Thời kỳ Đại Việt, chúng ta đã xác lập được một bản sắc mới, một thể chế mới, một xã hội mới; tạo ra những thiết chế, những giá trị đối lập với văn minh Trung Hoa, phát triển lên bậc cao nhất của thời kỳ tiền thực dân đầu thế kỷ XIX. Tuy nhiên, Đại Việt thất bại trong việc nhận thức các vấn đề của thời đại xung quanh, những dòng chảy của thế giới, bất lực trong việc thực hiện cải cách, bất lực trong việc kết nối với thế giới bên ngoài, không hiểu các nền văn hóa của nước ngoài, thiếu các công cụ, các hệ khái niệm cần thiết để định hình.

Xã hội Việt Nam thế kỷ XIX. Ảnh: Sưu tầm.

1. Việt Nam: ra ở riêng

Thế kỷ X, nhà Đường ở phương Bắc đàn áp, duy trì nhà nước quân sự cực kỳ chặt chẽ. Còn nhớ, khi Khúc Thừa Dụ lên ngôi chỉ xưng là Tiết độ sứ – một hệ thống quân sự của nhà Đường – nắm quyền lực về chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội ở vùng biên. Khi nhà Đường suy yếu, toàn bộ vùng biên của nó nổi dậy, hỗn loạn và lập ra các nhà nước riêng, tạo ra hệ hình chính trị ở Đông Á.

Đến nhà Tống, triều đình nhà Tống hầu như toàn quan văn, lại thiếu kỵ binh do các vùng biên giới bị chiếm, do đó không mạnh về mặt quân sự. Ấy thế mà cũng tại thời kỳ này, mối bận tâm của Trung Quốc đến các biên hoàn toàn khác. Họ phân vân tại sao thực thể chính trị ở phía nam này thi thoảng mới bị nhòm ngó đến?

Toàn bộ điều này lí giải lí do tại sao nước Đại Việt có thể lớn lên, đi ra từ một thực thể thuộc địa của Trung Hoa. Tuy là một nhà nước riêng biệt, Đại Việt ta vẫn tham gia mọi thứ xung quanh thể chế đó: vẫn thực hành thi cử giáo dục, xây dựng Văn Miếu – Quốc Tử Giám, vẫn có mô hình chính trị giống nhà Hán (mô hình chính trị chặt chẽ nhất của thời kỳ tiền công nghiệp), viết chữ Hán, chủ động tiếp nhận các thành tựu của nền văn hóa Hán để phát triển văn hóa – chính trị của mình.

Nhờ vậy, Việt Nam vượt ra khỏi sự phát triển của các nước Đông Nam Á như Lào, Xiêm, Khơ-me. Quá trình mở rộng đất đai từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XIX nhanh và mạnh mẽ, gấp ba bốn lần thời kỳ trước.

2. Việt Nam: trỗi dậy

Lấy Thăng Long làm trung tâm, Đại Việt ta dần trỗi dậy, thoát ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc. Các cư dân từ tứ phương tụ về, hình thành những dòng dân cư mới. Quá trình này đòi hỏi chúng ta phải sáng tạo ra rất nhiều thứ: văn hóa, văn chương,…bắt đầu từ thời đại Lý-Trần.

Thời đại Lý-Trần của chúng ta chịu ảnh hưởng rất sâu đậm của văn hóa Trung Hoa, tạo ra những sự giao thoa rất thú vị. Thời đó, giới tinh hoa gọi những người sống ở vùng đất của họ là người Kinh. Sau hai cuộc kháng chiến chống Nguyên thắng lợi, hai vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông đã bắt tay vào việc tái thiết kinh tế, xã hội Đại Việt.

Không chỉ có những cải cách về sưu thuế, nhà Trần còn cơ cấu lại bộ máy hành chính vốn đã bị quân sự hóa trong chiến tranh. Đây cũng là triều đại đầu tiên tổ chức một hệ thống đắp đê tương đối hoàn chỉnh, phát triển hệ thống giáo dục, khoa cử, thơ ca,… – các thực hành văn hóa của một thực thể mới. Đặc biệt là tôn giáo, vua Trần Nhân Tông chính là người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm ở Yên Tử – giáo hội thống nhất đầu tiên của đạo Phật tại Việt Nam.

Đến thế kỷ XV, Đại Việt đạt đến đỉnh cao. Không chỉ là một quốc gia, Đại Việt là một bản sắc, một lãnh thổ, một thiết chế chính trị, một nền văn minh phát triển.

Đại Việt thời vua Lê Thánh Tông là một nhà nước Nho giáo cực kỳ chặt chẽ. Cuộc cải cách của vua Lê Thánh Tông chính là mang mô hình nhà Minh về Việt Nam. Một loạt hệ thống đê điều được xây dựng ở phía nam vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng để tránh ngập lụt (đê Hồng Đức). Vũ khí của người Việt thế kỳ XV không hề thua kém Trung Quốc và là hiện đại bậc nhất ở Đông Nam Á, đặc biệt là các súng dùng thuốc súng như súng thần công. Đó là lý do tại sao chúng ta có hai cuộc viễn chinh lớn, sang lãnh thổ của Mi-an-ma, “xóa sổ” vương quốc Chăm-pa về cơ bản.

Sự vận hành của lịch sử là như thế. Đầu tiên nếu muốn trở thành một ông vua lớn thì Lê Thánh Tông phải mang về một mô hình chính trị tiến bộ, ưu việt; phát triển kinh tế, quản lý dân cư; có kỹ thuật về thuốc súng. Biên niên sử của các quốc gia Đông Nam Á cũng đã chứng minh sức mạnh của súng thần công Đại Việt.

Từ quá trình sáng tạo các thực hành văn hóa của thực thể Đại Việt này, chúng ta biết được rằng, nó đã cộng gộp rất nhiều sản phẩm văn hóa khác nhau. Từ cư dân đầu tiên của vùng đất này, sau đó là Phật Giáo (nhà Lý), nhà Trần, cuộc cạnh tranh của Nho giáo & Phật giáo,…

Sau này, đầu thế kỷ XIX, nước Đại Việt lớn lên Đại Nam. Nam tiến là quá trình thai nghén của Đại Việt, khi mà rất nhiều nhóm người Việt đi về phía Nam, đi về các vùng đất mới, mở rộng, đa dạng hóa cách thức trở thành người Việt ở các vùng địa lý khác nhau. Quá trình này khiến cho lịch sử Việt Nam từ năm 1600 năm 1800 hỗn loạn là vì thế. Không gian và cấu trúc chính trị của Đại Việt vỡ bung ra.

Vua Minh Mạng tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính trị thời vua Lê Thánh Tông, tham khảo hệ thống của nhà Thanh, tạo ra một thực thể chính trị mới là Đại Nam.

3. Việt Nam: Đại quốc

An Nam đại quốc họa đồ – bản đồ của Tabe, một linh mục người Pháp vẽ năm 1837 – đó là lúc Việt Nam trở thành một đế chế. Khoảnh khắc quan trọng này phản ánh sức mạnh, tư tưởng của thời kỳ đỉnh cao nhất.

Trong lý thuyết địa lí Trung Quốc thời phong kiến, họ coi “Trung Quốc” là “nước ở trung tâm” và người ở đó được coi là người đã giáo hóa văn minh, còn xung quanh là bốn phương như người Việt là được gọi là “man” – ý chỉ những người thấp kém hơn do không nói thứ tiếng của họ.

Giáo hóa là một công cuộc ý tưởng rất lớn của Khổng Tử. Trong tư tưởng của ông, muốn dân phát triển thì làm cho họ giàu có và giáo dục họ. Giáo hóa tức là dùng văn hiến biến đổi “man” thành “hoa”, thành “hóa”.

Thời bấy giờ, vua Minh Mạng bắt người Khơ-me học chữ Hán, bắt họ mặc trang phục như của người Việt. Năm 1836, ông chia toàn bộ lãnh thổ Khơ-me thành 25 phủ huyện. Thời điểm này khái niệm “Việt” trong “Đại Việt” dần chuyển hóa thành Việt Nam. Nước Đại Việt là nước của người Việt, còn Đại Nam bắt đầu manh nha ý thức, tư tưởng về một lãnh thổ rộng lớn hơn với đa dạng các tộc người.

Minh Mạng xóa bỏ tất cả hệ thống chính trị của các dân tộc khác, đưa người Kinh lên cai trị. Điều này dẫn tới sự nổi dậy của hàng trăm cuộc khởi nghĩa khác nhau, tạo nên một thời kỳ vô cùng hỗn loạn của lịch sử Việt Nam, khi mà mọi thứ đều đang trong giai đoạn chuyển hóa, còn đầy những vấn đề phức tạp.

4. Việt Nam: giữa dòng thời đại

Triều Nguyễn được thành lập trong bối cảnh các nước tư bản phương Tây đang tìm cách gia tăng sự hiện diện và sức ảnh hưởng ở các quốc gia phương Đông, trong đó có Việt Nam. Nói cách khác, đúng thời điểm người Việt tạo ra một thể chế cực kỳ chặt chẽ và miệt mài cho nó, đùng một cái gió u mưa Á ập đến.

Lịch sử Việt Nam hiện đại bắt đầu lấy từ năm 1917 – kỷ nguyên của chủ nghĩa xã hội còn lịch sử châu u còn hiện đại từ sau những cuộc phát kiến địa lý – mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử loài người. Ở thời đại này, chủ nghĩa trọng thương lên ngôi, các phát kiến lên ngôi, chủ nghĩa quốc gia – dân tộc lên ngôi, thương mại lên ngôi, kỹ thuật lên ngôi, kỹ thuật lên ngôi, các luật chơi mới ra đời. Trong bối cảnh ấy, canh tân đất nước là một yêu cầu bức xúc ảnh hưởng đến sự tồn vong của dân tộc.

Trước xu thế đó, triều đình nhà Nguyễn không hoàn toàn “làm ngơ” mà đã có những sự chủ động trong việc tiếp nhận những ảnh hưởng từ phương Tây, đặc biệt là trên lĩnh vực quân sự. Trong nửa đầu thế kỉ XIX, nhà Nguyễn đã đạt được một số thành tựu trong hoạt động tiếp thu tri thức, áp dụng kĩ thuật phương Tây trong lĩnh vực quân sự. Tuy nhiên, chúng ta thất bại trong việc lựa chọn và tìm kiếm mô hình.

Gia Long là một người cởi mở, biết lợi dụng các thành tựu của phương Tây. Ông bắt chước kỹ thuật làm tàu đồng, vẽ lại đường bờ biển của Việt Nam (Rút kinh nghiệm từ sự thất bại của Tây Sơn vì chưa có một bản đồ tác chiến cho toàn bộ Việt Nam khiến cho lực lượng bị phân tán, lúng túng về mặt quân sự trước quân đội của Nguyễn Ánh).

Quá trình tiếp thu tri thức, áp dụng kĩ thuật phương Tây trên lĩnh vực quân sự dưới thời nhà Nguyễn vào nửa đầu thế kỉ XIX trải qua nhiều thăng trầm, bị đứt đoạn và không giúp hình thành một xu hướng hiện đại hóa quân đội triều Nguyễn theo lối phương Tây. Quân đội nhà Nguyễn vì thế mà không đủ khả năng để bảo vệ đất nước trước những mưu đồ xâm lược từ bên ngoài, đặc biệt là từ phương Tây.

Mùa xuân năm 1801, hoàng tử Cảnh (con trai trưởng của vua Gia Long) bị bệnh đậu mùa. Ông mất ngày 7/2/1801, hưởng dương 21 tuổi. Sau khi hoàng tử Cảnh mất, hoàng tử Đảm được chọn để nối ngôi và trở thành vua Minh Mạng sau này.

Việc vua Gia Long chọn hoàng tử Đảm nối ngôi thay vì hoàng tôn Đán (con trai hoàng tử Cảnh) được “Đại Nam chính biên liệt truyện” viết như sau: “Trước đây, thấy vua Gia Long ở ngôi mà tuổi đã cao, các quan liền xin lập ngôi trừ vị, trong số đó có người đề nghị thẳng là nên lập hoàng tôn Đán nhưng vua không nghe. Về sau, Gia Long lập Nguyễn Phúc Đảm, em cùng cha khác mẹ với hoàng tử Cảnh, làm người nối ngôi”.

Lí giải cho việc này, Gia Long muốn tìm kiếm một người bản lĩnh, mạnh, ghét quyền thần, bè phái và tham nhũng. Minh Mạng đầu tiên khá ôn hòa với phương Tây và Nho giáo nhưng quá trình ông ấy vươn lên quyền lực buộc ông phải thẳng tay với những nhóm này. Lần đầu tiên, nhà vua tuyên chiến với giáo dân.

Thời nhà Nguyễn đã có nhiều đề nghị cải cách dâng lên nhà vua. Có những cải cách như sửa đổi cách tuyển chọn quan lại, quản lý công trình thủy lợi, mở mang khai hoang, chỉnh đốn giáo dục… trên nền tảng không thay đổi của kết cấu kinh tế xã hội phong kiến, với nhưng ít thấy những cải cách mở cửa khai thông giao thương, phát triển công thương nghiệp, học tập kỹ thuật phương Tây, nâng cao trình độ quốc phòng… vươn lên tầm nhìn thời đại.

Những cải cách sau mãi đến thời Tự Đức mới xuất hiện với những điều trần đầy tâm huyết và nỗi trăn trở của những trí thức cấp tiến như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Đặng Huy Trứ, Bùi Viện… xu hướng cải cách như vậy là chậm tuy vua Tự Đức có lúc quan tâm, nhưng không chấp nhận và thực hiện như một chủ trương của triều đình. Đây là mặt hạn chế lớn của triều Nguyễn.

Như vậy, triều Nguyễn tuy là tội đồ để mất nước – một trách nhiệm nặng nề không thể thoái thác và biện hộ với cương vị triều đình nắm chủ quyền quốc gia, nhưng chúng ta không thể không công nhận những cống hiến lớn lao trong sự nghiệp mở mang lãnh thổ về phía Nam, thống nhất đất nước và xây dựng quốc gia thống nhất trên lãnh thổ rộng lớn tương ứng với lãnh thổ Việt Nam hiện đại và để lại một di sản văn hóa đồ sộ, một bộ phận tạo thành quan trọng của di sản văn hóa dân tộc.

Biên tập từ tư liệu buổi học của lớp Libero21 do TS. Vũ Đức Liêm, Giảng viên – Nhà nghiên cứu lịch sử tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội hướng dẫn.

Share This Post!