LIBERO

CHUYỆN MỘT CỘNG ĐỒNG KHAI PHÓNG

“Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui

Cùng với anh em tìm đến mọi người

Tôi chọn nơi này cùng nhau ca hát

Để thấy tiếng cười rộn rã bay” 

Những ngày cuối năm 2022, khi tiếng hát trầm bổng vang lên giữa lòng Hà Nội, buổi tổng kết Chương trình Libero21 đã diễn ra trong không khí đầy hân hoan, phấn khởi. Hòa trong tiếng đàn, lời bài ca quen thuộc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được cất lên bởi một nhóm cá nhân đang theo đuổi triết lý của giáo dục khai phóng. Họ là Cộng đồng Libero – những người đã cùng nhau đồng hành trên một hành trình đầy cảm động… 

Libero, không chỉ là một cái tên

Vài tháng trước, tôi tình cờ biết đến Cộng đồng Libero. Ấn tượng đầu tiên của tôi về họ, có lẽ chỉ dừng lại ở việc họ là những người đang cùng chinh phục tri thức thông qua giáo dục khai phóng – một triết lý giáo dục đã xuất hiện từ lâu nhưng còn chưa phổ biến tại Việt Nam. Tới tận bây giờ, sau khi đã chứng kiến phân nửa chặng đường trưởng thành của Cộng đồng, tôi mới hiểu, ai trong số họ cũng là những mảnh ghép chân thực và sinh động nhất cho một cộng đồng khai phóng đầy tiềm năng.

“Libero ra đời trong một bối cảnh đầy biến động”

– đó là lời chia sẻ của anh Dương Trọng Tấn – chủ nhiệm chương trình “Libero – Giáo dục khai phóng cho mọi người” trong một buổi gặp gỡ chính thức với toàn thể Cộng đồng Libero.

Đầu năm 2020, ca nhiễm Covid đầu tiên chính thức được ghi nhận tại Việt Nam. Dịch bệnh đã gây hậu quả nặng nề cho mọi mặt của đời sống xã hội, khi ông bà phải từ bỏ thói quen tụ họp tuổi già, bố mẹ phải làm việc từ xa, con cái cũng chịu cảnh nghỉ học kéo dài tưởng chừng như là vô thời hạn,…Covid là một biến cố không ai “thiết kế” được, nó gây ra những thách thức to lớn đối với không chỉ riêng Việt Nam mà toàn thế giới.

Từ một người đang bận rộn từ sáng đến tối bỗng chốc có vô cùng nhiều thời gian rảnh, anh Tấn khi ấy cũng như nhiều người khác, loay hoay tìm cách để thời gian không trôi qua một cách lãng phí. Sau khi thảo luận với những người bạn thân thiết của mình, anh nhận thấy đây là thời điểm mà mọi hoạt động sống đều có phần chậm lại, con người ta có thời gian (và cả không gian) để lắng nghe bản thân mình nhiều hơn, thấu hiểu nội tại hơn – một thời cơ vàng để phát triển bản thân!

Biến thách thức thành cơ hội, anh đã cùng những người bạn của mình tìm cách thiết kế nên một chương trình giáo dục dành riêng cho những người như họ, đã đi làm được một thời gian, bình thường mải mê trong guồng quay của công việc và cuộc sống, do Covid nên đột nhiên có thời gian rảnh, muốn đi tìm hiểu về bản thân mình, về mình trong xã hội, hiểu cách vận hành của thế giới.

Xác định được trọng tâm phát triển chương trình, anh lựa chọn giáo dục khai phóng làm nền tảng. Bởi lẽ, “trong bối cảnh thế giới biến động khôn lường, ta cần khai mở đầu óc, rèn cách nghĩ để có thể hiểu được những biến động xung quanh, hình dung được tương lai, ra quyết định sắc bén và sáng suốt. Các bài học hay đã có sẵn trong các truyền thống học thuật từ xa xưa cũng như các lĩnh vực khoa học mới nhất; từ triết học, tâm lý học, văn chương, âm nhạc, nghệ thuật, toán học, lịch sử, xã hội học, chính trị học, quản trị học… Theo đuổi chân lý, cùng với khả năng cải thiện năng lực trí tuệ của con người, hun đúc các phẩm chất cao đẹp là đặc trưng của truyền thống giáo dục khai phóng, thứ đã tạo nên sức mạnh lâu dài của các nền giáo dục tiên tiến.”

