Được chào đón nhiệt liệt bởi các nhà giáo dục khắp thế giới kể từ khi được công bố lần đầu vào năm 1983, lý thuyết về nhiều dạng trí khôn của Howard Gardner đã được áp dụng vào các trường lớp tại nhiều khu vực. Tác giả không thừa nhận cái khái niệm phổ biến rằng trí khôn là một năng lực chung mà từng người ai cũng có, chỉ là nhiều hơn hoặc ít hơn mà thôi. Thu thập trong tay vô số chứng cứ phong phú, Gardner xác định sự tồn tại của nhiều trí khôn mà chính chúng đã định dạng nên diện mạo nhận thức của mỗi con người.
Về tác giả và tác phẩm
Howard Gardner (sinh ngày 11/7/1943), là Giáo sư Tâm lý học Nhận thức và Tâm lý học Giáo dục bậc cao học tại Khoa giáo dục của Đại học Harvard (Quỹ John Hobbs and Elisabeth A.Hobbs). Cuốn sách Frames of Mind – The Theory of Multiple Intelligences của ông được coi là “gối đầu giường” của sinh viên sư phạm và các nhà tâm lý học nhiều nước. (Bản tiếng Việt, Cơ cấu trí khôn: Lí thuyết về nhiều dạng trí khôn, do cố nhà giáo Phạm Toàn dịch, xuất bản năm 1997 rồi sau đó được tái bản rất nhiều lần).
Trong cuốn sách, tác giả trình bày một lý thuyết tâm lý học mới. Đó là lý thuyết về nhiều dạng trí khôn mà tác giả gọi tắt là lý thuyết MI (Theory of Multiple Intelligences). Cốt lõi của lý thuyết tâm lý học MI là sự thừa nhận nhiều thành phần trí khôn trong một hoặc những năng lực người. Những dạng trí khôn khác nhau đó là: trí khôn ngôn ngữ, trí khôn âm nhạc, trí khôn logic-toán, trí khôn không gian, trí khôn cơ thể – vận động, trí khôn cá nhân (gồm trí khôn cá nhân hướng vào bên trong con người mình và trí khôn cá nhân hướng sang con người khác). Những dạng trí khôn đó không nhất thiết bộc lộ hết ở một con người.
Thế nào là một trí khôn?
Có một sự cám dỗ chung của con người ấy là tin vào một từ ngữ mà đã trở nên gắn bó, có lẽ bởi từ ngữ ấy đã từng giúp chúng ta hiểu tốt hơn một trường hợp nào đó. Trí khôn là một từ ngữ như vậy, chúng ta sử dụng quá nhiều đến nỗi tin vào sự tồn tại của nó như là một thực thể thực sự hữu hình có thể đo được, chứ không phải như là một cách đặt tên thuận tiện cho một hiện tượng nào đó có thể (nhưng cũng hoàn toàn có thể không) tồn tại.
Trước khi đi vào cụ thể từng loại trí khôn, tác giả viết: những “trí khôn ngôn ngữ” “trí khôn không gian”… là hư cấu để thảo luận những quá trình và những năng lực đang tồn tại liên tục cùng với nhau. Tự nhiên không cho phép có những sự đứt đoạn dứt điểm theo kiểu được đề xuất ở đây [tức là các trí khôn]. Các trí khôn của chúng ta đang được tách ra để định nghĩa và mô tả nhằm làm sáng tỏ những vấn đề khoa học và để giải quyết những vấn đề thực tiễn cấp bách.
