Tác giả Đào Trinh Nhất (1900 – 1951) là một học giả, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, chính trị, xã hội tài năng. Trong 30 năm cầm bút, ông đã để lại khá nhiều tác phẩm tiêu biểu như: Việt sử giai thoại (1934), Phan Đình Phùng – một vị anh hùng có quan hệ đến lịch sử hiện thời (1936), Việt Nam Tây thuộc sử (1937), Đông Kinh Nghĩa Thục (1938),….v.v. Trên cương vị là một nhà nghiên cứu lịch sử, lập trường của ông thể hiện ở lập trường trông người để nghĩ cho mình, hiểu người để bảo vệ mình. Biết cái tài để học hỏi, rõ cái dở để tránh xa, đó là tôn chỉ mà ông luôn theo trong suốt sự nghiệp nghiên cứu của mình, thể hiện rõ qua tác phẩm “Nhật Bản Duy tân 30 năm”.
Được coi là tư liệu quý giá về Nhật Bản cuối thế kỉ XVIII – đầu thế kỉ XIX, cuốn sách sẽ đưa người đọc vào công cuộc cải cách Minh Trị vào năm 1868, thời điểm mang tính bước ngoặt cho việc xây dựng một nhà nước Nhật Bản hiện đại. Khi hoàng đế Minh Trị được trả lại vị trí người đứng đầu Nhật Bản năm 1868, nước Nhật có nền quốc phòng vô cùng yếu kém, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp cùng nền khoa học kĩ thuật lạc hậu, với bộ máy chính quyền được cai quản bởi Tướng quân (Shogun) và hàng trăm lãnh chúa tại các lãnh địa bán tự trị. Chỉ trong vòng 30 năm thực hiện cuộc cải cách, Nhật Bản đã xây dựng được một chính phủ tập quyền, được bầu và hoạt động dựa trên Hiến Pháp 1889, xóa bỏ hoàn toàn hệ thống phân cấp xã hội của chế độ phong kiến. Nền công nghiệp được đẩy mạnh và phát triển nhanh chóng dựa trên công nghệ tân tiến bậc nhất của phương Tây, tạo bàn đạp xây dựng lực lượng quân đội thiện chiến. Đối với những học giả như Đào Trinh Nhất, sự chuyển mình thành công của Nhật Bản đã đặt ra những câu hỏi lớn về nguyên nhân và cách thức quốc gia này áp dụng hệ thống kinh tế – chính trị – xã hội của phương Tây trong khoảng thời gian ngắn đến như vậy.
“Tóm lại, dân tộc Nhật Bản trước hết nhờ sự tin tưởng mình là Thần quốc mà được bền bỉ lâu dài, ai nấy có óc tự tôn, xưa nay không bị ngoại hoạn; lại nhờ có địa lý nung nấu cho dân tộc có nhiều tính chất tốt; sau hết nhờ chế độ phong kiến đắp đổi đã thao luyện tinh thần trí hóa cho họ; ấy là ba cái đặc sắc của họ có đã lâu đời, làm căn bản sẵn sàng, cho nên đến khi gặp thời thế, phong trào mới thúc giục, tự nhiên họ tấn hóa tự tin được mau lẹ tốt đẹp vậy.”
Trong một nỗ lực để đoàn kết nước Nhật trong nỗ lực đối phó với những thách thức đến từ phương Tây, các lãnh đạo của phong trào Minh Trị duy tân đã định hướng tư tưởng của dân chúng hướng về Hoàng đế. Tuy Hoàng đế Minh Trị có rất ít quyền lực chính trị, ngài vẫn được coi là một biểu tượng văn hóa và sự tiếp nối của lịch sử. Là người đứng đầu Thần đạo, quốc giáo của Nhật Bản, hoàng đế được coi là hậu duệ của thần. Người dân rất hiếm khi được tận mắt diện kiến hoàng đế, nhưng họ sẵn sàng tuân theo mọi mệnh lệnh của ngài không chút do dự. Trên thực tế, những chỉ thị của Minh Trị có sự ảnh hưởng lớn bởi nhóm các “cố vấn” của ngài, các lãnh đạo của phong trào, chịu trách nhiệm vạch ra và thực hiện các chính sách cải cách dưới tên hoàng đế, mà nổi bật nhất là bộ ba Duy tân tam kiệt: Saigo Takamori, Okubo Toshimichi và Kido Takayoshi. Bên cạnh việc phân tích sự thay đổi chóng mặt của Nhật Bản, tác giả Đào Trinh Nhất cũng đặt các quốc gia khác cùng khu vực như Trung Quốc, Việt Nam… lên đối chiếu, từ đó rút ra kết luận cho việc vì sao các quốc gia này không thể đạt được bước tiến nhanh chóng như Nhật Bản. Cuốn sách còn thể hiện lòng thiết tha mong muốn dân tộc Việt Nam biết học tập theo tấm gương Nhật Bản để xây dựng đất nước độc lập và hùng cường.
“Muốn thì được; thật người Nhật đã biết muốn văn minh, quyết lòng tự cường, họ đã được văn minh tự cường đó. Bao nhiêu ý chí và nghị lực của con người ta, phô bày ra một mực rất cao. Chính họ đã treo lên lớn bự chói lòa một tấm gương “sống chết tự mình” cho tất cả những quốc gia suy vi, những dân tộc hậu tấn trong thiên hạ cùng soi, nên soi! Vậy thì cuốn sách này chính là một cuốn sách nên viết ra; mà viết ra chắc không đến nỗi vô ích cho quốc nhân đồng bào thì phải.”