Ngày 26/08/2021, cái tên Libero ra đời. Anh Tấn xác định: “Để Libero được chấp nhận và duy trì sự tồn tại của mình, chỉ có một cách là xây dựng nó thành một chương trình giáo dục khai phóng hữu ích, có giá trị, có thể tổ chức ở nhiều nơi khác nhau, bối cảnh khác nhau, đối tượng khác nhau.”

Cứ như vậy, chương trình Libero được thiết kế theo kiểu “thiên biến vạn hóa”, dựa trên các nguyên tắc của giáo dục khai phóng với mục tiêu bồi đắp tri thức tổng quát, mở rộng tầm nhìn, rèn đúc khả năng tưởng tượng, nuôi dưỡng nhiệt tình với thế giới bao la, và rèn trí nghĩ liên tục. 

Một hành trình mới mở ra, tạo điều kiện để người trưởng thành tiếp tục con đường học tập suốt đời của mình một cách thú vị, hữu ích và đầy ý nghĩa. 

Khó khăn tiếp nối khó khăn

Là một người có thâm niên 20 năm trong ngành giáo dục, anh Tấn nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng việc học liên tục bất chấp Covid hay bất cứ ngoại cảnh nào. Lựa chọn hình thức học chủ đạo là online, đội ngũ tổ chức chương trình có một phạm vi tìm kiếm người đồng hành vô cùng rộng mở. Thế nhưng để kiếm được những người cùng chí hướng với mình tưởng dễ mà khó vô cùng.

Anh Tấn kể: “Ý tưởng tốt nhưng để ý tưởng sống được thì phải nếm mùi “chông gai”. 

Đầu tiên là việc thuyết phục các mentor. Như bạn thấy đấy, mentor của Libero đều là những cây đa cây đề trong ngành giáo dục. Tất nhiên phần lớn trong số họ đều là những người bạn vong niên của tôi, nhưng chính tôi cũng chưa thể chắc chắn rằng liệu mình có thể thuyết phục họ tham gia vào một chương trình mà chưa biết nó sẽ đi được đến đâu hay không. Rất may, họ đều sở hữu một điểm chung: mong muốn đóng góp cho cộng đồng là rất lớn. Chỉ đợi họ gật đầu một cái là tôi chốt luôn, treo lên landing page chiêu sinh cho nó “oách”.

Thế rồi lại đến vấn đề tuyển sinh. Những “gương mặt thân quen” thì nhiều nhưng không phải ai cũng là “gương mặt sáng giá”. Tôi quảng cáo, tôi tuyển sinh, tôi phỏng vấn,…tất tần tật các khâu chỉ với một mong muốn là tìm ra những người sẵn sàng theo đuổi con chữ với mình.”

Thư ngỏ – Lời mời đầu tiên.

Giáo dục khai phóng hay cuộc đua của những ý chí không từ bỏ

 

Tham gia vào quá trình tuyển sinh Libero22 – khóa thứ 2 của chương trình, tôi để ý câu đầu tiên mà anh Tấn thường hỏi khi phỏng vấn học viên: “Kỳ vọng của bạn khi tham gia Libero là gì?”.

Rõ ràng, anh muốn kiểm soát kỳ vọng của người học, rằng học Libero không phải cao siêu gì cả, Libero chỉ đơn giản là một “mâm cỗ tri thức” được bày ra đợi bạn đến khai phá nó, nhưng khai phá đến đâu, khai phá thế nào phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực cá nhân của bạn. Bởi vậy, người học của Libero không chỉ có điều kiện về thời gian, kinh tế, tri thức, mà còn có khả năng tự học cao, tự thấy mình ham học và nhất định phải tự nguyện tham gia chương trình, tự chịu trách nhiệm với việc học của mình.

Cuộc marathon tri thức mang tên Libero là một cơ hội tốt, nhưng đồng thời cũng là một thách thức lớn. Liệu có phải ai cũng đủ sức bền để đi đến cuối chặng đua? 

“Câu trả lời sẽ có trong ít phút nữa, sau đây là chương trình quảng cáo” – đấy là trên TV người ta sẽ nói vậy, còn ở đây tôi tạm kết luận rằng, phải là những cá nhân có mong muốn dẫn dắt một sự thay đổi mạnh mẽ bên trong họ thì mới đủ tự tin dấn thân vào cuộc đua này.