Trong phần tiếp theo, tác giả đề xuất các dạng trí khôn khác nhau gồm: trí khôn ngôn ngữ; trí khôn âm nhạc; trí khôn logic-toán; trí khôn không gian; trí khôn cơ thể – vận động; các trí khôn cá nhân (hướng nội và hướng ngoại). Cụ thể:
Trí khôn ngôn ngữ
Năng lực ngôn ngữ chính là trí khôn nói chung – năng lực trí tuệ nói chung – năng lực này dường như được chia sẻ rộng rãi nhất và dân chủ nhất ở con người. Các nhà văn, nhà thơ là ví dụ chỉ dẫn đáng tin cậy hoặc như một sự dẫn nhập thích hợp vào lĩnh vực trí khôn ngôn ngữ. Nhà thơ đã phát triển khả năng ngôn ngữ ở mức độ xuất sắc nhất, người dùng ngôn ngữ “thượng hạng”. Vậy, nếu không phải những người đang làm văn, làm thơ, thì còn cách sử dụng ngôn ngữ quan trọng nào khác? Tác giả chọn ra 4 mặt của hiểu biết ngôn ngữ đã chứng tỏ tầm quan trọng rõ rệt trong xã hội loài người, gồm: (1) Mặt tu từ của ngôn ngữ – là khả năng dùng ngôn ngữ để thuyết phục người khác trong quá trình hành động; (2) Có tiềm năng ghi nhớ ngôn ngữ – khả năng sử dụng công cụ giúp chúng ta ghi nhớ thông tin. (3) Vai trò của ngôn ngữ trong giải thích. Hầu hết việc dạy và học đều diễn ra thông qua ngôn ngữ – vào một thời điểm nào đó thì chủ yếu thông qua những hướng dẫn bằng lời nói, còn giờ đây thì ngày càng thông qua ngôn từ dưới hình thức chữ viết. (4) Có tiềm năng của ngôn ngữ để diễn giải chính những hoạt động của ngôn ngữ – khả năng dùng ngôn ngữ để suy tư về ngôn ngữ, để tham gia vào phân tích “siêu ngôn ngữ”.
Trong những tháng đầu tiên, tất cả trẻ em đều phát ra những âm thanh có trong kho tàng ngôn ngữ xa xôi với tiếng mẹ đẻ. Nhưng từ năm thứ hai, hoạt động ngôn ngữ đã khác đi, nó bao hàm việc phát ra có nhấn âm những từ đơn. Em bé lên ba thì phát ra được những dãy tiếng với độ phức tạp cao hơn đáng kể, kể cả những câu hỏi. Lên bốn hoặc lên năm, đứa trẻ đã sửa được những sự không phù hợp về cú pháp và có thể nói năng khá lưu loát theo cú pháp gần giống với người lớn. Các kỹ năng ngôn ngữ của đứa trẻ lên bốn hoặc lên năm có thể khiến cho mọi phần mềm lập trình ngôn ngữ phải xấu hổ. Ngay cả những nhà ngữ học tài giỏi nhất thế giới cũng không thể viết ra được những quy tắc mô tả được hình thức (và các nghĩa) của những lời lẽ con trẻ nói ra.
Mọi trẻ em bình thường, và kể cả trẻ em chậm phát triển, đã học ngôn ngữ theo sơ đồ được hình thành đại cương, thông thường trong một vài năm. Quá trình cú pháp và quá trình ngữ âm dường như mang tính chất đặc biệt, có lẽ chỉ riêng loài người mới có và chúng phát triển mà tương đối ít cần đến những yếu tố trợ giúp từ môi trường. Cú pháp và ngữ âm nằm gần hơn với lõi trí khôn ngôn ngữ trong khi ngữ nghĩa và dụng pháp thì có cả sự đóng góp của các trí khôn khác (chẳng hạn như trí khôn logic-toán hoặc những trí khôn cá nhân).
