

John B. Watson, người được xem là cha đẻ của tâm lý học hành vi.

Chủ nghĩa hành vi đã thống trị ngành tâm lý học thực nghiệm trong vài thập kỉ và vẫn còn để lại dư âm cho tới ngày nay (Thorne & Henley, 2005). Chủ nghĩa hành vi có vai trò lớn lao trong việc củng cố tâm lý học như một ngành khoa học chính quy thông qua các phương thức khách quan và đặc biệt là thực nghiệm. Thêm vào đó, nó còn được sử dụng trong liệu pháp hành vi và nhận thức-hành vi. Các thử nghiệm tác động lên hành vi thường được thực hiện trong môi trường lớp học. Chủ nghĩa hành vi cũng mở đường cho các nghiên cứu về ảnh hưởng của môi trường sống lên hành vi con người.
Một nhà tâm lý học hành vi khác người Mỹ, B.F. Skinner (1904 – 1990), giống như Watson, ông tập trung tìm hiểu cách hành vi bị tác động như thế nào từ những hậu quả của chính nó. Từ đó, Skinner đề cập đến 2 nhân tố chính trong việc định hướng hành vi: phần thưởng và hình phạt. Nhằm củng cố cho nghiên cứu của mình, Skinner đã tạo ra một chiếc lồng, cho phép ông có thể xem xét và ứng dụng các nguyên tắc thay đổi hành vi dựa trên cơ chế thưởng phạt. Thiết bị này được gọi là lồng điều hòa hoạt động (operant conditioning chamber), hay thường được gọi là chiếc hộp Skinner, một công cụ quý giá cho các nhà nghiên cứu hành vi (Thorne & Henley, 2005)

Hộp Skinner là một lồng tách biệt đối tượng nghiên cứu với thế giới bên ngoài, bên trong chứa một thiết bị tác động hành vi dưới dạng cần gạt hoặc nút bấm. Khi con vật bấm vào nút hoặc cần gạt, chiếc hộp sẽ đưa ra một củng cố tích cực (positive reinforcement) dưới dạng thức ăn hoặc hình phạt (dưới dạng âm thanh khó chịu).
Trọng tâm trong nghiên cứu của Skinner về củng cố tích cực và tiêu cực đối với học tập hành vi đã ảnh hưởng đến tâm lý học trong một thời gian dài, dù về sau đã mờ nhạt đi đôi chút do sự lớn mạnh của tâm lý học nhận thức (cognitive psychology). Tuy vậy, chúng vẫn được sử dụng nhiều trong điều chỉnh hành vi con người (Greengrass, 2004).

B. F. Skinner

B. F. Skinner nổi tiếng với nghiên cứu về điều hòa hoạt động (b) Các phiên bản sửa đổi của lồng điều hòa hoạt động, hoặc hộp Skinner, vẫn được sử dụng rộng rãi trong các nghiên cứu ngày nay. (Nguồn: a: sửa đổi từ tác phẩm của “Silly rabbit”/Wikimedia Commons)

Maslow, Rogers và Học thuyết nhân văn

Suốt đầu thế kỉ XX, tâm lý học Mỹ chia làm hai trường phái: học thuyết hành vi và phân tâm học. Tuy nhiên, một số nhà tâm lý học không thoải mái với những gì họ cho là hạn chế của các học thuyết trên. Những người này bác bỏ lý thuyết tất định và bi quan của Freud (pessimism and determinism of Freud), rằng tất cả hành vi được định hướng bởi vô thức. Họ cũng không tán thành chủ nghĩa giản lược hoặc đơn giản hóa bản chất của chủ nghĩa hành vi. Cốt lõi của lý thuyết hành vi nhìn nhận hành vi con người hoàn toàn là sự sự kết hợp của các yếu tố di truyền và môi trường. Một số nhà tâm lý học bắt đầu hình thành ý tưởng của riêng mình, nhấn mạnh tới sự tự kiểm soát, chủ ý, tính hướng thiện trong tự nhận thức và hành vi của mỗi cá nhân. Chủ nghĩa nhân văn đã ra đời như vậy, là một nhánh tâm lý học nhấn mạnh vào tính thiện bản năng trong mỗi con người. Hai nhân vật kiệt xuất của tâm lý học nhân văn là Abraham Maslow và Carl Rogers (O’Hara, n.d).

