Lịch sử Việt Nam nếu tính từ lúc có mặt con người sinh sống thì đã có hàng vạn năm trước Công nguyên. Làm thế nào để có thể hiểu Việt Nam và sự vận hành của Việt Nam trong một hệ thống thế giới đang chuyển dịch liên tục? Rõ ràng là, chúng ta phải xem xét bối cảnh của nó – bối cảnh toàn cầu.
1. Ba bản tuyên ngôn độc lập
Theo nhận định của các nhà sử học, dân tộc Việt Nam có ba bản Tuyên ngôn độc lập. Đó là bài thơ “Nam quốc sơn hà” (năm 891), “Bình Ngô đại cáo” (năm 1428) và bản “Tuyên ngôn Độc lập” do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội (ngày 2/9/1945).
“Nam Quốc sơn hà” là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, tương truyền là của Lý Thường Kiệt nhân danh “Vua nước Nam” tuyên bố (tuy nhiên, một số nhà sử học cho rằng, trước đó, từ thời Triệu Quang Phục đã có người đọc bài thơ thần này rồi). Đây được coi là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta.
Chỉ vỏn vẹn bốn câu thơ, hai câu đầu “Nam quốc sơn hà” đã khẳng định chủ quyền dân tộc như là một chân lý thiêng liêng, bất di bất dịch và hai câu sau là lời quyết chiến, quyết thắng quân xâm lược.
Sau “Nam quốc sơn hà”, “Bình Ngô đại cáo” do Nguyễn Trãi soạn thảo bằng chữ Hán vào mùa Xuân năm 1428 được coi là bản Tuyên ngôn độc lập thứ 2 của dân tộc ta. “Bình Ngô đại cáo” được Nguyễn Trãi thay lời Lê Lợi tuyên cáo với muôn dân về việc kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, giành lại độc lập cho nước Đại Việt. Bình Ngô đại cáo là áng văn dài, được chia làm bốn đoạn, mỗi đoạn đều có trọng tâm.
Đoạn thứ nhất khẳng định tư tưởng nhân nghĩa và chân lý độc lập của dân tộc; đoạn thứ hai tố cáo, lên án tội ác của giặc Minh; đoạn thứ ba kể lại diễn biến cuộc chiến từ mở đầu đến thắng lợi hoàn toàn, nêu cao sức mạnh của tư tưởng nhân nghĩa và sức mạnh của lòng yêu nước; đoạn thứ tư tuyên bố kháng chiến thắng lợi, rút ra bài học lịch sử.
Nếu như “Nam quốc sơn hà” khẳng định chủ quyền của dân tộc bằng một niềm tin nhuốm màu huyền thoại (Rành rành định phận ở sách trời), thì hơn 3 thế kỷ sau Nguyễn Trãi đã chứng tỏ điều đó bằng những luận cứ khoa học và sự thật lịch sử đầy tính thuyết phục: Như nước Đại Việt ta từ trước/Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/Núi sông bờ cõi đã chia/Phong tục Bắc Nam cũng khác…
Rõ ràng với “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi đã hoàn thiện quan niệm về quốc gia, dân tộc, là bước tiến dài so với bản tuyên ngôn độc lập thứ nhất – “Nam quốc sơn hà”.
Bước vào thời kỳ lịch sử hiện đại, sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Xét về góc độ lịch sử, bên cạnh sứ mệnh khai sinh, đưa dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, “Tuyên ngôn độc lập” là bản Tuyên ngôn về nhân quyền, về cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng thiêng liêng giữa các dân tộc và mỗi con người của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Như vậy, sự tiến hóa trong quan điểm về quyền lực, về chính trị, về quốc gia, về lãnh thổ đã trải qua các thời kỳ lịch sử khác nhau. Trong mỗi thời kỳ, cách thức mà giới chính trị, cách thức người ta hình dung về thể chế, tính chính thống của quốc gia dân tộc cũng khác nhau.
2. Tên gọi Việt Nam
2.1. Nguồn gốc của tên gọi Việt Nam
Tên gọi Việt Nam lần đầu tiên chính thức trở thành quốc hiệu của nước ta vào năm 1804. Nó được xác lập bởi một văn bản pháp lý quan trọng (chiếu) của Nhà nước Nguyễn, niên hiệu Gia Long thứ 3 và đã được thông báo cho nhà Thanh.
