Sức khoẻ được Tổ chức Y tế thế giới (1984) định nghĩa là “trạng thái hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất, tâm thần, và xã hội mà không chỉ đơn thuần là không có bệnh tật hay ốm đau”. Như vậy, khái niệm sức khỏe đã được hiểu một cách rộng hơn, sức khỏe không chỉ là các vấn đề về thể chất mà còn có các vấn đề về tâm thần, và bên cạnh đó là sự khỏe mạnh của toàn xã hội.

Số lượng thanh thiếu niên báo cáo sức khỏe tâm thần kém đang gia tăng
Trên thế giới có khoảng 15% trẻ em và thanh thiếu niên mắc rối loạn tâm thần và các bệnh lý tâm thần kinh là nguyên nhân hàng đầu gây khuyết tật ở trẻ. Có một khoảng cách đáng kể về giới tính trên toàn thế giới trong vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ vị thành niên, với trẻ em gái có sức khỏe tâm thần trung bình kém hơn trẻ em trai (Campbell, Bann, Patalay, 2021). Khi các vấn đề sức khỏe tâm thần mới khởi phát mà không được điều trị, những vấn đề này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển, kết quả học tập và tiềm năng của trẻ trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 cũng đã để lại một tác động thảm khốc đối với thanh thiếu niên khi các em phải trải qua căng thẳng kéo dài liên quan đến các vấn đề về chức năng gia đình, bất an về kinh tế, nỗi lo sợ lây nhiễm, cách ly xã hội, học hành bị gián đoạn, gia tăng bạo lực và tình trạng lạm dụng trong gia đình, bệnh tật và cái chết trong gia đình. Những thách thức nghiêm trọng này khiến trẻ có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần cao hơn. Dù các vấn đề về sức khỏe tâm thần đối với thanh thiếu niên có thể xảy ra trước COVID-19, đại dịch đã làm trầm trọng thêm những thách thức về sức khỏe tâm thần xuất hiện trước đó. Thanh thiếu niên thuộc các hoàn cảnh khác nhau trên toàn thế giới đang trải qua tỉ lệ lo âu, trầm cảm và căng thẳng cao hơn do đại dịch (Jones, Mitra và Bhuiyan, 2021).

Khoảng 15% – 30% thanh thiếu niên ở Việt Nam gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Trẻ em trai có tỉ lệ rối loạn hành vi cao hơn và trẻ em gái có tỉ lệ các vấn đề cảm xúc như lo âu và trầm cảm cao hơn. Các vấn đề với bạn bè cùng trang lứa (ví dụ: trải nghiệm bị bắt nạt), các vấn đề về cảm xúc (tức là các triệu chứng trầm cảm và lo âu) và các vấn đề về hành vi là những thách thức phổ biến nhất đối với trẻ vị thành niên.

Các vấn đề sức khỏe tâm thần đang là gánh nặng đáng kể đối với trẻ vị thành niên ở Việt Nam. Rối loạn hành vi là nguyên nhân hàng đầu gây ra khuyết tật cho trẻ em trai ở lứa tuổi vị thành niên. Rối loạn hành vi và rối loạn lo âu là những nguyên nhân hàng đầu gây ra khuyết tật ở trẻ em gái. Rối loạn trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu gây ra khuyết tật ở trẻ em gái ở giai đoạn cuối vị thành niên (Dữ liệu quốc gia của UNICEF, 2019).

Các yếu tố nguy cơ chính đối với sức khỏe tâm thần ở trẻ vị thành niên ở Việt Nam bao gồm giới tính nữ, tuổi cuối vị thành niên, tình trạng di cư, sức khỏe tâm thần không tốt của người chăm sóc, giao tiếp không hiệu quả giữa cha mẹ và con cái, cảm giác xa cách với trường học, áp lực học tập và trải nghiệm bị lạm dụng, sang chấn và bỏ mặc.

Sự thiếu hiểu biết về sức khỏe tâm thần của học sinh, phụ huynh và giáo viên là một yếu tố nguy cơ đối với các vấn đề sức khỏe tâm thần của học sinh. Những người tham gia không phải lúc nào cũng có hiểu biết chính xác về các vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến.

Sự kém hiểu biết về các vấn đề sức khỏe tâm thần, sự kỳ thị của xã hội, các dịch vụ và nguồn lực hạn chế về sức khỏe tâm thần góp phần khiến cho hầu hết những trẻ này không được điều trị hoặc hỗ trợ.

