1. Vài đặc điểm riêng của ngữ âm, từ vựng tiếng Việt Nam Bộ

1.1. Các đặc trưng ngữ âm của tiếng Việt Nam Bộ

(1) Khác với hệ thống sáu thanh điệu của phương ngữ Bắc, tiếng Việt Nam Bộ chỉ có năm thanh điệu. Trong đó, thanh gọi là thanh HỎI thật ra tương đương với hai thanh HỎI – NGÃ trong phương ngữ Bắc. Đặc điểm này khiến cho người Việt Nam Bộ thường viết sai chính tả hai thanh HỎI – NGÃ hơn so với người Việt Bắc Bộ.

(2) Ba cặp phụ âm đầu R – D/GI, S – X, TR – CH được chia tách tương đối rõ. Đặc điểm này khiến cho người Việt Nam Bộ ít viết sai chính tả các phụ âm này hơn so với người Việt Bắc Bộ. Tuy nhiên, mức độ chia tách không đều. Ở một số nơi có tiếp biến với tiếng Hoa (ở các tỉnh miền Tây như Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang…), phụ âm ngoặt lưỡi R biến thành phụ âm G hoặc J, phụ âm ngoặt lưỡi S biến thành phụ âm X, phụ âm ngoặt lưỡi TR biến thành phụ âm CH. Các bạn bắt chước nói và đoán xem người vùng đó nói gì:

– Bắt con cá GÔ bỏ GỔ, nó nhảy GÔỘC GÔỘC!;

– Cả bó JAO JẦY mà CHẢ có năm CHĂM đồng bạc, làm XAO mà bán!.

(3) Không có ba phụ âm xát V, D/GI, CH, thay vào đó là hai phụ âm tắc J, CH. Phụ âm J tương ứng với V, D/GI, còn phụ âm CH tắc tương ứng với CH xát trong phương ngữ Bắc. Đặc điểm này khiến cho người Việt Nam Bộ thường viết sai chính tả các phụ âm V, D/GI hơn so với người Việt Bắc Bộ. Đoán tiếp xem:

– Cho xe đi LÒNG DÒNG một quãng rồi DỀ!

– DẬY cũng đủ DUI rồi!

(4) Không có âm đệm U/O (vì âm đệm đã bị rơi rụng). Ví dụ: buýt => BÍT; chuyên => CHIÊNG; duyên => DIÊNG; đoàn => ĐOÒNG/ĐÀNG; goá => JÁ; khuya => PHIA; luyện => LIỆNG; noãn => NOÕNG; nhuyễn => NHIỄNG; phuy => PHI; roảng => ROỎNG; soát => SOÓC; toàn => TOÒNG/TÀNG; truyền => TRIỀNG; thoáng => THOÓNG; xoa => XO… Đặc điểm này khiến cho người Việt Nam Bộ thường viết sai chính tả các tiếng có âm đệm hơn so với người Việt Bắc Bộ.

(5) Hình thành phụ âm xát môi – mạc hữu thanh W (đọc như “uờ”) từ sự hoà nhập của âm đệm vào bốn phụ âm đầu K, NG, H, Ɂ (phụ âm tắc thanh hầu ở đầu âm tiết, không được thể hiện trên chữ viết). Ví dụ: qua => WA; ngoại => WẠI; hoãn => WÃNG; oà => WÀ. Đặc điểm này cũng khiến cho người Việt Nam Bộ thường viết sai chính tả các tiếng có âm đệm hơn so với người Việt Bắc Bộ.

(6) Số lượng và cách phân bố các cặp nguyên âm đối lập dài – ngắn khác hẳn phương ngữ Bắc. Đặc điểm này khiến cho người Việt Nam Bộ thường viết sai chính tả ở phần vần hơn so với người Việt Bắc Bộ.

