Sức khỏe tâm thần là một phần quan trọng của sức khỏe tổng thể, nhưng vẫn còn nhiều hiểu lầm về vấn đề này. Bài viết này sẽ đề cập đến một số quan niệm sai lầm phổ biến về sức khỏe tâm thần để giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Dưới đây là 7 quan niệm sai lầm thường thấy về sức khỏe tâm thần theo UNICEF và Tổ chức Y tế Thế giới.
- Lầm tưởng: Người mắc bệnh về tâm thần sẽ có trí thông minh thấp.
Sự thật: Bệnh về tâm thần, giống như bệnh về thể chất, có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai bất kể mức độ thông minh, tầng lớp xã hội hay mức thu nhập. - Lầm tưởng: Chỉ cần chăm sóc sức khỏe tâm thần khi mắc bệnh về tâm thần
Sự thật: Ai cũng có thể hưởng lợi từ việc chủ động nâng cao chất lượng sống và cải thiện sức khỏe tâm thần. Tương tự, mọi người đều có thể chủ động áp dụng các thói quen lành mạnh để tối ưu hóa sức khỏe thể chất. - Lầm tưởng: Sức khỏe tâm thần kém không phải là vấn đề lớn đối với trẻ vị thành niên. Đó chỉ là hiện tượng tâm trạng thay đổi thất thường do rối loạn nội tiết tố và hành động nhằm thu hút sự chú ý.
Sự thật: Trẻ vị thành niên thường có tâm trạng thất thường, nhưng điều đó không có nghĩa là các em không phải vật lộn với vấn đề sức khỏe tâm thần. 14% trẻ vị thành niên trên thế giới gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Trên toàn cầu, t* t* là nguyên nhân t.ử v.ong phổ biến đứng thứ năm ở nhóm trẻ em 10-15 tuổi, và đứng thứ tư ở nhóm trẻ vị thành niên 15-19 tuổi. Một nửa số bệnh về sức khỏe tâm thần bắt đầu xuất hiện ở độ tuổi 14 - Lầm tưởng: Phòng ngừa các bệnh về tâm thần là điều không thể.
Sự thật: Có nhiều yếu tố giúp bảo vệ chúng ta khỏi việc mắc các bệnh về tâm thần, bao gồm tăng cường kỹ năng cảm xúc – xã hội, tìm kiếm trợ giúp và hỗ trợ sớm, phát triển các mối quan hệ tương trợ, giàu tình yêu thương và ấm áp trong gia đình, có một môi trường học tập tích cực và thói quen ngủ lành mạnh.
Khả năng vượt qua nghịch cảnh phụ thuộc vào sự kết hợp của các yếu tố bảo vệ này, và chỉ riêng các tác nhân gây căng thẳng do môi trường hay cá nhân sẽ không nhất thiết gây ra các vấn đề sức khỏe tâm thần. Trẻ em và trẻ vị thành niên thích nghi tốt với nghịch cảnh thường có sức đề kháng tốt về mặt sinh học và có các mối quan hệ tương trợ tốt với gia đình, bạn bè và người lớn xung quanh, đó chính là sự kết hợp của các yếu tố bảo vệ giúp các em phát triển lành mạnh. - Lầm tưởng: Bệnh về tâm thần là dấu hiệu của sự yếu đuối; người mạnh mẽ sẽ không mắc phải.
Sự thật: Bệnh về tâm thần không liên quan đến việc yếu đuối hay thiếu nghị lực. Việc mắc căn bệnh này không phải là điều mà con người có thể lựa chọn. Trên thực tế, để thừa nhận bản thân cần hỗ trợ về sức khỏe tâm thần, đòi hỏi sức mạnh và lòng dũng cảm rất lớn. Ai cũng có nguy cơ mắc bệnh về tâm thần. - Lầm tưởng: Trẻ vị thành niên có thành tích học tập tốt và có nhiều bạn bè sẽ không gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần vì không có lí do gì khiến các em trầm cảm.
Sự thật: Trầm cảm là một tình trạng phổ biến về sức khỏe tâm thần gây ra bởi phức hợp nhiều yếu tố về xã hội, tâm lý và sinh học. Ai cũng có thể mắc bệnh trầm cảm, bất kể điều kiện kinh tế – xã hội hay chất lượng cuộc sống bề ngoài ra sao. Trẻ có thành tích tốt ở trường có thể bị lo âu do cảm thấy áp lực phải thành công, hoặc gặp các vấn đề gia đình. Các em cũng có thể bị trầm cảm hoặc lo âu vì những lý do khó xác định - Lầm tưởng: Nuôi dạy con không tốt gây ra bệnh về tâm thần ở trẻ vị thành niên.
Sự thật: Nhiều yếu tố – bao gồm nghèo, thất nghiệp, tiếp xúc với bạo lực, di cư, cũng như những hoàn cảnh và sự kiện bất lợi khác – có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và hạnh phúc của trẻ vị thành niên, người chăm sóc của các em và mối quan hệ giữa người chăm sóc và các em. Trẻ vị thành niên được sống dưới mái ấm tràn đầy yêu thương và khích lệ vẫn có thể gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần, tương tự như trẻ vị thành niên sống trong gia đình mà người chăm sóc lại cần được hỗ trợ để duy trì môi trường sống tốt nhất cho sự phát triển lành mạnh của trẻ. Khi được hỗ trợ, người chăm sóc có thể đóng một vai trò thiết yếu trong việc giúp trẻ vị thành niên vượt qua bất kỳ vấn đề nào mà trẻ gặp phải.