Du xuân hái lộc, ngắm cảnh, lễ chùa, trẩy hội … những nét văn hoá truyền thống của người Việt trong những ngày đầu xuân. Theo tín ngưỡng dân gian, việc đến chùa lễ Phật đầu năm để cầu sự bình an, may mắn và thành công cho năm mới.
Ở chùa Dâu, Bắc Ninh những ngày đầu năm cũng khá đông người dân địa phương và du khách tới thăm và lễ chùa. Các học viên chương trình Giáo dục khai phóng – Libero, Đào tạo quản lý – NeoManager, Phát triển lãnh đạo – NeoLeader là một phần trong số đó.
Nhân dịp đầu xuân năm mới, Viện Libero đã kết hợp với Học viện Agile tổ chức một chuyến du xuân về miền di tích chùa Dâu với mục đích tìm hiểu lịch sử Phật giáo tại ngôi chùa cổ nhất Việt Nam. Đây không chỉ là một chuyến đi thực tế trong khuôn khổ sinh hoạt cộng đồng bên lề lớp học, nó còn là một dịp trải nghiệm những nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam, dưới sự dẫn dắt của nhà nghiên cứu Phật học – Giảng sư Thiền Phong TS. Phạm Văn Tuấn.
Nói về thầy Tuấn, anh là nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa Phật giáo, đồng thời đã nhiều năm sống trong các tự viện trong nước cũng như đi đến nhiều nước để tìm hiểu văn hóa tín ngưỡng bản địa. Anh không chỉ có tiếng trong giới nghiên cứu văn học, văn hóa Phật giáo mà còn trong giới thư pháp và nghệ thuật đương đại.
Trong chuyến hành trình về chùa Dâu, anh Tuấn đã có những chia sẻ vô cùng thú vị.
Điểm đặc biệt nhất trong chuyến du xuân lần này, có lẽ là việc các học viên có sự tìm hiểu trước tài liệu “Việt Nam Phật giáo sử luận” (Thích Nhất Hạnh, xuất bản lần đầu tiên năm 1986) do thầy Tuấn giới thiệu. Theo anh Lê Huy Long, học viên Libero22 chia sẻ: “Khi đã có một số chuẩn bị trước, bạn hoàn toàn có thể đi tham quan ngôi Chùa để mở ra nhiều vùng hiểu biết mới như các kết cấu khác với những gì bạn đang hiểu, những điểm hoa văn hay vật liệu đặc sắc được giữ gìn qua các thời kỳ, hay tìm hiểu sâu hơn về các câu chuyện dân gian, tín ngưỡng và văn hóa nơi đây.”
Chùa Dâu đã được coi là ngôi chùa có lịch sử lâu đời, là trung tâm Phật giáo cổ nhất tại Việt Nam – khởi công xây dựng năm 187 và hoàn thành năm 226. Đây là một danh lam bậc nhất xứ kinh Bắc xưa nay, với lịch sử hình thành sớm nhất Việt Nam. Chùa cũng đã trải qua những lần tu sửa, xây dựng lại từ thời Trần, thời Lê, thời Nguyễn và thời gian gần đây; dù các dấu tích ban đầu không còn nhưng đây cũng là ngôi chùa hiếm hoi còn lưu giữ lại được nhiều kiến trúc, cấu kiện, hiện vật lịch sử quan trọng.
Chùa nằm ở vùng Dâu (thời thuộc Hán gọi là Luy Lâu) – được xây dựng bên dòng sông Dâu. Tại vùng Dâu có năm ngôi chùa cổ: chùa Dâu thờ Pháp Vân (thần mây), chùa Dậu thờ Pháp Vũ (thần mưa), chùa Tướng thờ Pháp Lôi (thần sấm), chùa Dàn thờ Pháp Điện (thần chớp) và chùa Tổ thờ Man Nương – là mẹ của Tứ Pháp. Hệ thống các chùa thờ Tứ Pháp chạy dọc sông Dâu xuống Hưng Yên, đổ ra Nam Sách và về sông Lục Đầu xuống Thái Bình. Xưa kia, việc di chuyển bằng đường bộ khó khăn nên đường thuỷ khá phát triển, sông Dâu xưa kia cũng là một con sông lớn – là một nhánh nối từ sông Cầu sang sông Hồng. Các nhà sư Ấn Độ đi qua vùng Dâu (Ái Châu), theo tuyến Sông Hồng, qua Lệ Giang, Đại Lý, Nam Chiếu lên Tây Tạng. Vào cuối thế kỷ VI, nhà sư Tì-ni-đa-lưu-chi đến chùa này, lập nên một phái Thiền ở Việt Nam.
