Trong Hội thảo Lịch sử giáo dục khai phóng tại Việt Nam và những gợi mở được tổ chức bởi Viện Libero và Trường Đại học Việt Nhật hồi giữa tháng 1 vừa qua, các diễn giả đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của mình trong quá trình thực hành giáo dục khai phóng ở cả Nhật Bản và Việt Nam.

I. Tình hình giáo dục khai phóng trong nền giáo dục đại học ở Nhật Bản

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, các trường đại học Nhật Bản đã đưa triết lý giáo dục khai phóng vào chương trình đào tạo của mình. Nhiều trường đại học công lập của Nhật Bản đã áp dụng mô hình đào tạo chính quy bốn năm, hai năm đầu học chương trình đại cương và hai năm sau học chương trình chuyên môn. Tuy nhiên, cho đến thập niên 1990, giáo dục đại cương ở các trường đại học Nhật Bản đã bộc lộ một số khuyết điểm. Thứ nhất, Bộ Giáo dục Nhật Bản ban hành quy định cứng đối với các môn cơ sở nhân văn, xã hội, tự nhiên, áp dụng quy định này đối với tất cả các trường đại học. Quy định này rất cứng rắn, không cho phép các trường đại học tự mình sáng tạo những môn học phù hợp với thị hiếu sinh viên của trường mình. Thứ hai, tên gọi nhiều môn đại cương không khác xa mấy tên gọi các môn học trong giáo dục phổ thông trung học và đánh mất sức hấp dẫn đối với sinh viên. Thứ ba, các giảng viên phụ trách chương trình đại cương không có cơ chế khuyến khích họ phát huy năng lực của mình. 

Những năm đầu thập niên 1990, khi Bộ Giáo dục Nhật Bản hủy bỏ Quy định cứng về giáo dục đại cương thì đại bộ phận các trường đại học Nhật Bản, ngoại trừ Đại học Tokyo, đã giải thể giai đoạn đại cương của mình. Với kinh nghiệm của mình ở trường Đại học Tokyo từ năm 1978 đến 2015, GS. TS. Furuta Motoo – Hiệu trưởng trường Đại học Việt Nhật, nguyên Hiệu trưởng trường Đại cương Đại học Tokyo (2001 – 2003) đã chia sẻ, giải pháp của Đại học Tokyo là đổi mới khái niệm “giáo dục đại cương”.

Trước đây người ta quan niệm rằng, “giáo dục đại cương” cơ bản nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản gồm có hai phần, một là các môn chung để đào tạo công dân, hai là môn cơ sở cho các lĩnh vực chuyên môn. Nhưng từ những năm đầu 1990, Đại học Tokyo bắt đầu nghĩ rằng nên xây dựng “giáo dục khai phóng” coi trọng kỹ năng và năng lực áp dụng kiến thức, nói một cách khác là coi trọng kỹ năng đối phó với chuyển đổi lớn của xã hội, năng lực tự mình phát hiện vấn đề và tìm ra giải pháp vấn đề đó và giải phóng tiềm năng con người. Với suy nghĩ như vậy nên từ năm 1993, Đại học Tokyo đã áp dụng khung chương trình mới cho các sinh viên năm thứ nhất và năm thứ hai. Trong chương trình mới này, Đại học Tokyo tăng cường các môn học tự chọn phù hợp với tình hình xã hội và phát triển khoa học thời đại có sức hấp dẫn đối với sinh viên. Có thể nói rằng, bằng cách chuyển từ “giáo dục đại cương” sang “giáo dục khai phóng”, Đại học Tokyo đã vượt qua nguy cơ Trường Đại cương bị giải thể. 

Năm 2004 đánh dấu bước ngoặt giáo dục khai phóng đại học ở Nhật Bản. Đại học Waseda, một đại học tư thục tiêu biểu của Nhật Bản, quyết định thành lập mới School of International Liberal Studies và ở tỉnh Akita cũng có một trường đại học công ra đời với tên gọi là Akita International University. Trường Đại học này lấy làm triết lý cơ bản của trường và tuyên bố “cố gắng hồi phục giáo dục khai phóng mà nền giáo dục đại học Nhật Bản đã bỏ một lần”. Sau đó, nhiều trường đại học ở Nhật Bản đã lần lượt thành lập khoa hoặc trường áp dụng triết lý giáo dục khai phóng. Có thể nói năm 2004 là năm “hồi sinh” của giáo dục khai phóng ở Nhật Bản.

Lý do chính thúc đẩy giáo dục khai phóng hồi sinh vào thời điểm đó là xu thế toàn cầu hóa. Trong xu thế toàn cầu hóa, các trường đại học ngày càng tiếp nhận nhiều lưu học sinh nước ngoài và phải đào tạo nhân lực phát huy tài năng của mình trong bối cảnh đa văn hóa. Muốn đào tạo công dân toàn cầu phù hợp xu thế thời đại thì giáo dục khai phóng đóng vai trò lớn.

II. Tình hình giáo dục khai phóng trong nền giáo dục đại học ở Việt Nam

1. Thử nghiệm thành lập Trường Đại cương Đại học Quốc gia Hà Nội

Ở Việt Nam, công cuộc Đổi mới yêu cầu thay đổi mô hình giáo dục đại học.

Trước Đổi mới, giáo dục đại học Việt Nam theo mô hình Liên Xô, coi trọng đào tạo liền một mạch theo chuyên ngành hẹp và làm cho trường đại học đơn ngành là chính. Mô hình như vậy phù hợp với nền kinh tế kế hoạch tập trung. Người sinh viên ra trường được sắp xếp chỗ làm việc theo kế hoạch, không cần lo tìm việc trong thị trường lao động. Nhưng khi chuyển sang cơ chế thị trường thì người sinh viên ra trường phải tự tìm việc làm trong thị trường, nên phải được đào tạo theo diện rộng. Những năm đầu 1990, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đưa ra chủ trương coi trọng xây dựng đại học đa ngành, đa lĩnh vực và chú trọng giáo dục đại cương. Bộ đưa ra quy định giáo dục đại học nên có hai phần: phần đại cương và phần chuyên nghiệp. Trong đó, phần giáo dục đại cương đóng vai trò giúp cho người học có tầm nhìn rộng, có phương pháp tư duy, có tình cảm nhân văn. Bộ chủ trương chia giáo dục đại học thành hai giai đoạn là giáo dục đại cương và giáo dục chuyên nghiệp, và cho phép đại học đa ngành xây dựng trường đại cương chung cho các ngành.

Năm 1993, Chính phủ Việt Nam thành lập hai Đại học Quốc gia ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Ý tưởng cơ bản của việc ra đời Đại học Quốc gia là xây dựng đại học đa ngành, đa lĩnh vực mạnh tầm cỡ quốc tế. Ở Đại học Quốc gia mới ra đời thử nghiệm thành lập Trường Đại cương riêng. 

Khi nghe thông tin này, GS. TS. Furuta Motoo đã vận động Trường Đại cương Đại học Tokyo ủng hộ Trường Đại học Đại cương Đại học Quốc gia Hà Nội chủ yếu bằng chia sẻ kinh nghiệm. Trường Đại học Đại cương Đại học Tokyo đã mời GS. Đặng Trân Phách, Hiệu trưởng Trường Đại cương Đại học Quốc gia Hà Nội sang thăm Đại học Tokyo và hai đời Hiệu trưởng Trường Đại cương Đại học Tokyo đến thăm Trường Đại cương Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nhưng trong thời gian ngắn, Trường Đại cương Đại học Quốc gia Hà Nội bị giải thể và nỗ lực cải cách giáo dục bằng cách coi trọng giáo dục đại cương bị buộc phải rút lui. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này, nhưng dù sao thì sự tồn tại của Trường Đại cương Đại học Quốc gia Hà Nội cũng là kinh nghiệm đáng ghi nhận trong lịch sử giáo dục khai phóng ở Việt Nam.

2. Trường Đại học Việt Nhật và Giáo dục khai phóng

Khi thành lập Trường Đại học Việt Nhật, tôi đề xuất Trường lấy giáo dục khai phóng làm triết lý cơ bản với 3 lý do:

Một, trong bối cảnh thế giới ngày nay đang có những biến chuyển lớn như bùng nổ dân số, yêu cầu phát triển bền vững tăng cao, cách mạng công nghệ 4.0, AI hóa và toàn cầu hóa, trong nền giáo dục ở nhiều quốc gia trên thế giới đang nổi lên xu hướng coi trọng mô hình mới đề cao đào tạo kỹ năng và năng lực áp dụng kiến thức hơn là trang bị kiến thức, nói một cách khác là coi trọng kỹ năng đối phó với chuyển đổi lớn của xã hội và bồi dưỡng <năng lực con người tổng hợp> như khả năng điều khiển công nghệ AI cao, kỹ năng giao tiếp cao, năng lực hợp tác làm việc trong bối cảnh đa dạng, đa văn hóa, khả năng phát huy vai trò lãnh đạo, có đạo đức và lý luận cao. Mô hình mới này được gọi bằng nhiều tên gọi, trong đó tên gọi có truyền thống lâu dài nhất là giáo dục khai phóng. Cuộc sống trong một xã hội thay đổi nhanh chóng có khía cạnh khiến chúng ta có cảm giác kiến thức thông thường trở nên vô ích, giống như người “đi biển mà thiếu la bàn”. Tố chất cần thiết giúp chúng ta vượt qua trạng thái “đi biển mà thiếu la bàn” đó chính là một tầm nhìn rộng lớn. Tôi cho rằng đây là yếu tố cơ bản nhất làm cho nhiều người trên thế giới chú ý tới giáo dục khai phóng nhiều hơn trước đây.

Hai, Trường Đại học Việt Nhật là một trường đại học mà Việt Nam và Nhật Bản cùng nhau xây dựng. Tôi hy vọng Trường mang lại cái mới để góp phần vào sự phát triển nền giáo dục đại học Việt Nam. Như tôi đã nói ở trên, giáo dục đại học Việt Nam có xu hướng coi trọng đào tạo từng chuyên ngành nhỏ hẹp. Còn ở Nhật Bản, các đại học hàng đầu có truyền thống mạnh về giáo dục khai phóng và cá nhân tôi đã có kinh nghiệm làm việc tại Trường Đại cương Đại học Tokyo suốt 37 năm. Nên tôi chọn giáo dục khai phóng làm cái mới mà Trường Đại học Việt Nhật thể hiện. 

Ba, Trường Đại học Việt Nhật là trường thành viên Đại học Quốc gia Hà Nội. Đại học Quốc gia Hà Nội có kinh nghiệm đã từng có Trường Đại cương. Hơn nữa, Đại học Tokyo kêu gọi tổ chức Diễn đàn Bốn Đại học chủ chốt Đông Á gồm có Đại học Bắc Kinh, Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Tokyo và Đại học Quốc gia Hà Nội từ năm 1999 đến năm 2014. Đây là diễn đàn về nền giáo dục đại học, trong đó có ý tưởng xây dựng giáo dục khai phóng chung cho 4 đại học. Qua diễn đàn này, tôi và Đại học Tokyo có nhiều lần trao đổi về giáo dục khai phóng với các nhà lãnh đạo cao cấp của Đại học Quốc gia Hà Nội. Nên khi tôi đề xuất Trường Đại học Việt Nhật lấy giáo dục khai phóng làm triết lý cơ bản thì các vị lãnh đạo Đại học Quốc gia không ngạc nhiên và hiểu ý muốn của tôi.

Khi Trường Đại học Việt Nhật khai giảng năm 2016, ở Việt Nam chỉ có hai trường đại học công khai nêu giáo dục khai phóng làm triết lý cơ bản của mình. Đó là Trường Đại học Fulbright Việt Nam và Trường Đại học Việt Nhật. Ngày 16 tháng 10 năm 2017, hai Trường đồng tổ chức Hội thảo: “Giáo dục khai phóng: Hướng đi mới cho giáo dục đại học tại Việt Nam” tại Hội trường Ngụy Như Kontum, Đại học Quốc gia Hà Nội để quảng bá giáo dục khai phóng. Nhưng sau đó số trường đại học nêu cao giáo dục khai phóng dần dần tăng lên. Giáo dục khai phóng không còn là khẩu hiển lạ tai trong nền giáo dục đại học Việt Nam. Văn kiện Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2016 có đoạn nói rằng “Chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.” Tôi nghĩ giáo dục khai phóng được chấp nhận ít nhất là một giải pháp theo hướng này.

Triết lý giáo dục khai phóng tại Trường Đại học Việt Nhật được tham khảo từ mô hình giáo dục khai phóng của Nhật Bản mà cụ thể là Đại học Tokyo nhưng được áp dụng một cách phù hợp với môi trường thực tiễn tại Việt Nam. Triết lý giáo dục khai phóng tại Trường Đại học Việt Nhật tập trung vào 3 điểm chính: 

Thứ nhất, lấy người học làm trung tâm, có nghĩa là người học được làm chủ quá trình học tập của mình. Theo đó, tại Trường Đại học Việt Nhật, người học được khuyến khích phát triển tính chủ động và độc lập trong suy nghĩ, tinh thần tự do sáng tạo, tinh thần tự học tự nghiên cứu đào sâu về các vấn đề mình quan tâm, cùng hướng tới các giá trị nhân văn cao đẹp. 

Thứ hai, giáo dục khai phóng cổ điển coi trọng triết học Hy Lạp. Nhưng Trường Đại học Việt Nhật cho rằng nội dung then chốt của giáo dục khai phóng sẽ thay đổi theo từng thời kỳ và từng nơi, và giáo dục khai phóng thế kỷ 21 nên coi khoa học bền vững là nội dung then chốt. Hiện nay đối với xã hội loài người nói chung, đối với Việt Nam hay Nhật Bản nói riêng, việc tìm kiếm sự phát triển bền vững chính là vấn đề căn cốt. Khoa học bền vững là ngành khoa học yêu cầu sự tích hợp và liên kết của nhiều lĩnh vực từ khoa học xã hội đến khoa học tự nhiên, nhằm tạo ra một xã hội bền vững. Đây cũng chính là ngành khoa học sẽ đem lại một tầm nhìn rộng không thể thiếu cho những nhà lãnh đạo của thế kỉ 21, tức là nội dung then chốt của giáo dục khai phóng thế kỷ 21. 

Thứ ba, các chương trình đào tạo của Trường Đại học Việt Nhật được tổ chức theo triết lý giáo dục khai phóng. Bậc thạc sĩ cũng có môn khoa học bền vững chung cho tất cả các chương trình thạc sĩ. Bằng cách này, Trường kỳ vọng các học viên không chỉ nắm bắt được kiến thức chuyên sâu mà còn chia sẻ được tầm nhìn rộng của khoa học bền vững. Nhưng nền giáo dục bậc đại học lại đậm nét giáo dục khai phóng hơn.

GS. TS. Furuta Motoo trong phần phát biểu của mình.

3. Câu chuyện Đại học Phan Châu Trinh – một thử nghiệm giáo dục khai phóng nhọc nhằn

Đại học Phan Châu Trinh (2007 – 2016) có thể được coi là thử nghiệm đầu tiên áp dụng mô hình giáp dục khai phóng tại Việt Nam. Mục tiêu của trường là hướng đến việc trang bị cho sinh viên những kiến thức nền tảng của bậc đại học vừa đáp ứng yêu cầu chuyên sâu của ngành học trên cơ sở kết hợp các kiến thức cơ bản; Tập trung vào kiến thức nền tảng và tổng quát. Có đủ chuẩn kiến thức giáo dục đại cương thuộc chương trình giáo dục khai phóng và kiến thức chuyên sâu của lĩnh vực chuyên ngành. Về thái độ: Có đạo đức nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, năng động; có khát vọng cống hiến, biết kết hợp hài hòa giữa quyền lợi và tiến bộ bản thân với lợi ích của cộng đồng, dân tộc; tinh thần tự do truy tìm tri thức và chân lý; coi trọng giá trị nội tại hơn là ích dụng ngoại lai của tri thức; rèn giũa nhân cách con người và tư cách công dân. Về kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm, trường đào tạo kỹ năng nghiên cứu, hoạch định chiến lược, xây dựng kế hoạch; kỹ năng giao tiếp, đàm phán, thuyết phục; kỹ năng làm việc độc lập và làm việc nhóm; kỹ năng thích ứng, sáng tạo trong công việc và nhấn mạnh vào sự phát triển tư duy và phát triển tri thức toàn diện của sinh viên chứ không phải là tri thức có tính chuyên ngành.

Phương pháp của giáo dục khai phóng trang bị cho sinh viên nền tảng tri thức vững chắc về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nhân văn và nghệ thuật; phối hợp với cách thức giảng dạy bằng tinh thần khai phóng, giảng viên và sinh viên cùng nhau đặt vấn đề, trao đổi và tìm câu trả lời phù hợp. Từ đó, sinh viên tự luyện rèn khả năng tư duy độc lập, làm chủ tri thức, hiểu bản thân và hiểu người khác. “Biết người biết ta” chính là chiếc chìa khóa khơi mở sự tự tin, khả năng hòa nhập, đổi mới môi trường làm việc và năng lực giao tiếp hiệu quả.
Trường Đại học Phan Châu Trinh theo đuổi chương trình giáo dục khai phóng với điều kiện lý tưởng của môi trường văn hóa – du lịch – sinh thái của thành phố Hội An và sự tham gia của các GS-TS nổi tiếng trong nước và thế giới trong hầu hết các lĩnh vực. Hai năm học đầu tiên, các bạn sinh viên sẽ được tiếp xúc với chương trình giáo dục khai phóng do các giảng viên uy tín hàng đầu giảng dạy. Hai năm học cuối, các bạn sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, kỹ năng tin học, ngoại ngữ được Đại học Phan Châu Trinh cam kết chất lượng.
Với hành trang vững vàng đó, sinh viên không những chinh phục được các nhà tuyển dụng khó tính ngay sau khi ra trường mà còn thực sự đủ bản lĩnh để hội nhập và linh hoạt thích nghi với những thách thức, biến động của đời sống hiện đại.

