Mở đầu
Các nhà ngôn ngữ học đều cho rằng trong ngôn ngữ, những khác biệt giữa các phương ngữ có ở cả ba cấp độ ngữ âm (khác nhau khi phát âm cùng một tiếng), từ vựng (khác nhau khi cùng một sự vật nhưng gọi tên bằng những từ khác nhau) và ngữ pháp (cùng một ý nhưng diễn đạt bằng những câu khác nhau).
Tuy nhiên, mức độ khác biệt nhiều nhất là ở ngữ âm, sau đó là từ vựng, còn khác biệt trong ngữ pháp thì ít nhất. Tiếng Việt cũng vậy.
Việc nghiên cứu những khác biệt về mặt ngữ âm là công việc đầu tiên phải chú trọng.
Chúng ta sẽ tìm hiểu hiện tượng phát âm theo cách khác những từ như (con) trâu, tuy viết ra thống nhất, nhưng người Bắc bộ Việt Nam vẫn phát âm thành (con) châu, tất cả các từ như trí tuệ, trí thức, tri giác, tri ân, trì trệ… người Bắc Việt Nam đều phát âm thành chí, chi, chì… trong khi người Trung bộ Việt Nam không bao giờ phát “nhầm” những âm đó.
Tương tự như vậy, người phát âm “giọng Bắc” sẽ thấy khó hiểu vì sao người Thanh Hóa viết là cũng nhưng phát âm thành củng, viết là chị nhưng phát âm thành chậy, người Nam Bộ phát âm mỹ thành mẫy, người Quảng Ngãi viết hai người nhưng phát âm hơ ngừa, dẫn đến câu đùa “pha giọng”, ví dụ: Eng không eng, đổ cho chó eng, téc đèng đi ngủ…
Do đó, vấn đề ngữ âm địa phương được đặt ra để tìm cách xử lý những khác biệt trong giáo dục (dạy chính tả, học từ ngữ, và cả quá trình nói–nghe– đọc–viết), cũng như trong giao tiếp.
Nghiên cứu khác biệt ngữ âm nhằm mục đích thống nhất cách nói và cách viết, thuận tiện trong giao dịch của mọi người ở mọi vùng miền, và càng có ích trong công việc giáo dục, nhất là ở bậc phổ thông.
Các bạn sẽ tìm hiểu và xác định phương ngữ là gì, và các phương ngữ tiếng Việt là gì. Tiếp đó, chúng ta sẽ liệt kê và miêu tả bức tranh phức tạp về âm địa phương trong tiếng Việt. Chính các bạn, dù chưa là nhà ngôn ngữ học, cũng cần đưa ra những cách xử lý.
1. Chuẩn mực để so sánh
Chúng ta đang bàn đến so sánh sự khác biệt về ngữ âm. Vậy trước hết cần xác định rõ chuẩn mực rồi qua đó mà tìm thấy sự khác biệt – nói cho dễ hiểu, khác biệt là so với chuẩn mực nào? Nói một vật bị “nghiêng”, tức là nó “không thẳng” như chiều thẳng đứng của cái dây dọi. Nói một vật không “vuông thành sắc cạnh” là so độ lệch của nó với cái “norm” – một từ có gốc Hy Lạp để gọi tên cái “thước thợ”.
Vậy cái “dây dọi” và cái “thước thợ” trong địa hạt ngữ âm nằm ở đâu?
Từ lâu, các nhà ngôn ngữ học đã chỉ ra: đó là (a) sự khác biệt giữa các phương ngữ với nhau; và (b) sự khác biệt giữa phương ngữ với ngôn ngữ toàn dân. Nhờ sự so sánh đó mà ta nhận ra các phương ngữ – hay là các ngôn ngữ mang màu sắc địa phương.
Có thể dùng chuẩn (a) so sánh giữa các hiện tượng phương ngữ với nhau không? Ta thấy rõ là có sự khác biệt ngữ âm giữa các phương ngữ, nhưng ta không thể khẳng định tùy tiện rằng phương ngữ này “chuẩn” hơn phương ngữ kia.
Và thế là, để đi tìm sự khác biệt ngữ âm, chúng ta chỉ còn một cách là so sánh phương ngữ với ngôn ngữ chung của toàn dân. Vì sao cái ngôn ngữ toàn dân này lại đáng được coi là chuẩn mực? Lý do duy nhất là hệ thống ngữ âm của ngôn ngữ toàn dân này đã hình thành từ rất lâu, vì thế mà được nghiên cứu và mô tả đầy đủ từ rất sớm.
