Lãnh đạo, trong quan điểm của Patrick Awuah – giám đốc đại học Ashesi, một trường giáo dục khai phóng tại châu Phi – không chỉ nói về các nhà lãnh đạo chính trị mà là những người đã được đào tạo, có công việc là người bảo vệ xã hội của họ. Các luật sư, thẩm phán, cảnh sát, bác sĩ, kỹ sư, công chức,…là những nhà lãnh đạo. Quyết định của họ, hành động của họ quan trọng đối với sự sống còn và phát triển của mỗi quốc gia. Chính vì vậy, họ cần được thụ hưởng một nền giáo dục đúng đắn.
Giáo dục khai phóng chuẩn bị cho công dân những trách nhiệm lãnh đạo cần thiết để củng cố cộng đồng, quốc gia và các thể chế xã hội của họ. Đến với giáo dục khai phóng, họ được học những phẩm chất, đặc điểm hoặc tính cách để trở thành những người đảm nhiệm thành công vai trò lãnh đạo. Dưới đây là 10 phẩm chất thiết yếu của một nhà lãnh đạo, được rèn giũa thông qua giáo dục khai phóng.
1. Khả năng thấu hiểu các vấn đề trong bối cảnh xã hội
Lãnh đạo liên quan đến việc thiết lập niềm tin và đạt được sự thay đổi thông qua việc định hình tầm nhìn, giá trị và văn hóa. Một nhà lãnh đạo tài ba là người có thể xác định các vấn đề quan trọng; nâng cao nhận thức và hiểu biết của cộng đồng; phát triển các giải pháp và chiến lược giàu trí tưởng tượng; và huy động những người khác cống hiến bản thân để đạt được tầm nhìn ngày mai tốt hơn.
Họ đến từ đâu? Họ xuất thân từ chính các gia đình, khu phố, cộng đồng, câu lạc bộ công dân, tổ chức, tiểu bang và quốc gia… Họ trưởng thành trong bối cảnh xã hội của chính quốc gia nơi họ đang kiến thiết sức mình.
Giáo dục khai phóng đưa nhà lãnh đạo lên chuyến hành trình đi về các miền tri thức, tìm hiểu về quốc gia, dân tộc mình và vị trí của quốc gia, dân tộc mình trong thế giới đương đại. Giáo dục khai phóng khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần công dân trong họ. Hơn hết, nó tạo cơ hội cho họ thực hiện vai trò lãnh đạo của mình.
2. Khả năng lãnh đạo
Những nhà lãnh đạo được tôi luyện từ giáo dục khai phóng sẽ là những nhà lãnh đạo đặc biệt chính trực, người có khả năng đối mặt với những vấn đề phức tạp, đặt câu hỏi phù hợp và đưa ra giải pháp khả thi.
Họ được chuẩn bị để xác định các khái niệm liên kết và xây dựng sức mạnh khối đại đoàn kết dựa trên các yếu tố được học trong các môn khoa học nền tảng. Điều này đặc biệt quan trọng vì lãnh đạo đòi hỏi vốn hiểu biết sâu rộng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Chúng bao gồm khoa học chính trị, triết học, lịch sử, xã hội học, tâm lý học, kinh doanh, giáo dục, văn học, khoa học quân sự và truyền thông, và nhiều ngành khác.
3. Rèn luyện trí thông minh
Trí thông minh bao gồm khả năng tri giác mạnh mẽ, kỹ năng lý luận được mài giũa, khả năng tạo ra tầm nhìn và đưa ra quyết định khó khăn. Nó cũng gợi ý về phương hướng và mục đích cũng như khả năng đánh giá và tích hợp các khả năng cạnh tranh.
Một nhà lãnh đạo khai phóng luôn có tầm nhìn xa, định hướng rõ ràng, không bằng lòng với hiện tại và luôn khao khát vươn lên. Họ cũng biết cách sắp xếp những cá nhân, những bộ phận cùng phối hợp thực hiện một loạt nhiệm vụ theo một lộ trình nhất định, hướng đến mục tiêu chung. Ngoài ra, sự thông minh của họ còn được thể hiện ở việc linh hoạt các quyết định trong một thế giới biến động khôn lường, làm chủ được thời gian và không gian mà họ lãnh đạo.
4. Nâng cấp sự tự tin
Với những kiến thức nền tảng mà giáo dục khai phóng cung cấp, nhà lãnh đạo có quyền tự tin vào kiến thức của mình. Họ tin tưởng vào bản thân hơn, tin vào khả năng và hành động của chính mình.
Phục vụ cho tầm nhìn chung cũng đòi hỏi người lãnh đạo phải hình thành và truyền đạt một bức tranh về các mục tiêu mà họ mong muốn. Sự tự tin lúc này phải bao gồm sự tự bảo đảm (nhưng không kiêu ngạo) rằng người lãnh đạo và những người đi theo có thể kiểm soát số phận chung của họ, vì một tương lai tốt đẹp hơn.
5. Giữ vững tinh thần quyết tâm
Người tự tin thường không dễ dàng bỏ cuộc. Họ luôn tin vào bản thân, dám theo đuổi và dám đối mặt với thách thức. Bản thân việc học tập theo chủ nghĩa khai phóng cũng giúp người học tạo ra những động lực tự thân, kiên trì, bền bỉ khi gặp khó khăn trở ngại, chủ động và luôn thôi thúc bản thân theo đuổi các cơ hội và giải pháp.