Chùa Dâu được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc” 国. Hiểu đơn giản thì được xây dưng dựng với bốn dãy nhà liên thông thành hình chữ nhật bao quanh ba ngôi nhà chính: Tiền đường, thiêu hương và thượng điện. Dãy nhà đầu tiên khi qua cửa Tam quan là Tiền tế, bước qua Tiền tế là tháp Hoà Phong.
Hoà Phong Tháp được xây dựng bằng loại gạch cỡ lớn ngày xưa, được nung thủ công. Chân tháp vuông, tầng dưới có 4 cửa vòng; trong tháp có treo một bên chuông, một bên khánh. Đặc biệt trong tháp có tượng Tứ đại Thiên Vương khâm trực, trong văn hoá chùa của Việt Nam thì tượng tứ Thiên vương cũng khá phổ biến nhưng thường được đặt trong nội viện, còn ở chùa Dâu thì được đặt ngay ở tháp chính giữa – trục chính cho người đi qua để vào tiền đường. Đây có lẽ là điều khá đặc biệt trong kiến trúc cổ còn lưu lại ở Việt Nam.
Trước tháp Hoà Phong, một bên có bia đá, một bên có tượng cừu đá. Điều thú vị ở tượng cừu đá cổ này có niên đại thời nhà Hán, được mang từ lăng Sĩ Nhiếp (gần đó) về. Đây là 1 trong 2 con cừu đá có niên đại gần 2000 năm còn lưu lại ở Việt Nam. Có nhiều ý kiến cho rằng tượng con cừu là ảnh hưởng từ phật giáo Tây Tạng – được thủ mộ, bảo hộ cho không gian di tích.
Tiền đường của chùa Dâu đặt tượng Hộ pháp, tám vị Kim Cương. Gian thiêu hương đặt tượng Cửu Long, hai bên có tượng các vị Diêm Vương, Tam châu Thái tử, Mạc Đĩnh Chi. Thượng điện để tượng bà Dâu (Pháp Vân), Bà Đậu (Pháp Vũ) và các hầu cận. Các pho tượng Bồ Tát, Tam thế, Đức ông, Thánh tăng được đặt ở phần hậu điện phía sau chùa chính.
Một trong những điểm nổi bật của chùa Dâu là những pho tượng rất đẹp, những hoạ tiết hoa văn trên văn bia còn lưu lại từ thời Lê, Nguyễn. Hệ thống ván khắc mộc ghi lại truyền thuyết Man Nương, ghi lại việc thờ tự, tục thờ cúng Long Vương thần Nông nghiệp đặc trưng của nền văn hoá lúa nước. Những hệ thống kèo, cột, văn bia, các hoạ tiết từ thời Lê còn được lưu trữ rất nhiều trong kiến trúc của chùa.
Rất hiếm ngôi chùa nào có nhiều pho tượng đẹp như ở chùa Dâu: tượng tám vị Kim Cương làm bằng đất, rất đẹp với da rạn hiếm thấy còn được bảo tồn; hai pho tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ – hai vị thị giả của Pháp Vân với tỷ lệ cân đối, tạo hình hài hoà, đặc biệt là trang phục lá bối rất lạ – cũng được rất nhiều nhà cổ phục tìm hiểu. Đây có lẽ là hai pho tượng thị nữ đẹp nhất trong hệ thống tượng hiện có ở Việt Nam. Bức tượng gỗ Thái Tử Kỳ Đà ở chùa Dâu được chạm khắc rất tinh vi, với mũ, miện áo giáp và da rạn cũng rất đẹp – đây là một bức tượng nổi tiếng của nước ta.
Ở gian giữa chùa có tượng Bà Dâu (hay là tượng Pháp Vân), uy nghi, trầm mặc màu đồng hun, cao gần 2m được bày chính giữa. Tượng có khuôn mặt đẹp với chấm giữa trán gợi liên tưởng tới văn hoá Ấn Độ. Phía trước là một khám gỗ, bên trong đặt Thạch Quang Phật – tương truyền là em út của Tứ pháp, hay khối đá trong cây Dung Thụ. Bên cạnh là tượng Bà Đậu (Pháp Vũ) cũng được đưa về từ chùa Đậu – do chùa bị phá huỷ từ thời kháng chiến chống Pháp. Tượng Pháp Vũ có những nét thuần Việt, đức độ, cao cả. Những tượng này thì hầu hết có niên đại từ thế kỷ XVIII, nhiều tác phẩm được coi là mẫu mực của nghệ thuật điêu khắc cổ của Việt Nam.
