“Phúc ông tự truyện” là cuốn sách kể lại cuộc đời, sự nghiệp của một người đã đóng vai trò quan trọng trong việc đặt nền móng cho nước Nhật ngày nay – Fukuzawa Yukichi.

Fukuzawa Yukichi ra đời năm 1835, giữa một nước Nhật vẫn đang thuộc chế độ phong kiến với đầy rẫy những quan niệm, hủ tục cứng nhắc, định kiến và tách biệt hoàn toàn với phần còn lại của thế giới bởi chính sách Tỏa Quốc (Sakoku). Tới khi ông qua đời năm 1905, Nhật Bản đã vươn lên trở thành nước công nghiệp hóa hiện đại, sẵn sàng bước lên sánh vai cùng các đế chế Tây phương. 

Được chắp bút bởi chính tác giả Fukuzawa Yukichi, “Phúc ông tự truyện” đem đến cho người đọc góc nhìn đầy cá tính của tác giả, về khao khát theo đuổi tri thức không ngừng nghỉ, mong muốn chấn hưng Nhật Bản và niềm tin không gì lay chuyển về chủ nghĩa cá nhân và tự lực tự cường.

Mở đầu bằng lời gợi nhắc về xuất thân của mình – đứa con út của một võ sĩ samurai cấp thấp ở Nakatsu, thời thơ ấu của cậu bé Fukuzawa trải qua đầy những sóng gió gian khổ. Ở cái xã hội này, dường như một người có rất ít cơ hội để vượt lên khỏi tầng lớp xã hội của mình, vốn đã tròng vào cổ mỗi người từ khi sinh ra. Fukuzawa nhận ra rằng, chỉ có giáo dục mới có thể là cách thoát khỏi nghèo khổ và nâng tầm con người. Khát vọng ấy đã dẫn lối cho ông theo học những người Hà Lan, mở ra con đường tiếp cận tri thức phương Tây, mà về sau đã trở thành ngã rẽ quan trọng trong cuộc đời tác giả. Fukuzawa dần nhận ra khoảng cách to lớn giữa Nhật Bản và Tây phương về khoa học công nghệ cũng như thể chế chính trị. Nhận thức được điều này, ông nung nấu ý định trở thành cầu nối giữa Nhật Bản và phương Tây, một nhiệm vụ mà ông phấn đấu theo đuổi cả đời cho sự chuyển mình của nước Nhật hiện đại. Fukuzawa thẳng thừng chỉ trích những phong tục, giá trị truyền thống mà ông cho rằng đã lỗi thời, đổ lỗi cho chính quyền phong kiến thời bấy giờ. Nhận ra nền tảng của một nước Nhật hiện đại phải dựa trên những giá trị về quyền bình đẳng và tự do của mỗi cá nhân, ông đã ra sức ủng hộ việc xóa bỏ chế độ  phân biệt đẳng cấp trong xã hội. Ở phần sau của cuốn tự truyện, tác giả đưa ra những phân tích chi tiết của mình về ưu nhược điểm của mô hình xã hội phương Tây, từ đó Fukuzawa cho rằng nước Nhật tuy nên học hỏi theo phương Tây, nhưng vẫn cần giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc một cách hài hòa. Ngoài ra, tác giả cũng chia sẻ những trải nghiệm độc nhất của mình về những cuộc gặp gỡ các quan chức Mạc Phủ, sứ giả nước ngoài, những học giả, đem đến cho người đọc cái nhìn thoáng qua về tình hình chính trị – xã hội Nhật Bản thời kỳ Minh Trị. 

Với 15 chương, mỗi chương là tập hợp của những câu chuyện nhỏ, người đọc sẽ dần hình dung được cốt cách và tư tưởng của một trong những nhân vật có sức ảnh hưởng bậc nhất tại xứ Phù Tang thế kỉ XIX.

Share This Post!