Mặc dù nhận thức về trầm cảm đã được cải thiện, nhưng nó vẫn còn nhiều mơ hồ và thiếu thông tin. Sự kỳ thị dai dẳng khiến người bệnh e ngại tìm kiếm sự giúp đỡ, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình điều trị và cuộc sống.
Cần đẩy mạnh nâng cao nhận thức về trầm cảm một cách chính xác, đầy đủ, đồng thời xóa bỏ định kiến để người bệnh được hỗ trợ và điều trị hiệu quả. Chỉ khi cộng đồng chung tay, chúng ta mới có thể tạo môi trường thấu hiểu, giúp người bệnh vượt qua căn bệnh và sống trọn vẹn.
Định nghĩa Depressive disorder (depression)

Trầm cảm (Depression hay Depressive disorder) là một loại rối loạn tâm thần thường gặp.
Các biểu hiện qua tâm trạng chán nản kéo dài hoặc mất hứng thú với các hoạt động trong thời gian dài.
Từ “trạng thái trầm cảm” được nhà tâm thần học người Đức Emil Kraepeli sử dụng đầu tiên từ thế kỷ 19. Khái niệm về trầm cảm mới được dần dần thống nhất và chuẩn hoá từ năm 1952 và sau đó là các nghiên cứu khoa học, phương pháp trị liệu trầm cảm đã ra đời, chủ yếu có nguồn gốc từ phương Tây.
Những hiểu lầm về trầm cảm phổ biến:
Trầm cảm không phải là bệnh, đơn giản là cảm thấy buồn bã: Buồn bã là cảm xúc bình thường, trầm cảm là bệnh lý với nhiều triệu chứng nghiêm trọng.
Người bị trầm cảm là do kém cỏi, yếu đuối: Trầm cảm do nhiều yếu tố, bao gồm di truyền, sinh học, môi trường và tâm lý. Sự kỳ thị dẫn tới việc cản trở người mắc trầm cảm tìm kiếm sự giúp đỡ vì lo bị đánh giá hoặc phân biệt đối xử. Điều này có thể khiến họ trì hoãn hoặc không được điều trị cần thiết.
Bạn có thể thoát khỏi trầm cảm bằng ý chí, tự chữa bệnh: Cần điều trị chuyên nghiệp bằng thuốc, liệu pháp hoặc kết hợp cả hai. Người trầm cảm có thể tránh xa các hoạt động xã hội và tự cô lập mình khỏi bạn bè và gia đình. Điều này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng và khiến họ khó phục hồi hơn.
Chỉ có phụ nữ mới bị trầm cảm: Nam giới cũng bị trầm cảm,Triệu chứng có thể khác phụ nữ, như tức giận, hung hăng, lạm dụng chất kích thích.
Trầm cảm là chuyện bình thường và bạn nên giữ kín nó: Trầm cảm không bình thường, cần chia sẻ và tìm kiếm sự giúp đỡ.
Trầm cảm không thể chữa khỏi: Trầm cảm có thể chữa khỏi, nhưng cần điều trị và thay đổi lối sống để ngăn ngừa tái phát.
Những thông tin cơ bản về trầm cảm
Trầm cảm khác biệt với những thay đổi tâm trạng thông thường và cảm xúc về cuộc sống hàng ngày. Nó có thể tác động đến mọi khía cạnh cuộc sống, bao gồm các mối quan hệ với gia đình, bạn bè và cộng đồng.
Trầm cảm có thể do các vấn đề ở trường học, công việc hoặc ngược lại, có thể dẫn đến những vấn đề này. Ví dụ như một người mắc bệnh trầm cảm có thể giảm năng suất làm việc, khó tập trung vào hoàn thành công việc, hoặc bỏ bê các công việc gia đình, chăm sóc con cái.
Trầm cảm có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào (Trẻ, Người lớn, người già)
Bất kỳ ai cũng có thể mắc trầm cảm. Những người từng trải qua bạo hành, mất mát nặng nề hoặc căng thẳng kéo dài có nguy cơ cao hơn. Phụ nữ có tỷ lệ mắc trầm cảm cao hơn nam giới.
Trầm cảm là một rối loạn tâm thần thường gặp.
Theo ước tính trên toàn cầu, khoảng 5% người trưởng thành mắc chứng trầm cảm.
Trầm cảm có thể dẫn đến tự tử
Hiện nay đã có phương pháp điều trị hiệu quả cho các dạng trầm cảm nhẹ, trung bình và nặng.
Tỷ lệ phụ nữ mắc trầm cảm cao hơn nam giới khoảng 50%.
Trên toàn thế giới, hơn 10% phụ nữ mang thai và phụ nữ mới sinh con bị trầm cảm. Hơn 700.000 người tự tử mỗi năm. Tự tử là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ tư ở nhóm tuổi 15-29.
Trầm cảm có nhiều biểu hiện khác nhau
Tâm trạng chán nản hầu hết thời gian trong ngày
Mất hứng thú với phần lớn hoặc tất cả mọi thứ hầu hết thời gian trong ngày
Giảm cân (mặc dù không ăn kiêng) hoặc tăng cân rõ rệt, giảm hoặc tăng cảm giác thèm ăn
Khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều
Vận động chậm, nói chậm, hoặc bồn chồn, đứng ngồi không yên (người khác quan sát, không dựa trên đánh giá chủ quan)
Mệt mỏi hoặc ít sinh lực
Cảm thấy mình không có giá trị, thất vọng về bản thân
Giảm khả năng tư duy hoặc tập trung, giảm khả năng ra quyết định
Nhiều lần suy nghĩ về việc tự tử, ý định tự tử hoặc cố gắng tự tự
Cơn trầm cảm có thể được phân loại thành nhẹ, trung bình hoặc nặng tùy thuộc vào số lượng và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Để tự kiểm tra đánh giá sức khoẻ tâm thần và kiểm tra đánh giá trầm cảm bạn có thể làm bài test dưới đây. Tuy nhiên, bài kiểm tra nên chỉ là một tài liệu tham khảo, để chuẩn đoán chính xác, bạn nên tìm gặp bác sỹ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý.

