Trích dịch từ cuốn Introduction to Sociology 3e trên OpenStax
Xuyên suốt lịch sử Hoa Kỳ, nhiều cá nhân đã thành lập các nhóm để đạt được mục tiêu và mang lại sự thay đổi. Một số nhóm hoạt động nhỏ lẻ, rời rạc, một số khác lại được tổ chức vô cùng hệ thống với sứ mệnh cụ thể. Đôi khi, những nhóm này có thể có ảnh hưởng lớn lao tới văn hoá, xã hội, nền kinh tế và chính phủ…
Phần 1: Xã hội học – Nhóm và tổ chức
Các mô hình nhóm
Đa số chúng ta đều sử dụng từ “nhóm” một cách thoải mái không mảy may suy nghĩ. Thông thường, mỗi người đều hàm ý khác nhau khi dùng từ này: một đám trẻ đang nhìn chú chó, 250 học sinh trong giảng đường hay 4 anh chị em họ chơi đùa trước sân nhà. Trong cuộc sống hằng ngày, “nhóm” mang ý nghĩa phổ thông, nhưng về mặt khoa học và chuyên môn, chúng mang có ý nghĩa quan trọng hơn. Thêm nữa, khái niệm về một nhóm là trung tâm của phần lớn cách chúng ta nghĩ về xã hội và sự tương tác của con người. Vậy làm cách nào để hiểu rõ và chính xác về nhóm cho mục đích nghiên cứu xã hội học?
![Alumni March and Thayer Wreath Laying Ceremony](https://libero.school/wp-content/uploads/2025/02/Cadets-illustrate.jpg)
Hình 3. Các học viên sỹ quan cho thấy sự tuân thủ trong các nhóm. (Nguồn: West Point - Học viện Quân sự Hoa Kỳ / flickr)
Nhóm hai, nhóm ba người và nhóm lớn
Trong các với quy mô đủ nhỏ, các thành viên đều biết rõ và có sự tương tác thường xuyên với nhau, chẳng hạn như một gia đình hạt nhân, nhóm hai người hay nhóm ba người. Georg Simmel (1858 – 1915) mô tả cụ thể về khác biệt giữa một nhóm hai và một nhóm ba người (Simmel 1902). Nếu có một người rút ra khỏi một nhóm hai, nhóm đó sẽ ngừng tồn tại. Chúng ta có thể liên tưởng đến ly hôn, hành động trực tiếp chấm dứt trạng thái “nhóm” của cặp vợ chồng, hay hai người bạn từ mặt không bao giờ nói chuyện với nhau nữa. Trong một nhóm ba, dẫu có một người rút lui, nhóm sẽ tiếp tục được duy trì, bởi nhóm ba hoạt động dựa trên các mối liên hệ đặc biệt. Nếu có 3 thành viên, tình thế 2 chọi 1 có thể hình thành, sử dụng sức mạnh đa số để giải quyết các vấn đề.
Các nhóm nhỏ thường có sự gắn kết nội bộ vô cùng mạnh mẽ, tuy vậy họ dễ gặp cản trở khi theo đuổi những mục tiêu lớn hơn. Ngoài ra, tiếng nói của họ cũng ít trọng lượng hay ở vị thế thấp khi đối đầu với các nhóm lớn hơn.
Rất khó để xác định chính xác thời điểm một nhóm nhỏ trở thành một nhóm lớn. Có lẽ điều này diễn ra khi một nhóm lớn tới mức có quá nhiều người cùng tham gia đồng thời một cuộc thảo luận, đôi lúc là khi một nhóm sáp nhập lại với một nhóm khác trong một phong trào. Những nhóm lớn hơn này có thể mang điểm chung về vị trí địa lý, chẳng hạn hội nam/nữ sinh trong cùng ký túc xá, hoặc cũng có thể trải dài khắp thế giới. Nhóm càng to, sự chú ý hướng về càng lớn, các thành viên cũng có nhiều quyền lực mềm để thúc đẩy bất cứ mục tiêu nào họ đang hướng tới. Quy mô nhóm gia tăng cũng đồng thời đem tới mối nguy về sự chia rẽ và tính thiếu gắn kết.
