Giới thiệu

— Trích dịch từ cuốn sách World History, Volume 1: to 1500 trên Openstax

Lịch sử là gì? Lịch sử có phải chỉ đơn giản là những ghi chép về những gì con người đã làm? Hay như nhà văn Maya Angelou, đó là một cách để đối diện với nỗi đau của quá khứ và vượt qua nó? Hay như Winston Churchill, đó là biên niên sử của những người chiến thắng, một sự diễn giải của những ai viết ra nó? Lịch sử là tất cả những điều này và còn nhiều hơn thế nữa. Trên hết, đó là con đường giúp chúng ta hiểu lý do tại sao chúng ta lại trở thành con người như hiện tại, cả những điều vĩ đại lẫn những khiếm khuyết. Đó là cách để chúng ta hiểu bản thân mình và thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, lịch sử chỉ có thể thực hiện được chức năng này nếu nó phản ánh đúng sự thật của quá khứ. Lịch sử không phải là cách để che giấu những mặt tối của bản chất con người, cũng không thể là công cụ để biện minh cho hành động của các thế hệ trước. Nhiệm vụ của nhà sử học là phải vẽ lên một bức tranh rõ ràng nhất dựa trên các nguồn tư liệu.

Vậy liệu lịch sử có bao giờ là một câu chuyện hoàn hảo về con người? Không. Có những tiếng nói mà chúng ta có thể không bao giờ nghe được. Tuy nhiên, mỗi cuốn sách lịch sử mới được viết và mỗi nguồn tư liệu mới được khám phá đều mang lại một ghi chép ngày càng chính xác hơn về các sự kiện trên toàn thế giới.

Hình 1. Bản đồ thế giới từ thế kỷ XVII, do nhà bản đồ học Philip Eckebrecht chuẩn bị cho nhà thiên văn học người Đức nổi tiếng Johannes Kepler. (nguồn: tác phẩm “Bản đồ hiện đại của thế giới” của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ/Wikimedia Commons, Public Domain).

Lịch sử thế giới và tư duy toàn cầu

Từ những truyền thuyết về thành Troy mà Homer ca ngợi cho đến những kho lưu trữ số hiện nay, câu chuyện về lịch sử nhân loại luôn thu hút những người cố gắng hiểu về sự phức tạp của nó. Việc hiểu về quá khứ từ lâu đã được xem như một dấu hiệu của sự văn minh và nghiên cứu lịch sử chưa bao giờ trở nên quan trọng hơn thời điểm này. Chúng ta đều đã nghe câu nói của triết gia George Santayana: “Những ai không học từ lịch sử sẽ lặp lại sai lầm của lịch sử”. Tuy nhiên, bởi lịch sử là một tập hợp các sự kiện luôn thay đổi, chịu sự ảnh hưởng và định hình bởi nhiều nguyên nhân và kết quả khác nhau, nó không bao giờ thực sự lặp lại một cách hoàn toàn.

Tuy vậy, nhận xét của Santayana vẫn có giá trị, bởi chúng ta có thể nhận diện các mô hình hành vi của con người thông qua việc nghiên cứu kỹ lưỡng quá khứ. Hiểu biết về lịch sử chính là hiểu về bản thân mình, và việc nắm bắt được những sắc thái của lịch sử giúp mở rộng trí tưởng tượng của chúng ta về những khả năng mà mỗi tình huống mới tạo ra. Chính kiến thức về những khả năng này cho phép người học lịch sử nhìn nhận hiện tại một cách rõ ràng hơn và dự đoán trước những gì có thể xảy ra.

Lịch sử không chỉ là một chuỗi các tên tuổi và sự kiện; đó đơn giản là những mảnh ghép cần thiết để hoàn thiện bức tranh toàn cảnh. Lịch sử là câu chuyện của con người, kết nối chúng ta với nhau và với các thế hệ đã qua. Ngày nay, việc học lịch sử không chỉ giúp người học hiểu về quá khứ nói chung mà còn chuẩn bị cho họ bước vào tương lai. Các môn khai phóng (liberal arts) được thiết kế để giúp người học tìm thấy sự thỏa mãn, phát triển bản thân và cộng đồng thông qua sự tự phản ánh và phát triển cá nhân có ý nghĩa. Đồng thời, giúp chuẩn bị cho môi trường làm việc bằng cách rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp.

Việc nghiên cứu lịch sử thế giới giúp chúng ta sẵn sàng đối mặt với những thách thức hiện đại. Việc bao quát lịch sử của cả thế giới có thể là một nhiệm vụ đáng ngại, nhưng cần phải chuẩn bị để tham gia vào các quá trình toàn cầu hóa đã chi phối lịch sử trong vài thế kỷ qua. Mọi người trên khắp thế giới đang ngày càng liên kết chặt chẽ hơn nhờ các lực lượng xã hội và kinh tế vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Cả cuộc sống cá nhân và cộng đồng yêu cầu chúng ta hiểu biết về thế giới và con người trong đó. Hiểu về sự đa dạng của con người và tư tưởng, cũng như có lòng đồng cảm và nhận thức văn hóa, sẽ giúp chúng ta đối mặt với sự phức tạp toàn cầu một cách tự tin.

