“Bởi tư duy khác biệt nên trong đời sống và công việc, người Việt thường chỉ cảm thấy thoải mái và dễ dàng trong mạng lưới do chính mình tạo ra thông qua các mối quan hệ thân thuộc và quen biết […] Người Nhật thì khác. Xã hội của họ là một hệ thống được quy chuẩn và pháp chế hóa. Ai có chức phận của người đó. Để bước chân vào làm “người thân” trong trong mạng lưới mang tính cá nhân của họ không phải là điều dễ”. Lời nhận xét này của tác giả Nguyễn Quốc Vương, trong cuốn tản văn “Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường” đã giải thích những ảnh hưởng rõ rệt về văn hóa lên các giá trị sống cơ bản của người Nhật Bản, rằng vì sao Việt Nam chúng ta vẫn thường nhìn sang những cư dân ở cách hơn hai ngàn dặm đường kia bằng con mắt đầy sự thán phục.

Thông qua 26 mẩu chuyện ngắn khác nhau kể về cuộc sống đời thường tại xứ sở mặt trời mọc dưới lăng kính của một người ngoại quốc, người đọc sẽ dần hiểu ra triết lý sống của đất nước này: những tương tác giữa con người với con người, với thiên nhiên và với chính từng cá nhân. Tại quốc gia Đông Á này, nguyên tắc về tính tập thể và sự hòa hợp được đặt lên hàng đầu. Những đứa trẻ từ những ngày đầu tiên đến trường đã được dạy rằng, thành quả lớn lao chỉ có thể đạt được thông qua sự hợp tác với người khác. Các em dần nhận ra rằng, mình là một phần trong một xã hội nơi các mắt xích có sự liên kết, phụ thuộc chặt chẽ với nhau, bắt đầu từ gia đình, rồi lớn dần lên tới hàng xóm, nhà trường và sau này là nơi làm việc. Trong một tập thể, nếu mỗi cá nhân hiểu rõ được trách nhiệm của mình và có sự thấu cảm cho hoàn cảnh của những người khác, tập thể ấy sẽ hưởng lợi lớn, rằng thành công chỉ đến khi mỗi người đều nỗ lực trong khả năng tốt nhất của mình. 

“Ở Nhật, cho dù đến bất cứ địa phương nào, ở bất cứ địa điểm nào, người ta cũng sẽ thấy cảnh xếp hàng và giữ im lặng. Người Nhật xếp hàng ở siêu thị, ở bến xe buýt, ở ga tàu điện ngầm, trong nhà ăn, ở trường học […] Chuyện tranh giành khách giữa các lái xe taxi có lẽ hoàn toàn không có ở Nhật Bản. Nếu khách lỡ gõ cửa nhầm chiếc xe không theo thứ tự, người tài xế sẽ hướng dẫn khách tìm đúng chiếc xe ở hàng đầu. Sự phối hợp chặt chẽ và hợp tác giữa các hãng taxi, Hiệp hội vận tải và ban quản lý nhà ga đã tạo ra một hệ thống vận hành trật tự, đảm bảo công bằng cho các lái xe.”

Trong một xã hội trọng tính tập thể như vậy, một con người được kỳ vọng có đức tính khiêm tốn và tôn trọng người khác. Không khó để nghe thấy những lời nhận xét về dịch vụ khách hàng xuất sắc Nhật Bản, xuất phát từ những yêu cầu khắt khe của xã hội. Trong một cuộc khảo sát của American Express năm 2017 tới các công dân ở các quốc gia khác nhau, với khoảng 1000 người mỗi nước, hỏi rằng họ sẽ chấp nhận dịch vụ khách hàng kém bao nhiêu lần trước khi quyết định chuyển qua một nhà cung cấp khác. Có tới 56% người Nhật đồng ý rằng một lần thất tín với họ là quá đủ, nhiều hơn bất cứ nhóm khách hàng tại quốc gia nào. Từ góc độ của người kinh doanh tại Nhật Bản, một lần phật lòng khách hàng chẳng khác nào lời từ biệt vĩnh viễn, do đó trong công tác quản lý và huấn luyện nhân viên, dịch vụ khách hàng phải được đặt lên hàng đầu. Những khách hàng người Nhật có xu hướng từ bỏ một nhà cung cấp dịch vụ hơn là đóng góp ý kiến than phiền trong trường hợp bị phục vụ không ưng ý, bởi dựa trên quan điểm chung của số đông, xã hội Nhật Bản thường trách những sự đối đầu trực diện khi giải quyết vấn đề. Họ chỉ đơn giản là…bỏ đi và không bao giờ quay lại. Những tiêu chuẩn dịch vụ khắt khe này ở Nhật đã tạo ra một quy trình tự vận hành cho mỗi doanh nghiệp/đơn vị hành chính. Các nhà cung cấp hiểu rằng mình phải mang tới dịch vụ đáng mong ước, từ đó nâng cao tiêu chuẩn trong ngành, đi kèm với sự kỳ vọng tăng lên theo thời gian của khách hàng.

“Đối với những nơi khác như công ty, khách sạn, nhà hàng…Họ coi những người đến với họ là khách hàng. Họ cung cấp dịch vụ làm khách hàng vừa lòng và thu phí dịch vụ tương ứng. Trong tư duy và cách làm việc đó, hành xử của nhân viên là dựa trên luật pháp và các nguyên tắc giao tiếp đã được chuẩn hóa. Điều này khá thú vị. Nếu bạn quan sát kĩ sẽ thấy ở Nhật, các nhân viên của cùng một hệ thống sẽ có những lời nói và hành động trước khách hàng y hệt nhau, dù họ làm việc ở Kyushu hay hòn đảo Hokkaido ở cực bắc.”

Đó là một vài trong số những bài học rất nhỏ mà tác giả đã tận mắt chứng kiến trong hành trình hơn 8 năm ở xứ sở hoa anh đào. Chỉ với chưa đầy 200 trang, Nguyễn Quốc Vương sẽ đưa độc giả tới gần hơn với văn hóa Nhật Bản, tới những con người nhỏ bé xa xôi nhưng mang những phẩm cách đầy trân quý, xứng đáng để chúng ta học tập.

Share This Post!