Lãnh đạo nhóm
Các nhóm lớn thường cần đến người lãnh đạo. Trong các nhóm nhỏ sơ cấp, quyền lãnh đạo thường không quá câu nệ. Suy cho cùng, đa số gia đình sẽ không bầu ra ai là người cai trị nhóm, hay các nhóm bạn bè cũng thế. Điều này không có nghĩa là những lãnh đạo thực sự không xuất hiện, nhưng quyền lãnh đạo hình thức thì rất hiếm. Trong các nhóm thứ cấp, quyền lãnh đạo trở nên minh bạch hơn. Họ đề ra những vai trò và trách nhiệm, thuận theo một hệ thống thừa hành theo cấp bậc. Vài nhóm thứ cấp khác như quân đội có hệ thống cấp bậc chặt chẽ, rõ ràng, và tính mạng của người lính phụ thuộc vào điều này. Một đội quân mà không biết ai là người ra lệnh thì chiến đấu hiệu quả sao được? Các nhóm thứ cấp khác nữa như nơi làm việc và lớp học cũng tồn tại những nhà lãnh đạo hình thức, những quyền hạn, chức năng và phong cách lãnh đạo sẽ ít nhiều khác biệt.
Lãnh đạo chức năng là mục tiêu chính của nhà lãnh đạo. Lãnh đạo mục tiêu là người luôn hướng tới thành quả, thường là người đưa ra các nhóm công việc, nhiệm vụ cụ thể, chẳng hạn như một vị tướng hay một CEO của tập đoàn trong top 500 Fortune. Ngược lại, lãnh đạo tinh thần là người chăm lo cho sức khỏe tâm lý của anh em, đảm bảo mọi người đều nhận được sự ủng hộ. Những vị lãnh đạo cộng đồng hay tôn giáo – thầy đạo Do Thái, giáo sĩ Công Giáo, tư tế Hồi Giáo, quản lý trung tâm huấn luyện thanh thiếu niên và các chương trình dịch vụ xã hội là những ví dụ về những nhà lãnh đạo tinh thần. Đôi lúc người ta kỳ vọng rằng nam giới sẽ nhận vai trò mục tiêu, còn nữ giới sẽ nhận vai trò tinh thần. Bất cứ sự đi ngược lại nào với suy nghĩ đó đều bị coi là “kỳ dị” và dễ vấp phải sự phản đối. Tuy vậy, cả hai giới đều ưa lãnh đạo mang cả hai vai trò cùng lúc
Các nhà xã hội học phân ra 3 phong cách lãnh đạo: dân chủ, tự do và độc đoán. Nhà lãnh đạo dân chủ khuyến khích các thành viên tham gia vào quá trình đưa ra quyết định. Họ thường cố gắng đưa đến một sự đồng thuận chung trong nhóm, trước khi đưa ra hướng giải quyết và thực hiện. Kiểu lãnh đạo này có ở khắp mọi nơi, như trong một câu lạc bộ nơi các thành viên bầu chọn cho hoạt động/dự án nào đáng theo đuổi. Lãnh đạo dân chủ dễ được lòng mọi người, nhưng cũng kèm theo rủi ro về sự chậm chạp trong việc quyết định, bởi sự loằng ngoằng trong việc có được sự đồng thuận của các thành viên. Một nguy cơ nữa phải kể đến, đó là các thành viên, thay vì đưa đến một giải pháp chung, lại chia phe đối đầu với nhau.
Ngược lại, nhà lãnh đạo tự do can dự rất ít vào các quyết định, cho phép các thành viên tự thân vận động và đưa ra quyết định của mình. Ví dụ là một giáo viên nghệ thuật mở tủ dụng cụ vẽ, đặt công cụ lên giá và bảo các học sinh hãy thỏa sức để sáng tạo nên một tác phẩm. Trong khi phong cách này có thể phù hợp với những đối tượng năng nổ và trưởng thành, nó có thể gây ra sự thiếu đồng bộ nhóm và thiếu hiệu quả trong công việc.
Cuối cùng là các nhà lãnh đạo độc đoán, người đưa ra mệnh lệnh, nhiệm vụ mà không bận tâm đến phản hồi từ cách thành viên. Những người này thường là các lãnh đạo mục tiêu với mối quan tâm lớn nhất là đạt được thành quả. Đó là các nhà khởi nghiệp, như cha đẻ Facebook – Mark Zuckerberg. Như lẽ tất yếu, kiểu lãnh đạo này có nguy cơ tách rời quan hệ với những nhân viên. Dù vậy, trong những tình huống cần ra quyết định nhanh gọn, hiệu quả, những người này lại trở nên nổi bật nhất.