Về bộ não và ngôn ngữ, các tài liệu cho thấy, hai bán cầu não không giống hệt nhau về mặt giải phẫu, và với đại bộ phận các cá nhân thì các vùng ngôn ngữ tại các vùng thùy thái dương trái đều lớn hơn các vùng tương ứng tại các vùng thùy thái dương bên phải. Điều dường như là độc nhất vô nhị ở con người nằm ở sự tồn tại của bộ máy phát âm trên thanh quản có khả năng tạo ra sự cấu âm rành rọt và sự tiến hóa của cơ chế thần kinh để tạo ra lời nói nhanh chóng. Mặc dù ngôn ngữ có thể được truyền đạt bằng cử chỉ và qua viết, song tại cốt lõi thì nó vẫn tiếp tục là sản phẩm của bộ máy phát âm và một thông báo đến tai con người. Biết được sự tiến hóa của ngôn ngữ người và sự đại diện phổ biến của nó trong não người có thể sẽ lạc ra khỏi mục tiêu rất nhiều nếu nó đánh giá thấp mối liên hệ trọn vẹn giữa ngôn ngữ người và bộ máy nghe – nói.
Trí khôn âm nhạc
[Âm nhạc là] trí khôn nằm trong âm thanh được cụ thể hóa (Hoene Wronsky). Trong tất cả các thiên bẩm mà mọi người may mắn có, không có thiên bẩm nào xuất hiện sớm hơn tài tăng âm nhạc. Một sự bộc lộ sớm về âm nhạc có thể là do được tham gia vào một chế độ dạy dỗ được thiết kế tuyệt vời, do sống trong một gia đình đầy ắp âm nhạc hoặc bất chấp (một phần vì) đã bị một căn bệnh gây ra tình trạng tàn tật. Phạm vi bộc lộ công khai phụ thuộc vào môi trường người đó sinh sống.
Có tương đối ít sự tranh luận về những thành phần chủ yếu của âm nhạc, hầu như tính chất trung tâm là âm vực [ptich] và nhịp [rhythm]. Có tầm quan trọng sau âm vực là âm sắc [timble]. Hiển nhiên khả năng thính giác có vai trò cốt yếu trong mọi sự tham gia vào âm nhạc, song cũng không hoàn toàn rõ ràng là có ít nhất một phương diện trung tâm của âm nhạc – cấu tạo nhịp – lại có thể tồn tại tách rời mọi khả năng thính giác. Nhiều chuyên gia còn xếp những phương diện cảm xúc âm nhạc vào vị trí gần như cốt lõi của âm nhạc.
Về sự phát triển khả năng âm nhạc, nhạc sĩ và nhà tâm lý học phát triển Jeanne Bamberger ở Viện Công nghệ Massachusetts đã lưu ý hai cách xử lý âm nhạc ngược nhau, hai cách đó đại thể tương ứng với sự biết cách đó [know-how] đối lập với sự biết cái đó [know-that]. Theo lối tiếp cận biểu hình [figural], đứa trẻ chủ yếu chú ý tới các nét đặc điểm tổng thể của một mẩu giai điệu và vào các nét đặc điểm “cảm nhận được” về các tập hợp nhóm [groupings] – dù một nhóm âm thanh cùng thuộc về hoặc bị tách rời khỏi các âm thanh lân cận. Ngược lại, người có phương thức tư duy chính quy lại có thể nhận thức được âm nhạc theo cách có nguyên tắc. Mọi cá nhân muốn có khả năng âm nhạc thì phải học phân tích và trình bày âm nhạc theo cách chính quy. Sự va chạm giữa hai phương thức này thậm chí có thể gây ra sự khủng hoảng trong đời sống các nhạc sỹ trẻ.
Trong khi khả năng ngôn ngữ hầu hết định vị ở bán cầu não trái ở những người bình thường thuận tay phải thì đại bộ phận khả năng âm nhạc kể cả khả năng trung tâm là tính nhạy cảm với âm nhạc, ở hầu hết con người bình thường lại nằm ở não phải. Các công trình nghiên cứu tập trung vào các phần đằng trước bên phải của não và đã đạt tới khả năng tiên đoán đến mức cho rằng vùng này rất có thể là trung khu âm nhạc cũng như các phần ở thùy thái dương bên trái đối với ngôn ngữ.
