Tâm lý học đương đại là một lĩnh vực đa dạng, chịu ảnh hưởng của các quan điểm lịch sử tâm lý học. Dưới đây là những nội dung tổng quan giúp người đọc có cái nhìn sâu sắc về các lĩnh vực nghiên cứu và thực hành chính của các nhà tâm lý học hiện đại.

  1. Tâm lý sinh học và Tâm lý học tiến hóa

Như tên gọi, tâm lý sinh học (biopsychology) khám phá cách sinh học ảnh hưởng đến hành vi của con người. Dù khái niệm tâm lý sinh học tương đối rộng, phần lớn các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này muốn tìm hiểu mối liên hệ giữa cấu trúc và chức năng của hệ thần kinh với hành vi con người. Do vậy, để đạt được kết quả này, họ thường kết hợp nghiên cứu của cả tâm lý học lẫn sinh lý học (Carlson, 2013)

Mối quan tâm nghiên cứu của các nhà tâm lý sinh học bao gồm nhiều lĩnh vực, không chỉ giới hạn ở hệ thống cảm giác và hệ thống vận động, mà còn bao gồm giấc ngủ, sử dụng và lạm dụng thuốc, hành vi ăn uống, sinh sản, phát triển thần kinh, độ linh hoạt của hệ thần kinh, và mối tương quan sinh học của các rối loạn tâm lý. Với đối tượng nghiên cứu phong phú và đa dạng, không quá ngạc nhiên khi các nghiên cứu thu hút được sự tham gia của các cá nhân đến từ các lĩnh vực khác nhau, từ sinh vật học, y tế, sinh lý học và hoá học. Phương thức tiếp cận đa ngành này thường được gọi khoa học thần kinh (neuroscience), mà tâm lý sinh học là một phần trong đó (Carlson, 2013). 

Trong khi tâm lý sinh học thường tập trung nghiên cứu các nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến hành vi dựa trên sinh lý của con người hoặc động vật khác, tâm lý học tiến hoá lại đào sâu vào những nguyên nhân sâu xa hơn về mặt sinh học của hành vi. Ở một mức độ nào đó, hành vi của sinh vật chịu ảnh hưởng của yếu tố di truyền và như bất cứ đặc điểm nhân dạng nào khác, hành vi có thể tự điều chỉnh thích nghi với bối cảnh xung quanh. Bối cảnh này bao gồm môi trường vật lý và môi trường xã hội (vì tương tác giữa các sinh vật là yếu tố sống còn với sự sinh tồn và tái tạo loài). Nghiên cứu về hành vi dưới góc độ tiến hoá đã được bắt đầu từ Charles Darwin,  người đồng khám phá ra lý thuyết tiến hoá thông qua chọn lọc tự nhiên. Ông hiểu rõ rằng hành vi có tính tùy biến linh hoạt, điều được khẳng định thông qua cuốn Nguồn gốc muôn loài (Descent of Man – 1871) và Biểu hiện cảm xúc ở Con người và Động vật (The Expression of the Emotions in Man and Animals – 1872).

Tâm lý học tiến hoá nói chung và đặc biệt, tâm lý học tiến hoá của con người đã dần hồi sinh trong vài thập kỉ trở lại đây. Để có thể tiến hoá thông qua chọn lọc tự nhiên, một hành vi phải phải có nguyên do quan trọng về mặt di truyền. Nhìn chung, chúng ta kỳ vọng toàn bộ nhân loại sẽ cùng biểu lộ cùng một kiểu hành vi, nếu như chúng được tạo ra bằng các yếu tố di truyền, bởi những khác biệt về di truyền giữa các nhóm người gần như không đáng kể. Cách tiếp cận được đa số các nhà tâm lý học tiến hoá sử dụng đó là dự đoán kết quả của một hành vi trong một điều kiện cụ thể dựa trên thuyết tiến hoá, từ đó quan sát hoặc thực nghiệm để xác nhận giả thuyết. Cần nhìn nhận nghiêm túc rằng những kiểu nghiên cứu này không phải bằng chứng thuyết phục cho thấy một hành vi có tính thích ứng, bởi chúng thiếu đi thông tin rằng hành vi đó phần nào do di truyền và không hoàn toàn ảnh hưởng bởi văn hoá (Endler, 1986). Việc chứng minh một đặc tính, nhất là ở con người, được chọn lọc tự nhiên là cực khó; vì lẽ đó, một số nhà tâm lý học tiến hoá thường giả định những hành vi họ nghiên cứu đã mang sẵn các nhân tố di truyền (Confer et a., 2010).

