“Bản Sắc – Nhu cầu phẩm giá và chính trị phẫn nộ” của tác giả Francis Fukuyama (nổi tiếng với tiểu luận “Sự cáo chung của lịch sử”) gây được tiếng vang lớn trên thị trường các tác phẩm chính trị học kể từ khi nó mới được xuất bản năm 2018. Chứng kiến hàng loạt những biến động lớn của nền chính trị thế giới trong suốt những thập niên qua như sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy tại Hungary, Mỹ, châu Mỹ latinh, các phong trào đòi quyền lợi cho người da đen, nữ quyền, LGBT+, mùa xuân Ả Rập, khủng hoảng người nhập cư tại châu Âu, các cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan v.v…, tác giả đào sâu, nghiền ngẫm và đưa ra lý giải khá thuyết phục về nguyên nhân cốt lõi, căn bản của những hiện tượng này, phân tích những hệ quả có thể có đồng thời đưa ra những đối sách đáp ứng.

Trong khuôn khổ của một cuốn sách mỏng, Fukuyama có một mạch lập luận tường minh:

  • Thứ nhất, khác với Kinh tế học truyền thống vốn giả định rằng động lực chủ yếu của con người là “tối đa hóa lợi nhuận”, tác giả cho rằng một phần cực kỳ quan trọng trong mỗi chúng ta là nhu cầu được thừa nhận, được công nhận là người tốt, được công nhận là ưu việt…, gọi chung là nhu cầu phẩm giá.
  • Khi sống trong cộng đồng (sắc tộc, tôn giáo v.v…), nhu cầu phẩm giá đó dần hình thành bản sắc của cộng đồng đó: bản sắc của người trung lưu da trắng tại Mỹ, bản sắc của người theo đạo Hồi nhập cư vào châu Âu, bản sắc của phụ nữ, bản sắc của giới LGBT+ v.v…
  • Tồn tại song song với xu hướng chấp nhận, thỏa hiệp và hòa nhập bản sắc của các nhóm nhỏ thành bản sắc của các nhóm lớn, một xu hướng ngược lại diễn ra: việc hòa nhập diễn ra không thành công (có thể do chủ quan hoặc khách quan), các nhóm bản sắc muốn giữ gìn những cái “chúng tôi” đang có.
  • Sự tranh giành “ảnh hưởng”, “sự chú ý”, “sự quan tâm” giữa các nhóm bản sắc này dẫn tới nhiều hệ lụy, gây ảnh hưởng không nhỏ tới nền dân chủ cũng như tạo ra vòng xoáy liên miên không dứt. Ví dụ điển hình như khi quyền của người da đen, da màu hay nhập cư tại Mỹ được chú ý hơn, các cử tri trung lưu da trắng tại đất nước này cảm thấy bị thiệt thòi, bị “đẩy ra ngoài vòng quan tâm”, dẫn tới sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy Donald Trump; điều tương tự cũng xảy ra với chủ nghĩa dân túy và bài ngoại của Viktor Orban tại Hungary và nhiều nhiều ví dụ khác nữa.
  • Tác giả đưa ra một số giải pháp trong đó tập trung vào việc củng cố nền dân chủ, hướng tới việc xây dựng bản sắc quốc gia dân tộc mang tính phổ quát và đại diện hơn thay vì các nhóm bản sắc nhỏ trong cùng một quốc gia. Trong khi Trung Quốc, Nhật, Hàn không mấy khi phải lo lắng về điều này (do đặc điểm dân tộc) thì qua phân tích, liên minh Châu Âu còn rất nhiều điều phải làm và Mỹ có cơ hội sáng sủa hơn hẳn.

Nhu cầu được tôn trọng, được thừa nhận của mỗi người có lẽ vừa là động lực phát triển của nhân loại, vừa là nguồn gốc của mọi nỗi đau khổ. Cuốn sách viết về các vấn đề vĩ mô ở bình diện quốc gia hay thế giới, nhưng ta cũng không khó bắt gặp hay nhớ lại những xung đột, mâu thuẫn thường ngày cũng bắt nguồn từ việc “cảm thấy không được tôn trọng”, “cảm thấy bị sỉ nhục”, “cảm thấy bị tước đoạt phẩm giá”. Khi đọc những lập luận của tác giả, tôi càng có cảm giác nếu như chúng ta đều có thể bỏ được cái Ngã của bản thân mình (như trong đạo Phật) thì cuộc đời sẽ dễ sống biết bao. Tuy vậy, suy nghĩ đó là không thực tế và có lẽ những chính trị gia và cả chúng ta sẽ cần phải nghiêm túc nhìn nhận vấn đề mà Fukuyama đưa ra để có ứng xử thích hợp trong tương lai.

Một cuốn sách nặng về chính trị nhưng khá thú vị vì giải thích được nhiều thứ trên thế giới hiện tại, recommend cho bạn nào muốn có thêm góc nhìn từ một học giả uy tín.

Phùng Minh Quân

Cựu học viên Libero21.

Share This Post!