Nguyên nhân trầm cảm:
Theo CDC, tình trạng này thường xuất phát từ sự kết hợp phức tạp của các yếu tố, bao gồm di truyền, tiền sử gia đình, chấn thương, căng thẳng và bệnh tật. Đây là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất, gần 1/5 người trưởng thành ở Hoa Kỳ được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm trong đời.

Trầm cảm ở trẻ em

Nhiều trẻ em có nỗi sợ hãi và lo lắng, đôi khi cảm thấy buồn bã và vô vọng. Những nỗi sợ mạnh mẽ có thể xuất hiện ở các giai đoạn phát triển khác nhau. Ví dụ, trẻ mới biết đi thường rất lo lắng khi xa bố mẹ, ngay cả khi chúng được an toàn và chăm sóc đầy đủ. Mặc dù nỗi sợ hãi và lo lắng là điều điển hình ở trẻ em, nhưng những biểu hiện dai dẳng hoặc quá mức của sự sợ hãi và buồn bã có thể là dấu hiệu của chứng lo âu hoặc trầm cảm. Vì các triệu chứng chủ yếu liên quan đến suy nghĩ và cảm xúc, đôi khi chúng được gọi là các rối loạn nội tâm (internalizing disorders).
Trẻ em buồn bã hay cảm thấy vô vọng thỉnh thoảng là điều bình thường. Tuy nhiên, một số trẻ lại cảm thấy buồn bã hoặc không hứng thú với những thứ chúng từng thích, hoặc cảm thấy bất lực hay vô vọng trong những tình huống chúng có thể thay đổi. Khi trẻ em có cảm giác buồn bã và vô vọng kéo dài, chúng có thể được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm.
Các ví dụ về hành vi thường thấy ở trẻ em mắc chứng trầm cảm bao gồm:
Cảm thấy buồn bã, vô vọng hoặc cáu kỉnh thường xuyên
Không muốn làm hoặc không thích thú với những hoạt động vui chơi
Có những thay đổi trong chế độ ăn uống – ăn nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường
Có những thay đổi trong giấc ngủ – ngủ nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường
Có những thay đổi về năng lượng – mệt mỏi và lờ đờ hoặc căng thẳng và bồn chồn thường xuyên
Khó tập trung chú ý
Cảm thấy vô giá trị, vô dụng hoặc tội lỗi
Có hành vi tự hủy hoại bản thân
Trầm cảm nặng có thể khiến trẻ em nghĩ đến tự tử hoặc lên kế hoạch tự tử. Đối với thanh thiếu niên từ 10-24 tuổi, tự tử là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.
Một số trẻ có thể không nói về những suy nghĩ bất lực và vô vọng của chúng, và có thể không biểu hiện ra vẻ buồn bã. Trầm cảm cũng có thể khiến trẻ em gặp rắc rối hoặc hành động thiếu động lực, khiến người khác không nhận thấy trẻ bị trầm cảm hoặc gán mác cho trẻ là kẻ gây rối hoặc lười biếng.
Làm gì khi bị trầm cảm?

Trầm cảm có thể được điều trị bằng thuốc theo toa, liệu pháp tâm lý hoặc y học thay thế. Hiểu biết về các lựa chọn khác nhau có thể giúp bạn chọn được phương pháp phù hợp nhất.

Tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp: Đây là bước quan trọng nhất. Hãy đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần để được chẩn đoán và điều trị thích hợp. Họ có thể kê đơn thuốc, đề xuất liệu pháp hoặc các phương pháp điều trị khác.

Điều trị thích hợp cho chứng trầm cảm là vô cùng cần thiết, nhưng các chiến lược tự chăm sóc cũng có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Một số điều có thể giúp bạn đối phó với cảm giác trầm cảm bao gồm ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh, tìm kiếm sự hỗ trợ từ xã hội và tham gia các hoạt động thể chất thường xuyên. Mặc dù trầm cảm có thể khiến những việc này trở nên khó khăn hơn, nhưng việc hoàn thành một hoặc hai nhiệm vụ mỗi ngày có thể giúp cải thiện sức khỏe tinh thần của bạn.

Nguồn:
Tham khảo sách Trầm cảm và kỹ năng tự kiểm soát trầm cảm – TS. Trần Kiều Như
WHO
CDC

Bài liên quan:
stress
Liệu pháp thư giãn
NVC
Rối loạn lo âu
Nên có một bài viết về Kì thị, Stigma
Gợi ý các hoạt động dự phòng và tránh tái phát (chung cho tất cả các gợi ý)