“Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên” là một cuốn hồi ký chân thực và cảm động ghi lại những trải nghiệm của tác giả Nguyễn Đức Huy với tư cách là một người lính, một người đã trực tiếp chỉ huy chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên – Hà Tuyên. Xuyên suốt cuốn sách, thiếu tướng Nguyễn Đức Huy mang đến cho độc giả một cái nhìn sống động và thường là tàn khốc về thực tế chiến tranh, từ những điều kiện chiến đấu khắc nghiệt, tinh thần không khoan nhượng cho đến những tổn thất mà nó gây ra cho con người.

Cách đây hơn 40 năm, ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã huy động hơn 60 vạn quân với 9 Quân đoàn chủ lực, 32 Sư đoàn bộ binh độc lập, 6 Trung đoàn với 550 xe tăng, xe bọc thép, 4 Sư đoàn và Trung đoàn Pháo binh với hàng nghìn khẩu pháo các loại… mở cuộc tiến công xâm lược lãnh thổ Việt Nam trên toàn tuyến phía Bắc từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh) với chiều dài hơn 1.400km. “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới…”, toàn dân tộc Việt Nam lại bắt đầu vào cuộc chiến đấu mới chống quân xâm lược…

Dưới vỏ bọc của chiêu bài “phản kích tự vệ”, Trung Quốc đã thực hiện xâm lược Việt Nam – một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Quân và dân Việt Nam đã đánh trả anh dũng để bảo vệ đất nước. Mặc dù phía Trung Quốc tuyên bố rút quân và đến ngày 18/3/1979 thì hoàn thành, nhưng trên thực tế, cuộc chiến kéo dài tới 10 năm (1979 – 1989).

Tại Mặt trận Vị Xuyên – Hà Tuyên (nay là tỉnh Hà Giang) từ năm 1984 đến năm 1989, cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt. Trung Quốc huy động tới hơn 50 vạn quân của 8/10 Đại Quân khu, cùng khoảng 800 khẩu pháo lớn nhỏ. Thời gian cao điểm, trung bình mỗi ngày, quân Trung Quốc bắn sang Việt Nam từ 30 – 50 ngàn quả đạn pháo… khiến cho núi lở, đá đè lấp kín khe sâu. 

Sau hơn 5 năm giằng co giữ đất, từng tấc đất Vị Xuyên của Tổ quốc vẫn còn nguyên vẹn, chỉ có những người lính mãi nằm lại nơi đây, trong những miệng hang hốc đá, xương thịt của họ đã hóa thành đất đá của một vùng biên cương. Vì thế, trong số hơn 50.000 cán bộ chiến sĩ ta hy sinh tại Vị Xuyên, chỉ có hơn 1700 hài cốt được tìm thấy. Những người lính sống sót trở về hơn 40 năm qua, chưa một ngày họ thôi nghĩ về đồng đội, họ vẫn đau đáu về một nấm mồ, một nén nhang. một lời tri ân cho những con người quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy sinh 1931, nhập ngũ năm 1948, là một người đã trực tiếp chiến đấu qua các cuộc chiến tranh anh dũng của dân tộc: chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc của Tổ quốc. Ông từng là Chủ tịch Ủy ban quân quản lâm thời đầu tiên thị xã Quảng Trị (tháng 5/1972), nguyên Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng Sư đoàn 325 (năm 1973), Tư lệnh Sư đoàn 325 (năm 1976), Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô (năm 1983), Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng Quân khu 2 (năm 1986), Quyền Tư lệnh Quân khu 2 (năm 1993).

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ phía Bắc Tổ quốc, từ đầu năm 1985 đến cuối năm 1989, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy đã trực tiếp chỉ huy chiến đấu ở chiến trường Vị Xuyên – Hà Tuyên, ông là Tham mưu trưởng Mặt trận (ông cũng đồng thời làm Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng Quân khu 2). Hiện nay, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy là Trưởng ban Liên lạc toàn quốc Cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên – Hà Tuyên.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy đã ghi lại một số sự kiện của cuộc chiến này qua “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên”. Ông mang đến cho bạn đọc một góc nhìn chân thực, khách quan, cụ thể, sinh động về cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ, khốc liệt và anh dũng của quân dân ta. Đặc biệt, Thiếu tướng đã cung cấp cho người đọc những tư liệu rất quý, những sự kiện lịch sử tuy đã qua nhưng vẫn còn nóng bỏng, mang hơi thở của chiến trường.