Đồng thời, nhà lãnh đạo khai phóng cũng ý thức rõ ràng về phương hướng, với kỷ luật tự giác, giá trị cá nhân và niềm tin đạo đức để cống hiến cho xã hội.
6. Cam kết về quyền công dân có trách nhiệm
Giáo dục khai phóng khiến con người ta có tinh thần trách nhiệm cao hơn ý thức về quyền lợi. Bởi lẽ nó trau dồi kiến thức về con người, dân chủ, xã hội, toàn cầu hóa và sự hội nhập. Một công dân có tinh thần trách nhiệm sẽ nhìn thấy các vấn đề còn tồn đọng trong xã hội và tha thiết được đóng góp để cải thiện chúng theo một chiều hướng tốt đẹp hơn.
Có thể nói, tinh thần trách nhiệm cao cả là đặc điểm, thành phần thiết yếu để thiết lập niềm tin của dân chúng với lãnh đạo của mình.
7. Kỹ năng giao tiếp
Nếu muốn trở thành một nhà lãnh đạo xuất chúng, các kỹ năng giao tiếp là không thể thiếu. Giáo dục khai phóng thúc đẩy họ tham gia vào cộng đồng, tìm kiếm các mối quan hệ, hỗ trợ, hợp tác và thể hiện sự quan tâm thực sự đến hạnh phúc của dân chúng.
Một nhà lãnh đạo giỏi phải cởi mở với người khác, có khả năng giao tiếp rõ ràng và minh bạch; khả năng hòa đồng và tôn trọng những người khác; khả năng giải quyết xung đột hiệu quả, công bằng, tạo sự an tâm cho dân chúng. Họ cũng cần có nghệ thuật diễn ngôn nhằm khích lệ tinh thần của cả quốc gia, dân tộc. Và bạn biết không, tìm hiểu về ngôn ngữ và cách sử dụng ngôn từ là một phần quan trọng của giáo dục khai phóng.
8. Phẩm chất đạo đức tốt đẹp
Khi một nhà lãnh đạo chọn ảnh hưởng đến người khác để theo đuổi một mục tiêu cụ thể, người đó đang chọn ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác. Trên thực tế, việc lựa chọn và thúc đẩy một tầm nhìn vốn dĩ là một trách nhiệm đạo đức, bởi vì tầm nhìn là sự thể hiện các giá trị và sự lựa chọn đạo đức của người lãnh đạo và những người đi theo. Đây là một cam kết nghiêm túc đặt trách nhiệm đạo đức lên vai người lãnh đạo.
Dân chúng không nên được sử dụng như một con tốt để đảm bảo các mục tiêu tự phục vụ của một nhà lãnh đạo. Nhà lãnh đạo phải tìm cách đồng hành cùng họ để tạo ra những thay đổi chung, coi họ là mục đích cuối cùng để tạo ra các giá trị khác biệt chứ không phải phương tiện để thực hiện điều đó. Bởi vậy, lãnh đạo là một phạm trù triết học thể hiện thành phần đạo đức, những thứ có thể được phân tích trong giáo dục khai phóng.
9. Dám dấn thân
Dấn thân có nghĩa là gì? Dấn thân là một hành động can đảm, lấy hết dũng khí ra để làm một việc biết trước là gian truân. Thách thức của nhà lãnh đạo nằm ở việc liệu có họ thật sự đi đầu, thúc đẩy sự thay đổi hay không? Họ có dám chấp nhận rủi ro, đưa ra quyết định khó khăn hay không?
Trong các chương trình giáo dục khai phóng, người học sẽ được mài sắc tư duy kiến tạo, dấn thân hơn, thích ứng tốt hơn với sự thay đổi và chủ động kiến tạo giá trị cho riêng mình cũng như cho cộng đồng và xã hội rộng lớn. Đây là một cuộc hành trình thú vị và hữu ích với bất cứ ai có tư duy cầu tiến.
10. Khao khát truyền cảm hứng
Một người lãnh đạo nhiệt huyết là chưa đủ, bản thân họ còn phải truyền nhiệt huyết đó đến tất cả quần chúng để tạo thành một khối đại đoàn kết, nỗ lực hết mình vì mục tiêu đề ra.
Giáo dục khai phóng thôi thúc họ tạo ra các mối thu hút người khác tham gia vào các quyết định, chia sẻ thông tin, xây dựng mối quan hệ hợp tác và giao cho người khác những nhiệm vụ quan trọng và có thể nhìn thấy được.
Để trở thành một người truyền cảm hứng, nhà lãnh đạo phải đóng vai trò như người dẫn đường. Gương mẫu thông qua việc thể hiện niềm tin rõ ràng và sống những giá trị quan trọng. Các nhà lãnh đạo hiệu quả biết cách khuyến khích những nỗ lực không ngừng thông qua sự kiên trì và nhiệt tình tham gia của dân chúng.
Dường như có một mối quan hệ vô hình giữa giáo dục khai phóng và khoa học lãnh đạo. Kiến thức, thái độ và kỹ năng cần thiết để lãnh đạo hiệu quả phù hợp với kết quả học tập mong muốn của một nền giáo dục khai phóng. Trở thành một người lãnh đạo tài năng là một điều không hề đơn giản tuy nhiên giáo dục khai phóng hoàn toàn có thể giúp rèn luyện những phẩm chất và kỹ năng của nhà lãnh đạo và phát huy nó một cách hiệu quả.