Phiên chợ sớm ở Đồng Văn - Hà Giang

Âm nhạc, thời trang, công nghệ và các giá trị—tất cả đều là sản phẩm của văn hóa. Nhưng chúng có nghĩa gì? Làm thế nào để các nhà xã hội học nhận thức và giải thích văn hóa dựa trên những thứ vật chất và phi vật chất này? Chúng ta hãy phân tích văn hóa xét trong bối cảnh của ba quan điểm lý thuyết: thuyết chức năng, thuyết xung đột và thuyết tương tác tượng trưng…

Phần 1: Văn hóa là gì?

Phần 2: Các thành phần của văn hóa

Phần 3: Văn hóa cao cấp, văn hóa bình dân, văn hóa đại chúng, phản văn hóa và biến đổi văn hóa

— Trích dịch từ cuốn sách Introduction to Sociology 3e trên Openstax

Những người theo thuyết chức năng xem xã hội như một hệ thống trong đó tất cả các bộ phận hoạt động độc lập — hoặc hoạt động cùng nhau để tạo ra xã hội như một tổng thể. Họ thường sử dụng cơ thể con người như một phép loại suy. Khi nhìn cuộc sống theo cách này, xã hội cần có văn hóa để tồn tại. Các chuẩn mực văn hóa có chức năng hỗ trợ sự vận hành linh hoạt của xã hội và các giá trị văn hóa hướng mọi người trong việc đưa ra các lựa chọn. Giống như việc mọi người làm việc cùng nhau để đáp ứng nhu cầu của xã hội, văn hóa tồn tại để đáp ứng nhu cầu xã hội và nhu cầu cá nhân của chúng ta.

Các nhà chức năng luận cũng nghiên cứu văn hóa dưới góc độ các giá trị. Ví dụ, giáo dục được đánh giá cao ở Mỹ. Văn hóa giáo dục—bao gồm văn hóa vật thể như lớp học, sách giáo khoa, thư viện, công nghệ giáo dục, ký túc xá và văn hóa phi vật thể như phương pháp giảng dạy cụ thể—cho thấy giá trị được coi trọng như thế nào trong việc giáo dục mọi người trong xã hội. Ngược lại, nếu giáo dục chỉ cung cấp các hướng dẫn và một số tài liệu học tập mà không có các yếu tố khác, điều đó sẽ chứng tỏ rằng nền văn hóa đó không quá coi trọng giáo dục.

Hình 11. Bức tượng Siêu nhân đứng ở trung tâm Metropolis, Illinois. Bệ đỡ của chiếc tượng khắc dòng chữ “Sự thật - Công lý - Con đường của người Mỹ.” Một nhà chức năng luận sẽ giải nghĩa bức tượng này như thế nào? Dòng chữ này tiết lộ điều gì về các giá trị của nền văn hóa Mỹ? (Nguồn: David Wilson/flickr)

Các nhà chức năng luận xem các phạm trù văn hóa khác nhau có nhiều chức năng khác nhau. Là thành viên trong một nền văn hóa, một nhóm văn hóa hoặc một nền phản văn hóa mang lại tình bạn thân thiết và sự gắn kết xã hội, đồng thời nhìn rộng hơn, thì nó mang lại lợi ích cho xã hội rộng lớn hơn bằng cách cung cấp “sân chơi” cho những người có chung ý tưởng.