– Có những cặp nguyên âm đối lập dài – ngắn tương tự phương ngữ Bắc, nhưng khác về quy tắc kết hợp với phụ âm cuối: I DÀI (y, im, iêm, ip, iêp, iu, iêu) – I NGẮN (in, inh, it, ich); Ơ DÀI (ơ, ơm, ôm, om, ên, ênh, ơn, ơp, ôp, op, êt, êch, ơt, ơi) – Ơ NGẮN (ân, âng, ât, âc, âu, ây); A DÀI (a, am, an, ang, ap, at, ac, ao, au, ai, ay) – A NGẮN (ăm, âm, anh, ăn, ăng, ăp, âp, ach, ăt, ăc); Ô DÀI (ô, ôn, ôông, ôt, ôôc, ôi) – Ô NGẮN (ông, ôc); O DÀI (o, on, oong, ot, ooc, oi) – O NGẮN (ong, oc)…

– Có các nguyên âm Ê DÀI (ê, êp, êm, êu), E DÀI (e, em, en, eng, ep, et, ec, eo), nhưng không có các nguyên âm Ê NGẮN (ênh, êch), E NGẮN (anh, ach) để đối lập với Ê DÀI (ê, êm, ên, êp, êt, êu), E DÀI (e, em, en, ep, et, eo) như trong phương ngữ Bắc.

– Có những nguyên âm ngắn không có trong phương ngữ Bắc, đi đôi với các nguyên âm dài tương ứng: Ư DÀI (ư, ưi, ươi) – Ư NGẮN (ưn, ưng, ưt, ưc); U DÀI (u, ưu, ươu, ui, uôi) – U NGẮN (um, un, ung, up, ut, uc);…

(7) Số lượng phần vần ít hơn phương ngữ Bắc, do sự đồng nhất của các vần. Đặc điểm này làm gia tăng hiện tượng đồng âm dị nghĩa, đồng âm dị tự, và khiến cho người Việt Nam Bộ thường viết sai chính tả ở phần vần hơn so với người Việt Bắc Bộ.

– iêm => im; âm => ăm; om => ôm => ơm; uôm => ươm; inh => in; ênh => ên; en => eng; ưn => ưng; ân => âng; an => ang; ăn => ăng; iên => iêng; ươn => ương; un => ung; ôn => ôông; on => oong;

– iêp => ip; âp => ăp; op => ôp => ơp; ich => it; êch => êt; et => ec; ưt => ưc; ât => âc; at => ac; ăt => ăc; iêt => iêc; ươt => ươc; uôt => uôc; ut => uc; ôt => ôôc; ot => ooc;

– iêu => iu; au => ao; ươu => ưu => u; ươi => ưi; ay => ai; uôi => ui;…

1.2. Các đặc trưng từ vựng của tiếng Việt Nam Bộ

(1) Sự phản ánh môi trường sinh thái đồng bằng châu thổ Nam Bộ: Trên đồng bằng Nam Bộ, do điều kiện địa lý đặc thù của hai vùng châu thổ sông Đồng Nai và sông Cửu Long, nên văn hóa mưu sinh của cư dân Việt trên vùng đất phì nhiêu rộng lớn này mang đặc trưng đồng bằng châu thổ rõ nét nhất, đồng thời cũng đa dạng nhất so với tất cả các vùng miền khác. Diện tích có thể trồng lúa ở hai vùng châu thổ sông Cửu Long và sông Đồng Nai là lớn nhất nước và cũng phì nhiêu nhất nước. Sông Cửu Long lại có tốc độ dâng nước và tốc độ dòng chảy thấp, nên người ta không cần phải đắp đê ngăn lũ như ở đồng bằng sông Hồng mà ngược lại còn tận dụng nguồn nước này vào mùa lụt để đưa nước ngọt và phù sa vào ruộng, rửa phèn ở vùng trũng, đánh bắt thuỷ sản, v.v… Nhờ đó mà ở nơi đây, truyền thống nông nghiệp lúa nước của người Việt đã được phát huy đến mức tối đa: hiện nay chỉ riêng đồng bằng sông Cửu Long đã cung cấp đến 50% sản lượng lúa và khoảng 90% lượng gạo xuất khẩu hằng năm, hơn 6 triệu tấn (2009–2015), của cả nước. Sở hữu một vùng sông nước lắm thuỷ sinh và được biển bao quanh ba phía, Nam Bộ cũng là một ngư trường giàu có nhất nước, là cơ sở để phát triển các nghề đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản. Không chỉ thế, sông nước nơi đây còn là tiền đề phát triển các nghề buôn bán trên sông, vận tải đường sông, nuôi cá và lưới cá trên sông, v.v… Việc giao thương của vùng đất Nam Bộ mang đặc thù đồng bằng sông nước rất rõ ràng. Từ xưa, các trung tâm giao thương lớn của vùng đều được hình thành ven bờ sông rạch, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa.