Trong mỗi hoàn cảnh khác nhau, mỗi kiểu lãnh đạo trên có thể trở nên thành công và hiệu quả. Hãy thử nghĩ về kiểu lãnh đạo bạn ưa thích, và thử lý giải vì sao, và liệu bạn có ưa chuộng cùng một kiểu cho mọi môi trường khác nhau trong cuộc đời bạn không? Lớp học, công sở hay một đội thể thao?
Sự tương thích
Chúng ta đều ít nhiều mong muốn hòa mình vào tập thể. Tương tự, nếu chúng ta muốn đi riêng một hàng, ta cũng cần có một lý do và cách thức cho hành động của mình. Ví dụ, người có gu thời trang độc đáo sẽ mặc lên những bộ cánh kích thích tư duy nhằm đem đến một trào lưu mới.
Sự tương thích được dùng để chỉ mức độ mà một cá nhân hoà mình vào chuẩn mực và kỳ vọng của một tập thể. Như đã đề cập ở mục trước, chúng ta sử dụng các nhóm tham chiếu để phân tích và hiểu cách ăn mặc và hành xử. Không có gì lạ khi người trẻ thường quan tâm tới việc ai đang đồng bộ và ai không. Cậu học sinh cấp 3 được mẹ yêu cầu mặc áo khuy hai hàng sẽ giãy nảy lên bởi tất cả đều mặc áo thun cộc tay, và diện đồ thế này chỉ làm cậu ta thật ngu ngốc. Một cậu trai khác lại thích mặc những chiếc áo khuy hai hàng vì nó làm cậu ta nổi bật so với mọi người. Câu hỏi ở đây là: Bạn thích được chú ý tới mức nào? Liệu bạn có ưa việc hòa nhập với tập thể để không cảm thấy mình bị cho ra rìa không? Có cái tên nào trong lớp học của bạn hiện lên như là một kẻ không chịu đứng cùng hàng với số đông?
Nhà tâm lý học Solomon Asch (1907 – 1996) đã thực hiện thí nghiệm mô tả mức độ của áp lực công chúng tới sự tương thích, đặc biệt trong phạm vi nhóm nhỏ (1956). Nếu tham gia vào thí nghiệm của Asch, bạn sẽ làm gì? Lên tiếng hay im lặng, và điều gì sẽ thúc đẩy bạn?
Hiệu ứng người ngoài cuộc và Sự phân tán trách nhiệm
Các nhà tâm lý học xã hội nhận ra rằng: sự hiện diện của một người nào đó có ảnh hưởng đến hành vi của chúng ta, dù chúng ta có ý thức được việc đó hay không. Một ví dụ là hiệu ứng người ngoài cuộc, chỉ tình huống con người sẽ ngại việc can thiệp khi có tình huống khẩn cấp hoặc một quy chuẩn xã hội nào đó bị xâm phạm, chỉ vì sự có mặt của những người xung quanh. Họ cảm thấy không có quá nhiều trách nhiệm về mình bởi sự hiện diện của những người ngoài khác (Beyer et al., 2017). Hiện tượng này còn được biết tới với cái tên Sự phân tán trách nhiệm.
Hầu hết các trường hợp được báo cáo lại rằng họ (những người ngoài cuộc) không muốn bị liên lụy, do đó họ không phản ứng gì khi thấy điều sai trái. Họ cho rằng ai đó trong những người xung quanh sẽ đứng ra giúp đỡ. Các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra rằng, khả năng người ngoài đứng ra giúp đỡ nạn nhân sẽ không cao nếu như không quen biết nhau (Cherry 2020).
Thử nghĩ xem, khi bạn đang đi đến lớp, bỗng chợt thấy ai đó đang lên cơn đau tim nằm dưới sàn, xung quanh là những học sinh khác, bạn sẽ xử trí ra sao? Hiệu ứng người ngoài cuộc cho biết trừ khi bạn và người đó quen nhau, bằng không bạn sẽ dễ dàng bỏ qua. Tuy nhiên, một nhóm các chuyên gia khác lại nhân định khả năng cao bạn sẽ giúp đỡ, hoặc ít nhất là dừng lại và kiểm tra nếu bạn là người duy nhất có mặt tại hiện trường khi đó.
Trích dịch từ cuốn Introduction to Sociology 3e trên OpenStax