Tuy nhiên, các nhà lý thuyết về xung đột xem cấu trúc xã hội là không bình đẳng và được dựa trên sự khác biệt về quyền lực liên quan đến các vấn đề như giai cấp, giới tính, chủng tộc và tuổi tác. Đối với một nhà lý thuyết xung đột, các phương pháp giáo dục đã được thiết lập được coi là củng cố nền văn hóa xã hội thống trị và các vấn đề về đặc quyền. Những trải nghiệm mang tính lịch sử của một số nhóm văn hóa nhất định – chẳng hạn như những nhóm dựa trên chủng tộc, giới tính hoặc giai cấp, hoặc những nhóm phản ánh câu chuyện tiêu cực về nền văn hóa thống trị – sẽ bị loại trừ khỏi sách lịch sử. Trong một thời gian dài, giáo dục Lịch sử Hoa Kỳ đã tránh không nhắc đến các cuộc tấn công vào người Mỹ gốc, cũng như nền xã hội đã phần nào đóng góp vào quá trình thuộc địa hóa vùng đất sau này trở thành một phần của Hoa Kỳ. Một ví dụ gần đây hơn là việc công nhận các sự kiện lịch sử như bạo loạn chủng tộc và các vụ thảm sát dựa chủng tộc như Thảm sát Tulsa, được đưa tin rộng rãi vào những năm 1921 nhưng đã bị bỏ qua trong nhiều tài liệu lịch sử quốc gia thời kỳ đó. Khi một tập phim Watchmen của HBO giới thiệu sự kiện này với những chi tiết đáng kinh ngạc và kinh hoàng, nhiều người bày tỏ sự ngạc nhiên vì sự việc đã xảy ra nhưng không hề được dạy hay thảo luận (Ware 2019).

Sự thiếu sót về lịch sử không chỉ giới hạn ở Hoa Kỳ. Các sinh viên Bắc Triều Tiên biết về nhà lãnh đạo nhân từ của họ mà không có thông tin về sự ngược đãi của ông đối với phần lớn dân số. Theo những người đào thoát và các chuyên gia về Triều Tiên, trong khi nạn đói và điều kiện kinh tế thì vô cùng tồi tệ, nhưng các cơ quan giáo dục và truyền thông nhà nước vẫn nỗ lực để đảm bảo rằng người Triều Tiên không hiểu đất nước của họ khác với những nước khác như thế nào (Jacobs 2019).

Sự bất bình đẳng trong hệ thống giá trị của một nền văn hóa len lỏi vào luật pháp, chính sách và thủ tục. Điều này dẫn đến tình trạng kẻ mạnh áp bức kẻ yếu. Các chuẩn mực văn hóa của một xã hội mang lại lợi ích cho một số người nhưng lại gây hại cho những người khác. Cho đến tận những năm 1920, phụ nữ không được phép bỏ phiếu ở Hoa Kỳ, các bộ luật bảo vệ quyền của phụ nữ trong gia đình và tại nơi làm việc khó được thông qua. Mãi cho đến tận năm 2015, các cặp đồng giới bị từ chối quyền kết hôn ở Hoa Kỳ. Ở những nơi khác trên thế giới, hôn nhân đồng giới chỉ hợp pháp ở 31 trong số 195 quốc gia trên hành tinh.

Cái lõi của lý thuyết xung đột là tác động của sản xuất kinh tế và chủ nghĩa duy vật. Sự phụ thuộc vào công nghệ ở các quốc gia giàu so với việc thiếu công nghệ và giáo dục ở các quốc gia nghèo. Các nhà lý thuyết về xung đột tin rằng hệ thống sản xuất vật chất của một xã hội có ảnh hưởng đến phần còn lại của nền văn hóa. Những người có ít quyền lực hơn cũng có ít cơ hội hơn để thích nghi với sự thay đổi văn hóa. Quan điểm này trái ngược với quan điểm của chủ nghĩa chức năng. Trong khi các nhà chức năng luận xem mục đích của văn hóa – truyền thống, lối sống dân gian, các giá trị – là nhằm giúp các cá nhân định hướng cuộc sống và giúp xã hội vận hành trơn tru, thì các nhà lý thuyết xung đột xem xét các cuộc đấu tranh văn hóa xã hội, bao gồm cả quyền lực và đặc quyền được trao cho một số người bằng cách sử dụng và củng cố một nền văn hóa thống trị.