Một điểm trừ khác của tâm lý học tiến hoá, đó là những đặc tính chúng ta sở hữu ngày nay đã tiến hoá trong những điều kiện môi trường và xã hội từ rất xa xưa trong lịch sử loài người. Chúng ta lại biết rất ít về những điều kiện sống ấy ra sao, khiến cho việc dự đoán sự thích nghi của hành vi trở nên khó khăn. Chúng ta chỉ có thể giả định rằng, những đặc điểm hành vi đã không cần phải thích ứng trong điều kiện ngày nay, bởi chúng đã trải qua thời gian dài để tiến hoá từ trước.

Vẫn còn nhiều khía cạnh hành vi của con người mà sự tiến hoá có thể đưa ra dự đoán. Ví dụ như trí nhớ, lựa chọn bạn tình, quan hệ họ hàng, tình hữu nghị và hợp tác, nuôi dạy con, tổ chức xã hội và địa vị (Confer et al., 2010).

Các nhà tâm lý học tiến hoá đã có những thành công nhất định trong việc đưa ra con số thực nghiệm ngày một sát hơn với kỳ vọng. Chẳng hạn, trong một nghiên cứu về gu bạn tình giữa nam và nữ ở 37 nền văn hoá khác nhau, Buss (1989) thấy rằng phụ nữ coi trọng các yếu tố liên quan đến tài chính cá nhân hơn nam, ngược lại nam giới coi trọng các yếu tố liên quan đến khả năng sinh sản (tuổi trẻ và sức hút) hơn khi được hỏi về bạn tình lý tưởng. Về cơ bản, những dự đoán này tương đồng với dự đoán về sự tiến hoá, cho dù xuất hiện một vài kết quả lệch chuẩn ở một vài nền văn hoá.

2.Cảm giác và tri giác (sensation & perception) 

Các nhà khoa học quan tâm tới cả những khía cạnh sinh lý của hệ thống giác quan cũng như trải nghiệm tâm lý của các thông tin giác quan trong nghiên cứu cảm giác (sensation) và tri giác (perception). Như vậy, nghiên cứu về cảm giác và tri giác cũng khá liên ngành. Hãy tưởng tượng bạn đang đi giữa các toà nhà để di chuyển từ lớp này qua lớp khác. Bao quanh bạn là cảnh vật, âm thanh, tiếp xúc vật lý, cả mùi hương nữa. Bạn cảm thấy nhiệt độ không khí quanh cơ thể mình và cách bạn giữ thăng bằng khi di chuyển. Tất cả những yếu tố trên đều khơi dậy sự quan tâm của các nhà nhà nghiên cứu cảm giác và tri giác.

Đi sâu vào các kết quả nghiên cứu về cảm giác và tri giác, ta sẽ biết rằng trải nghiệm với thế giới của bản thân không đơn giản như phép tính cộng của các thông tin giác quan (hay cảm giác). Thay vào đó, trải nghiệm (hay tri giác) của chúng ta vô cùng phức tạp và chịu ảnh hưởng bởi những gì ta để tâm, trải nghiệm trong quá khứ hay thậm chí cả nền văn hoá của mỗi một cá nhân.

3.Tâm lý học nhận thức (Cognitive Psychology)

Như đã nhắc tới ở phần trước, cuộc cách mạng nhận thức đã tạo đà cho các nhà tâm lý học tiến tới việc cố gắng hiểu cách vận hành của tâm trí, biểu lộ ra ngoài bằng các hành vi. Do đó, tâm lý học nhận thức (cognitive psychology) là chuyên ngành hướng về suy nghĩ và cách chúng tương tác với trải nghiệm và hành động của chúng ta. Tương tự tâm lý sinh học, tham gia nghiên cứu tâm lý học nhận thức cũng bao gồm rất nhiều chuyên gia đa ngành. Một số người đã đưa ra thuật ngữ “khoa học nhận thức” để mô tả bản chất liên ngành của lĩnh vực nghiên cứu này (Miller, 2003).

Chủ đề nghiên cứu của tâm lý học nhận thức khá đa dạng, từ sự tập trung, khả năng giải quyết vấn đề, ngôn ngữ đến trí nhớ. Các phương pháp tiếp cận trong nghiên cứu các chủ đề này cũng đa dạng tương tự. 

4.Tâm lý học phát triển (Developmental Psychology)

Tâm lý học phát triển là lĩnh vực nghiên cứu sự phát triển xuyên suốt một vòng đời. Các nhà tâm lý học phát triển quan tâm đến các quá trình trưởng thành về mặt thể chất. Tuy nhiên, trọng tâm nghiên cứu không chỉ giới hạn ở những thay đổi thể chất liên quan đến lão hóa, mà còn tập trung vào những thay đổi trong kỹ năng nhận thức, lý luận đạo đức, hành vi xã hội và các thuộc tính tâm lý khác.