Cuộc marathon tri thức với những người bạn đồng hành mới

10/10/2021, Libero21 chính thức khai giảng, thu hút hơn 30 học viên với gần 20 chuyên gia trong các lĩnh vực.

Dù ở những độ tuổi khác nhau (từ “còn xoan” đến “đầu hai thứ tóc”), nghề nghiệp khác nhau (IT, nhân sự, giáo viên, marketing,…), sinh sống tại những·quốc gia khác nhau (Việt Nam, Canada, Mỹ, Nhật Bản), sinh hoạt những múi giờ khác nhau,…nhưng tất cả đều có chung dòng máu người Việt, chung một khát khao lĩnh hội tri thức mãnh liệt; coi việc học không chỉ là trách nhiệm mà còn là đam mê, sự tự nguyện. Họ đến Libero với mong muốn cùng nhau tạo nên một cộng đồng cầu tiến, không ngừng học tập, học tập suốt đời.

“Chào cả nhà…Rất vui được làm quen…” – câu chào ấy đã chính thức mở ra một chương mới trong hành trình khám phá tri thức của mỗi học viên, mentor và cả người làm chương trình, rằng từ đây họ đã có những bạn đồng hành mới trên hành trình kiến tạo những giá trị mới cho riêng mình cũng như cho cộng đồng và xã hội rộng lớn, từ đây công cuộc học tập suốt đời đã bớt đi phần nào những gian nan. Cứ thế, thông qua khai mở tri thức và xây dựng thói quen học tập mới, các thành viên dần trở thành những người bạn tuyệt vời của nhau. 

Libero bỗng chốc hóa thân thành một nhịp cầu tri thức, nơi tất cả Cộng đồng Libero – những người đã, đang và sẽ duy trì văn hoá học tập không ngừng, mở rộng tri thức về thế giới, con người, và văn hóa thông qua việc suy nghĩ, tìm tòi, và trao đổi về những ý niệm lớn.

Làm chủ cuộc đua

Một trong những điều tuyệt vời nhất là Libero làm được, tôi cho rằng đó là tạo ra một không gian khai mở để người học được tiếp cận những nguồn tri thức khổng lồ có chọn lọc. “Đừng để bản thân bị ‘bội thực’ kiến thức” – đó là câu nói mà anh Tấn đã dùng để động viên tôi, khi tôi bắt đầu tiếp cận đến các khái niệm liên quan đến giáo dục khai phóng. Điều này cũng thể hiện rất rõ ràng trong cách mà anh thiết kế chương trình.

Khác với phần lớn các chương trình khác, chuyên đề đầu tiên ở Libero là “Học tập khai phóng”, học cách học, học cách thực hành đường lối giáo dục kiến tạo “Tự học, tự giáo dục, tự làm ra chính mình”. Dưới sự dẫn dắt của những mentor lỗi lạc, người học tự chủ hơn, biết cách xây dựng bản đồ học tập cụ thể cho mình. 

Đều đặn 3 tiếng mỗi cuối tuần, lớp Libero lại có hẹn trên Zoom. Cộng đồng gặp gỡ, tương tác với nhau, học thêm những kiến thức mới, nghe thêm những câu chuyện vừa xảy ra trong tuần rồi. 

Theo lời nhận xét của chị Phạm Ngọc, một cựu học viên Libero21, “Nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của lớp Libero, là việc Đọc sách chủ động và Đọc sách hiệu quả”. Trước buổi học, học viên sẽ học qua một số khóa học online của Coursera, edX và Agilearn như là “sách giáo khoa đa phương tiện” và đọc sách giấy cùng các sách mở (của Đại học Rice, Mỹ; và Cánh Buồm), các tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau cho đội ngũ tổ chức cung cấp hoặc chính học viên gợi mở rồi tự viết lại những gì mình cảm nhận được, để khi lên lớp có chất liệu đưa vào thảo luận với lớp. Sau buổi học, các thành viên cũng tích cực trao đổi thêm trên Group Facebook và Google Classroom. Việc học tập khai phóng đã đi vào đời sống, vượt ra ngoài phạm vi lớp học.

