Vào ngày 14/7/1930, tại nhà riêng của mình ở ngoại ô Berlin, Albert Einstein đã tiếp đón nhà thơ, triết gia và nhạc sĩ người Ấn Độ Rabindranath Tagore. Hai người đã có một cuộc trò chuyện trí tuệ hấp dẫn bậc nhất trong lịch sử, khám phá sự va chạm lâu đời giữa khoa học và tôn giáo.
Đoạn sau trích từ cuộc trò chuyện này giữa Einstein và Tagore với những suy ngẫm bậc thầy về sự tồn tại của con người.
EINSTEIN: Ngài có tin vào Đấng linh thiêng tồn tại tách biệt với thế giới không?
TAGORE: Không tách biệt. Nhân cách vô biên của con người hiểu thấu cả Vũ trụ. Không có gì là hoàn toàn tách biệt khỏi con người và điều này chứng minh rằng Chân lý của Vũ trụ là Chân lý của Con người.
Tôi lấy một ví dụ khoa học để làm rõ hơn điều này – Vật chất được tạo thành từ các hạt proton và electron, với các khoảng rỗng giữa chúng nhưng vật chất nhìn lại có vẻ rắn chắc. Tương tự, nhân loại được tạo thành từ những cá nhân, nhưng các cá nhân cũng được liên kết với nhau thông qua các mối quan hệ, điều này mang lại sự thống nhất sống động cho nhân loại. Toàn bộ vũ trụ cũng được kết nối với chúng ta theo cách tương tự, đó là vũ trụ của con người. Tôi đã đeo đuổi ý tưởng này thông qua nghệ thuật, văn học và ý thức tôn giáo của con người.
EINSTEIN: Có hai quan điểm khác nhau về bản chất của vũ trụ: (1) Thế giới là một thể thống nhất phụ thuộc vào con người. (2) Thế giới là một thực tại độc lập với con người.
TAGORE: Khi vũ trụ và Con người hòa hợp, cái vĩnh hằng, ta nhận ra đó là Chân lý và ta cảm nhận đó là cái đẹp.
EINSTEIN: Đó chỉ là quan điểm nhận thức thuần túy của con người về vũ trụ.
TAGORE: Không có quan niệm nào khác. Thế giới này là của con người – cái nhìn khoa học về thế giới cũng là cái nhìn của con người khoa học. Có những tiêu chuẩn về lý trí và xúc cảm để nó trở thành Chân lý, và đó là tiêu chuẩn của Con người vĩnh hằng, trải nghiệm của Con người Vĩnh hằng chính là thông qua trải nghiệm của chúng ta.
EINSTEIN: Đây là một nhận thức về thực thể con người.
TAGORE: Phải, một thực thể vĩnh hằng. Chúng ta nhận ra điều đó thông qua cảm xúc và hoạt động của chúng ta. Chúng ta nhận ra Con người tối cao, vượt ra ngoài giới hạn của con người cá nhân. Khoa học quan tâm đến thế giới Chân lý khách quan, không bị giới hạn bởi quan điểm cá nhân, đó là một thế giới phi cá nhân. Tôn giáo nhận ra những Chân lý này và kết nối chúng với những nhu cầu sâu xa của con người; ý thức cá nhân của chúng ta về Chân lý đạt được ý nghĩa phổ quát. Tôn giáo đưa các giá trị vào Chân lý và cho chúng ta biết Chân lý nào là tốt thông qua sự hòa hợp của Chân lý với chúng ta.
EINSTEIN: Vậy thì Chân lý hay Cái đẹp đều không tồn tại độc lập với Con người?
TAGORE: Không.
EINSTEIN: Nếu không còn con người nữa thì Apollo của Belvedere sẽ không còn đẹp nữa.
TAGORE: Không.
EINSTEIN: Tôi đồng ý với quan niệm về Cái đẹp, nhưng không đồng ý với quan niệm về Chân lý.
TAGORE: Tại sao không? Chân lý được nhận thức bởi con người.
EINSTEIN: Tôi không thể chứng minh rằng quan niệm của tôi là đúng, nhưng đó là tôn giáo của tôi.
TAGORE: Cái đẹp là lý tưởng về sự hài hòa hoàn hảo trong Bản thể phổ quát; Chân lý là lý tưởng về sự hiểu biết hoàn hảo về Trí tuệ phổ quát. Chúng ta, những cá nhân, tiếp cận nó thông qua những sai lầm cả lớn và nhỏ của chính mình, thông qua những trải nghiệm tích lũy và thông qua ý thức được soi sáng của chúng ta – bằng không, làm thế nào chúng ta có thể biết Chân lý?
EINSTEIN: Tôi không thể chứng minh một cách khoa học rằng Chân lý tồn tại độc lập với con người; nhưng tôi tin chắc vào điều đó. Tôi tin rằng định lý Pythagore trong hình học chẳng hạn, là đúng ngay cả khi không có con người để hiểu nó. Dù sao, nếu có một hiện thực tồn tại độc lập với con người, thì cũng có một Chân lý tương đối về hiện thực đó và cũng theo cách lý giải đó, phủ nhận sự tồn tại cái trước kéo theo phủ nhận sự tồn tại của cái sau.
