Cũng như hầu hết các sách khác của Inamori Kazuo, “Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế” chia sẻ các kinh nghiệm sống, những bài học kinh doanh, thái độ sống tốt đẹp, chân chính, vị tha của chính bản thân tác giả, và trên hết là tâm huyết mong muốn chung tay cùng mọi người xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.

“Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế” chứa đựng nội dung “2 trong 1”: triết lý kinh doanh của nhà lãnh đạo tài ba hàng đầu Nhật Bản Inamori Kazuo, và tư tưởng làm người mẫu mực của võ sĩ samurai chân chính bậc nhất nước Nhật thời Minh Trị Duy Tân Saigo Takamori.

12 chương sách là 12 chiêm nghiệm vô cùng sâu sắc được Inamori dẫn dắt trên cơ sở những lời răn dạy, giáo huấn của Saigo, những đúc kết từ trải nghiệm thực tế đầy thăng trầm của chính Saigo:

Vô tư: “Người lãnh đạo không được chen tư tâm vụn vặt”, cái “tư”, cái “riêng” phải hoàn toàn được đặt qua một bên. Càng thành công, thăng tiến, chúng ta càng phải khiêm tốn, càng phải thu mình lại, hy sinh cái tôi. Người không có dũng khí hy sinh cái tôi mà đứng bên trên thì những người bên dưới không thể hạnh phúc. Đây là chân lý vượt thời đại, vượt tầm quy mô tổ chức. Dù trong thời nào, công ty dù nhỏ hay lớn, điều kiện tiên quyết của người làm lãnh đạo là “vô tư”.

Thử thách: Nghịch cảnh là cơ hội để chúng ta nhìn lại mình và giúp ta trưởng thành. Hãy xem nghịch cảnh là cơ hội tốt để lập chí mạnh mẽ, đối mặt với nó một cách dũng cảm. Chính nhờ thử thách mà quyết tâm được tựu thành.

Thử thách không chỉ đơn thuần là khổ nạn. Thành công cũng chính là thử thách. Cho dù đạt được thành công và hạnh vận nhất thời, chúng ta cũng không được kiêu căng ngạo mạn, không đánh mất lòng khiêm tốn, tiếp tục nỗ lực không ngừng. Người lãnh đạo trở nên mất kiểm soát không phải lúc việc kinh doanh sa sút, mà là lúc kinh doanh thuận lợi. Thử thách dành cho người lãnh đạo là phải luôn thận trọng, hành xử đúng đắn, tránh xa hoa, không lãng phí, âm thầm lao động, chuyên tâm làm việc để làm gương.

Lợi tha: Chỉ cần thay đổi “lợi kỷ” – chỉ biết có mình sang “lợi tha” – vì người khác, vì nhân viên, vì xã hội, ta sẽ có được sự tin tưởng và cộng tác từ những người xung quanh, lúc đó dù là công việc hay trong đời sống, mọi việc chắc chắn sẽ tốt đẹp.

Điều này tương tự trong kinh doanh. Chúng ta luôn nghĩ cách sao cho có lợi nhất đối với việc kiếm tiền của mình, nhưng thật ra không nên vậy. Nếu muốn kiếm tiền, phải làm sao cho đối tượng kinh doanh của mình, tức khách hàng cảm thấy vui vẻ. Rồi chắc chắn kết quả tốt đẹp sẽ quay lại với mình. Đây là lời giáo huấn quan trọng trong kinh doanh.

Đại nghĩa: Đại nghĩa của Kyocera được xác lập dựa trên nền tảng không vì tư lợi hay ham muốn cá nhân của một người lãnh đạo mà vì nhân viên, vì mọi người. Tư tưởng của Saigo “Kính Thiên Ái Nhân” (Kính trọng Trời Đất, yêu thương con người) được lấy làm phương châm của Kyocera. “Kính trọng Trời Đất” là sống tốt, sống thật đúng với đạo lý tự nhiên, đạo lý làm người, có nghĩa là “thông suốt, quán triệt những điều đúng đắn với tư cách làm người”. Còn “yêu thương con người” là bỏ hết tâm tư, tư dục cá nhân, sống với trái tim biết nghĩ đến người khác, vì cái lợi cho người khác. Yếu tố quyết định thành bại là trái tim trong sáng, không tư lợi.

Đại kế: Khi xây dựng một đất nước Nhật Bản mới, hình tượng quốc gia, hình tượng đất nước trong tương lai không được rõ ràng. Điều cần thiết phải có không phải là kế hoạch nhất thời trong một khoảng thời gian ngắn ngủi 6 tháng, một năm mà là một thời đại của đất nước Nhật Bản, một đại kế trăm năm cho một quốc gia mang tính dẫn đường rõ ràng.

Công ty cũng vậy, phải đưa ra tầm nhìn minh bạch. Người lãnh đạo hay giám đốc công ty phải tạo ra tầm nhìn rõ ràng trong 10 năm, 20 năm và chỉ ra cho nhân viên thấy. Phương châm phải thật rõ ràng rằng “tôi muốn dẫn dắt công ty này theo hướng như vậy”. Nếu công ty không thay đổi gì thì việc người ấy trở thành giám đốc chẳng có ý nghĩa gì.