Khi đã vào guồng quay, các chuyên đề của Libero càng ngày càng thêm phần hấp dẫn. Giáo dục khai phóng, Sự hình thành con người, Ngôn ngữ và tư duy, Triết học và rèn trí nghĩ, Đi tìm Việt Nam(s) giữa các thế giới, Tâm lý học, Cái đẹp và cái hữu dụng, From Data to Wisdom, Kinh tế học, Chính trị, Quản trị và Lãnh đạo, các chuyên đề được khai thác theo tinh thần của giáo dục khai phóng, áp dụng với trường hợp Việt Nam.

Nói về các chuyên đề này, một cựu học viên khác của Libero21, anh Đinh Công Quân chia sẻ: “Ban đầu, mình gia nhập cộng đồng Libero chỉ vì nội dung chương trình có một số ngành liên quan tới lĩnh vực mà mình quan tâm. Mình đã tham gia với tâm thế là chỉ tập trung vào những ngành mình cần, không lấn sân sang các ngành khác. Thế nhưng, càng học thì mình càng thấy, có những ngành đem lại nhiều kiến thức mới bổ ích cho mình mà nhiều khi chủ quan cứ nghĩ mình biết rồi chứ thực ra là chưa biết gì cả.”

Một ví dụ điển hình cho sự bất ngờ của người học đối với các chuyên đề tại Libero, mà tôi nghĩ là phần lớn học viên Libero đều gặp phải, đó là nếu như ở chuyên đề “Sự hình thành của con người”, họ đang chơi với trong khối lượng kiến thức khổng lồ về lịch sử nhân loại, thì sang đến “Đi tìm Việt Nam(s) giữa các thế giới”, họ lại thêm phần hoang mang, nghi ngờ về các thông tin mà mình từng được tiếp cận. Tư duy phản biện từ đó được khai thác tích cực và triệt để.

“Không từ bỏ” chính là chiếc chìa khóa quý giá nhất

Chặng đường khai phóng tiềm năng của bản thân chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là đối với những người đã trải qua các phương thức học tập truyền thống và bài bản. Thay đổi thói quen học tập đồng nghĩa với việc bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, đón nhận những vùng thách thức mới lạ. Họ hiểu, sự mở rộng phạm vi việc học cùng với cách học có tính khai mở sẽ mang lại cho người học cơ hội lớn để biến chủ trương học tập suốt đời thành hiện thực, và tự trang bị cho mình một nền tảng văn hóa ngày càng vững, cũng như một khả năng sáng tạo phi thường – những lợi ích xứng đáng để thử thách bản thân hơn nữa. Dẫu vậy, khối lượng kiến thức đồ sộ vẫn khiến các học viên choáng ngợp phần nào.

Có lần, tôi hỏi anh Cảnh Hiệp, doanh nhân khởi nghiệp kiêm cựu học viên mẫn cán bậc nhất Libero21: “Học Libero khó, đó là điều mà ai cũng biết, còn để học Libero tốt, thì anh có bí quyết gì không?” 

Trả lời cho nghi vấn của tôi, anh chỉ cười bảo, “Mình cứ coi như là đi phượt thôi. Mình thích đi phượt từ hồi trẻ, chưa vợ và đẹp trai” (cười), “bây giờ thì ít đi phượt hơn rồi nhưng tham gia Libero thì cũng giống như đi phượt ấy, mình được tìm hiểu các miền kiến thức khác nhau, mở mang đầu óc, khám phá thêm những “vùng đất” mới. Gặp mọi người, rồi nói chuyện, trao đổi với nhau khiến các miền kiến thức này được hình dung rõ ràng hơn bao giờ hết.”

Những thành viên đầu tiên của Cộng đồng Libero. (Anh Cảnh Hiệp đứng thứ 2 nhìn từ bên phải vào)

Cũng như nhiều bạn học khác, anh Hiệp tìm thấy niềm vui trong sự học tại Libero. Niềm vui ấy có lẽ là một tiền đề tốt nhất để mỗi cá nhân vững bước trên hành trình khai phóng dài hơi này.

Đối mặt với những chướng ngại nội tại đã khó, đối mặt với những tác nhân xung quanh lại càng khó hơn. Nhiều tình huống dở khóc dở cười đã xảy ra trong quá trình học online như: vừa học vừa trông con, đang học thì mèo nhảy vào,...Rồi nào là người này phải đi test đến người kia dính Covid, không canh cánh nỗi lo cơm áo gạo tiền thì cũng vướng bận nhiều chuyện gia đình phát sinh do Covid mang lại. Tất cả đã tạo nên những màu sắc rất riêng mà chỉ Libero mới có.

