Cách mạng Nhận thức vào khoảng 70.000 năm trước, đánh dấu sự trỗi dậy của ngôn ngữ tưởng tượng. Khởi đầu của lịch sử. Sapiens toả ra từ Châu Phi.

Mô tả cách phân loại sinh vật cơ bản: Giới – Ngành – Lớp – Bộ – Họ – Chi – Loài. Mô tả về con người hiện nay: Giới Động vật – Ngành Động vật có xương sống – Lớp Thú – Bộ Linh trưởng – Họ Hình người – Chi Người (Homo) – Loài Tinh khôn (Sapiens). Một số loài khác thuộc Chi Homo: Rudolfensis (Đông Phi), Neanderthalsis (Châu Âu và Tây Á), Erectus (Đông Á), Soloensis (người đến từ thung lũng Solo), Denisova (phát hiện năm 2010 khi khai quật hang Denisova ở Siberia).

Thuyết tiến hoá gắn liền với biến dị, chọn lọc tự nhiên và thích nghi. Tiến hoá không đồng nghĩa là tốt hơn, chọn lọc tự nhiên sẽ giữ lại những sinh vật có khả năng sao chép tốt hơn, thích nghi tốt hơn.

Dòng thời gian chủ yếu của sự hình thành con người: Chi Homo xuất hiện lần đầu vào khoảng 2,5 triệu năm trước. Khoảng 200.000 năm trước, Homo Sapiens phát triển ở Đông Phi. Và mất khoảng 155.000 năm để Homo Sapiens xâm chiếm Úc và các lục địa khác. 

Trước Cách mạng Nhận thức, loài người trong sinh giới: Liệu rằng bộ não lớn và dáng đứng thẳng liệu có phải là ưu thế? Bộ não lớn trong tiến hoá không tăng khả năng thích ứng cho con người bởi nó chiếm khoảng 2-3% tổng trọng lượng cơ thể nhưng sử dụng tới 25% năng lượng của cơ thể khi cơ thể ở trong thái nghỉ ngơi (so sánh với loài vượn khác chỉ đòi hỏi có 8% năng lượng trong thời gian nghỉ ngơi); Dáng đứng thẳng cũng có thách thức khá lớn, đặc biệt khi bộ khung xương phải hỗ trợ một hộp sọ cực lớn. Loài người đã phải trả giá cho việc có được tầm nhìn cao và bàn tay khéo léo bằng các bệnh đau lưng và vôi hoá đốt sống cổ. Phụ nữ phải trả giá đắt hơn, dáng đi thẳng làm cho hông hẹp lại, chèn ép đường sinh và điều này xảy ra khi mà đầu trẻ sơ sinh ngày càng trở nên lớn hơn. Chết khi sinh nở đã trở thành một mối nguy hiểm lớn đối với phụ nữ. Những phụ nữ sinh non, khi não và đầu của trẻ sơ sinh vẫn còn tương đối nhỏ và mềm, thì có sức khoẻ tốt hơn và cơ hội sống sót để có thêm con. Chọn lọc tự nhiên do đó ủng hộ sinh sớm, khi nhiều bộ phận quan trọng vẫn còn chưa phát triển. Trong quá trình tiến hoá này, có sự xuất hiện và tác động của lửa. Một giống loài biết nấu nướng. Lửa khi được con người thuần hóa có rất nhiều tác dụng, con người sử dụng lửa như nguồn sáng, sự sưởi ấm, như vũ khí lợi hại chống lại sư tử rình mò, đốt cháy để mở rộng khu vực xung quanh,… Nhưng tác dụng tuyệt nhất của lửa chính là nấu chín thức ăn. Thực phẩm mà con người không thể tiêu hoá được ở trạng thái tự nhiên như lúa mì, gạo và khoai tây – đã trở thành thức ăn chính trong chế độ ăn uống nhờ làm chín. Nấu nướng đã cho phép con người ăn được nhiều loại thức ăn, tốn ít thời gian cho chuyện ăn uống và khiến răng trở nên nhỏ hơn còn ruột thì ngắn lại. Sự ngắn lại của đường ruột và sự phát triển của bộ não có liên quan trực tiếp bởi nếu cả hệ tiêu hoá dài và bộ não lớn đều tiêu thụ nhiều năng lượng khủng khiếp, rất khó để dung hòa cả hai. Như vậy bộ não lớn và dáng đứng thẳng là một nhược điểm trong quá trình tiến hoá nhưng chọn lọc tự nhiên đã ưu tiên giữ lại cho con người kiểu hình này.  

Quá trình di cư của loài người. Ảnh: Sapiens – Lược sử loài người.

Quá trình di cư của loài người:

Homo Sapiens vào khoảng 70.000 năm trước đây họ đã từ Đông Phi lan sang bán đảo Ả-rập và từ đó nhanh chóng chiếm lĩnh toàn bộ vùng Á-Âu rộng lớn. Khi họ đặt chân đến đây đã có những giống người khác đã cư ngụ, có hai lý thuyết xung đột nhau giải thích cho chuyện gì đó đã xảy ra với những loài người này. Thứ nhất, “Lý thuyết lai giống” đưa ra câu chuyện về sự thu hút, tình dục và pha trộn, Homo sapiens đã giao phối với các cộng đồng người khác và con người ngày nay chính là kết quả của sự lai giống này. Nếu đây là giả thuyết đúng thì người Âu-Á ngày nay không phải Sapiens thuần chúng mà là sự kết hợp giữa Sapiens và Neanderthal. Tương tự khi Sapiens đặt chân đến Đông Á, họ giao phối với người Erectus, do đó người Trung Hoa và Hàn Quốc chính là sự kết hợp của Sapiens và Erectus. Thứ hai, quan điểm đối lập được gọi là “lý thuyết thay thế”. Theo lý thuyết này, Sapiens và những giống người khác có các cấu tạo giải phẫu khác nhau, những thói quen ghép đôi và cả mùi cơ thể cũng khác nhau. Nam Neanderthal và nữ Sapiens có ghép đôi thì không thể tạo ra những đứa trẻ khoẻ mạnh vì tổ hợp gen khác biệt giữa hai quần thể không thể kết nối với nhau, khi Neanderthal chết đi hoặc bị giết thì gen của họ cũng mất theo. Theo quan điểm này, Sapiens thay thế tất cả các quần thể người trước đó chứ không sáp nhập với họ. Nếu trường hợp này đúng, chúng ta có thể truy ra nguồn cội của tất cả người hiện đại trước đây, đặc biệt là ở Đông Phi cách đây 70 000 năm. Tất cả chúng ta là “Sapiens thuần chủng”. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng có khoảng 1-4% ADN duy nhất của quần thể người hiện đại ở Trung Đông và châu Âu là giống ADN của Neanderthal. Và phát hiện trong hoá thạch ở người Denisova có đến 6% ADN dị biệt của thổ dân Melanesia hiện đại và thổ dân Úc giống với ADN của Denisova. Dù là giả thuyết nào đúng thì hiện tại, chúng ta ghi nhận rằng Sapiens là loài người cuối cùng và độc tôn và làm thế nào để Sapiens thành công chinh phục thế giới? Câu trả lời khả dĩ nhất lại nằm ở chính nhân tố khiến cuộc tranh luận xảy ra: Homo Sapiens chinh phục thế giới nhờ ngôn ngữ độc đáo.

Ngôn ngữ của con người có gì khác biệt với các loài khác?

Share This Post!