Một cuộc hẹn giữa những con người có cùng mối quan tâm đến giáo dục khai phóng. Một không gian trao đổi những chia sẻ về chuyên môn. Khoảnh khắc hội tụ giữa giới trí thức tinh hoa với những người trẻ đang có mong muốn đóng góp cho nền giáo dục nước nhà. Khi nguồn cảm hứng được lan truyền, cả cộng đồng khai phóng Libero sẵn sàng tiến bước.

Libero: Gặp gỡ mùa thu 2022

Giáo dục khai phóng – hướng đi đầy triển vọng

Người ta vẫn nói với nhau: “Tri thức chính là sức mạnh”. Nhu cầu làm chủ tri thức đòi hỏi chúng ta phải liên tục tìm kiếm các mô hình giáo dục mới, các chương trình giáo dục hữu ích hơn, đáp ứng yêu cầu của thời đại. Nhất là trong bối cảnh thế giới hiện nay, khi những phương thức tư duy cũ kỹ không thể giải quyết được hết các vấn đề của cuộc sống, giáo dục khai phóng dần trở thành một xu thế tất yếu.

Viện Phát triển Giáo dục Khai phóng Libero ra đời từ đó, như một không gian để gặp gỡ và giao lưu của tầng lớp “quý tộc tự nhiên”, cùng trao đổi với nhau về những nguyên lý cơ bản của khoa học về con người, về cách nghĩ của con người để sáng tạo những cách làm việc mới mẻ thích ứng tốt với tình hình mới.

Một lát cắt giáo dục khai phóng

Sau hơn một năm triển khai lớp học thực nghiệm trực tuyến đầu tiên về giáo dục khai phóng, Viện Libero nhận thấy đây là thời điểm thích hợp để các giảng viên, chuyên gia, đội ngũ cố vấn, học viên và các quý đối tác của Viện có một cơ hội gặp gỡ nhau, cùng trò chuyện.

Và thế là, trong một ngày mùa thu đẹp trời, cộng đồng Libero lần đầu tiên hội ngộ với nhau trong một không gian đầy ấm cúng tại trụ sở Agilead Global – đơn vị bảo trợ Viện Libero.

Tại “Gặp gỡ mùa thu 2022”, khách mời tham dự không chỉ được gặp những con người cứ ngỡ chỉ xuất hiện qua màn hình máy tính, mà còn được làm quen với những gương mặt mới trong cộng đồng giáo dục khai phóng, những người cùng chung mục tiêu kiến tạo thay đổi tích cực và bền vững cho nền giáo dục Việt Nam.

Cũng trong sự kiện, các cố vấn và học viên Libero21 đã cùng nhau sống lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong “Những ấn tượng Libero 2021” – video về hành trình Libero21, một hành trình tư duy vô cùng thú vị và đặc sắc.

Libero21 chính thức khai giảng vào ngày 10/10/2021, thu hút hơn 30 học viên với gần 20 chuyên gia trong các lĩnh vực. 1 năm, 4 kỳ học, với các chuyên đề hấp dẫn lần lượt được diễn ra như: Sự hình thành con người, Ngôn ngữ và Tư duy, Triết học và rèn trí nghĩ, Đi tìm Việt Nam(s) giữa các thế giới, Tâm lí học, Cái đẹp và cái hữu dụng, From data to wisdom.

Không chỉ tạo ra một không gian để người học tự học, tự giáo dục, tự giáo dục chính mình, tại Libero21, chúng ta còn mở rộng vòng kết nối bạn bè, cùng nhau vượt qua những ngày bão tố của đại dịch, đồng thời trực tiếp góp phần giúp đỡ những thân phận đang khốn đốn vì sự công phá tàn ác của đại dịch Covid19.

Anh Phùng Khắc Thành, học viên Libero21 nhận định: “Libero không phải là một lớp học mà là một cộng đồng, là nơi hội tụ của những con người cầu tiến, có niềm đam mê với tri thức. Ở đây luôn có như người đi trước tâm huyết luôn mong muốn đưa giá trị tốt nhất cho thế hệ sau.”

Có thể nói, Libero21 là một bước đệm tuyệt vời để chúng ta cùng nhau tạo nên một cộng đồng cầu tiến, không ngừng học tập, học tập suốt đời.

Cơ hội nào cho giáo dục khai phóng tại Việt Nam?

Ý tưởng về giáo dục khai phóng ở Việt Nam không hẳn là mới, nhưng làm thế nào để có một chương trình giáo dục khai phóng hữu ích, có giá trị, đặt ở những nơi khác nhau, bối cảnh khác nhau, dành cho những đối tượng khác nhau vẫn là một bài toán chưa có lời giải.

Theo anh Nguyễn Cảnh Hiệp, Doanh nhân khởi nghiệp Sườn Kingdom, học viên Libero21, “Chương trình nên có những cái nhìn rộng hơn để thử thách với những bài toán cao hơn. Chúng ta cần tập trung sâu vào nhóm người đi làm, độ tuổi từ 28 đến 35, lấy từ khóa là “học tập suốt đời” – một từ khóa mọi người đều biết, nhu cầu về tự do là nhu cầu xã hội luôn tồn tại, mình biến cái đó thành cái hình hài cụ thể, tôi bán những cái thuộc về tự do thì ông có những năng lực ông giải phóng, ông làm các chức năng như thực hiện dự án. Rất nhiều người mong muốn học tập như thế.”

