Tuần học đầu tiên năm mới của lớp Libero 24 khép lại bằng một hoạt động trải nghiệm mở rộng đầy nghĩa (chương trình có sự tham gia của nhiều học viên của các khóa học khác). Đây là chuyến đi về miền Kinh Bắc, ghé thăm ngôi nhà cổ kính, nguyên sơ của nhạc sĩ Dương Thụ. Không chỉ là một chuyến đi đơn thuần mà đó còn là một hành trình khám phá, cảm nhận những giá trị văn hóa được vun đắp qua năm tháng. Một chuyến đi mà dư âm vang vọng mãi trong từng ánh nhìn, từng câu chuyện được nhạc sĩ kể lại.
Ngôi nhà của nhạc sĩ không đơn thuần là chốn đi về mà còn là một tác phẩm nghệ thuật được thiết kế tài tình như cấu trúc của một bản xô nát có phần trình bày, phần phát triển và phần tái hiện. Nơi đây chất chứa biết bao kỉ niệm, biết bao tâm huyết và tình yêu của người nghệ sĩ dành trọn tình yêu cho văn hóa. Từng góc nhà, góc sân, từng cây thị, cây đa, từng viên gạch, mái ngói và từng vật dụng đều lưu giữ hơi thở của thời gian, của những câu chuyện về con người, văn hóa.
Ấn tượng chung đầu tiên của chúng tôi đều dừng lại ở cây thị. Cây thị to lớn, xanh mướt rủ bóng xuống ngôi nhà một cách hiền từ, dịu dàng. Không gian ấy, như một khu vườn ký ức, đưa chúng tôi trở về những ngày xưa cũ – nơi những thanh âm trong trẻo của Hà Nội (hay vùng quê Bắc Bộ) một thời vẫn còn vang vọng, nơi mỗi giai điệu cất lên đều mang theo hơi thở của một nền văn hóa lâu đời. Dưới bóng cây thị ấy, nhạc sĩ say sưa kể những câu chuyện về cuộc đời ông, về những gì ông nghĩ và làm, về những viên gạch, bờ ngói ông đã tỉ mẩn chọn lựa đem về cho ngôi nhà của mình. Thoáng hiện lên trong từng ánh mắt là tình yêu của một người nghệ sĩ dành cho cái đẹp, dành cho những giá trị văn hóa từ ngàn xưa.
Cả đoàn lặng người theo từng lời chia sẻ, để rồi mỗi người trong chúng tôi đều tìm thấy trong đó một điều gì gần gũi với chính mình. Với những người thuộc thế hệ trước, khoảnh khắc ấy đã đưa họ trở về với tuổi thơ, trở về với những ngày thơ bé. Mái ngói rêu phong, chum nước mưa mát lạnh nằm nép mình ở góc sân. Cảm giác thân thuộc lặng lẽ dội về như một bản nhạc xưa nhẹ nhàng, du dương.
Với những người trẻ hơn, đây là lần đầu tiên họ được tận mắt chạm vào một không gian văn hóa vẫn còn vẹn nguyên trong từng viên gạch, từng nếp nhà. Không ít người trầm trồ trước vẻ đẹp mộc mạc, bình dị dị, trước những giá trị tưởng chừng chỉ còn trong phim ảnh, sách vở nhưng giờ đây chúng vẫn đang hiện hữu một cách sinh động, chân thực. Còn những đứa trẻ nhỏ nhất trong đoàn, tất cả mọi thứ đều mới, đều lạ. Chúng tò mò chạm tay vào từng đồ vật, ghé mắt nhìn vào những chum nước lớn, thích thú sờ lên bờ tường phủ rêu. Có lẽ đối với các em đây chính là một thế giới vừa quen vừa lạ, không gian làng quê trong những câu chuyện cổ tích đang hiện lộ ngay trước mắt.
Nhưng có lẽ điều xúc động nhất chính là những khoảnh khắc lời ca quan họ vang lên giữa không gian đậm chất Bắc Bộ, làn điệu quan họ ngọt ngào đưa chúng tôi trở về những ngày hội làng xa xưa, nơi bến nước, sân đình rộn rã tiếng cười, nơi những liền anh, liền chị trong tà áo tứ thân tha thướt cất lời ca giao duyên. Những lời ca, tiếng hát ấy như dòng chảy ngầm, len lỏi qua bao thế hệ, âm thầm nuôi dưỡng tâm hồn con người Kinh Bắc nói riêng và con người Việt Nam nói chung.
Nó khác một buổi nghe quan họ thông thường nhờ có sự diễn giảng và tương tác của nhạc sĩ Dương Thụ với người nghe, điều này đã giúp chúng tôi phần nào có thêm 1 trải nghiệm văn hoá sâu sắc. Như lời nhạc sỹ nói “dù không hiểu được vì những làn điệu cổ, và người nghệ nhân đang đối tác với nhau chứ không phải với anh chị do vậy không dễ gì hiểu”, nhưng chúng tôi không cần hiểu, chỉ cần cảm, những hình ảnh này, âm thanh này đã là 1 phần trong kí ức đẹp của anh chị từ ngày hôm nay”.
Thông qua gặp gỡ và trò chuyện, chúng tôi hiểu phần nào tinh thần “chơi quan họ”, “sống quan họ” hết mình nhưng cũng là nét sống giản dị và sâu sắc. Khi mà những người nghệ nhân đạt tới đỉnh cao của âm nhạc dân gian lại chính là những người nông dân dân dã. Chỉ cần khoác lên mình bộ trang phục quan họ là không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, họ sẽ sống hết mình với vai trò liền anh-liền chị và mang theo nét đẹp của tổ tiên, duy trì và gìn giữ nét đẹp đó đến ngày nay. Và mặc dù chúng tôi chỉ là người ngoài cuộc, người xem. Những đứa trẻ, những người trẻ có thể chưa hiểu về những làn điệu mà người nghệ nhân đang hát nhưng chắc chắn, chúng tôi cảm nhận được một thứ tình cảm sâu sắc và một nét đẹp của dân gian trong từng câu hát và cử chỉ của các liền anh liền chị, để mỗi người trân trọng hơn về giá trị truyền thống.
Chuyến đi không chỉ là cuộc gặp gỡ, mà còn là một cuộc trở về. Trở về với những giá trị văn hóa bền vững, với những điều giản dị mà sâu sắc. Bữa cơm trưa thân mật với gia đình nhạc sĩ cũng vậy, không cầu kỳ, không kiểu cách, nhưng ấm áp và chân thành như chính con người ông. Trong không gian ấy, có những tiếng cười, những câu chuyện, những nốt trầm nhẹ nhàng mà có lẽ chỉ một chuyến đi như thế này mới mang lại được.
Đây cũng chính là tinh thần mà Libero theo đuổi: không vội vã, không hào nhoáng lặng lẽ chạm vào chiều sâu văn hóa, để mỗi trải nghiệm đều là một hành trình khám phá thực sự. Và có lẽ, chuyến đi này chỉ là khởi đầu. Bởi còn biết bao điều đẹp đẽ đang chờ phía trước, nơi mỗi con người, mỗi không gian, mỗi câu chuyện đều có thể trở thành một phần của dòng chảy văn hóa mà Libero đang miệt mài tìm kiếm.
Thực hiện: Thanh Hoa – Dương Hương