Abraham Maslow (1908 -1970) là một nhà tâm lý học người Mỹ, nổi tiếng trong việc xây dựng mô hình tháp nhu cầu để làm động lực cho hành vi. Khái niệm này sẽ được thảo luận chi tiết hơn trong chương tiếp theo và chúng tôi chỉ đưa ra tổng quan ở phần này. Maslow lập luận rằng, chừng nào các nhu cầu cơ bản cho sinh tồn (như thức ăn, nước, nơi trú ngụ) được đáp ứng, những nhu cầu bậc cao hơn (như nhu cầu xã hội) sẽ bắt đầu thúc đẩy hành vi của chúng ta. Theo Maslow, ở tầng cao nhất của tháp là nhu cầu thể hiện bản thân, đạt được khi chúng ta “mở khoá” toàn bộ tiềm năng của mình. Đương nhiên, việc đào sâu vào các khía cạnh tích cực của bản chất con người là đặc trưng trong chủ nghĩa nhân vân (Thorne & Henley, 2005). Những nhà tâm lý học nhân văn phủ định, về nguyên tắc, hướng tiếp cận nghiên cứu dựa trên thực nghiệm giản lược của khoa học vật lý và sinh học, bởi nó bỏ qua “tổng thể” con người. Bắt đầu từ Maslow và Rogers, các dự án nghiên cứu tâm lý học nhân văn ngày một nở rộ. Hầu hết chúng là các nghiên cứu định tính (không dựa trên đo lường), với chỉ phần nhỏ là các nghiên cứu định lượng về các chủ đề hạnh phúc, khái niệm bản thân, thiền định và kết quả của tâm lý trị liệu nhân văn (Friedman, 2008).

Maslow-hierarchy

Tháp nhu cầu Maslow

Carl Rogers

Chân dung Carl Rogers, người đã phát triển phương pháp trị liệu lấy khách hàng làm trung tâm có ảnh hưởng trong bối cảnh lâm sàng. (nguồn: “Didius”/Wikimedia Commons)

Giống như Maslow, nhà tâm lý học người Mỹ Carl Rogers (1902 – 1987) cũng nhấn mạnh những tiềm năng tốt đẹp bên trong tất cả chúng ta. Rogers sử dụng một kỹ thuật điều trị gọi là “thân chủ – trọng tâm” (client – centered) nhằm giúp những khách hàng của mình giải quyết những vấn đề đã khiến cho họ phải tìm đến điều trị tâm lý. Khác với tiếp cận phân tâm học (nhà trị liệu đóng vai trò quan trọng trong việc giải mã những điều mà hành vi có ý thức tiết lộ về tâm trí vô thức), trị liệu thân chủ trọng tâm yêu cầu khách hàng đóng vai trò dẫn dắt trong suốt phiên trị liệu. Rogers tin rằng một chuyên gia trị liệu cần có 3 phẩm chất để tối đa hóa sự hiệu quả của hướng tiếp cận này: lòng yêu thương vô điều kiện, sự chân thành và sự thấu cảm. Lòng yêu thương vô điều kiện thể hiện qua việc người trị liệu sẽ chấp nhận thân chủ/khách hàng của họ cho dù họ là ai hay như thế nào hãy nói gì đi nữa. Với những phẩm chất này, Rogers tin rằng mọi người sẽ có nhiều khả năng để đối mặt và giải quyết những vấn đề của riêng mình (Thorne & Henley, 2005).