Đến nay, cấp độ ngữ âm thể hiện ở đơn vị tiếng của tiếng Việt đã được hiểu biết gần như hoàn toàn đầy đủ. Mỗi tiếng của tiếng Việt đều thỏa mãn cấu trúc (a) âm đầu, (b) âm đệm, (c) âm chính, và (d) âm cuối.
Thanh của tiếng |
|||
Phụ âm đầu |
Phần vần |
||
âm đệm | âm chính |
âm cuối |
Mỗi tiếng nằm trong cấu trúc trên còn có thể có một trong sáu thanh điệu; và chúng được tạo thành bởi 23 phụ âm làm thành phần âm đầu, 14 nguyên âm (9 nguyên âm đơn, 3 nguyên âm đôi, 2 nguyên âm ngắn) tạo thành âm chính hoặc âm đệm; 8 phụ âm và bán phụ âm để tạo thành âm cuối. Hệ thống này gắn với cách quy định thống nhất và được toàn dân chấp nhận, tạo thành bộ luật chính tả tiếng Việt. Tất cả mọi người đều có thể dùng các cuốn Từ điển tiếng Việt làm căn cứ cho bộ luật chính tả đó.
Ngoài căn cứ có tính khoa học đó ra, còn có trạng thái tâm lý sau: khi nghe một giọng nói lạ, người xung quanh coi đó là “lạ” bởi vì nó lệch với chuẩn ngôn ngữ toàn dân đã được mọi người thừa nhận ngầm với nhau: tiếng Bắc hoặc tiếng Hà Nội.
2. Giới hạn phạm vi so sánh
Việc so sánh như vậy về mặt ngữ âm, mang tính hành dụng, nằm trong khuôn khổ của âm tiết phát ra một tiếng (GS. Nguyễn Tài Cẩn gọi là “tiếng một”). Việc nghiên cứu và so sánh các đơn vị âm thanh lớn hơn âm tiết (như trọng âm khi phát một ngữ, như ngữ điệu khi nói một câu) sẽ được học ở lớp Bảy, không đưa ra so sánh trong bài học này.
Việc miêu tả và so sánh những khác biệt về ngữ âm ở đây sẽ quy về các phương ngữ. Bài này sẽ giúp các bạn cách làm việc thực chứng đối với hiện tượng khác biệt về ngữ âm tiếng Việt. Chính các bạn học sinh, những người có mặt ở tất cả các địa điểm trong cả nước, sẽ là những nhà nghiên cứu có mặt suốt từ Bắc vào Nam, từ Đông sang Tây của tổ quốc ta, và chính các bạn sẽ thống kê tất cả các dị biệt về phát âm mà mình bắt gặp. Mong các bạn hãy ghi nhận cách làm việc của các nhà phương ngữ học theo lối khoanh vùng và chỉ ra các đặc điểm chính của tiếng nói các vùng.
Cho đến nay, dựa trên những điều đã biết, chúng ta có thể phân chia tiếng Việt thành các vùng phương ngữ như cách phân chia của Hoàng Thị Châu [3, 91]. Cụ thể:
– Phương ngữ Bắc: Bắc Bộ.
– Phương ngữ Trung: từ Thanh Hóa đến bắc đèo Hải Vân.
– Phương ngữ Nam: Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Một vài ví dụ dưới đây đủ để thấy đặc điểm chung nhất của phương ngữ.
(a) Hiện tượng lẫn lộn phụ âm đầu l/n chỉ xảy ra ở Bắc Bộ, còn từ Thanh Hóa trở vào không bị lẫn lộn cặp âm này.
(b) Hiện tượng lẫn lộn phần vần của tiếng xảy ra nhiều nhất ở các tỉnh phía Nam, trong khi đó là hiện tượng hiếm hoặc không có ở các tỉnh phía Bắc.