Chương trình thử nghiệm này thất bại vì nhiều lí do, tuy nhiên cũng đã để lại được kinh nghiệm quý báu cho

III. Tình hình GDKP tại Việt Nam và những triển vọng

Thông qua những nghiên cứu cá nhân, anh Dương Trọng Tấn, Giám đốc Viện Libero nhận thấy ở Việt Nam hiện nay có sự gia tăng mối quan tâm về giáo dục khai phóng. Giáo dục khai phóng được đề cập trong phạm vi rộng, bao gồm cả các cơ sở giáo dục quan phương (phổ thông, đại học) và cơ sở giáo dục phi quan phương (không chính quy và phi chính quy).

Ở nước ta, có hàng chục cơ sở giáo dục đang thực hành giáo dục khai phóng ở các mức độ khác nhau (phương châm, triết lý, chương trình, cấu trúc) và cách thức khác nhau để gia tăng sự khác biệt, thúc đẩy các mục tiêu giáo dục phù hợp với bối cảnh thế kỷ 21. Phổ biến nhất là chương trình giáo dục tích hợp. Lấy ví dụ như tại chương trình cử nhân Công nghệ thông tin ở trường Đại học Hoa Sen, hay chương trình Khoa học và Kỹ thuật máy tính của trường Đại học Việt Nhật, kiến thức nền rộng, liên ngành được kết hợp với kiến thức chuyên ngành hẹp; cho phép lựa chọn “chuyên ngành” sau giai đoạn “tổng quát”; tổ chức theo môn hoặc theo cụm vấn đề.

Chương trình ABG EDU của Viện Lãnh đạo ABG hay chương trình NextGen Executives của trường Quản trị Hiếu Liêm, chương trình IPL của Học viện Quản trị PACE. Tại Libero, đội ngũ thiết kế chương trình tiếp cận theo một cách cổ điển về giáo dục khai phóng. Trong khóa học làm nên tên tuổi của Libero, chúng tôi thiết kế các chuyên đề dựa trên các môn khoa học cơ bản như: Học tập khai phóng, Việt Nam: lịch sử và văn hóa, Triết học và việc rèn trí nghĩ, Cái đẹp và cái hữu dụng, Tâm lí học và đời sống, From Data to Wisdom, Cách nền kinh tế vận hành, Tinh thần pháp luật, Quản trị: truyền thống và đổi mới.

Cũng theo anh Tấn, hiện nay vẫn còn ít nguồn thông tin (nhất là thông tin chuyên sâu, thực hành), ít “sân chơi” cho người thực hành giáo dục khai phóng. Các nghiên cứu về giáo dục khai phóng tại Việt Nam tăng nhanh sau 2016, chủ yếu bàn về “triết lí”, “ mô hình”, “gợi ý”, sách chuyên đề bằng tiếng Việt cũng còn rất ít. Bên cạnh đó, chưa có sự quan tâm đáng kể của hiệp hội chuyên ngành.

Anh Dương Trọng Tấn trong phần phát biểu của mình.

Theo thầy Furuta, việc triển khai giáo dục khai phóng ở Việt Nam là công việc không hề dễ dàng, nhưng có thể từng bước thực hiện được bằng cách điều chỉnh mô hình giáo dục khai phóng phù hợp với tình hình thực tế ở Việt Nam. Trường Đại học Việt Nhật khẳng định sẽ nhất định tiếp tục kiên trì triết lý giáo dục khai phóng và quảng bá triết lý này ở Việt Nam. 

Nhất trí với quan điểm của trường Đại học Việt Nhật, VIện Libero bày tỏ hy vọng xây dựng mạng lưới giáo dục khai phóng tại Việt Nam.

Share This Post!