“Quản trị là một lĩnh vực khai phóng – bởi vì nó phải làm việc với những thứ cơ bản về tri thức, sự tự nhận thức, sự khôn ngoan, và lãnh đạo; nó là lĩnh vực thực hành và ứng dụng.” – Đó là nhận định của Peter Drucker, người được coi là cha đẻ của ngành Quản trị kinh doanh hiện đại.
Xuất phát từ nhận định này, ta có thể đặt ra một loạt các câu hỏi như: Giáo dục khai phóng giúp gì được cho những nhà quản trị? Yếu tố khai phóng có đem lại thành công bền vững trong kinh doanh?
Trả lời cho câu hỏi đầu tiên, chúng ta xét về lợi ích của giáo dục khai phóng.
Giáo dục khai phóng bồi đắp nền tảng chân – thiện – mỹ, ba giá trị phổ quát mà bất cứ nền giáo dục nào cũng hướng tới. “Chân” trong “chân thật”, “chân lý”, con người hướng tới chân tức là hướng tới sự thật khách quan, những giá trị đúng đắn. “Thiện” là “tốt”, trái nghĩa với “ác”, là phẩm chất đạo đức tốt đẹp cần được hình thành qua giáo dục. “Mỹ” hay “cái đẹp”, tức là bồi dưỡng năng lực thẩm mĩ, năng lực cảm thụ nghệ thuật. Rõ ràng, nếu chỉ trang bị kiến thức thôi chưa đủ, giáo dục phải giúp con người ta phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực.
Giáo dục khai phóng cải thiện khả năng tư duy của con người. Giáo dục khai phóng dạy cho người học cách lĩnh hội kiến thức chủ động, cách tích cực phản tư, nhạy bén trong việc tìm kiếm giải pháp xử lý tình huống. Thông qua các trải nghiệm học tập thú vị, người học có thể rèn luyện tư duy đa chiều, mạnh dạn trao đổi và phản biện lẫn nhau để cùng phát triển.
“Tri thức là sức mạnh”. Sức mạnh của tri thức là khả năng làm thay đổi thế giới thông qua sự vận dụng tri thức của con người trong các hoạt động nghiên cứu, lao động và sản xuất. Giáo dục khai phóng lấy đây làm nền tảng, tạo động lực cho người học rèn luyện trí nghĩ, sáng tạo cái mới.
Là những người đóng vai trò “dẫn dắt” trong doanh nghiệp, các nhà quản trị không chỉ là những người giỏi chuyên môn mà họ còn cần có chiều sâu về văn hóa, tính nhân bản, tinh thần dân tộc, thái độ tích cực với cuộc sống, những đức tính xứng đáng làm gương cho nhân viên. Người học giáo dục khai phóng quyết định cuộc đời mình muốn sống, sáng tạo ra số phận, làm chủ số phận.
Không chỉ cần có tư duy và phẩm chất tiên phong, tinh thần khai phóng nếu được kết hợp với tố chất lãnh đạo sẽ tạo nên một thế hệ quản trị mới, những người thuộc tầng lớp “quý tộc tự nhiên”, những người thạo chuyện làm kinh tế nhưng cũng không quên chú ý đến đời sống tinh thần, đời sống văn hóa, chính trị, xã hội.
“Quản trị là một lĩnh vực khai phóng (liberal art) – bởi vì nó phải làm việc với những thứ cơ bản về tri thức, sự tự nhận thức sự khôn ngoan, và lãnh đạo; nó là lĩnh vực thực hành và ứng dụng.
Nhà quản trị học hỏi các tri thức từ các lĩnh vực liên quan đến con người và các khoa học xã hội từ tâm lí học, triết học, kinh tế học, lịch sử, cả khoa học tự nhiên cũng như luận lí học.
Họ phải tập trung vào những tri thức về sự hiệu quả và mang lại kết quả – chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân, dạy cho học sinh xây nên những cây cầu.”