Một trong những điều ấn tượng nhất về cách viết của ông là cách ông truyền đạt toàn bộ hồi ức của mình mà không bao giờ đánh mất tính nhân văn của câu chuyện về những người xung quanh. Bất chấp bạo lực và sự hỗn loạn của cuộc chiến, Thiếu tướng luôn nhấn mạnh đến tình bạn sâu sắc và lòng trung thành giữa ông và những người lính của mình. Tình anh em này tạo ra một đối trọng mạnh mẽ với sự tàn khốc của chiến tranh, đồng thời tạo nên một tác phẩm hấp dẫn và sâu sắc.

Tuy nhiên, có lẽ khía cạnh mạnh mẽ nhất trong cách viết của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy là sự trung thực và nỗi đau mà ông mang đến trong cuốn hồi ký của mình. Thiếu tướng kể lại rất chi tiết những điều kinh hoàng mà ông đã chứng kiến và tổn thất mà nó gây ra cho tâm hồn ông, để lại những vết sẹo tình cảm mà chiến tranh để lại. Cách tiếp cận không nao núng này tạo ra một cuốn sách đầy thách thức nhưng cũng đầy lôi cuốn, vì người đọc buộc phải đối mặt với toàn bộ phạm vi của chấn thương và sự tàn phá mà chiến tranh gây ra cho những người trực tiếp trải nghiệm nó.

Thiếu tướng cũng cho biết, ông viết cuốn sách này là để góp phần giúp cho lịch sử không bị lãng quên. Nhắc tới lịch sử và hiểu đúng lịch sử là để các thế hệ tiếp nối truyền thống yêu nước, không quên những người đã hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy trong buổi ra mắt cuốn sách “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên”. Ảnh: Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo

Cuốn sách “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên” do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phát hành, gồm 3 phần: 

Phần mở đầu giới thiệu về cuốn sách; 

Phần 2 nói về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc diễn ra từ ngày 17/2/2979 – 18/3/1979 và từ tháng 4/1984 đến tháng 10/1989; 

Phần ba là những trăn trở và kiến nghị với Đảng và Nhà nước, những bài viết, trả lời phỏng vấn của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy với các cơ quan báo chí về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, bảo vệ biên giới Vị Xuyên – Hà Giang.

Đây là những tư liệu lịch sử quý về cuộc chiến bởi tính chân thực và khách quan. Nhờ những trang tự sự cá nhân đúng chất hồi ức, cuốn sách trở nên mềm hơn, bởi không chỉ có những trận đánh được mô tả qua ngày tháng, địa danh và các số liệu.

Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Trung Quốc đã để lại nhiều hậu quả nặng nề về vật chất và tinh thần, khắc sâu một vết hằn, một khúc quanh trong lịch sử quan hệ lâu đời giữa hai nước láng giềng, núi liền núi, sông liền sông. Nỗi đau khổ mà nhân dân hai nước phải nhận lại sau chiến tranh là bài học xương máu phải được nhận thức đầy đủ. Trong cuộc chiến này, Trung Quốc đã gây cho Việt Nam nhiều tổn thất về sinh mạng, tài sản, và sâu xa hơn là làm tổn thương tình hữu nghị Việt – Trung. 

Có người nói rằng, cuộc chiến tranh phía Bắc Việt Nam là một câu chuyện buồn trong lịch sử, một câu chuyện buồn trong quan hệ láng giềng. Dẫu vậy, nó vẫn là lịch sử. Tôn trọng lịch sử, trung thực với lịch sử, không có nghĩa là kích động hận thù. Lịch sử không thể bị lãng quên. Con em chúng ta cần biết, và có quyền biết lịch sử, biết được tất cả những gì mà cha ông ta đã làm, để tự hào với truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

“Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên” là một cuốn hồi ký mạnh mẽ và cảm động sâu sắc, mang đến một góc nhìn độc đáo và giá trị về Chiến tranh Việt Nam. Đó là minh chứng cho sự kiên cường và lòng nhân đạo của những người đã phải chịu đựng cuộc xung đột tàn khốc này, đồng thời là lời nhắc nhở về những tổn thất vô cùng khủng khiếp mà chiến tranh gây ra cho tinh thần con người.

Chúng ta gác lại quá khứ, hướng tới tương tai, nhưng không được quên quá khứ. Quên quá khứ là có tội với lịch sử, có tội với những người đã đổ máu hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Đây cũng là tâm nguyện của tác giả “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên”

Share This Post!