Liệu hạnh phúc trong đời chỉ tìm tới một cách tình cờ? Hay nó thuộc về yếu tố di truyền, một loại thiên phú hay một năng lực đạt được qua tự học hỏi? Cuốn sách “Cân bằng cảm xúc cả lúc bão giông” sẽ đưa cho bạn câu trả lời. Được viết bởi Richard Nicholls, nhà trị liệu tâm lý người Anh, nổi tiếng với loạt podcast (các bài nói ngắn, tồn tại duy nhất dưới dạng các bản ghi âm kỹ thuật số) “Motivate Yourself”. Phương pháp của Nicholls gợi ý rằng, chúng ta không cần đập đi toàn bộ lịch trình đã định mỗi ngày của bản thân và làm mới thói quen sinh hoạt một cách đột ngột, mà là về việc nỗ lực hàng ngày để tạo ra những thay đổi nhỏ tích cực và ổn định qua thời gian.
Bao gồm 8 chương, tác phẩm đầu tay của Nicholls sẽ đem đến cho người đọc cái nhìn tổng quan về sự hình thành của hạnh phúc. Làm thế nào mà não bộ con người biết được khi nào chúng ta đang vui mừng? Hạnh phúc đáng giá bao nhiêu? Chính cơ thể bạn, các mối quan hệ xã hội, tư duy thành công, tự yêu bản thân, lòng biết ơn…chúng có vai trò như thế nào trong việc duy trì hạnh phúc? Ngay từ chương mở đầu, tác giả đã tiết lộ một sự thật thú vị về cách hình thành thói quen. Khi một kỹ năng được chúng ta lặp lại đủ số lần, tới một lúc nào đấy con người có thể thực hiện chúng mà không cần suy nghĩ nhiều, bởi chúng đã trở thành một phần trong tiềm thức chúng ta, giúp não bộ tập trung suy nghĩ vào những việc khác. Nicholls đưa một phép ẩn dụ khá thú vị ở đây: hình ảnh về cánh đồng ngô để thể hiện cho quá trình hình thành cũng như xóa bỏ những thói quen. Khi chúng ta đi qua một cánh đồng theo một lối khác thay vì con đường chúng ta hay đi, lần đầu tiên sẽ rất khó khăn vì chúng ta không có hình dung rõ ràng về cách chúng ta sẽ đi. Dần dần, đến lần thứ 2,3,4,…những cây ngô chắn đường sẽ đổ xuống, tạo thành con đường mới cho chúng ta đi qua. Tuy nhiên, con đường cũ khi không còn đi nữa sẽ mọc lên những cây ngô mới, rồi chúng ta cũng sẽ quên luôn có một con đường từng tồn tại. Ý tưởng ở đây rất ngắn gọn: Thói quen như con đường đi qua đồng ngô, tạo ra được thì cũng biến đi được. Nếu như có thể học cách để trở nên hạnh phúc, chúng ta sẽ đạt được nó mà không cần suy nghĩ quá nhiều, giống như việc lái xe hay đi đường vậy. Là sự tổng hòa của “sự kết hợp của tâm trạng vui vẻ trong ngày và cảm giác thỏa mãn của bạn với toàn bộ cuộc sống”, hạnh phúc của một người có một nửa được thừa hưởng bởi di truyển, 10% từ các trải nghiệm và 40% từ hành động và tư duy. Nhiều người nói rằng “Tiền bạc không mua được hạnh phúc”, thế tức là một là họ chưa nhận ra cốt lõi của hạnh phúc, hoặc hai là họ không có tiền và đang cố dối lòng. Khi bạn có nhiều tiền hơn, đồng nghĩa với việc bạn có thể sống khỏe mạnh hơn, có thời gian dành cho gia đình và làm chủ cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, quan hệ giữa tiền và hạnh phúc không đi theo một đường thẳng. Một người giàu gấp mười sẽ không hạnh phúc gấp mười, bởi khi thu nhập của bạn tăng đến một mức độ nào đó, thì việc có thêm một đồng vào túi sẽ không khiến bạn vui hơn. Nhưng không có tiền thì rất tệ. Từ góc nhìn của mình, Nicholls cho rằng đồng tiền tốt nhất nên được dùng vào những trải nghiệm thú vị. Cưỡi ngựa, nhảy dù, trượt tuyết…Không như chiếc đồng hồ mới coóng hay xế hộp bóng loáng, chúng ta sẽ không dần mất đi sự hứng thú với những trải nghiệm, mà sẽ chỉ nghĩ lại về chúng với những cảm xúc tích cực vào thời điểm diễn ra. Hay nếu đồng tiền đi để đổi lại cho ta thời gian đáng lẽ phải dành để làm những việc không mong muốn (dọn dẹp sân vườn chẳng hạn), đó cũng là một cách để “mua hạnh phúc”.
Từ chương 3 trở đi, cuốn sách tập trung vào các khía cạnh của sự hạnh phúc, và cuối mỗi chương là các bài tập nhỏ và hướng dẫn giúp bạn cải thiện suy nghĩ và hành động hàng ngày để cảm nhận hạnh phúc đến gần hơn. Chỉ với 15 phút mỗi ngày, bạn sẽ tìm thấy được sự bình tâm giữa những biến động của cuộc đời (giải thích cho tựa đề sách “Cân bằng cảm xúc cả lúc bão dông”. Chẳng hạn, trong chương 4, tác giả nhận định một người có lòng tự trọng cao sẽ biết rằng không ai, kể cả chính họ là người hoàn hảo. Vì không có cách nào để ta có thể làm hài lòng tất cả mọi người, nên hãy học cách nói “không” và ngừng dày vò bản thân bởi những sự chỉ trích.
“Nếu lòng tự trọng của bạn thấp, cách tốt nhất để khiến bản thân trở nên kiên cường hơn là thỏa hiệp với những quan điểm tiêu cực về chính mình, thay vì kháng cự chúng. Lừa dối để thay đổi bản thân sẽ chẳng đem lại tác dụng gì, ấy vậy nhưng nhiều cuốn sách self-help lại đề cao hiệu quả của những khẳng định tích cực. Tôi sẽ không nhắc đến bất cứ cái tên nào, nhưng tin tôi đi, ngoài kia có rất nhiều cuốn sách khuyến khích điều ấy vì vùng não bộ chúng ta dùng để tưởng tượng cũng chính là vùng não bộ đảm nhiệm các trải nghiệm, vậy thì nhận xét những điều tích cực về bản thân sẽ biến chúng trở thành sự thật nếu bạn lặp đi lặp lại đủ số lần.”
(Chương 4 – Cây gậy hay củ cà rốt)
Qua từng trang sách, với những câu chuyện được rút ra từ chính các bệnh nhân được Nicholls điều trị và những lí luận về tâm lý học, người đọc sẽ được đưa vào trong một chuyến hành trình bổ ích. Tác giả dành ra những lời khuyên cho độc giả, rằng hãy là chính mình và sống hạnh phúc với những gì thuộc về bản thân. Một người khôn ngoan sẽ không chạy theo tương lai để tìm kiếm những thỏa mãn nhất thời, họ sẽ dành cho hiện tại toàn bộ sức lực và năng lượng của mình để níu giữ những điều hạnh phúc mình đang có.