Cũng giống như ngôn ngữ, âm nhạc là một khả năng trí tuệ riêng biệt, một khả năng không phụ thuộc vào đối tượng vật chất trong cuộc đời. Khả năng âm nhạc có thể được phát triển tới một trình độ cao đáng kể chỉ thông qua sự khám phá và khai thác kênh nghe – nói. Những mối liên hệ giữa khả năng âm nhạc và khả năng không gian, năng lực biểu diễn âm nhạc với đời sống cảm xúc của cá nhân, âm nhạc và toán học cũng được tác giả phân tích và nhận định: những thao tác hạt nhân của âm nhạc không mang những mối liên hệ gần gũi với những thao thác hạt nhân trong các lĩnh vực khác và do đó, âm nhạc xứng đáng được coi như vùng trí khôn độc lập. Trí khôn âm nhạc qua khảo sát lại tỏ ra gần gũi với trí khôn toán hơn là với trí khôn ngôn ngữ.
Trí khôn logic-toán
Trái với năng lực ngôn ngữ và năng lực âm nhạc, “trí khôn logic – toán” không có nguồn gốc trong lĩnh vực nghe – nói. Thay vì thế, có thể lần ra nguồn gốc của dạng tư duy này ở sự đương đầu với thế giới đồ vật. Bởi trong khi đối mặt với đồ vật, sắp xếp chúng, đứa trẻ có hiểu biết ban đầu và căn bản nhất về lĩnh vực logic – toán. Trong phần trình bày của mình, tác giả chủ yếu dựa trên công trình nghiên cứu mở đường của nhà nghiên cứu tâm lý học phát triển Jean Piaget. Theo quan điểm của Jean Piaget, mọi nhận thức, đặc biệt là nhận thức về logic-toán là tiêu điểm số một của ông, đều ban đầu có xuất xứ từ các hành động của con người lên thế giới. Diễn trình phát triển theo mô tả của Jean Piaget về sự chuyển tiếp từ thao tác cảm giác – vận động sang các thao tác cụ thể rồi sang thao tác hình thức, là con đường phát triển được tìm ra tốt nhất trong toàn bộ lĩnh vực tâm lý học phát triển.
Vậy, đặc điểm của người có khả năng thiên phú toán học là gì? Theo Alfred Adler, hiếm khi sức mạnh của nhà toán học lại mở rộng ra ngoài phạm vi ranh giới bộ môn đó. Các nhà toán học họa hoằn lắm mới có tài năng về tài chính hoặc luật pháp. Đặc điểm của họ là một tình yêu làm việc với cái trừu tượng. Nhà toán học buộc phải tuyệt đối khắt khe và mãi hoài nghi. Điều duy trì và thúc đẩy nhà toán học là niềm tin rằng anh ta có khả năng tạo ra một kết quả hoàn toàn mới, một kết quả làm thay đổi vĩnh viễn cách thức những người khác vẫn nghĩ về trật tự toán học.
Bất chấp nhiều ý kiến khác nhau, vẫn có một sự nhất trí mong manh rằng một vùng não nào đó – các thùy ở vách trái – có thể có tầm quan trọng đặc biệt với logic và toán. Vẫn chưa có chứng cứ chắc chắn cho thấy vùng não này có vai trò cực kỳ quan trọng trong tư duy logic – toán. Vận dụng nguyên tắc lưỡi dao cạo của Ockham (cách đúng nhất nhiều khi lại là cách đơn giản nhất), có thể kết luận rằng khả năng logic – toán không phải như là một hệ thống “thuần khiết” “tự chủ” như các hệ thống khác và có thể không nên coi nó như là một trí khôn đơn nhất mà như là một loại siêu-trí khôn hoặc loại trí khôn tổng quát hơn.