Khác với nhiều ngôi chùa khác bài trí theo kết cấu “tiền Phật hậu Thánh” (tức là đặt Khu thờ Phật ở phía trước và lớn hơn so với khu thờ Thánh), kết cấu của chùa Dâu thì ngược lại – “tiền Thánh hậu Phật”. Cấu trúc này có lẽ cũng đến từ những biến đổi văn hoá xứ Kinh bắc xưa. Khi chùa được xây dựng lại vào năm 1313, vua Trần Anh Tông đã sai Mạc Đĩnh Chi về kiến thiết lại chùa Dâu thành chùa trăm gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp. Lễ hội cũng bắt đầu xuất hiện sau khoảng thế kỷ XIII, XIV khi dòng thiền với 19 đời đã mờ nhạt, vào trò của tổ đình – khai tràng thuyết pháp nhường ngôi cho các tín ngưỡng dân gian, đặc trưng với văn hoá vùng miền – coi các vị thần của địa phương là các vị thánh.
Không gian phía sau của chùa là nơi thờ Phật, nhà Tăng (- nơi thờ các vị trụ trì của chùa) và vườn Tháp (gồm 8 tháp – nơi yên nghỉ của các vị sư từng tu tại chùa. Có niên đại từ thế kỷ XIV tới thế kỷ XIX).
Phía sau chùa cũng có một hồ nước nhỏ, xung quanh có nhiều cây xanh, không gian thoáng mát.
Đi chùa, ngoài niềm tin tôn giáo thì chúng ta cũng có cơ hội thấy các hiện vật lịch sử văn hoá đang tồn tại thế nào, các văn hiến học đang tồn tại ra sao, thấy các cấu kiện, hoa văn thời Lê – thời Lý – thời Trần – thời Nguyễn đươc làm thủ công với kỹ xảo rất tinh vi như thế nào.
Chuyến đi thực tế tại chùa Dâu là một cơ hội để cộng đồng học viên làm quen, cùng tìm hiểu nhiều hơn về di tích, hiểu hơn về văn hoá lịch sử dân tộc Việt Nam.
Câu chuyện có lẽ sẽ dừng lại ở đây, nếu không có tình huống thú vị nhưng éo le mà anh Trần Ngọc Tân, cựu học viên NeoManager, học viên Libero22 bật mí: “Đoàn mình đang nghe thầy Tuấn giới thiệu về 2 bức tượng gọi là “Bà Đỏ”, và “Bà Trắng”, Bà Trắng là Mẹ đẻ, Bà Đỏ là vú nuôi của chúa An Đô vương Trịnh Cương (1729- 1740) thì có một chị Hướng dẫn viên du lịch giới thiệu với một đoàn khách gần đấy rằng: “Đây là tượng 2 chị em”. Ngay lúc đó mình đã định chạy lên và đính chính thông tin ấy, nhưng mà do chị ấy hướng dẫn nhanh quá nên chưa kịp đính chính thì đoàn khách đã đi mất.
Ngẫm lại, trước đây mình cũng đã từng đi du lịch và khi nghe hướng dẫn viên du lịch giới thiệu về các di tích, mình cũng như đoàn khách kia, chỉ biết gật gù, thấy ngạc nhiên… Nhưng chợt nhận ra, chắc gì những cái mình được nghe đã là đúng! Giới trẻ hiện nay càng ngày càng không nắm rõ lịch sử của dân tộc, có chăng là do sự tắc trách, thiếu trách nhiệm của những người “Hướng dẫn lịch sử” như chị hướng dẫn viên kia, và cũng là sự thiếu trách nhiệm của nhưng người tiếp nhận thông tin lịch sử.
Vậy nên sau chuyến du xuân này, bản thân mình cảm thấy phải ý thức hơn trong việc học lịch sử. Bởi lẽ nếu như đến một di tích lịch sử của Việt Nam mà mình còn không hiểu nó có gì hay, cái gì là đúng cái gì là sai…thì chuyến đi đó có lãng phí hay không? Mình rút được một kinh nghiệm, đó là trước khi đi đâu, thăm quan đâu, chúng ta đều cần tìm hiểu kĩ về khu vực đó, để chuyến đi có ý nghĩa hơn và đặc biệt “Đi Chùa có trách nhiệm”.”
Cũng trong chuyến đi này, đoàn đã có cơ hội tham quan chùa Phi Tướng, đền Sỹ Nhiếp – các địa điểm đều có thể đi bộ từ chùa Dâu. Đây cũng có thể coi là một lịch trình gợi ý cho các đoàn nhân dịp ghé thăm chùa Dâu.
Vũ Văn Vịnh
CTO Công ty TNHH Relipa,
Học viên Libero22.