Chủ nghĩa nhân văn đã ảnh hưởng tới tâm lý học một cách toàn diện. Maslow và Rogers đều là những cái tên được biết đến bởi nhiều sinh viên tâm lý học và ý tưởng của họ cũng đã ảnh hưởng tới nhiều học giả khác. Hơn thế, phương pháp “thân chủ – trung tâm” của Rogers vẫn đang được áp dụng rộng rãi trong trị liệu tâm lý thời hiện đại (O’Hara, n.d).

Cách mạng nhận thức

Sự nhấn mạnh của chủ nghĩa hành vi với tính khách quan và các hành vi bên ngoài đã kéo sự chú ý của các nhà tâm lý học khỏi tâm trí con người trong một khoảng thời gian dài. Các nghiên cứu ban đầu trong tâm lý học nhân văn đã tái định hướng sự chú ý khi nhìn cá nhân con người như một “tổng thể” – một sinh vật có ý thức và sự tự tôn. Tới những năm 50 của thế kỉ XX, những tư tưởng chính thống mới trong ngôn ngữ, khoa học thần kinh và khoa học máy tính xuất hiện, kéo theo sự hứng thú, tìm tòi trở lại về tâm trí con người, tập trung vào nghiên cứu khoa học. Quan điểm này được biết tới với cái tên Cách mạng nhận thức (Miller, 2003). Năm 1967, Ulric Neisser xuất bản cuốn sách đầu tay mang tên Tâm lý học nhận thức (Cognitive Psychology), cuốn sách giáo khoa trong các khoá học về tâm lý học nhận thức trên toàn quốc (Thorne & Henley, 2005).

Mặc dù không ai hoàn toàn chịu trách nhiệm tạo cuộc cách mạng nhận thức, nhưng Noam Chomsky là người rất có ảnh hưởng trong những ngày đầu của phong trào (Hình 1.9). Chomsky (1928 – ?), một nhà ngôn ngữ học người Mỹ, tỏ ra bất mãn với sự ảnh hưởng của chủ nghĩa hành vi lên tâm lý học. Ông tin rằng việc tập trung vào hành vi là thiển cận, và rằng cần phải tái nhập các lý thuyết về thần kinh chức năng vào ưu tiên nghiên cứu, nếu như chúng đem lại bất cứ đóng góp đáng kể nào trong việc hiểu rõ hành vi (Miller, 2004).

Noam Chomsky

Noam Chomsky rất có ảnh hưởng trong tạo ra cuộc cách mạng nhận thức. Năm 2010, bức tranh tường tôn vinh ông đã được dựng lên ở Philadelphia, Pennsylvania. (nguồn: Robert Moran)

Tâm lý học châu u chưa bao giờ thực sự bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa hành vi như tâm lý học Mỹ. Thế nên, cuộc cách mạng nhận thức đã giúp tái thiết kết nối giữa các nhà tâm lý học châu u và các đối tác của họ ở Mỹ. Hơn nữa, các chuyên gia tâm lý bắt đầu mở rộng hợp tác với nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực khác, từ nhân chủng học, ngôn ngữ học đến khoa học máy tính, khoa học thần kinh,… Lối tiếp cận liên ngành này còn được gọi chung là khoa học nhận thức và vẫn ảnh hưởng đến tận ngày nay (Miller, 2003).

Đào sâu hơn

Tâm lý học nữ quyền

Khoa học tâm lý học đã có tác động đến hạnh phúc của con người, cả tích cực và tiêu cực. Trong thời kỳ đâu của tâm lý học, do ảnh hưởng chi phối và những thành kiến vốn có của các học giả phương Tây (là người da trắng và nam giới) nên các thành viên khác trong xã hội (không phải là người da trắng hoặc nam giới) thường chịu hậu quả tiêu cực. Phụ nữ và người dân tộc thiểu số ở cả Mỹ và các quốc gia khác, các cá nhân có xu hướng tình dục không phải dị tính gặp khó khăn khi tham gia vào lĩnh vực tâm lý học cũng như quá trình hình thành của nó. Họ cũng phải chịu đựng thái độ phi khoa học của các nhà tâm lý học nam da trắng, phổ biến trong xã hội nơi họ phát triển và làm việc. Cho đến những năm 1960, nghiên cứu tâm lý học phần lớn vẫn là tâm lý học “không phụ nữ” (Crawford & Marecek, 1989), rất ít phụ nữ có thể thực hành tâm lý học và họ cũng ít có ảnh hưởng đến các nghiên cứu. Ngoài ra, đối tượng thực nghiệm của tâm lý học chủ yếu là nam giới, xuất phát từ những giả định cơ bản rằng giới tính không ảnh hưởng đến tâm lý học và phụ nữ không đủ hứng thú để nghiên cứu.