Xét về mối quan hệ với các trí khôn khác, liệu rằng trí khôn logic-toán trên một phương diện nào đó có thể có tính cơ bản hơn so với các trí khôn khác? Theo cách nghĩ của tác giả, sẽ là hợp lý hơn nếu quan niệm kỹ năng logic – toán như là một trong cả loạt các trí khôn – một thứ kỹ năng được trang bị mạnh mẽ để giải quyết những loại bài toán nào đó, nhưng là một kỹ năng hoàn toàn không phải là ưu việt hơn hoặc có nguy cơ lấn át mọi trí khôn khác.
Trí khôn không gian
Đóng vai trò trung tâm đối với trí khôn không gian là những năng lực tri giác chính xác thế giới thị giác, là thực hiện được những sự thay đổi và biến cải dựa trên những tri giác ban đầu của mình và có khả năng tái tạo những mặt của kinh nghiệm thị giác của mình kể cả khi thiếu vắng những kích thích vật chất liên quan. Trên cơ sở của các phân tích thống kê các kết quả trắc nghiệm trí khôn, dường như có lý do để chỉ định trí khôn không gian như một dạng trí tuệ riêng biệt, tức một tập những kỹ năng có liên quan, trên thực tế thì có lẽ nhóm duy nhất đó của các năng lực có thể được các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này được thừa nhận rộng rãi nhất.
Piaget là người tiến hành nhiều công trình nghiên cứu về sự phát triển khả năng nhận thức không gian ở trẻ em. Có khả năng tăng tiến đều đặn trong lĩnh vực không gian, từ khả năng đứa trẻ còn nhỏ biết di chuyển xung quanh trong không gian đến khả năng đứa trẻ chập chững biết đi có thể hình thành những hình ảnh tĩnh tại trong đầu, cho đến khả năng trẻ đến tuổi đi học có thể mó máy điều khiển những hình ảnh tĩnh, và cuối cùng đến khả năng của trẻ thiếu niên có thể hiểu liên hệ các mối quan hệ không gian với những mô tả mệnh đề. Em thiếu niên, do chỗ đã có khả năng hiểu được những sự sắp xếp có thể có trong không gian cho nên ở vị trí thuận lợi để kết hợp trí khôn logic-toán học với trí khôn không gian thành một hệ thống hình học hoặc khoa học đơn nhất. Xét về mặt tâm lý học thần kinh, bán cầu não phải, đặc biệt là các phần phía sau bán cầu não phải là địa điểm quan trọng đặc biệt cho quá trình xử lý không gian (và thị giác-không gian).
Tư duy không gian có tầm quan trọng trung tâm trong các môn nghệ thuật thị giác. Sự nghiệp hội họa và điêu khắc đòi hỏi tính mẫn cảm với thế giới thị giác và không gian cũng như khả năng tái tạo lại thế giới đó trong khi làm ra một tác phẩm nghệ thuật. Có những năng lực trí tuệ khác, nhưng điều kiện tiên quyết của nghệ thuật đồ họa vốn nằm trong lĩnh vực không gian. Có thể dễ dàng quan sát năng lực không gian tại mọi nền văn hóa mà ta biết. Những ví dụ về năng lực không gian sắc bén được thấy ở khắp các nền văn hóa trên thế giới (Từ những thổ dân đồng rừng Gikwe ở Kalihari, từ hơi con thú để lại dấu vết mà có thể suy đoán đó là con linh dương, to bao nhiêu, cao bao nhiêu… Hay khả năng của người Eskimos được cho là có thể đọc từ trên xuống dưới, từ trái sang phải và ngược lại…).
Theo ý tác giả, mỗi dạng trí khôn có tiến trình tồn tại tự nhiên của nó: trong khi về cuối đời, giữa các cá nhân, tư duy logic-toán, trí khôn cơ thể – vận động trở nên yếu đi thì trên một phương diện nào đó của trí khôn thị giác – không gian lại tỏ ra khỏe mạnh, đặc biệt là đối với những người thực hành trí khôn đó đều đặn cả đời.