Thời kỳ đầu, các nhà tâm lý học phát triển tập trung nghiên cứu các thay đổi xảy ra trước khi đến tuổi trưởng thành, cung cấp cái nhìn sâu sắc về sự khác biệt về năng lực thể chất, nhận thức và xã hội tồn tại giữa trẻ nhỏ và người lớn. Chẳng hạn, nghiên cứu của Jean Piaget đã chỉ ra rằng trẻ nhỏ không có khả năng nhận biết tính hằng định đối tượng (object permanence). Tính hằng định đối tượng là khả năng nhận biết một vật luôn tồn tại, kể cả khi chúng biến mất khỏi tầm mắt ta. Nếu như đưa cho người trưởng thành một món đồ chơi, rồi giấu nó đi sau tấm rèm, người này vẫn biết rằng món đồ chơi đó vẫn tồn tại. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh dưới sáu tháng sẽ có phản ứng như thể món đồ chơi đó không còn tồn tại nữa. Các ý kiến về độ tuổi khả năng này xuất hiện ở người vẫn còn gây tranh cãi (Munakata, McClelland, Johnson và Siegler, 1997)

Trong khi Piaget chú ý và thay đổi nhận thức giữa tuổi sơ sinh và trẻ em tới tuổi trưởng thành, có ngày một nhiều hơn các nghiên cứu về sự thay đổi tới các độ tuổi xa hơn về sau. Điều này phản ánh sự thay đổi khái quát về biểu dân số tại các quốc gia đã phát triển. Khi người ta sống ngày một lâu hơn, số lượng người cao tuổi sẽ tiếp tục tăng lên. Tại Mỹ, có khoảng 40 triệu người trên 65 tuổi đang sống vào năm 2010, con số này dự kiến tăng lên 55 triệu vào 2020 và 90 triệu vào 2050 (Bộ Y tế và Sức khỏe, n.d)

5.Tâm lý học tính cách

Tâm lý học tính cách (personality psychology) tập trung nghiên cứu các biểu hiện của suy nghĩ và hành vi khiến mỗi cá nhân trở nên đơn nhất. Một số nhà tâm lý học như Freud, Maslow và một nhà tâm lý học người Mỹ, Gordon Allport, là những người đã đưa ra các giả thuyết đầu tiên về tâm lý học tính cách. Họ đã cố gắng giải thích bằng cách nào thế giới quan của một người sẽ tạo bệ phóng phát triển tính cách riêng của họ. Ví dụ, Freud tuyên bố rằng tính cách xuất hiện như là kết tinh từ mâu thuẫn giữa phần ý thức và vô thức của con người, một quá trình diễn ra suốt đời. Đặc biệt, Freud đưa ra giả thuyết rằng một cá nhân đã trải qua các giai đoạn phát triển tâm lý khác nhau.

Theo Freud, tính cách trưởng thành là kết quả của việc dung hoà các xung đột khác nhau xung quanh các vùng tạo khoái cảm tình dục từ miệng đến hậu môn, đến các cơ quan sinh dục. Như rất nhiều lý thuyết khác của Freud, nó cũng gây tranh cãi cùng cực và không có cuộc thử nghiệm nào để xác nhận điều này (Pearson, 1980)

Cho tới gần đây, nghiên cứu về tính cách mới chuyển sang hướng định tính hơn. Thay vì giải thích vì sao tính cách xuất hiện, các nghiên cứu hướng vào việc xác định các đặc trưng tính cách (personality traits), đo lường các đặc trưng này và nhằm xác định cách chúng tương tác trong một điều kiện cụ thể, từ đó đoán được một người sẽ có hành vi như thế nào trong mọi trường hợp. Đặc trưng tính cách là những kiểu suy nghĩ và hành vi tương đối nhất quán, và nhiều người cho rằng có 5 nhóm tính cách đặc trưng ở con người. Năm nhóm này được biết tới với cái tên “Big Five” hoặc Mô hình 5 yếu tố (Five Factor) bao gồm tận tâm (conscientiousness), hòa đồng (agreeableness), nhạy cảm (neuroticism), cởi mở (openness), và hướng ngoại (extraversion). Các đặc trưng này đã được chứng minh là tương đối ổn định theo thời gian (e.g., Rantanen, Metsapelto, Feldt, Pulkinnen và Kokko, 2007; Soldz & Vailant, 1999; McCrae & Costa, 2008) và chịu ảnh hưởng bởi gene (e.g.,g Jang, Livesly và Vernon, 1996).

(còn tiếp) 

Dịch từ Psychology 2e (2020), Open Stax