Cho nên, một trong những đặc trưng của tiếng Việt Nam Bộ gắn liền với thiên nhiên và văn hóa nơi đây chính là sự phong phú đặc biệt của vốn từ ngữ phản ánh môi trường sinh thái đồng bằng châu thổ. Từ ngữ về đồng bằng châu thổ nơi đây cũng bao gồm các nhóm từ ngữ như ở đồng bằng Bắc Bộ – Bắc Trung Bộ, nhưng số lượng dồi dào hơn hẳn, vừa phản ánh môi trường sinh thái đặc thù vừa phản ánh kinh nghiệm, nhận thức sâu sắc của cư dân Nam Bộ về môi trường sinh thái đó:

– Địa hình đồng bằng châu thổ: sông, suối, lạch, kinh, rạch, xẻo, ngọn, rọc, tắt, mương, rãnh, ao, hồ, đìa, hào, bàu, đầm, láng, lung, bưng, biền, trấp, vũng, trũng, gành, xáng, bùng binh, vịnh, vàm, cửa…; đảo, hòn, cù lao, cồn, bãi, giồng, bờ, mũi, mũi tàu…

– Động vật đồng bằng châu thổ: tôm bạc, tôm càng, tôm chấu, tôm chông, tôm chục, tôm đá, tôm đất, tôm gọng, tôm hùm, tôm kẹt, tôm long, tôm lửa, tôm quỵt, tôm rồng, tôm sú, tôm thẻ, tôm tích, tôm vang…; cá bông lau, cá bống cát, cá bống dừa, cá bống mú, cá chẻm, cá chép, cá chim, cá chốt, cá đối, cá he, cá hồng, cá hú, cá kèo, cá khoai, cá lạt, cá linh, cá lóc, cá nhám, cá ngừ, cá sặc, cá rô, cá thác lác, cá thu, cá tra, cá trê…

– Thực vật đồng bằng châu thổ: đước, mắm, quao, bần, trĩ, tràm, bàng, đưng, năng, lác, sậy, súng, sen, tranh, dừa nước, chà là, mù u, trâm bầu, bình bát, điên điển, lục bình, mái dầm, mác, môn, môn nước, khoai mỡ, lúa ma…; chuối, trầu, cau, dừa, nhãn, me, dưa hấu, cam, quít, bưởi, mận, chùm ruột, sầu riêng, thốt nốt, mãng cầu, vú sữa, chôm chôm, bòn bon, mía, mía lau, thơm, khóm, xoài, mít, măng cụt…; các giống lúa, các loại gạo, các giống rau…

– Trạng thái sông nước: con nước, nước lên, nước xuống, nước lớn, nước ròng, nước rông, nước kém, nước ngược, nước xuôi, nước nổi, nước lềnh, nước ngập, nước lụt, nước nhảy, nước chụp, nước giựt, nước rút, nước cạn, nước sát, nước rặc, nước kiệt, nước đứng, nước đứng lớn, nước đứng ròng, nước nhửng, nước ương, nước chảy, nước bò, nước trôi, nước xiết, nước xoáy, nước quay…

– Phương tiện di chuyển trên đồng bằng châu thổ: xuồng, xuồng ba lá, ghe, ghe chài, ghe bầu, ghe be, ghe cui, ghe cửa, ghe giàn, ghe lồng, ghe lườn, ghe ngo, tàu, tàu cá, đò, bè, nhà bè, nhà sàn, tam bản, trẹt, vỏ lãi, tắc ráng, cộ, xáng, sà lan, bắc, bo bo, tàu cao tốc; bến, bến đò, bến tàu, cầu, cầu dừa, cầu khỉ, cầu tre, cầu ván…