Trí khôn cơ thể – vận động
Mở đầu chương, tác giả kể câu chuyện mô tả về trí khôn vận động qua màn kịch câm: Nhân vật Bip của chúng ta kéo mạnh chiếc va li dọc theo sân ga, anh leo lên toa tầu, tìm đến chỗ ngồi và sau đó với vẻ rất căng thẳng, đẩy cái vali nặng trịch lên cái giá phía trên đầu. Khi con tàu tăng tốc độ, người Bip bị lắc trên ghế trong khi chiếc va li bị văng ra khỏi cái giá ở phía trên. Bip tìm cách tóm lại nó và thận trọng đặt nó lên chỗ cũ. Người soát vé đến để thu vé. Bip lục các túi quần và càng lúc càng thất vọng, lộn trái hai túi ra, trong khi đó con tàu vẫn khiến người anh ta lắc lư. Vẫn không tìm thấy vé, anh ta cuống cuồng tìm, rồi lục khắp các ngăn của chiếc va li.
Tiếp theo, nhân vật của chúng ta lấy suất ăn trưa khỏi chiếc va li. Anh ta xoáy nắp phích, nhấc nút ra, rót cà phê từ chiếc phích ra cái nắp phích thay cho cốc. Nhưng do con tầu lắc, cà phê rót từ miệng phích ra không sao vào được chiếc cốc. Và cà phê trào thẳng xuống chỗ trước đó đặt chiếc cốc. Cuối cùng chàng Bip đen đủi gà gật ngủ. Khi con tàu chạy chậm dần và đột ngột dừng, Bip bừng tỉnh, dường như bị xóc nảy lên vì con tàu ngừng chuyển động.
Thực tế, đó là màn kịch câm của của nghệ sĩ lớn người Pháp Marcel Marceau do nhà tâm lý học Marianne Simmel mô tả lại. Qua tiết mục này để thấy đặc trưng của loại trí khôn này là khả năng sử dụng cơ thể mình theo cách rất riêng biệt và khéo léo vào những mục đích biểu cảm cũng như mục đích có hướng dẫn.
Tác giả bàn đến hai loại năng lực được coi là hạt nhân của trí khôn cơ thể, đó là: khả năng kiểm soát cơ thể và khả năng sử dụng các đồ vật một cách khéo léo. Có thể kể đến những người phát triển được khả năng làm chủ hoàn toàn các cử động cơ thể như các vũ công, nhà bơi lội…, những người điều khiển được các đồ vật tinh vi khéo léo như các nghệ nhân thủ công, cầu thủ, người chơi nhạc cụ, hay những người việc sử dụng cơ thể có tầm quan trọng nhất hạng như người phát minh sáng chế hoặc các diễn viên. Ở các công việc này, trí khôn cũng thường đóng vai trò quan trọng. Sử dụng khéo léo cơ thể có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử loài người hàng nghìn năm nay, nếu không muốn nói là hàng triệu năm.
Khi xem xét cách thức con người sử dụng trí khôn cơ thể, chúng ta đã xem cách thức con người coi cơ thể như một đối tượng. Người nhảy múa, vận động viên sử dụng cơ thể họ như đối tượng đơn thuần, xem các nhà phát minh và những người lao động khác sử dụng các bộ phận cơ thể của họ, đặc biệt là đôi bàn tay, để mó máy, điều khiển, sắp xếp và thay đổi đồ vật xung quanh. Theo cách đó, trí khôn cơ thể là cái làm hoàn thiện cho bộ ba trí khôn: trí khôn logic – toán, phát triển từ sự mô hình hóa các đồ vật thành các dãy số; trí khôn không gian, tập trung vào năng lực con người chuyển đổi các đồ vật trong môi trường sống và tìm đường đi giữa thế giới đồ vật tồn tại trong không gian và trí khôn cơ thể, khi tập trung vào bên trong con người thì giới hạn trong việc tập luyện cơ thể của chính mình và khi hướng ra bên ngoài thì kéo theo những hành động cơ thể tác động lên các đồ vật xung quanh.