Việc nghiên cứu lịch sử cũng sẽ cải thiện khả năng tư duy phê phán và phân tích của mỗi người, hai kỹ năng luôn nằm trong top 10 kỹ năng được các nhà tuyển dụng mong muốn nhất. Các kỹ năng khác ngày càng trở nên quan trọng bao gồm tư duy thích ứng, trí tuệ xã hội, năng lực liên văn hóa và hiểu biết truyền thông. Kỹ năng cuối cùng này rất quan trọng đối với công việc hiện đại. Lịch sử dạy chúng ta cách đánh giá và phân tích tài liệu chúng ta đọc, cũng như cách phát triển và trình bày nội dung một cách có ý nghĩa và thuyết phục. Nó cũng trau dồi tư duy sáng tạo, linh hoạt và cởi mở với những cách diễn giải và ý tưởng khác với thế giới quan của chúng ta.

Hình 2. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, những kỹ năng hàng đầu mà các nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao vào năm 2025, bao gồm tư duy sáng tạo và khám phá đổi mới. (Bản quyền Đại học Rice, OpenStax, theo giấy phép CC BY 4.0)

Không có gì nghi ngờ rằng các kỹ năng như tư duy phê phán, phân tích và sáng tạo được phát triển tốt nhất thông qua việc nghiên cứu lịch sử. Các nhà sử học phải thực sự có tính đa ngành, trong đó họ quan sát và thu thập càng nhiều thông tin càng tốt, sau đó diễn giải dữ liệu nhằm rút ra kết luận. Nhà sử học cũng cần phải là người tư duy sáng tạo vì nguồn dữ liệu là con người, là loại dữ liệu phức tạp nhất có thể tưởng tượng được. Dữ liệu lịch sử đa dạng như chính những người tạo ra nó, từ các chỉ dụ của vua chúa cho đến những bản nhạc do các nhạc sĩ đường phố chơi. Các nhà sử học cũng cần là những người giao tiếp hiệu quả. Ai sẽ quan tâm đến một câu chuyện mà không ai đọc, hay một sản phẩm mà không ai mua? Công ty nào trên thế giới lại không cần và coi trọng một người có tư duy phê phán và sáng tạo, sau đó giải thích và truyền đạt một cách hiệu quả? Tư duy lịch sử còn cung cấp cho người học ý thức mạnh mẽ hơn về bản thân, với những con đường khám phá sự tồn tại của con người và các kỹ năng cần thiết để điều hướng thế giới phức tạp và môi trường làm việc trong tương lai.

Phát triển nhận thức văn hóa và sự đồng cảm cũng cực kỳ quan trọng, và việc học lịch sử thế giới là một cách đảm bảo bạn có được kỹ năng cần thiết này. Theo trang Indeed.com: “Trong nơi làm việc của chúng ta, trong thế giới của chúng ta, chúng ta là một dân tộc đa dạng. Năng lực văn hóa ngày càng trở nên quan trọng khi các phương thức giao tiếp và hợp tác trong môi trường làm việc phát triển. Học cách tôn trọng, giao tiếp và hợp tác với một văn hóa làm việc ngày càng đa dạng là rất quan trọng để tối ưu hóa hiệu quả và năng suất của công ty.

Việc học lịch sử thế giới giúp chúng ta nhận ra rằng cuộc sống hiện đại có sự kết nối và hội nhập chặt chẽ giữa các quốc gia, con người và các sự kiện. Hiểu biết về thế giới là bước chuẩn bị để bạn trở thành một công dân toàn cầu, một người sống ở một quốc gia nhưng tự thấy mình là một phần của cộng đồng thế giới lớn hơn. Những vấn đề cần được giải quyết như biến đổi khí hậu, công bằng xã hội và quyền con người, đều có quy mô toàn cầu. Bạn phải hiểu biết về thế giới để có thể là sự thay đổi mà thế giới cần. Bạn hòa nhập như thế nào trong môi trường toàn cầu? Câu chuyện của bạn là gì và nó có liên quan như thế nào đến câu chuyện của những người khác?

Ý tưởng về “công dân toàn cầu” xuất hiện trong nhiều khía cạnh từ sự tàn phá của hai cuộc chiến tranh thế giới. Bắt đầu từ năm 1948, Liên Hợp Quốc (UN) đã ban hành một loạt các tuyên ngôn quốc tế công nhận rằng tất cả mọi người đều xứng đáng được hưởng quyền con người và phẩm giá. Ba tuyên ngôn quan trọng đã khẳng định thêm quyền của phụ nữ (Công ước về Xóa bỏ Mọi Hình thức Phân biệt Đối xử với Phụ nữ – CEDAW, 1979), quyền của trẻ em (Tuyên ngôn về Quyền của Trẻ em, 1959), và quyền của người khuyết tật (Tuyên ngôn về Quyền của Người Khuyết tật, 1975). Liên Hợp Quốc thường xuyên yêu cầu các quốc gia thành viên báo cáo tiến độ trong các lĩnh vực này. Những tuyên ngôn và lời nói đó giúp tạo ra một hệ tư tưởng chung, một tập hợp các nguyên tắc hướng dẫn. Vì vậy, bên cạnh việc tham gia vào nền kinh tế toàn cầu vượt qua các biên giới, nhiều người trên thế giới ngày nay cũng nhận thức rằng chúng ta đã đồng ý với một loạt các quyền và nghĩa vụ mang tính quốc tế.

Hình 3 Eleanor Roosevelt, cựu Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ đang cầm một tấm áp phích về Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hợp Quốc vào tháng 11 năm 1949. Bà là chủ tịch ủy ban soạn thảo tuyên ngôn này. (Nguồn: “Eleanor Roosevelt UDHR” từ FDR Presidential Library & Museum/Flickr, theo giấy phép CC BY 2.0)

— Trích dịch từ cuốn sách World History, Volume 1: to 1500 trên Openstax