Sau cùng, sức mạnh của tri thức đã vượt lên trên mọi nghịch cảnh. Khó khăn vẫn còn đó những lớp học vẫn được duy trì đều đặn hàng tuần, các cuộc thảo luận vẫn diễn ra sôi nổi. Người thầy hăng say hướng dẫn, người học cũng mê mệt các kiến thức mới mẻ đầy thú vị. Thậm chí, những chướng ngại này còn tạo cơ hội cho việc học của Libero thêm phần thú vị ở chỗ: cựu học viên hoàn toàn có thể tham gia ‘học lại’ tại các khóa Libero tiếp theo với chi phí 0 đồng!

Muốn đi xa thì đi cùng nhau…

 

Song song với công cuộc học tập tích cực, các hoạt động sinh hoạt cộng đồng cũng được diễn ra thường xuyên hơn. Từ những người xa lạ, họ trở nên đoàn kết và gắn bó hơn bao giờ hết. Khó có một lớp học nào mà ở đó, các thành viên lại coi nhau như tri âm tri kỷ, là chỗ dựa tinh thần vững chắc như nơi đây. Họ không chỉ cùng nhau học tập, cùng nhau rèn luyện, mà còn cùng tham gia vào các hoạt động, giúp đỡ nhau hoàn thành các dự án chung trong công việc.

Trong Hội thảo tổng kết Libero21, chị Huyền – giáo vụ đã xúc động bày tỏ: “Công việc của mình là một Product manager, không có chuyên môn về giáo dục. Chính vì vậy mà khi được anh Tấn giao phó trọng trách hỗ trợ lớp mình, Huyền đã rất lo lắng. Cảm ơn các anh chị mentor, các anh chị, các bạn học viên đã luôn giúp đỡ mình trong suốt khoảng thời gian vừa qua”.

Buổi tổng kết cảm động cũng hé lộ những góc khuất mà tôi chắc rằng, nếu không phải là một không gian, một cộng đồng đủ để họ cảm thấy an toàn thì có lẽ chúng tôi đã không có cơ hội để được lắng nghe những chia sẻ từ tận đáy lòng như vậy. 

Rõ ràng, Libero đã trở thành một cộng đồng thật sự. Thay vì chỉ đơn giản là một tập hợp những cá nhân có chung niềm yêu thích đối với giáo dục khai phóng, Libero giờ đây là một ngôi nhà nơi các thành viên tin tưởng lẫn nhau, chia sẻ nỗi băn khoăn trong học tập, niềm trăn trở trong cuộc sống.

“Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Cộng đồng Libero đã, đang và sẽ tiếp tục cùng nhau hình thành kỷ luật học tập, học phương pháp học, làm quen thêm nhiều những khái niệm mà đôi khi phải dành cả đời để hiểu thấu. Con đường tự học của mỗi thành viên Libero cũng vì thế mà bớt cô đơn hơn, không bị lạc lối trên tiến trình học và trọn đời theo đuổi hiểu biết, kiến giải và sử dụng sự khôn ngoan của bản thân. 

“Về đích” hay “Khởi hành”?

Những dấu ấn khó phai

“Libero giúp mình hiểu hơn về: Cách mỗi cá nhân định hình thế giới quan qua lăng kính Triết Học; Cách tiếp cận sự thật, tìm ra quy luật và chiếm lĩnh tương lai qua kiến thức Lịch Sử; Cách Giáo dục, Kinh tế, Chính trị đã định hình thế giới ra sao; Hiểu cách Tâm trí dẫn lối nhận thức của chúng ta để giữ bản thân luôn sống trong tỉnh thức;… Quan trọng hơn cả cách Quản trị cuộc sống để khiến bản thân làm chủ được chính mình, làm chủ được tri thức…” – anh Phùng Khắc Thành, cựu học viên Libero21 tâm sự.

“Liệu rằng học xong Libero có thể tự mình làm chủ con đường học tập của bản thân được hay không?” – Đây là điều mà rất nhiều học viên băn khoăn trước khi bước vào chương trình. Câu trả lời có lẽ đã nằm trong chính trải nghiệm của từng học viên.