Các trí khôn cá nhân
Trong trí khôn cá nhân, lại chia ra hai thành phần không giống nhau, trí khôn cá nhân hướng nội, và trí khôn cá nhân hướng ngoại. Trong hình thức nguyên thủy nhất, trí khôn hướng nội [intrapersonal intelligence] chung quy là khả năng phân biệt một cảm nhận về sự sung sướng với một cảm nhận về sự đau đớn, trên cơ sở phân biệt đó mà đi đến chỗ tham gia nhiều hơn hoặc rút lui khỏi một tình huống. Trí khôn hướng nội đó phát triển ở nhà viết tiểu thuyết (như nhà văn Pháp M. Proust), người có thể xem xét chính bản thân mình để viết ra những cảm xúc… Còn khả năng nhận thức liên cá nhân cho phép một người trưởng thành khôn khéo đọc được các ý định và ước muốn của kẻ khác và có khả năng hành động trên cơ sở hiểu biết đó. Dạng trí khôn này phát triển cao ở những nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo (như Mahatan Gandhi).
Suy cho cùng thì các trí khôn cá nhân dẫn đến những khả năng xử lý thông tin – một loại hướng nội và một loại hướng ngoại – mà mọi con người từ khi ra đời đều có sẵn chúng xét như một phần của di sản loài. Khả năng hiểu biết chính mình và khả năng hiểu biết người khác là một bộ phận không thể tách rời của thân phận con người cũng như khả năng nhận biết các đồ vật, âm thanh và nó đáng để xem xét không thua kém những dạng khác “ít trọng trách hơn”. Các trí khôn cá nhân có thể không hoàn toàn cùng gốc gác với các dạng trí khôn chúng ta đã bắt gặp. Điều quan trọng, chúng hẳn phải là một bộ phận của kho trí tuệ người và những nguồn gốc của chúng trên khắp thế giới mang những dạng thức có thể so sánh được.
Sau khi đã xem xét một bộ gồm bảy trí khôn, có lẽ có thể quan niệm được một cách tổng quát về chúng theo cách sau: Các dạng trí khôn “liên quan đến đồ vật” (không gian, logic-toán, cơ thể – vận động) đều cùng chịu một sự kiểm soát: sự kiểm soát được thực thi bởi cấu tạo và chức năng của các đồ vật cụ thể mà các cá nhân tiếp xúc. Nếu thế giới vật chất được cấu trúc theo cách khác, các trí khôn đó có lẽ sẽ mang những dạng thức khác. Các dạng trí khôn “độc lập với đồ vật” (ngôn ngữ hoặc âm nhạc) thì không bị nhào nặn hoặc định hướng bởi thế giới vật chất, nhưng thay vì thế chúng lại phản ánh những cấu trúc cụ thể của ngôn ngữ và âm nhạc. Chúng cũng có thể phản ánh những nét đặc điểm của các hệ thống nghe và nói. Cuối cùng, các dạng trí khôn cá nhân phản ánh một tập hợp những ức chế mạnh mẽ và cạnh tranh nhau: sự tồn tại nhân cách của một con người; sự tồn tại của những cá nhân khác; những biểu tượng và những cách lý giải của nền văn hóa về bản ngã.
Trong lời kết, tác giả viết: “Trong cuốn sách này, tôi đã kêu gọi các nhà giáo dục hãy lưu ý cụ thể tới những khuynh hướng sinh học và tâm lý học của con người và tới những bối cảnh lịch sử và văn hóa cụ thể của những địa điểm nơi con người sinh sống – một nhiệm vụ dĩ nhiên là nói thì dễ hơn làm… Và bởi vì những cá nhân nào đó sẽ tiếp tục đảm nhận trách nhiệm lập kế hoạch cho cuộc đời của những người khác, cho nên sẽ dường như là thích hợp nếu những nỗ lực của họ được hình thành bằng sự hiểu biết ngày càng gia tăng của chúng ta về các dạng trí khôn của con người”.