Một bài báo của Naomi Weisstein, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1968 (Weisstein, 1993), đã châm ngòi cho một cuộc cách mạng nữ quyền trong tâm lý học bằng cách phê bình tâm lý học như một ngành khoa học. Bà cũng đặc biệt chỉ trích các nhà tâm lý học nam vì đã xây dựng tâm lý của phụ nữ hoàn toàn từ những thành kiến văn hóa của chính họ mà không tiến hành thực nghiệm cẩn thận để kiểm tra bất kỳ đặc tính nào của phụ nữ. Weisstein đã trích dẫn các tuyên bố của các nhà tâm lý học nổi tiếng trong những năm 1960, như của Bruno Bettleheim: “Chúng ta phải bắt đầu với nhận thức rằng, nhiều phụ nữ muốn trở thành nhà khoa học hoặc kỹ sư giỏi, họ muốn trở thành đồng nghiệp nữ của cánh mày râu và làm mẹ.” Phê bình của Weisstein đã tạo nền tảng cho sự phát triển về sau của tâm lý nữ quyền trong việc cố gắng thoát khỏi những thành kiến văn hóa nam giới trong kiến thức về tâm lý phụ nữ. Crawford & Marecek (1989) đã xác định một số cách tiếp cận nữ quyền trong tâm lý học mà có thể miêu tả là tâm lý học nữ quyền, bao gồm đánh giá lại và khám phá những đóng góp của phụ nữ cho lịch sử tâm lý học, nghiên cứu sự khác biệt giới tính tâm lý và đặt câu hỏi về sự thiên vị nam giới trong thực hành khoa học.

Yếu tố đa văn hoá và xuyên văn hóa trong tâm lý học

Văn hoá tác động tới cá nhân, các nhóm và cả xã hội. Một vấn đề đang diễn ra mà các nhà nghiên cứu cố gắng sửa chữa là một nhóm nhỏ dân số đã được đem ra nghiên cứu và dùng kết quả để đánh đồng với rất nhiều các nhóm dân số khác. Chẳng hạn, Henrich, Heine và Norenzayan trình bày về việc các xã hội WEIRD (viết tắt của 5 đặc điểm: Phương Tây – Được giáo dục – Công nghiệp hoá – Giàu có – Dân chủ) đã được nghiên cứu quá mức và dùng kết quả đạt được để áp dụng giải thích cho cả các cộng đồng không thuộc WEIRD (2010). Henrich, Heine và Norenzayan đã phát hiện ra rằng có nhiều sự khác biệt giữa những người thuộc nhóm WEIRD và những người trong cộng đồng ít công nghiệp hóa, ít truyền thống, không thuộc phương Tây. Những khác biệt ấy thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau như quan điểm, hợp tác làm ăn và tư duy đạo đức. Điều này chỉ ra rằng con người sẽ khác nhau tùy vào văn hóa và môi trường của mình. Các nhà tâm lý học đa văn hóa xây dựng lý thuyết cũng như thực nghiệm với các nhóm dân số đa dạng hơn, thường là trong cùng một quốc gia. Còn với các nhà nghiên cứu xuyên văn hoá thì so sánh dân số trong các quốc gia khác nhau, chẳng hạn so sánh giữa Mỹ và Trung Quốc.