TAGORE: Chân lý, chính là Bản thể phổ quát, về bản chất là của con người, nếu không thì bất cứ điều gì cá nhân chúng ta nhận ra là đúng không bao giờ có thể được gọi là chân lý – ít nhất là đối với Chân lý được mô tả khoa học, chỉ có thể đạt được thông qua quá trình logic, hay nói cách khác, thông qua suy nghĩ là con người. Theo triết học Ấn Độ, Brahman hay Chân lý tuyệt đối, không thể được nhận thức bởi tâm trí cá nhân riêng biệt hay mô tả bằng ngôn ngữ mà chỉ có thể được nhận ra bằng cách hoàn toàn hợp nhất cá nhân trong sự vô tận của nó. Nhưng Chân lý đó không thể thuộc về Khoa học. Bản chất của Chân lý mà chúng ta đang thảo luận là vẻ bề ngoài – nghĩa là, những gì chúng ta nhận thức được là một chân lý được lọc qua tâm trí con người, bởi vậy thuộc về con người và có thể được gọi là maya hay ảo tưởng.
EINSTEIN: Vì vậy, theo quan niệm của ngài, mà có thể là quan niệm của người Ấn Độ, Chân lý không phải là ảo tưởng của cá nhân, mà là của toàn thể nhân loại.
TAGORE: Các loài đều thuộc về một thể thống nhất, là nhân loại. Do vậy, tâm trí toàn bộ con người nhận thức được Chân lý thì người Ấn Độ hay người châu Âu đều chung nhận thức đó.
EINSTEIN: Từ loài được sử dụng trong tiếng Đức để chỉ tất cả loài người, thậm chí ngay cả loài vượn và ếch cũng thuộc về loài đó.
TAGORE: Trong khoa học, chúng ta trải qua kỷ luật loại bỏ những giới hạn trí tuệ cá nhân để đạt được sự hiểu biết khách quan hơn về Chân lý, vốn có trong trí tuệ của Con người phổ quát.
EINSTEIN: Vấn đề bắt đầu là liệu Chân lý có tồn tại độc lập với ý thức của chúng ta hay không.
TAGORE: Cái mà chúng ta gọi là chân lý nằm trong sự hài hòa hợp lý giữa khía cạnh chủ quan và khách quan của thực tại, cả hai đều thuộc về Con người siêu cá nhân.
EINSTEIN: Ngay cả trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cảm thấy bắt buộc phải gán cho những đồ vật chúng ta sử dụng một thực tại độc lập với chúng ta. Chúng ta làm như vậy để kết nối những trải nghiệm của các giác quan một cách hợp lý. Chẳng hạn, nếu không có ai ở trong ngôi nhà này, nhưng cái bàn đó vẫn ở nguyên vị trí của nó.
TAGORE: Vâng, nó vẫn ở ngoài tâm trí cá nhân, nhưng không nằm ngoài tâm trí phổ quát. Cái bàn mà chúng ta nhận biết được vốn có thể nhận biết được bởi ý thức mà chúng ta.
EINSTEIN: Nếu không có ai ở trong nhà thì chiếc bàn vẫn tồn tại như vậy – nhưng điều này lại không đúng theo quan điểm của ngài – bởi vì chúng ta không thể giải thích ý nghĩa của việc chiếc bàn ở đó, độc lập với chúng ta.
Không thể lý giải hay chứng minh quan điểm tự nhiên của chúng ta về sự tồn tại của chân lý độc lập với con người, nhưng đó là niềm tin của tất cả chúng ta – kể cả những sinh vật nguyên thủy. Chúng ta gán cho Chân lý một tính siêu khách quan; không thể thiếu đối với chúng ta, độc lập với sự tồn tại, trải nghiệm và tâm trí của chúng ta – mặc dù chúng ta không thể nói lên ý nghĩa của nó.
TAGORE: Khoa học đã chứng minh rằng cái bàn là một vật rắn, đó là hình dạng bên ngoài và do đó, cái mà tâm trí con người nhận thức là cái bàn sẽ không tồn tại nếu tâm trí không coi là vậy. Đồng thời cũng phải thừa nhận thực tế rằng, vật chất cuối cùng cũng chỉ là vô số các tâm lực điện quay riêng biệt, và đó cũng là sản phẩm của trí óc con người.
Trong sự hiểu biết về Chân lý, có một cuộc xung đột vĩnh cửu giữa tâm trí phổ quát và tâm trí bị giới hạn trong cá nhân. Quá trình hòa giải vô tận được thực hiện trong khoa học, triết học và trong đạo đức của chúng ta. Trong mọi trường hợp, nếu có bất kỳ Chân lý nào hoàn toàn không liên quan đến con người thì đối với chúng ta, nó hoàn toàn không tồn tại.
Không khó để hình dung một tâm trí mà chuỗi sự việc xảy ra không phải trong không gian mà chỉ trong thời gian giống như chuỗi nốt nhạc trong âm nhạc. Đối với một tâm trí như vậy, hình học Pythagore không thể có ý nghĩa gì. Hiện thực về tờ giấy hoàn toàn khác với hiện thực về văn học. Trong tâm trí của con sâu bướm ăn giấy thì văn học hoàn toàn không tồn tại, nhưng trong tâm trí của con người, văn học có giá trị Chân lý lớn hơn bản thân tờ giấy. Tương tự như vậy, nếu có một Chân lý nào đó mà tâm trí con người không nhận thức hoặc hiểu được, thì nó sẽ mãi mãi là vô nghĩa đối với con người.
EINSTEIN: Vậy thì tôi sùng đạo hơn ngài!
TAGORE: Tôn giáo của tôi nằm trong sự giao hòa của Con người siêu cá nhân, tâm trí nhân loại phổ quát và trong bản thể cá nhân của chính tôi.