(c) Mỗi vùng phương ngữ như vậy lại mang những đặc điểm riêng để có thể phân chia thành các tiểu phương ngữ – tiếng Việt ở các vùng phương ngữ Trung gần như mỗi tỉnh là một tiểu phương ngữ như vậy: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
3. Một số tư liệu phương ngữ
3.1. Về phương ngữ Bắc
Nhìn chung, phương ngữ này có trung tâm là tiếng Hà Nội, là địa phương có tiếng nói gần với “chuẩn chính tả” nhất. Từ năm 1651, khi A. de Rhodes cho in ở Roma cuốn Từ điển Việt–Bồ–La và Phép giảng tám ngày cũng đã xác định như thế. Ưu điểm thấy rõ của phương ngữ này là nói đủ sáu thanh điệu và phần vần phong phú hơn các phương ngữ khác. Lỗi “chết người” đối với người dân vùng này tập trung chủ yếu ở phụ âm đầu. Đó là:
(a) Không phân biệt s với x, r với d, tr với ch
+ (con) sâu ≠ xâu; (cá) sấu ≠ xấu; (hoa) sen ≠ xen; (chim) sẻ ≠ xẻ; sâu sắc ≠ xâu xắc,…
+ rau ≠ dau; (chòm) râu ≠ dâu; rể ≠ dể; rễ (cây) ≠ dễ; ruộng (lúa) ≠ duộng,…
+ (bức) tranh ≠ chanh; (buổi) trưa ≠ chưa; trái ≠ chái,…
Lỗi này xảy ra ở toàn bộ khu vực Bắc bộ. Trong cách nói, người nghe bỏ qua, nên nó không bị coi là lỗi. Nhưng trong cách viết, nếu không có sự rèn luyện công phu trong nhà trường phổ thông, thì đến già có khi cũng vẫn mắc lỗi.
(b) Không phân biệt, lẫn lộn giữa l với n
+ lá (cây) ≠ ná; lời (nói) ≠ nời; lòng lợn ≠ nòng nợn; luộc ≠ nuộc; làm ≠ nàm,…
+ (uống) nước ≠ lước; nắng ≠ lắng; Hà Nội ≠ Hà Lội; non nước ≠ lon lước,…
Lỗi này chỉ xảy ra ở 11 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Riêng khu vực miền núi phía Bắc thì ít gặp. Đây là cách “xô dồn” hai chiều, là triệu chứng của xu hướng hòa nhập một âm bên và âm đầu lưỡi, một xu hướng “giản hóa cấu âm” mang tính chất tiến bộ.
Tuy nhiên, hiện nay xu hướng này đang bị đánh giá sai lệch là lầm lẫn của người có văn hóa thấp. Thực ra, vô số người có học, thậm chí học cao, cũng mắc vào tập tính phát âm lẫn lộn l và n này. Nhưng người có ý thức tôn trọng ngữ âm chuẩn xác sẽ luôn luôn cảnh giác với cách phát âm của mình để khỏi phạm vào sai lệch này.
Nhìn chung, hiện tượng lẫn lộn trên đang là nỗi quan tâm của nhiều giáo viên. Trong số họ, có những người tìm cách dùng các phép ghi nhớ máy móc như “sờ nặng xờ nhẹ”, “lờ cao nờ thấp”, “trờ trê chờ chó”,… nhưng không căn bản, vì không chỉ ra được quy luật đúng/sai. Về việc sửa lỗi chính tả loại này, người có trình độ học vấn chắc chắn sẽ bớt mắc các lỗi trên, mà nguyên nhân là sự ý thức về cái sai/đúng để tự rèn luyện, dẫn đến hết lỗi phát âm “sai”.
Do đó, cách khắc phục chung “nhược điểm” này là:
– Ý thức về sự đúng/sai để tự rèn luyện: tự học, tự ghi nhớ cả đối với ngôn ngữ nói lẫn ngôn ngữ viết.
– Gặp bất kỳ trường hợp “ngờ ngợ” nào đều phải tra từ điển chính tả để hiểu sâu vì sao có cách viết này khác.
Theo kinh nghiệm của nhiều người, có thể có mấy “mẹo” sửa như sau:
– Cách đặt lưỡi cấu âm n đúng: chọn từ có âm cuối –n, như non, con, hòn,…giữ nguyên vị trí lưỡi, chuyển nói hoặc đọc trong ngay từ (âm tiết) có phụ âm đầu n, như nước, non nước, (con) này, (hòn) non bộ,… Cách này chỉ ghi nhận cách cấu âm đúng n (không phải l), vả lại nó đã giả định là ta phải biết từ định nói vốn có âm gì, nên không dễ ứng dụng.
– Phân biệt s và x: thông thường, s nghiêng về thể hiện danh từ, x là động từ. Ví dụ: (chim) sẻ/ xẻ (gỗ), (con) sáo/ xáo (măng), súc (gỗ)/ xúc (đất),… Tuy nhiên, đây là sự phân biệt không triệt để.
Ngoài các đặc điểm chung như nêu trên, ở các thổ ngữ trong phương ngữ Bắc bộ Việt Nam còn có một số thổ ngữ có cách nói đặc biệt, như thanh huyền thể hiện ở âm vị vực cao như tiếng Sơn Tây; cách nói nguyên âm [ a ] thành [є ] ở tiếng Nam Định; có âm chuyển sắc [ є ] → [ iє ], o → uo ở Hải Phòng; cách phát âm s → th (súng → thúng) ở ven biển Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình… Diện phân bố này hẹp, nên chúng ta coi như bỏ qua.
