Nếu ra hiệu sách có tình cờ lướt qua bìa cuốn “Minh Đạo Nhân Sinh”, có lẽ cũng chẳng mấy ai ấn tượng với trang bìa được thiết kế khá đơn điệu, không hề cuốn hút. Nhưng nếu có duyên lật giở một vài trang để nghe những chia sẻ từ Giáo Sư Micheal Puett về các nhà tư tưởng phương Đông từ hơn 2000 năm trước, có thể trong đầu độc giả sẽ vang lên những tiếng “wow” bởi những quan sát giản dị nhưng vô cùng sâu sắc và thú vị của tác giả. Hóa ra những vị “Thánh nhân” như Khổng Tử, Đức Phật, Lão Tử, Trang Tử … cũng đều trăn trở câu hỏi bình dị như người thường chúng ta: “Sống thế nào là tốt (nhất)?”
Biến thứ tưởng chừng như rất khó hiểu thành điều bình dị, trong câu chuyện bình dị lại hàm ý sâu sắc, sâu sắc nhưng không hề cứng nhắc mà ẩn dụ rất thú vị. Ví dụ như để truyền đạt một góc nhìn khác về khái niệm “Lễ” của Khổng Tử, tác giả mô tả “Lễ” giống như một trò chơi đóng vai, khi mà ta diễn nhập vai “như thể” là thật. Tác giả có lấy ví dụ về trò chơi trốn tìm giữa một đứa bé (người đi tìm) và một người lớn (người đi trốn). Khi đó, đứa trẻ bình thường yếu đuối sẽ trở thành một người mạnh mẽ, thắng được người lớn bằng cách tìm thấy anh ta. Việc hóa thân vào vai trò này giúp đứa trẻ thoát vai thực tại và khám phá bản thân ở một vai trò mới. Qua đó phát triển một năng lực mới, tự tạo ra một con người mới. Vậy là khác với nhiều quan niệm thông thường về “Lễ” là những quy định cứng ngắc, giới hạn sự tự do của con người, tác giả cho ta một góc nhìn khai phóng: Dùng “Lễ” để khai phá tiềm năng con người.
Hay đến lượt Mạnh Tử, chúng ta lại ngỡ ngàng vì cứ tưởng chỉ có thời đại này mới là VUCA, biến động với tốc độ chóng mặt. Hóa ra thời đại ngày xưa cũng VUCA như vậy:
“Ông nhìn nhận thế giới này là một nơi thất thường. Làm việc chăm chỉ không nhất thiết sẽ dẫn đến sự thịnh vượng. Những hành vi xấu không nhất thiết sẽ bị trừng phạt. Không có sự đảm bảo cho bất cứ điều gì; không có sự nhất quán ổn định và bao quát khắp thế giới để người ta có thể trông đợi. Thay vào đó, Mạnh Tử tin rằng thế giới này bị phân mảnh, hỗn loạn không ngừng và cần được tác động liên tục. Và chỉ khi hiểu rằng không có gì ổn định, chúng ta mới có thể đưa ra quyết định và sống cuộc sống của mình theo cách cởi mở nhất”.
Trong sự biến đổi khôn lường đó của cuộc sống, làm sao để ra quyết định tốt nhất? Ông cho rằng không phải bằng lý trí, cũng không phải bằng tình cảm, chính cái “tâm” được mài rũa tính thiện là cái gốc để con người có thể đánh giá và đưa ra quyết định tốt nhất. Điều này làm tôi liên tưởng đến nhà kinh doanh lỗi lạc của Nhật Bản – Inamori Kazuo cũng đã chia sẻ về triết lý sống của mình: “Làm thế nào là đúng với tư cách một con người?”. Suy nghĩ này dẫn tới một câu hỏi: “Cái thiện” là gì? Theo như chia sẻ của Inamori Kazuo thì đối với ông đó là lòng trắc ẩn, lòng vị tha, nghĩ cho người khác. Còn đối với chúng ta thì sao?
Tuân Tử có lẽ là người có tư tưởng gần với con người hiện đại ngày nay nhất. Ông cho rằng chủ nghĩa sùng bái tự nhiên là có hại. Và rằng mỗi con người sinh ra là một trạng thái chưa hoàn thiện, có tính ác căn, cần phải giáo dục nhân văn để có thiện nhân. Khắt khe hơn nữa, ông còn chỉ trích suy nghĩ “chấp nhận bản thân như vốn có”, “sống thuận tự nhiên” là những quan niệm “nguy hiểm”. Theo tôi, sở dĩ như vậy bởi ông cho rằng các suy nghĩ đó có mầm mống của sự lười nhác, ngại nỗ lực để thay đổi. Tuy có tác dụng “chữa lành” xoa dịu bản thân trong ngắn hạn nhưng chất lượng cuộc sống không có gì khác. Con người cần phải nỗ lực để cải tạo tự nhiên, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và tha nhân chứ không phải là tự thuyết phục mình bằng những lý do “có vẻ hợp lý”.
Còn về Lão Tử, Trang Tử thì Giáo Sư Micheal Puett sẽ suy nghĩ như thế nào? “Đạo” có lẽ là một khái niệm mơ hồ nhất, nhưng cũng đặc sắc nhất của phương Đông. Đến nỗi ngay chương đầu của Đạo Đức Kinh đã “rào” trước: “Đạo khả đạo phi thường đạo” – cái mà chúng ta vừa nói ra về Đạo đó đã không phải là Đạo rồi.
Liệu học giả phương Tây nổi tiếng với sức mạnh về tư duy khái niệm sẽ “nắm bắt” cái Đạo ấy như thế nào? Tôi nghĩ mỗi người đọc sẽ tự có những chiêm nghiệm thú vị cho riêng bản thân.
Minh đạo nhân sinh là một cuốn sách đáng đọc. Nó khiến tôi phải nhìn lại suy nghĩ về bản chất của những điều dường như rất quen thuộc như là việc chào hỏi. Điều đặc biệt nhất là được va chạm với những góc nhìn từ phương Tây. Bởi theo như định lý bất toàn: “Bất cứ điều gì mà bạn có thể vẽ một vòng tròn bao quanh nó sẽ không thể tự giải thích về bản thân nó mà không tham chiếu đến một cái gì đó ở bên ngoài vòng tròn”.
Nguyễn Cảnh Hiệp
Doanh nhân khởi nghiệp Sườn Kingdom.
Cựu học viên Libero21.