Chủ nghĩa tương tác tượng trưng là quan điểm xã hội học quan tâm đến các tương tác mặt đối mặt và ý nghĩa văn hóa giữa các thành viên trong xã hội. Đây được coi là một phân tích cấp độ vi mô. Thay vì xem xét sự khác biệt về khả năng tiếp cận giữa người giàu và người nghèo, thì những người theo chủ nghĩa tương tác cho rằng văn hóa được tạo ra và duy trì bởi cách mọi người tương tác và diễn giải hành động của nhau. Theo quan điểm này, chính con người duy trì văn hóa. Những người ủng hộ lý thuyết này định nghĩa sự tương tác của con người như một quá trình liên tục tìm ra ý nghĩa từ cả môi trường và hành động của những người khác. Mọi đồ vật và hành động đều có một ý nghĩa tượng trưng, ​​và ngôn ngữ đóng vai trò là phương tiện để mọi người thể hiện và diễn giải ý nghĩa này cho người khác. Các nhà tương tác tượng trưng nhìn nhận văn hóa rất năng động và trôi chảy, vì nó phụ thuộc vào cách diễn giải ý nghĩa và cách các cá nhân tương tác khi truyền đạt những ý nghĩa này. Các nhà tương tác nghiên cứu những thay đổi trong ngôn ngữ. Họ nghiên cứu việc thêm bớt từ, thay đổi nghĩa của từ và chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác.

Hình 12. Đôi khi những người nhìn từ bên ngoài, thì có thể thấy rằng những người thuộc một nền văn hóa sẽ ăn mặc theo một cách nhất định. Họ sẽ dựa vào một hình ảnh như trên, được chụp trong một cuộc diễu hành hoặc sự kiện đặc biệt để biết được trang phục đặc trưng đó là gì. Thế nhưng trên thực tế, hai người này có thể mặc vest công sở hoặc quần jean và áo phông khi họ không tham gia cuộc diễu hành. Mặc dù mọi người có thể không phải lúc nào cũng thể hiện bản sắc văn hóa của họ ra bên ngoài hoặc sử dụng các vật phẩm liên quan đến văn hóa của họ, nhưng các sự kiện đặc biệt thường thể hiện những bản sắc đó. (Nguồn: John Shedrick).

Chúng tôi đã bắt đầu chương này bằng câu hỏi, “Văn hóa là gì?” Văn hóa bao gồm các giá trị, niềm tin, chuẩn mực, ngôn ngữ, tập quán và hiện vật của một xã hội. Văn hóa được học hỏi, nên nó bao gồm cách mọi người suy nghĩ và thể hiện bản thân. Mặc dù chúng ta có thể muốn coi mình là những cá nhân độc lập, nhưng chúng ta phải thừa nhận tác động của văn hóa đối với bản thân và cuộc sống của chúng ta. Chúng ta thừa hưởng ngôn ngữ giúp chúng ta định hình nhận thức và khuôn mẫu hành vi, bao gồm ngôn ngữ của gia đình, bạn bè, đức tin và chính trị.

Ở một mức độ nào đó, văn hóa là một tiện nghi xã hội. Xét cho cùng, chia sẻ một nền văn hóa tương tự với những người khác chính là những gì định hình xã hội. Các quốc gia sẽ không thể tồn tại nếu con người không cùng tồn tại về mặt văn hóa. Không thể có xã hội nếu mọi người không chia sẻ di sản và ngôn ngữ. Và nền văn minh sẽ ngừng hoạt động nếu mọi người không đồng thuận về các giá trị và hệ thống kiểm soát xã hội tương tự.

Văn hóa được bảo tồn thông qua việc truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhưng nó cũng phát triển thông qua các quá trình đổi mới, khám phá và truyền bá văn hóa. Như vậy, các nền văn hóa là các công trình xã hội. Xã hội tán thành hoặc không tán thành các vật phẩm hoặc ý tưởng, do đó chúng được đưa vào hoặc không được đưa vào văn hóa. Chúng ta có thể bị hạn chế bởi giới hạn của nền văn hóa, nhưng là con người, chúng ta có khả năng đánh giá các giá trị và đưa ra quyết định có ý thức. Khi nói đến sự tự do này, thì không có bằng chứng nào tốt ngoài mức độ đa dạng văn hóa trên khắp thế giới. Càng nghiên cứu nhiều về một nền văn hóa khác, chúng ta càng hiểu rõ hơn về nền văn hóa của chính mình.

— Trích dịch từ cuốn sách Introduction to Sociology 3e trên Openstax