Khi Nguyễn Ánh lên cầm quyền năm 1802, toàn bộ lãnh thổ Việt Nam lúc bấy giờ, đặc biệt là miền bắc của chúng ta có tên là Đại Việt, tổ tiên của nhà Nguyễn là Nguyễn Hoàng vào nam với tư cách là một viên quan của vua Lê. Chúa Nguyễn vẫn coi vua Lê là Hoàng đế, cho nên toàn bộ lãnh thổ này trên lý thuyết vẫn coi là Đại Việt.
Năm 1802, sau khi lên ngôi, Nguyễn Ánh (vua Gia Long) sang Trung Quốc. Ông tâu với Trung Quốc là nhà Tây Sơn vô đạo, Tây Sơn lừa dối hoàng thượng, Quang Trung lợi dụng cướp biển Trung Quốc làm tay sai. Bên cạnh đó, nhà Lê đã mất, nhà Lê bị Quang Trung lật đổ, xin phong vương, đặt quốc hiệu là Nam Việt, đúc một cái ấn là “Nam Việt quốc vương”.
Tuy nhiên, do Nam Việt trùng quốc hiệu của Triệu Đà – một võ tướng của Tần Thủy Hoàng, tách ra cát cứ và xưng đế sau khi triều đình nhà Tần sụp đổ – một dạng thức “ly khai” mẫu quốc, cho nên nhà Thanh chuẩn danh xưng quốc hiệu nước ta là Việt Nam. Nhưng đến năm Gia Long thứ 3 (1804), sứ giả nhà Thanh là Tế Bá Sâm mới mang cáo sắc, quốc ấn đến Thăng Long để làm lễ phong vương cho Nguyễn Ánh.
2.2. Tuổi của Việt Nam
Tên gọi Việt Nam tồn tại từ năm 1804 đến năm 1884. Năm 1884, Pháp xâm lược Việt Nam, Việt Nam bỗng chốc trở thành “Đông Dương” thuộc Pháp. Pháp chia nước ta làm 3 đơn vị hành chính độc lập với 3 chế độ khác nhau: Tongkin, Annam, Cochinchina.
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là tên gọi của cả nước Việt Nam từ 1945 đến 1954. Nhà nước này được thành lập vào ngày 2 tháng 9 năm 1945 (ngày Quốc khánh của Việt Nam ngày nay). Vì sự can thiệp trở lại của thực dân Pháp và sự xâm lăng từ đế quốc Mỹ nên đất nước ta gặp phải chia cắt và các chế độ ngụy quyền đã đặt ra các chính quyền mang các tên khác. Tên Quốc gia Việt Nam do cựu Hoàng đế Bảo Đại ký với Pháp ngày 8/3/1949. Năm 1955 Ngô Đình Diệm phế truất Bảo Đại và thành lập nên cái gọi là chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
Để góp phần đấu tranh thống nhất đất nước, nhân dân miền Nam đã thành lập ra Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sau 30/4/1975 với thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh toàn bộ đất nước đã thống nhất thành một khối. Ngày 2 tháng 7 năm 1976, Quốc hội khóa 6 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã quyết định đổi tên nước thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
3. Việt Nam: cái nôi
Vậy nguồn gốc tổ tiên của chúng ta là ai? Hiện nay chỉ mới được xác định được nguồn gốc của một số dân tộc thiểu số mới hình thành hoặc di cư đến từ thời kỳ có sử như H’Mông, Sán Dìu… Đối với nhiều dân tộc, đặc biệt là người Việt/Kinh, thì còn ở mức giả thuyết. Các sử liệu mà chúng ta có thể dùng để tìm hiểu là thông qua thư tịch, khảo cổ/ xương cốt, ngôn ngữ, gene…
Có ba giả thuyết lớn về cái nôi của người Việt. Quan điểm đầu tiên của các học giả người Pháp, họ cho rằng người Việt xuất phát từ người Hán. Một quan điểm khác đến từ Bình Nguyên Lộc với tác phẩm “Nguồn gốc Mã Lai”. Quan điểm thứ ba cho rằng tổ tiên của người Kinh và người Việt là người Nam Á. Dù với giải thuyết nào thì các bằng chứng khảo cổ học cho thấy các dân tộc chủ yếu hiện sống trên lãnh thổ Việt Nam vào đầu thời sơ sử đã là các dân tộc bản địa.
Người Việt đang sống trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay là tập hợp các cộng đồng thuộc 54 dân tộc khác nhau. Việc tìm hiểu nguồn gốc các dân tộc người Việt cổ góp phần rất lớn trong việc tạo ra tính đoàn kết thống nhất trong đất nước. Bởi lẽ, lịch sử và chính trị liên quan đến tính chính thống và quyền lực.