Giác ngộ: Trong điều di huấn thứ 30, Saigo có nói: “Đối xử với người không cần tính mạng, không cần danh vọng, không cần cả quan vị, tiền tài rất khó. Nếu không có những con người “lớn” như thế sẽ không đạt được thành công”. Với người có lòng tham chỉ cần cho tiền, cho chức tước thì điều khiển họ rất dễ dàng, nhưng với những người không tham, không thể lay chuyển bằng những toan tính thiệt hơn thì rất khó điều khiển. Vậy ta sẽ lay chuyển những người như vậy bằng gì? Đó là “thành, nhân, nghĩa”. Nếu không phải là những người như vậy thì không thể cùng nhau chinh phục khó khăn.

Vương đạo: Nội chính hay ngoại giao, căn bản là đi con đường đúng đắn. “Chính đạo” mà Saigo nói không phải là con đường đúng đắn với riêng nước Nhật, với riêng cá nhân nào mà là con đường đúng đắn không hổ thẹn với Trời Đất và lương tâm làm người. Toàn thế giới với bao nhiêu điều khác biệt vẫn có những điểm chung. Đó là chính nghĩa, công minh, công bằng, bác ái, thành thật… tức những giá trị tinh thần của một con người, là đạo đức.

Lòng thành: Saigo luôn nghĩ trái tim chân thành của con người là thứ quan trọng nhất và ông tự mình mài giũa lòng thành để làm gương. Tận cùng nguyên lý của những hành động của Saigo là một trái tim chí thành mọi lúc mọi nơi. Không phải sách lược, mưu kế mà chính lòng thành trong sáng đó đã lay động lòng người. Nếu chỉ tài năng, tri thức thì không thể khiến trái tim con người ta cùng chung nhịp đập. Con người ta không vì tiền, danh vọng hay quyền thế mà vì lòng thành thôi thúc nên có thể vượt qua gian khó, phát huy tối đa sức mạnh tinh thần.

Lòng tin: Muốn phát triển kinh doanh thì trước tiên phải nâng cao tâm hồn bản thân người lãnh đạo, sau đó tự nhiên thành tích cũng sẽ đi theo. Tuy nhiên, Saigo cũng từng nói, cho dù đã tu thân, lập chí nhưng khi hữu sự mà không ứng phó được thì cũng chỉ như một hình nhân bằng gỗ. Điểm này, như Saigo khuyên, “lập chí, quyết tâm nỗ lực vượt qua khổ nạn, chịu đựng gian khó”. Trong quá trình khắc phục khó khăn, suy nghĩ, tư tưởng đó sẽ trở thành lòng tin của ta.

Lập chí: Saigo cho rằng những người đứng trơ như phỗng trước con đường đi đến mục tiêu dài dằng dặc và tự mình bỏ cuộc vì nghĩ “mình không thể làm gì được” là kẻ nhu nhược, yếu đuối, chỉ biết trốn tránh. Bất kỳ việc gì cũng bắt đầu từ tư duy một cách mạnh mẽ. Đặt ra mục tiêu thật cao và nghĩ “tôi muốn như thế”. Con đường đó có thể rất chông gai, có thể đầy rẫy những khó khăn, nhưng những người kiên định với ý chí mạnh mẽ sẽ không bao giờ biến mất khỏi con đường dẫn đến mục tiêu. Lập chí và bước đi. Chuyện đó không dễ dàng gì. Nhưng Saigo nói hãy lấy khó khăn làm niềm vui.

Tinh tiến: “Tinh tiến” là làm việc hết sức mình, chăm chỉ, cố gắng, ngôn ngữ hiện đại gọi là “làm việc”. Làm việc không đơn giản là cách để nhận công. “Làm việc” ở đây là hết lòng vào công việc, lao động hết sức mình với “nhất tâm bấn loạn” để xây dựng trái tim, linh hồn, nhân cách. Hễ còn sống thì không ngừng tinh tiến. Nếu chỉ sống thờ ơ, gặp đâu hay đấy, không có cái nhìn xuyên suốt thì gặp sự cố không thể có phán đoán, hành xử đúng đắn. Đây là điểm rất quan trọng với những người đứng ở vị trí đưa ra quyết định như nhà lãnh đạo kinh doanh.

Kỳ vọng: Gia đình, sở làm, công ty, xã hội, quốc gia, tùy vào trái tim của những người cấu tạo nên mà những tập thể này khác nhau. Nếu người sống ở đó chỉ biết nghĩ đến mình thì tình hình nhiễu nhương, nếu họ có trái tim biết nghĩ đến người khác thì sẽ có một xã hội thịnh vượng. Tình trạng xã hội là tấm gương phản chiếu trái tim con người. Sự phát triển bền vững của công ty, nền kinh tế hay tương lai tươi sáng, yên bình của một xã hội, quốc gia đều bắt đầu từ việc mài giũa tâm hồn của mỗi chúng ta.

“…Tôi nhớ đến một người Nhật cao quý có tâm hồn cao đẹp, trái tim nồng ấm vô ngần. Đó là Saigo Makamori. Chính cách sống, cách nghĩ của Saigo đã khơi nguồn cho vẻ đẹp và sự cao quý vốn có của người Nhật …” Với tâm huyết của một người miệt mài trên con người tuyên truyền thái độ sống đẹp, Inamori mong sao có nhiều độc giả có thể đi trên “vương đạo cuộc đời” tuyệt vời của mình sau khi tiếp xúc với những lời vàng ngọc của Saigo trong “Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế”.

Share This Post!