_Peter Drucker (1909 – 2005)_
Học tập theo triết lí giáo dục khai phóng, nhà quản trị được mở mang đầu óc, mở rộng tầm nhìn, rèn luyện khả năng tư duy, thúc đẩy tinh thần trách nhiệm và dấn thân. Không phải sự xuất sắc trong điều hành hay các mô hình kinh doanh mới thúc đẩy thành công dài hạn trong kinh doanh của các công ty, yếu tố quan trọng nhất, theo Gary Hamel là sự đổi mới quản trị.
Đổi mới quản trị ở DEHA Việt Nam là một câu chuyện như thế.
Mong muốn vượt thoát khỏi lối nghĩ và làm mang dáng dấp “kinh nghiệm chủ nghĩa”, tập trung học “tư duy” để rèn giũa kỹ năng, bồi dưỡng năng lực tự học thông qua việc tự học và thực hành trên những vấn đề cụ thể, các lãnh đạo cấp cao của công ty Cổ phần DEHA Việt Nam đã tham gia vào một hành trình phát triển năng lực theo triết lí giáo dục khai phóng, chương trình Nhà lãnh đạo khai phóng (WiseLeader).
Khóa học này sử dụng phương thức truyền thống của giáo dục khai phóng có chọn lọc vật liệu và vấn đề có tính cập nhật hơn để: Tự học (khơi lại mạch từ học phương thức tự học thói quen tự học ở trình độ cao), trong một kỉ luật của từng lĩnh vực và trong sự tương tác liên ngành; Đọc sách có phản biện, tích lũy nền móng tri thức học trách nhiệm công dân, và nhất là học cách tư duy (thông qua việc tiếp xúc các lĩnh vực khác nhau và tìm hiểu các cách nghĩ khác nhau từ những chuyên ngành đa dạng các môn khai phóng); Tăng cường tiếp xúc tương tác và trải nghiệm mới ngoài “vùng an toàn trí tuệ”; Tận dụng tối đã công nghệ để giảm chi phí, tăng độ linh hoạt và cá nhân hóa; Thiết kế cho hành động dấn thân.
Sau khi đi được hai phần ba chặng đường với những trang bị tri thức nền tảng về kinh tế xã hội, quản trị, và tổ chức, DEHA Việt Nam đã phối hợp Học viện Agile kích hoạt giai đoạn cuối của WiseLeader với trọng tâm là học tập và thực hành về đổi mới kinh doanh tại doanh nghiệp (Business Innovation Bootcamp). Sự kiện đặt dấu mốc kích hoạt giai đoạn “về đích” – giai đoạn vận dụng tri thức giáo dục khai phóng vào đổi mới các quá trình hoạt động chủ chốt của DEHA để tạo ra kết quả cụ thể trong thực tiễn.
Trong workshop diễn ra trong một khu resort cạnh sông Hồng, các nhà lãnh đạo của DEHA đã cùng nhau thảo luận về các ý tưởng chính yếu có tính tiên phong về đổi mới quản trị được tác giả Gary Hamel đề cập trong tác phẩm kinh điển “Tương lai của Quản trị” để tìm kiếm những giải pháp “cách tân quản trị” thật sự hữu hiệu ngay tại doanh nghiệp của mình.
Thông qua cuốn sách này, Gary Hamel chứng minh rằng, ngày nay các tổ chức đang cần đổi mới quản trị hơn bao giờ hết. Mô hình quản trị hiện tại – tập trung vào kiểm soát và tính hiệu quả – không còn đủ sức đáp ứng trong một thế giới mà khả năng thích ứng và tính sáng tạo là không thể thiếu để kinh doanh thành công.
Bằng những phân tích sắc sảo và ví dụ minh họa sống động, Hamel đưa ra cách thức giúp các lãnh đạo công ty từng bước trở thành nhà đổi mới quản trị.
Theo đó, đổi mới quản trị tức là thay đổi các phương thức thực hiện công việc của nhà quản lý theo hướng tăng cường kết quả hoạt động của tổ chức; đổi mới công việc quản trị tổ chức; đổi mới cách làm theo hướng hiệu quả hơn.
