Phải trái đúng sai (tên tiếng Anh: Justice: What’S The Right Thing To Do) là một cuốn sách được viết bởi Michael Sandel, giáo sư ngành triết học chính trị tại Đại học Harvard. Các bài viết của Sandel —về công lý, đạo đức, dân chủ và thị trường—đã được dịch ra 27 thứ tiếng. Khóa học “Công lý” của ông là khóa học Harvard đầu tiên được cung cấp miễn phí trên mạng và trên truyền hình. Nó đã được xem bởi hàng chục triệu người trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Trung Quốc, nơi Sandel được mệnh danh là “nhân vật nước ngoài có ảnh hưởng nhất trong năm”.
Về cuốn sách trước hết, phải nói rằng đây là một cuốn sách không hề dễ đọc, lại càng không thể đọc nhanh. Những câu hỏi được đặt ra liên tục thách thức quan điểm của người đọc về công lý, từ đó dẫn dắt người đọc đến với những lập luận cũng như bất cập của từng quan điểm. Và đến cuối cùng, cuốn sách thả người đọc “bơ vơ” giữa các quan điểm khác nhau mà không đưa ra một kết luận cụ thể nào. Như tác giả đã nói trong sách: Cuốn sách này không phải giới thiệu lịch sử tư tưởng mà là cuộc hành trình suy ngẫm đạo đức và chính trị. Quyển sách không cố gắng chứng minh triết gia nào ảnh hưởng tới triết gia nào trong lịch sử tư tưởng chính trị, mục tiêu của quyển sách là mời gọi độc giả xem xét cẩn trọng quan điểm về công lý và sự xem xét mang tính phê bình của mình, để xác định mình nghĩ gì, và tại sao lại vậy.
Cuốn sách tập trung phân biệt ba phương pháp tiếp cận công lý. Cách tiếp cận của người theo thuyết vị lợi cho rằng cách xác định công lý và điều đúng nên làm là hỏi xem làm điều gì để tăng lợi ích tối đa, hay tổng hạnh phúc của toàn thể xã hội. Cách tiếp cận thứ hai kết nối công lý với tự do. Người theo chủ nghĩa tự do cá nhân đưa ra một ví dụ cho cách tiếp cận này. Họ nói rằng sự phân bố thu nhập và tài sản công bằng là bất cứ phân bố nào phát sinh từ việc trao đổi tự do hàng hóa và dịch vụ trong một thị trường tự do. Can thiệp vào thị trường là bất công – họ cho là thế – bởi vì điều này vi phạm quyền tự do lựa chọn của cá nhân. Cách tiếp cận thứ ba cho rằng công lý có nghĩa là cho mọi người những gì họ xứng đáng được nhận về mặt đạo đức – phân bổ mọi thứ để tưởng thưởng và thúc đẩy đạo đức.
Nhưng nếu chỉ đơn giản là trình bày một cách tách biệt 3 phương pháp tiếp cận như vậy, thì cuốn sách cũng như khoá học của Sandel đã không nổi tiếng đến thế. Các trường hợp được đưa ra phân tích trong cuốn sách đều được nhìn nhận dưới quan điểm của 3 phương pháp tiếp cận, đồng thời các phương pháp tiếp cận lại được đánh giá đồng thời cùng với các phản biện của nó. Nó tạo ra một sự đan xen đầy cuốn hút đối với người đọc.
Cuốn sách gợi nhớ về phong cách triết học của Socrate khi liên tiếp đặt ra các câu hỏi để đi sâu vào bản chất của vấn đề. Có những lúc, tác giả dẫn dắt người đọc đến nơi mà đọc giả có thể nghĩ rằng vấn đề đã được giải quyết. Nhưng tác giả vẫn hỏi tiếp các câu hỏi làm người đọc lại càng thêm bối rối. Quả thực các câu hỏi chính là điều tạo nên sức hấp dẫn của triết học.
Và thật thiếu sót nếu không nói về tính hệ thống của cuốn sách. Quả thật nó là một cuốn sách có bố cục xuất sắc. Không hề nói quá khi cho rằng cuốn sách chính là một cuốn giáo trình về công lý đầy hấp dẫn. Bởi vì nội dung của cuốn sách cũng chính là nội dung khoá học vang danh cùng tên của Sandel được giảng dạy rất nhiều năm tại Harvard. Nó đã đề cập một cách toàn diện về công lý cùng các phương pháp tiếp cận chính của nó. Đồng thời với mỗi phương pháp tiếp cận, tác giả đồng thời đưa người đọc đến với sự phát triển của quan điểm tiếp cận đó. Ví dụ như với chủ nghĩa tự do, tác giả đã đưa người đọc từ những lập luận khắt khe về tự do của Kant đến phương pháp “bức màn vô minh” của John Rawls. Phần cuối khi nói về Kant, tác giả nêu ra những hạn chế của nó, và phần đầu của Rawls, tác giả lại nhấn mạnh những gì Rawls phát triển hơn so với Kant. Chính cách trình bày rất có hệ thống của tác giả mà cho dù cuốn sách trình bày về một vấn đề có tính bao quát cao với rất nhiều luận điểm khác nhau đến từ rất nhiều nhà triết học khác nhau, cuốn sách vẫn có được sự mượt mà, các phần của cuốn sách gắn kết với nhau một cách chặt chẽ.
Đọc cuốn sách này, người đọc như tham gia vào một hành trình khám phá quan điểm của chính bản thân mình về công lý. Để rồi khi gấp sách lại, mỗi người sẽ tự hỏi: Vậy, quan điểm của bản thân mình là gì? Phương pháp tiếp cận nào gần với các nguyên tắc sống của mình? Và vì thế, cuốn sách vẫn chưa hết khi người đọc gấp sách lại sau khi đọc xong.
Tóm lại, cuốn sách là một cuốn nhập môn công lý tuyệt vời dành cho những ai muốn tìm hiểu công lý một cách nghiêm túc. Nên đọc!
Nguyễn Vĩnh
Nghiên cứu viên kinh tế
Cựu học viên Libero21.