Anh Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc GymKID Việt Nam, học viên Libero21 kiêm cố vấn Libero22 thì lại có một ý tưởng khác về phân khúc người học mà Libero22 hướng tới: “Chương trình học của các bạn học sinh hiện nay rất khác, nhiều phụ huynh rất hoang mang trong việc dạy con, không biết có nên dạy con không, có nên đồng hành cùng các con không. Ví dụ như môn Toán, phụ huynh bảo thế này là khác hẳn với ngày trước mình học, không biết có nên dạy con hay không, môn khoa học cũng thế. Bây giờ nên như thế nào?! Tôi thấy có cách tiếp cận rất là hay, họ cũng chia sẻ rằng phụ huynh nên đọc tài liệu mà họ xây dựng dựa trên những thói quen suy nghĩ (Habits of Mind), một cách tiếp cận rất phù hợp với Libero hay như trong Cánh Buồm, hay học về Lịch sử Thầy Liêm, thỉnh thoảng vỗ đùi đen đét, được hoá trang thành những người làm sử, người ta nghĩ như vậy, khác hẳn với cách nghĩ thông thường của mình. Hay như trong Philosophy (triết học), trong chương trình học thì học cái cách mà những nhà triết học họ tư duy như thế. Tôi tự hỏi những phụ huynh ấy liệu có phải học viên tiềm năng của Libero không, giống như tôi đang muốn đi tìm cách tiếp cận mới về việc học của con mình. Và hầu hết các chương trình có trong Libero thì đều có không phải tất cả nhưng cũng hầu hết về lịch sử, toán học, văn, tiếng Việt,… Có thể có tập phụ huynh họ thật sự quan tâm.”

Còn theo anh Phùng Minh Quân, Scrum Master, Nhân viên ngân hàng Techcombank, học viên Libero21 thì: “Còn quan điểm và góc nhìn cá nhân tôi thì giáo dục khai phóng dành cho những người đã có nhu cầu sẵn, có mong muốn mở mang đầu óc sẵn rồi chứ không phải là những người vẫn còn đang lo cơm áo gạo tiền mà bảo họ phải học giáo dục khai phóng, thế này mới tốt thì người ta không bao giờ người ta nghe. Cũng như anh Tấn nói: Chúng ta nên khiêm tốn một chút để chúng ta phục vụ những người có nhu cầu trước. Tôi nghĩ là 5-10 năm tới ở Việt Nam về giáo dục khai phóng chúng ta ta chỉ khai thác được những người như thế này thôi. Câu chuyện này nó giống như việc bán bảo hiểm, trong khoảng 10 năm trở về trước, người Việt nam không quan tâm đến bảo hiểm nhân thọ, nhưng phải qua thời gian người ta cơm no mặc ấm rồi thì mới nghĩ đến ăn ngon mặc đẹp thì câu chuyện bảo hiểm nó khác. Quay lại với giáo dục khai phóng, nhu cầu học giáo dục khai phóng đến hiện tại và vài năm nữa chúng ta chỉ tập trung được vào những người sẵn nhu cầu học như thế mà thôi.”

Như vậy, có thể thấy, ở mỗi nhóm đối tượng khác nhau đều có những nhu cầu học tập khác nhau. Nhìn chung, dân trí ở Việt Nam mình cao, nền tảng xã hội tốt, nhưng mối quan tâm đến giáo dục khai phóng còn chưa được hình thành rộng rãi. Như GS. TS. Nguyễn Vũ Hảo, Giảng viên cao cấp, Trưởng Bộ môn Lịch sử Triết học, Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội nhận định: “Nhu cầu học tập khác nhau ở từng độ tuổi, chúng ta đừng tổ chức một lớp chung cho tất cả. Một lớp hay đến mấy mà không có nhu cầu thì họ cũng sẽ không tự nguyện đi học. Chúng ta phải xác định mục tiêu phát triển lớp học là phát triển các tri thức ứng dụng, dựa trên các tri thức hàn lâm. Đặc biệt, phải phân bổ dung lượng tri thức và ứng dụng sao cho phù hợp. Vấn đề phát triển giáo dục khai phóng ở Việt Nam có nhiều ý tưởng khả thi, nhưng những tác động thiết thực về lâu dài là chưa bền vững.”

Một cộng đồng khai phóng – Nhiều ý tưởng táo bạo

Trong bối cảnh giáo dục khai phóng chưa phát triển tương xứng tiềm năng của mình tại Việt Nam, Viện Phát triển Giáo dục Khai phóng Libero kỳ vọng sẽ trở thành một cộng đồng vận hành liên tục, một điểm đến lý tưởng để giao lưu về giáo dục khai phóng.

Để đạt được kỳ vọng đó, Viện Libero đã nhận được các gợi ý phát triển từ các khách mời tham dự chương trình như: Tổ chức mô hình “thư viện người”; Không gian cafe, sách, tổ chức các buổi talk hàng tuần; Truyền thông các video hay trên youtube; Tạo khoá học dành cho phụ huynh có con học các chương trình quốc tế để hiểu về cách học các môn general (toán, sử, văn, ngôn ngữ,…); Giáo dục khai phóng cho học sinh phổ thông (truyền tư tưởng học tập suốt đời cho học sinh); Phát triển khoá quản trị; Triển khai một số hoạt động bước đệm để khai mở nhu cầu khai phóng, mở rộng thế giới quan, nhân sinh quan; Đánh giá hiệu quả của mỗi khoá học; Điều chỉnh môn học linh hoạt theo nhu cầu; Đưa thêm thực hành phản tư,…

Tất cả các ý tưởng đều tốt nhưng để ý tưởng sống được thì cần phải có một quá trình nghiên cứu dài hơi. Tiếp thu những ý tưởng đó, Viện Libero sẽ xem xét mức độ phù hợp với mục tiêu mà chương trình đề ra cũng như tìm tòi thêm các phương hướng phát triển nhiều hơn nữa các hoạt động chất lượng trong tương lai!

Share This Post!