Sau năm 1954, khi mà miền Bắc Việt Nam giành được độc lập, chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hòa lên tiếp quản, cùng với việc, cùng với việc khôi phục đất nước, phát triển kinh tế, chống chiến tranh ở Việt Nam thì miền Bắc phát triển một dự án văn hóa. Bắt đầu từ cụ Phạm Văn Đồng. Ông đã chỉ đạo các nhà khoa học đi tìm nguồn gốc tổ tiên của người Việt, biến đó thành một phần sức mạnh để người Việt ta đánh Mỹ.
Trong vòng một thập kỷ liên tục, đây là nhiệm vụ số một và quan trọng nhất của giới khoa học xã hội ở Việt Nam. Kết quả của 10 năm đó là 4 tập “Hùng Vương dựng nước” cực kỳ đồ sộ, mở ra thời đại Hùng Vương.
“Hùng Vương dựng nước” được nghiên cứu và phát triển dựa trên nhiều nguồn sử liệu khác nhau. Một trong số đó là “Lĩnh Nam chích quái” – tác phẩm ghi lại toàn bộ thời kỳ huyền sử ở Việt Nam. Đây là công trình được tập hợp từ các ghi chép và ở dưới dạng bản thảo. Nhờ “Hùng Vương dựng nước”, lần đầu tiên “Lĩnh Nam chích quái” chính thức trở thành một phần của chính sử.
4. Việt Nam: tuổi thơ
Thuở sơ khai của Việt Nam luôn là một câu hỏi lớn nhất mọi thời đại! Cùng tìm hiểu một vài gợi ý về “tuổi thơ” của chúng ta.
Chi tiết số một, từ xa xưa, tư liệu của Trung Quốc ghi chép vùng lãnh thổ nước ta là nơi cư trú của dân tộc Bách Việt. Thời kỳ đó, chúng ta tự hào có Trống Đồng và kỹ thuật đúc đồng – nổi tiếng ở Đông Sơn. Tuy nhiên, kỹ thuật đúc đồng này có vết tích kéo dài từ Đông Nam đến In-đô-nê-xi-a, phản ánh quá trình giao lưu với miền nam Trung Quốc. Chi tiết số hai, chúng ta tìm thấy ở Cổ Loa, trống đồng có khắc chữ Hán. Chi tiết số ba, thành Cổ Loa được xây dựng với ba vòng. Kỹ thuật xây thành của Cổ Loa được một số nhà khảo cổ học cho rằng chịu ảnh hưởng của Trung Quốc. Tất cả đều thể hiện các kỹ thuật của chúng ta nằm trong một chuỗi giao lưu văn hóa.
Lý Bí – vị vua đầu tiên của nhà Tiền Lý và nước Vạn Xuân, ông Vũ Hồn – thủy tổ họ Vũ ở Việt Nam, Phùng Hưng – lãnh tụ một cuộc nổi dậy chống lại sự đô hộ của nhà Đường thời Bắc thuộc lần thứ ba trong lịch sử Việt Nam, Khúc Thừa Dụ – người đặt cơ sở cho nền độc lập của dân tộc Việt sau hơn 1.000 năm thuộc Trung Quốc đều có tổ tiên là người từ phía Bắc xuống. Điều này chứng tỏ, có những dòng chảy liên tục từ cư dân từ phương Bắc.
Phác thảo về thực thể người Việt cổ, có thể nói lịch sử là một dòng chảy của thời gian, là sự giao lưu của các nhóm người. Hiện nay, chúng ta chưa có một lý lịch hoàn chỉnh về tộc người, điều này bắt buộc chúng ta phải đi tìm hiểu các chi tiết như ngôn ngữ, địa bàn, bản sắc, khảo cổ học, thơ văn, kiểu gen,… nhằm đưa ra càng nhiều những hình dung về người Việt cổ trước khi chúng ta quyết định bản sắc cuối cùng của tổ tiên.
Chúng ta đã trải qua rất nhiều thời kỳ trong lịch sử. Dù vậy, không có bất kỳ một bằng chứng xác thực nào công nhận Cổ Loa thực sự thuộc về An Dương Vương. Truyền thuyết về An Dương Vương lần đầu tiên được nhắc đến là trong “Lĩnh Nam chích quái”. Tuy nhiên, bản thảo đó kể về một sự việc đã xảy ra 1500 năm trước, với những câu từ hỗn loạn, viết sai rất nhiều. Bên cạnh đó, thể loại của “Lĩnh Nam chích quái” là văn học dân gian. Do vậy, sự hiểu biết của chúng ta về thời kỳ này còn rất nhiều “mây mù” xung quanh.