Anh Nguyễn Vĩnh, nghiên cứu viên, học viên đã hoàn thành Libero21 tiết lộ: “Libero không phải là một chương trình học xong có thể áp dụng ngay, những mình tin rằng, những tri thức biết được nhờ Libero vẫn ở đó, sẵn sàng được sử dụng khi mình cần. Bởi Libero giúp mình hoàn thiện thêm bản đồ về hiểu biết, thứ giúp mình không lạc lối trong ma trận tri thức của loài người.”

Anh Phùng Minh Quân, bạn học của anh Vĩnh cũng nói rằng: “Kỳ vọng của mình khi đến với khóa học này và cũng chính là kết quả mình đang dần đạt được một cách tích cực, đó là mở mang đầu óc và suy nghĩ của mình để tiếp thu những cái mới và bỏ đi những định kiến hẹp hòi trước kia.”

Giáo dục khai phóng là một quá trình tự giáo dục liên tục, tự làm nên chính mình. Sau lớp học, người học biết nhiều hơn, và còn muốn biết nhiều nữa, đấy chính là hiệu quả lớn nhất là “Giáo dục khai phóng cho mọi người – Libero” làm được.

Libero không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng lộ trình học tập suốt đời rõ ràng cho mỗi người học, Libero còn biến mỗi người học trở thành một thành viên đầy trách nhiệm với cộng đồng tri thức đang ngày một lớn mạnh.

Bên cạnh ý thức việc học là để “ấm vào thân”, thành viên của Cộng đồng Libero còn học để giúp ích cho xã hội. Trong quá trình học, các thành viên đã cùng nhau tham gia một số dự án thiện nguyện như Nuôi em, ủng hộ Lịch Cơm có thịt,…Giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn hơn cùng là cơ hội cho chúng ta nhìn nhận lại những gì mình đang có, biết quý trọng sức khỏe, hạnh phúc của bản thân mình. Cộng đồng Libero sẵn sàng sẻ chia là cộng đồng biết cảm thông cho nhau, biết trân trọng ý nghĩa của cuộc sống, giống như lời khẳng định chắc nịch của anh Phùng Khắc Thành, cựu học viên Libero21: “Libero không phải là một lớp học mà là một cộng đồng, là nơi hội tụ của những con người cầu tiến, có niềm đam mê với tri thức. Ở đây luôn có như người đi trước tâm huyết luôn mong muốn đưa giá trị tốt nhất cho thế hệ sau.”

Vững bước trên hành trình chinh phục tri thức

 

Tiếp nối thành công của Libero21, đội ngũ tổ chức chương trình với tham vọng đưa giáo dục khai phóng vào thực chất hơn, tiếp tục mở Libero22, và tiến tới là Libero23, Libero24…

Thêm một khóa mới đồng nghĩa với thêm một bước tiến đột phá của chương trình. Chẳng nói đâu xa, chính những bài học kinh nghiệm quý báu rút ra từ Libero21 đã giúp trải nghiệm học tập của Libero22 trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Những cải tiến có thể kể đến như: lớp học được tổ chức thành các làng học tập, nơi các học viên được giao lưu với các nhóm nhỏ thuận tiện và dễ dàng hơn; một số chuyên đề học tập cũng đã được sắp xếp lại cho phù hợp với quá trình tiếp nhận tri thức. Đặc biệt, lớp Libero22 còn chào đón sự trở lại của một số cựu học viên Libero21 với tư cách là bạn học, hoặc trợ giảng. 

Nếu như Libero22 được coi là một bước chuyển mình ngoạn mục của chương trình thì ở các khóa mới sau này, khi Cộng đồng Libero ngày càng lớn mạnh, các cải cách chắc chắn còn tạo ra nhiều điểm vượt trội hơn nữa. Dần dần, các cựu học viên sẽ trở thành một minh chứng sống động cho những thay đổi mà Libero đang nỗ lực tạo ra. Chính họ, những người đã trải qua quá trình học tập khai phóng kéo dài trong suốt hơn một năm trời, có quyền tự hào về những gì mình đã làm được, đã học được. Họ – hình mẫu tiêu biểu của một người học khai phóng – là “thước đo” chuẩn mực nhất cho hiệu quả của chương trình.

Cộng đồng Libero đã không thể hình thành nếu không có những con người tuyệt vời như thế! 

ĐĂNG KÝ THAM GIA