3.2. Về phương ngữ Trung
Phương ngữ này có 23 phụ âm đầu, do đó đủ 3 âm uốn lưỡi được ghi bằng chữ viết là s, r, tr. Đọc và nói sai chủ yếu ở thanh điệu và một số vần. Do đó, các dị biệt chủ yếu có thể kể (trong toàn vùng):
(a) Chỉ có 5 thanh. Đa phần thanh hỏi và thanh ngã bị lẫn lộn. Cụ thể: trừ Nghệ–Tĩnh lẫn lộn thanh ngã với thanh nặng, còn ở tất cả các tiểu thổ ngữ còn lại, kể cả Thanh Hóa, chủ yếu lẫn lộn thanh hỏi với thanh ngã. Điều này, còn gặp ở phương ngữ Nam. Đặc điểm chung toàn khu vực là sự “xô dồn” này chủ yếu từ thanh ngã sang hỏi, ngã sang nặng.
Ví dụ: (lên) xã → (lên) xả, (nước) lã → (nước) lả, bã (trầu) → bả (trầu), hoặc (tất) cả → (tất) cã, cả xã → cạ xạ, (học) chữ → (học) chự,…
Cách xử lý thanh điệu không ngoài gì khác là tự học (nghe, đọc nhiều thành quen), tra từ điển và nghe theo lời bài hát. Học sinh có thể chơi trò chơi đố thanh các từ.
(b) Hệ thống nguyên âm đôi bị đơn hóa, các yếu tố thứ hai trong nguyên âm đôi bị triệt tiêu, yếu tố đầu có kéo dài hơn bình thường. Ví dụ:
- ươ → ư: bướng → bứng, nương → nưng, cương → cưng, sướng → sứng,…
- uô → u: xuống → xúng, cuống (lá) → cúng, buông tay → bung,…
(c) Trong hệ thống âm cuối, các âm –n, –t → –ng, –k. Hiện tượng này xuất hiện từ Thừa Thiên Huế (phía Nam sông Ô Lâu trở vào). Ví dụ:
- –n → –ng, bắn → bắng, khăn (mặt) → khăng (mặc), bàn → bàng, lan → lang,…
- –t → –c (âm là /–k/): cát → các, mát → mác, đan lát → đang lác,…
Hiện tượng này sẽ gặp lại trong phương ngữ Nam.
Cách xử lý các hiện tượng về phần vần cũng tương tự như cách học các từ có thanh điệu dị biệt: học từng trường hợp, đọc sách, nghe đài, luyện nói và viết, nghe và nhớ theo lời bài hát. Và học sinh có thể chơi trò chơi đố chữ theo các bài tập soạn trước.
Một số tỉnh trong phương ngữ Trung còn có một số âm và một số vần lạ như: phụ âm tl còn ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị; vần i → ây, ư → âư, u → âu (chị → chậy, nữ → nâữ, mũ → mẫu (ở Thanh Hóa), anh → eng (ở Quảng Bình), anh → ăn (Thừa Thiên Huế),… Ta có thể coi đây là những trường hợp phổ biến hẹp.
3.3. Về phương ngữ Nam
Vùng phương ngữ Nam rộng, kéo dài từ Đà Nẵng đến mũi Cà Mau, đây là vùng đất mới, tính trung bình trên dưới năm trăm năm. Cả vùng Nam Trung Bộ là khu vực phương ngữ chuyển tiếp từ Bắc Trung Bộ vào Nam. Nhìn chung, đây là phương ngữ tương đối thống nhất (so với phương ngữ Bắc và Trung). Có thể thấy các đặc trưng chủ yếu:
– Đây là vùng có năm thanh điệu. Thanh ngã và hỏi đồng nhập, thường nói thành thanh hỏi. Về điệu tính, các thanh có khác các phương ngữ còn lại, có vẻ gần gũi với tiếng Bắc hơn là tính trầm ở phương ngữ Trung. Cái khó ở đây lại vẫn quay về phân biệt các thanh hỏi và ngã.
– Về phụ âm đầu:
+ Không có phụ âm /v/, thay bằng /w/. Ví dụ: văn hóa → văng woá, vá → já, vệ quốc → vệ wók,…
+ Âm đệm /–w–/ đang dần biến mất: luật → lục, toàn → tàu, nuốt → núc,…
Về phần vần:
+ Đồng nhất các vần: –in, –ít → –inh, –ích. Như: tin → tinh, mít → mích, thìn → thình, thịt → thịch, v.v…
+ Các vần –un, –út → –ung, –úc. Ví dụ: bún → búng, cùn → cùng, (một) chút → (một) chúc, nút → núc, bùn → bùng.