Đổi mới quản trị khác đổi mới kinh doanh, đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm từ quá trình đến phạm vi tác động. Có thể nói, giữa bốn loại đổi mới, đổi mới quản trị là quan trọng nhất. Bởi lẽ nó có tác dụng về lâu dài, mang lại lợi thế cạnh tranh cuối cùng cho doanh nghiệp.
Dưới lập luận của Hamel, đổi mới quản trị là một hoạt động được thực hiện không ngừng nghỉ. Quản trị đổi mới phải thoát khỏi sự trói buộc, tuân theo những nguyên tắc quản trị mới như: coi trọng sự đa dạng (sự chọn lọc tự nhiên – loại bỏ những thứ không phù hợp, sống sót và thích ứng; đa dạng về cách suy nghĩ, quan điểm, năng lực,…); nhận thức được rằng thử nghiệm tốt hơn kế hoạch. Đổi mới quản trị phải linh hoạt, dân chủ, mang tính thích ứng cao, có ý nghĩa thiết thực.
Từng bước một, đổi mới quản trị tạo nên một luồng khí mới, tạo ra những thay đổi tích cực thúc đẩy tiềm năng của nhân viên, gây dựng năng lực cạnh tranh cốt lõi cho công ty.
Hoạt động đọc sách sâu, có phản biện và hướng mục tiêu, dưới sự đồng hành của chuyên gia trong lĩnh vực, là một phương thức học tập đơn giản nhưng vẫn tỏ ra hiệu quả. Các nhà lãnh đạo tại DEHA Việt Nam đã thành thục phương thức học tập đơn giản như thế trong suốt hơn một năm qua để cùng thảo luận về các chủ đề rộng lớn từ cách nền kinh tế vận hành, sự hình thành con người, sự hình thành văn hóa và bản sắc dân tộc, các nguyên lí quản trị và lãnh đạo, v.v. Thực tế cho thấy, người đi làm vốn thích đọc sách và có nhu cầu đọc sách rất cao, và cũng rất thích học hỏi nhưng còn ngại dấn thân vào hành trình tự học vì nhiều lí do liên quan đến cả sự bận rộn, lẫn năng lực tự học. Triết lí giáo dục khai phóng chính là một biện pháp để tạo ra một “lực đẩy”, giúp người học chiến thắng những trở ngại để bước vào con đường học tập đỉnh cao một lần nữa.
Tất nhiên, hoạt động này không chỉ dừng lại ở việc tạo lập thói quen đọc sách, giúp người học thúc đẩy năng lực tư duy, trí nhớ mà còn cải thiện cộng tác nhóm và lãnh đạo, thông qua trao đổi và phản biện đề xuất các giải pháp đổi mới tổ chức.
Sau cùng, lối học và dạy theo giáo dục khai phóng trong khuôn khổ WiseLeader không chỉ hướng đến những kết quả quản trị trước mắt. Mục đích cuối cùng của giáo dục khai phóng là nhằm phát triển năng lực trí tuệ con người, mà năng lực này, nếu được rèn luyện có kỷ luật, sẽ trở thành người bạn học tập suốt đời của nhà lãnh đạo.
“Đây là một cuốn sách dành cho những người dám nghĩ dám làm. Là cuốn sách dành cho những ai cảm thấy bị giam hãm bởi chế độ quan liêu, những ai lo ngại “hệ thống” đang cản trở sự đổi mới, rằng điểm ách tắc trong tổ chức nằm ở ngay hàng ngũ lãnh đạo, những ai tự hỏi tại sao sinh lực công ty lại bị tiêu hao đến vậy, những ai nghĩ rằng nhân viên thật sự đủ thông minh để làm chủ chính mình, những ai biết rằng phương thức “quản trị” hiện tại đang là rào chắn của thành công – và trên hết là muốn hành động để khắc phục tình trạng này. Nếu người đó là bạn, xin đón chào.”
_Trích Tương lai của Quản trị, Gary Hamel_