Năm 1920, Francis Cecil Sumner là người Mỹ gốc Phi đầu tiên có bằng Tiến sĩ Tâm lý tại Mỹ. Sumner đã thành lập nên một chương trình giảng dạy tâm lý học tại Đại học Howard, giáo dục một thế hệ các nhà tâm lý học người Mỹ gốc Phi mới (Black, Spence và Omari, 2004). Hầu hết các công trình đầu tiên của nhóm nhà khoa học thiểu số này được dành cho việc đấu tranh chống lại các bài đánh giá chỉ số thông minh và thúc đẩy các phương pháp dạy học sáng tạo mới cho trẻ nhỏ. George I.Sanchez thực hiện một thực nghiệm với những đứa trẻ người Mỹ gốc Mexico. Vốn cũng mang dòng máu Mexico, Sanchez chỉ ra rằng chính những rào cản về ngôn ngữ và văn hoá trong các bài đánh giá đã ngăn những đứa trẻ này có cơ hội tiếp cận điều kiện tương tự như những đứa trẻ bản địa khác (Guthrie, 1998). Tới 1940, ông đang là tiến sĩ giảng dạy tại Đại học Texas và là người tích cực chống lại các phương cách giáo dục mang tính phân biệt chủng tộc (Romo, 1986).

Hai nhà nghiên cứu nổi tiếng người Mỹ gốc Phi khác là vợ chồng Mamie Phipps Clark và Kenneth Clark, được biết đến với nghiên cứu thực hiện trên những đứa trẻ da màu người Mỹ gốc Phi và sở thích búp bê. Nghiên cứu là công cụ quan trọng trong xóa bỏ phân biệt chủng tộc trong vụ Brown v. Hội đồng giáo dục của tòa án Tối cao. Vợ chồng nhà Clark đã áp dụng những nghiên cứu của họ vào trong các dịch vụ xã hội, từ đó mở trung tâm nuôi dạy trẻ đầu tiên tại khu Harlem (Hiệp hội Tâm lý học Mỹ, 2019).

Vai trò phụ nữ trong tâm lý học

Dù ít khi được ghi nhận, những người phụ nữ đã có đóng góp cho tâm lý học từ những ngày đầu tiên. Năm 1894, Margaret Floy Washburn là người phụ nữ đầu tiên nhận bằng tiến sĩ tâm lý học. Bà đã viết cuốn Trí khôn loài vật: Cẩm nang tâm lý học so sánh (The Animal Mind – A Textbook of Comparative Psychology), được coi là chuẩn mực của lĩnh vực trong hơn 20 năm. Vào giữa những năm 1890, Mary Whiton Calkins đã hoàn thành chương trình tiến sĩ tâm lý học, tuy nhiên Đại học Harvard đã từ chối trao bằng do bà là phụ nữ. Bà đã được học và hướng dẫn bởi giáo sư William James, người cố gắng và thất bại trong việc thuyết phục Havard trao bằng tiến sĩ cho bà. Nghiên cứu về trí nhớ của Calkins là ưu việt và mới nhất (primary and recency) (Madigan & O’Hara, 1992). Ngoài ra, bà còn viết về cách chủ nghĩa cấu trúc và chủ nghĩa chức năng giải thích về thuyết tâm lý học bản ngã.

Một người phụ nữ khác, Mary Cover Jones, thực hiện một công trình mà bà coi là sự tiếp nối tới nghiên cứu của John B. Watson về Little Albert. Nghiên cứu của Jones đã tìm cách giảm nỗi sợ vô điều kiện ở Little Peter, người được biết đến là sợ thỏ (Jones, 1924).

Những người phụ nữ thuộc sắc tộc thiểu số có đóng góp trong lĩnh vực là Martha Bernal và Inez Beverly Prosser với công trình về giáo dục. Trong đó, Bernal là tiến sĩ Mỹ Latin đầu tiên (1962) còn Prosser là nữ tiến sĩ người Mỹ gốc Phi đầu tiên được công nhận tại Đại học Cincinati (Benjamin, Henry & McMahon, 2005).

— Trích dịch cuốn sách Psychology 2e trên Openstax