Tại sao sức khoẻ tâm thần quan trọng với học sinh?
Tuổi vị thành niên là giai đoạn quan trọng để phát triển các thói quen xã hội và cảm xúc quan trọng cho sức khỏe tâm thần. Vì nhiều hành vi và thói quen về sức khỏe được hình thành trong thời niên thiếu và sẽ kéo dài đến tuổi trưởng thành, nên việc giúp trẻ phát triển sức khỏe tâm thần tốt là rất quan trọng.
Những điều này bao gồm: áp dụng các kiểu ngủ lành mạnh; tập thể dục thường xuyên; phát triển kỹ năng đối phó, giải quyết vấn đề và kỹ năng giao tiếp giữa các cá nhân; và học cách kiểm soát cảm xúc. Môi trường bảo vệ và hỗ trợ trong gia đình, nhà trường và cộng đồng rộng lớn là rất quan trọng.
Vấn đề sức khỏe tâm thần kém ở tuổi vị thành niên không chỉ đơn thuần là cảm giác buồn chán. Nó có thể ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực trong cuộc sống của thanh thiếu niên.
Những thanh thiếu niên có sức khỏe tâm thần kém có thể gặp khó khăn trong học tập, kết quả học tập, ra quyết định và cả sức khỏe thể chất. Các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên thường đi kèm với các rủi ro về sức khỏe và hành vi khác, chẳng hạn như nguy cơ sử dụng chất kích thích tăng cao, có thể bị bạo lực và hành vi tình dục rủi ro cao hơn, dẫn đến HIV, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và mang thai ngoài ý muốn.
Ngược lại, học sinh khỏe mạnh sẽ học tập tốt hơn và thành tích học tập mang lại những lợi ích lâu dài cho sức khỏe. Trường học là môi trường lý tưởng để dạy và cung cấp cho học sinh cơ hội cải thiện thói quen ăn uống và hoạt động thể chất, cũng như quản lý các tình trạng sức khỏe mãn tính (hen suyễn, tiểu đường, động kinh, dị ứng thực phẩm và sức khỏe răng miệng kém).
Cần nâng cao nhận thức: Thống kê này nêu bật tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức về các vấn đề sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên.
Tầm quan trọng của can thiệp sớm: Việc xác định và hỗ trợ sớm các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên có thể dẫn đến kết quả tốt hơn trong dài hạn. Khi các chính sách và thực hành về sức khỏe học đường được thực hiện, học sinh khỏe mạnh có thể phát triển thành những người lớn khỏe mạnh và thành đạt. Bên cạnh đó sự phối hợp của cha mẹ học sinh kết nối với nhà trường cũng quan trọng không kém.

Sức khỏe tâm thần học đường
Trường học có thể tiếp xúc trực tiếp với hơn 95% trẻ em và thanh thiếu niên trong nước từ 5 đến 17 tuổi, trong khoảng 6 giờ mỗi ngày và kéo dài đến 13 năm quan trọng trong quá trình phát triển xã hội, tâm lý, thể chất và trí tuệ của các em. Do đó, trường học đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sức khỏe và an toàn của trẻ em và thanh thiếu niên bằng cách giúp các em thiết lập những thói quen lành mạnh suốt đời.
Là một trong những thành tố quan trọng tác động đến SKTT của học sinh, trường học đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển SKTT tích cực, hỗ trợ và dự phòng các vấn đề SKTT của các em học sinh.
Trường học là một trong những môi trường tâm lý xã hội quan trọng nhất của thanh thiếu niên, cung cấp các yếu tố nguy cơ về sức khỏe tâm thần, các yếu tố bảo vệ và cơ hội để nâng cao và hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Bằng chứng chỉ ra rằng bầu không khí học đường, áp lực học tập, bắt nạt và các yếu tố gây căng thẳng xã hội khác đều tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của học sinh lứa tuổi vị thành niên ở Việt Nam. Các dịch vụ sức khỏe tâm thần tại trường học là rất quan trọng trong việc hỗ trợ sức khỏe tâm thần của học sinh lứa tuổi vị thành niên và giải quyết các yếu tố nguy cơ liên quan đến sức khỏe tâm thần ở trường học.

Dưới đây là những gợi ý nhằm xây dựng sức khỏe tâm thần tích cực cho trẻ vị thành niên

1.Về phía nhà trường:
Phòng ngừa các vấn đề về sức khỏe tâm thần và thúc đẩy hành vi tích cực của học sinh.
Giúp học sinh đối phó với khủng hoảng và hậu quả.
Cung cấp môi trường an toàn và hỗ trợ cho học sinh (cả trực tiếp và trực tuyến).
Kết nối học sinh với các dịch vụ sức khỏe tâm thần.
Tích hợp học tập xã hội và cảm xúc (SEL).
Đào tạo nhân viên.
Hỗ trợ sức khỏe tâm thần của nhân viên.
Kiểm tra lại các chính sách kỷ luật để đảm bảo công bằng.
2.Điều cha mẹ và gia đình có thể làm:
Giao tiếp cởi mở và trung thực, bao gồm cả về các giá trị của gia đình.
Giám sát con cái vị thành niên để hỗ trợ chúng đưa ra những quyết định lành mạnh.
Dành thời gian cho con cái, cùng tham gia các hoạt động vui chơi.
Tham gia các hoạt động của trường và giúp đỡ việc học hành của con.
Tham gia tình nguyện tại trường học của con.
Giao tiếp thường xuyên với giáo viên và ban giám hiệu.
cha mẹ học sinh có thể tự đọc nâng cao kiến thức và kỹ năng, áp dụng vào thực tế của lớp học và học sinh.
Điều các nhân viên y tế có thể làm:
Hỏi thanh thiếu niên về các mối quan hệ gia đình và trải nghiệm học đường như một phần của việc khám sức khỏe định kỳ.
Khuyến khích các phương pháp nuôi dạy tích cực.
Thảo luận cùng cha mẹ về cách kết nối với con cái vị thành niên, giao tiếp hiệu quả và giám sát các hoạt động và hành vi sức khỏe.
Giáo dục cha mẹ và thanh thiếu niên về sự phát triển của tuổi vị thành niên và các rủi ro về sức khỏe.

*Tham khảo: Tài liệu truyền thông của bộ giáo dục, CDC và Nghiên cứu về sức khỏe tâm thần và sự phát triển trẻ em vị thành niên tại Việt Nam của UNICEFFs