+ Cách đọc: nguyên âm hơi dài so với bình thường, để phân biệt với âm ngắn (bùn: u hơi dài, phân biệt với u ngắn trong bùng (nổ)).
+ Một số vần đặc trưng Nam Bộ khác như: –ênh → –inh như bệnh → bịnh, lệnh → lịnh, kênh → i; vần –inh → –anh như chính (sách) → chánh (sách), chính (quyền) → chánh (quyền), (hành) chính → (hành) chánh,…; vần –ân → –ơn, như: nhân → nhơn, nhân (quyền) → nhơn (quyền), nhân (ái) → nhơn (ái); vần –ing → iêng như kính → kiếng,…
Nhìn chung, một số vần này đều là các yếu tố hoặc từ Hán–Việt, được định hình trong chữ viết như các từ độc lập, được thu thập vào các loại từ điển tiếng Việt hoặc từ điển phương ngữ, nên hay gặp và tra cứu dễ dàng.
Về cách xử lý các biến thể địa phương cho phương ngữ Nam thì cũng không khác gì cách giải quyết ở các phương ngữ khác. Riêng phần vần và thanh điệu thì có thể sử dụng cách hát các từ hữu quan trong lời bài hát. Đặc biệt trong văn viết, đối với phương ngữ Nam còn có vấn đề sử dụng các từ địa phương trong các phong cách – chức năng. Điều này do lịch sử để lại: hiện tại, đây là “phương ngữ mạnh” (theo cách nói về phương ngữ Thâm Quyến, Hồng Công, Thượng Hải của Trung Quốc), và vốn trước kia, Sài Gòn là thủ đô của chế độ Việt Nam Cộng hòa.
Do vậy, ta không lạ gì khi trong tác phẩm báo chí, tác phẩm văn học, tiếng Nam Bộ (dù xét từ góc độ ngữ âm) vẫn rất thường gặp trong các tác phẩm của Sơn Nam, Đoàn Giỏi, Nguyễn Ngọc Tư, và trước nữa là Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Biểu Chánh,…
4. Thay lời kết
Trên đây, chúng ta đã có bức tranh toàn cảnh về ngữ âm các phương ngữ tiếng Việt. Cách xem xét các đặc điểm ngữ âm được gói trong các phương ngữ. Thực ra, đây mới chỉ là các nét chính làm nên đặc điểm của từng phương ngữ, chứ chưa thống kê tỉ mỉ những đặc điểm vốn có trong thực tế của từng phương ngữ.
Việc hiểu biết về phương ngữ nhằm mục đích gì? Chính các bạn khi tham gia thống kê để nghiên cứu phương ngữ nơi mình sống sẽ giúp bạn nhận ra mục đích của việc hiểu biết về ngữ âm địa phương của tiếng Việt.
Khi nhận ra những khác biệt ngữ âm địa phương, chúng ta sẽ làm gì? Người nói “ngọng” sẽ tự nhận thức chỗ sai của mình. Trong việc ngăn chặn và sửa chữa những “sai sót” ngữ âm địa phương, chúng ta không chờ đợi một bí quyết. Mỗi chúng ta tự tìm ra bí quyết đó là phải tự học: đọc (nhiều) sách, báo, nghe đài, xem báo, nghe theo bài hát, và khi viết nếu thấy ngờ ngợ thì phải tra từ điển, đồng thời khi nói thì cần có ý thức dè chừng chỗ mình có thể phát âm “sai” với chuẩn…
Phạm Văn Hảo
Bài viết được trích ra từ sách mở Cánh Buồm, tuân thủ giấy phép mở CC-BY-NC-SA 4.0 (Creative Commons Attribution NonCommercial ShareAlike 4.0 International)
Tài liệu (tác giả) tham khảo chính:
- Nguyễn Văn Ái (1987), Sổ tay phương ngữ Nam Bộ, NXB Cửu Long.
- Đỗ Hữu Châu (1981), Từ vựng, ngữ nghĩa tiếng Việt, NXB Giáo dục.
- Hoàng Thị Châu (2004), Phương ngữ học tiếng Việt, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Bùi Minh Đức (2009), Từ điển tiếng Huế (tiếng Huế, người Huế, văn hóa Huế, văn hóa đối chiếu), hai tập, NXB Văn học.
- Phạm Văn Hảo (chủ biên – 2009), Từ điển phương ngữ tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội.