Trải qua nhiều thập kỉ thay đổi và cải tiến, nền giáo dục của chúng ta vẫn bị đánh giá là nặng tính truyền thụ và ghi nhớ, ít hiệu quả. Trong số các yếu kém, có một điều hệ trọng: Nhà trường của chúng ta hầu như chưa thành công trong việc rèn luyện khả năng tự học cho học sinh sinh viên. Sự thiếu vắng những bài học liên quan kiến thức và kĩ năng về cách học khiến cho hết thế hệ học trò này đến thế hệ học trò khác chỉ biết thụ động trông chờ kiến thức từ giáo viên và sách giáo khoa mà không thể tự mình tìm kiếm và xây dựng tri thức ở thế chủ động.

Điều này càng trở nên tai hại trong bối cảnh thời đại tri thức và số hóa hiện nay khi mà lượng tri thức mỗi năm của nhân loại tăng trưởng theo cấp số mũ. Kiến thức ngày hôm nay còn đúng, ngày mai có thể đã sai đi nhiều. Nhiều cử nhân thạc sĩ ra trường không thể bắt kịp với thực tế, một phần vì đã không có được phương pháp và thói quen tự học một cách hiệu quả. Lúc họ nhận tấm bằng tốt nghiệp, cũng là lúc bắt đầu thất nghiệp.

Chỉ có cách làm chủ việc học mới giúp học sinh thích ứng tốt trong thế giới ngày nay. Nhiều nhà giáo đã thừa nhận rằng tiêu chuẩn xóa mù hiện nay không chỉ là biết đọc biết viết mà còn phải thạo cách tự học. Kĩ năng tự học chính xác là kĩ năng quan trọng bậc nhất mà một người có thể sở hữu.

Đối với việc học tập, cái bất biến là phương pháp tự học, cái vận động không ngừng là tri thức của thời đại. Không gì bằng trang bị cho được cái bất biến đó để người học của thế kỉ 21 có thể tự mình đi trên đôi chân tự do khám phá cánh rừng tri thức của nhân loại trong suốt cuộc đời. Thiếu kĩ năng thiết yếu này thì những khẩu hiệu rổn rảng về xã hội học tập, hay học tập suốt đời chỉ cùng lắm là những lời nói cho sang miệng.

Thật may mắn là ngày nay giới giáo dục nói chung đã quan tâm đúng mức tới việc phát triển năng lực tự học. Như sáng kiến Khung Kỹ năng thế kỷ 21 (P21.org) và nhiều khung chương trình giáo dục phổ biến khác đã xếp kĩ năng học tập và sáng tạo thành một trong những hạng mục chính trong các năng lực cốt lõi mà học sinh thế kỉ 21 này phải thành thục.

Ở Việt Nam, cách đây hơn 10 năm, nhóm cải cách giáo dục Cánh Buồm cũng đã khởi xướng chương trình giáo dục hiện đại xoay quanh tư tưởng chủ đạo với một từ khóa quan trọng nhất: tự học. Theo đó học sinh được rèn luyện phương pháp học tập từ tiểu học. Kết thúc bậc tiểu học, trẻ em có được năng lực tự học vững vàng để sử dụng năng lực ấy để tự mình đến với tri thức thay vì phụ thuộc vào sự truyền tải thông tin một chiều từ giáo viên. Nhóm Cánh Buồm xác quyết: “Giáo dục tức là tự giáo dục, tự làm ra chính mình!”. Cách tiếp cận mới mới này gợi ra nhiều tranh luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn giáo dục và phương tiện thông tin đại chúng.

Chương trình giáo dục phổ thông mới có hiệu lực từ 2020 cũng đã đưa “năng lực tự học” như là một trong số chuẩn đầu ra mà học sinh cần phải có được sau khi kết thúc chương trình giáo dục phổ thông.

Trên cổng giáo dục trực tuyến lớn nhất thế giới Coursera, khóa học thú hút nhất cũng chính là khóa học về cách học tập. Tới nay, khóa học “Học cách học” (Learning how to learn) do giáo sư Barbara Oakley và Terrence Sejnowski giảng dạy đã thu hút tới gần 2 triệu người học và được đánh giá rất cao về nội dung. Có lẽ, đây cũng là khóa học mở đại chúng (MOOC) đầu tiên được làm phụ đề tiếng Việt mấy năm về trước. Nhờ khóa học “triệu người” này mà nhiều người Việt đã biết đến giáo sư Barbara Oakley, đến các kiến thức về não bộ, về cách con người học tập trước khi cuốn sách cùng tên mà bạn đang cầm được xuất bản bằng tiếng Việt.

Cuốn sách “Học cách học” này có thể mang lại điều gì cho chúng ta? Nó giúp chúng ta biết được tại sao lại cần phải kết hợp giữa việc học tập thật tập trung với việc thư giãn hợp lí. Nó cũng giúp chúng ta hiểu được hóa ra là càng học hỏi, càng năng động, càng tập thể dục vận động chăm chỉ thì não bộ càng phát triển và thúc đẩy chất lượng cuộc sống. Cuốn sách vén bức màn bí mật của tật trì hoãn và cách thức để vượt qua chúng. Nó còn giúp ta biết được rằng, đôi khi nhược điểm, lại hóa ra là ưu điểm trong việc học. Cuốn sách mỏng này cũng giới thiệu hàng chục kĩ thuật hữu ích để mỗi người có thể học tập hiệu quả hơn, vui vẻ hơn mỗi ngày. Và còn nhiều nữa.

Trong nhiều năm qua, nhiều người đã tích cực giới thiệu các tri thức về cách học tới đông đảo giáo viên, giảng viên, sinh viên và người trưởng thành. Đây là một điều đáng mừng. Việc cuốn sách “Học cách học” được ra đời với văn phong giản dị, dễ hiểu phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau thực sự là một tin tốt lành nữa cho những người ham học, và giới làm nghề giáo dục đào tạo.

Cuốn sách nhỏ này chắc chắn là một bảo bối mà các tác giả dành tặng những người ham học của thế kỉ 21.

Dương Trọng Tấn

Chủ nhiệm chương trình “Libero – Giáo dục khai phóng cho mọi người”.

Share This Post!