Tất cả những gì chúng ta biết được là vùng đất mà ngày nay chúng ta sở hữu đã xuất hiện cư dân từ hàng ngàn năm trước, họ có đồ đồng, có những công trình đồ sộ, có nhà nước, có sự phân hóa xã hội, và tất nhiên, có một nền văn hóa khá phát triển. Tuy nhiên xã hội cổ đó kết nối với Việt Nam ngày nay như thế nào, liên quan như thế nào, đóng vai trò như thế nào đến việc duy trì bản sắc Việt Nam đến bây giờ, chúng ta vẫn cần xem xét. Bên cạnh đó, việc liên kết các câu chuyện truyền miệng với các bằng chứng lịch sử chúng ta cũng mới dựa trên các giả thuyết chứ chưa thể khẳng định chắc chắn được.
Lịch sử ghi chép rằng hàng vạn người Hán đã xuống phía nam, gây ra cho chúng ta những nét đứt gãy về văn hóa và tộc người. Quá trình này tạo ra sự pha trộn tộc người khủng khiếp mà có thể chúng ta chưa hình dung ra được.
Như vậy, sự hình thành bản sắc người Việt rất khó để hình dung ra được, chưa thể giải thích. Chỉ một điều chúng ta có thể chắc chắn rằng chúng ta là một tổng hợp của rất nhiều thực thể văn hóa chính trị và xã hội.
5. Việt Nam: các mối giao lưu
“Tuổi thơ” của Việt Nam vô cùng “dữ dội”, rõ ràng là vậy. Bây giờ hãy xem trong quá trình trưởng thành chúng ta giao lưu với những ai, học được gì từ những ai.
Từ xa xưa, Việt Nam được biết đến như một quốc gia có vùng biển rất dài, hình chữ S, lưng tựa vào biển Đông. Với địa hình ấy Việt Nam nằm trên tuyến đường giao thương giữa các quốc gia châu Á với các quốc gia Tây u tới cả những vùng Ai Cập, Hy Lạp, Ấn Độ xa xôi.
Chính bởi vậy, Việt Nam được ví là cửa ngõ thông thương giữa các quốc gia Đông Nam Á, Châu Á thông qua các thương cảng đường biển. Đây là một trong những điều kiện cần và đủ để Việt Nam tham gia vào tiến trình hình thành và phát triển của con đường tơ lụa trên biển.
Thời điểm người Việt bắt đầu dựng nước, trên lãnh thổ Việt Nam có ba vương quốc: Giao Chỉ, Phù Nam và Chăm-pa. Trong di sản văn hóa Việt Nam thời kỳ đầu chưa rất nhiều yếu tố Trung Hoa và Ấn Độ. Hai nền văn hóa này song hành nhau trong sự lớn lên của Việt Nam.
Con đường tơ lụa đã đem Phật giáo từ Ấn Độ đến với người Việt, xuất hiện trong hình tượng ông Bụt. Người Việt ta đem hình tượng của Phật Tổ Như Lai đặt trong một vị thế khác, đơn giản hơn. Sau đó khi nước ta lớn hơn, Trung Quốc lại ảnh hưởng đến chúng ta nhiều hơn thông qua các sự can thiệp có chủ đích. Càng ngày, văn hóa và ngôn ngữ của chúng ta tịnh tiến và dịch chuyển về phía Bắc.
Kết luận lại, lịch sử Việt Nam vô cùng phức tạp. Chúng ta hiện tại chưa tìm được giấy khai sinh của Việt Nam. Nhưng chúng ta biết rằng nền văn hóa thời đầu của người Việt cổ (trước khi chịu ảnh hưởng của Ấn-Hán) rất là phát triển. Quy mô dân cư tương đối lớn, hệ thống tổ chức xã hội phức tạp, kỹ thuật đúc đồng cao, có sự giao lưu và liên hệ chặt chẽ với các cư dân xung quanh, chủng tộc đa dạng, tiếp thu tinh hoa từ nhiều không gian văn hóa khác nhau, địa chính trị rất tốt – cửa ngõ toàn bộ vùng phía nam của Trung Quốc,…
Biên tập từ tư liệu buổi học của lớp Libero21 do TS. Vũ Đức Liêm, Giảng viên – Nhà nghiên cứu lịch sử tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội hướng dẫn.