– Lối diễn đạt mang hình ảnh đồng bằng châu thổ: anh em cột chèo, bắt mánh, bể mánh, bến xe, cá cắn câu, cập bến, cầu tiêu, chìm xuồng, đầu sặc rằn, đi cầu, đuối sức, giả đò, lặn hụp, lặn lội, lội bộ, mánh mung, mò tôm, ngâm tôm, ngồi nước lụt, nhổ sào, phá mồi, qua cầu, qua phà, qua truông, quá giang, râu cá chốt, rửa cẳng phèn, tới bến, tràn đồng, trúng mánh, vô mánh, xa cảng, xe đò, xuất bến…; Ăn đằng sóng nói đằng gió, Ăn như xáng múc làm như lục bình trôi, Ăn vam nói biển, Bắt cá hai tay, Chưn ướt chưn ráo, Cơm ghe bè bạn, Đứng mũi chịu sào, Hết nước hết cái, Lạ nước lạ cái, Tham đó bỏ đăng, Thuận chèo mát mái…

(2) Sự phản ánh điều kiện giao lưu văn hóa sôi động của vùng Nam Bộ: Phát triển trên một vùng văn hóa đa tộc người, giao lưu tiếp biến văn hóa diễn ra sôi động, từ vựng của tiếng Việt Nam Bộ có đặc trưng thứ hai phản ánh điều kiện giao lưu văn hóa của vùng, đó là vừa bảo lưu nhiều từ ngữ gốc Mon–Khmer, vừa tiếp biến nhiều từ ngữ gốc Chăm, gốc Hoa, gốc Khmer, gốc Pháp, gốc Mỹ… Hệ quả là làm hình thành trong tiếng Việt Nam Bộ một bộ phận từ vựng đặc thù, khác với phương ngữ Bắc:

Quá trình tiếp biến văn hóa Chăm – Việt kéo dài trong lịch sử đã để lại dấu ấn trong tiếng Việt. Với tư cách một phương tiện lưu trữ và chuyển tải văn hóa chủ yếu, tiếng Chăm đã đồng hành cùng văn hóa Chăm để thẩm thấu rộng rãi vào tiếng Việt ở Trung Bộ và Nam Bộ, thậm chí còn ngược đường ra Bắc Bộ (như lúa chiêm, trăm thứ bà rằng, chói chang, tránh né…). Trong đó, đặc biệt rõ rệt là những ảnh hưởng trong văn hóa mưu sinh; văn hóa ẩm thực, phục sức, cư trú, giao thông; văn hóa tín ngưỡng, phong tục, lễ hội. Những bình diện ảnh hưởng của văn hóa Chăm đối với văn hóa Việt thể hiện trong ngôn ngữ bao gồm:

– Văn hóa mưu sinh: Quá trình tiếp biến văn hóa đã để lại dấu ấn rõ ràng là những từ ngữ gốc Chăm trong tiếng Việt liên quan đến địa hình, động thực vật, các giống lúa, các giống cá, công cụ nông ngư nghiệp… Việc đối chiếu từ vựng các ngôn ngữ cho thấy cùng với các hoạt động và sản phẩm văn hóa, một loạt từ mới của tiếng Việt Trung Bộ và Nam Bộ trong sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp đã hình thành từ việc vay mượn tiếng Chăm: láng (blang), cù lao (palao), đất cà dang (paṭang), muối Lồi (H’roi), cá rô (kruăk), cá lòng tong (ratǒng), cá linh (rĭn), rộng cá (karǔng), con chình (çhĭng), con đuông (đương), cái vằng (văng), cái chà gặt (çhaḳăc), cái chà tây (chatay), chà vồ, cây vồ (ḳai ᶈô), lúa cà đung (kađung), lúa bà rên (bareng), lúa bà rịa (ia parak), lúa bà tâu (ia patău), lúa cu tró, lúa cổ chó (kuprauk), lúa ối mứ (ôik mưh), lúa ối bô (ôik pô), lúa hồng ngự (ᶈhông), lúa rài (rai)…

– Văn hóa ẩm thực, phục sức, cư trú, giao thông: Quá trình tiếp biến văn hóa để lại dấu ấn rõ ràng là những từ ngữ gốc Chăm trong tiếng Việt liên quan đến phương tiện ẩm thực, trang sức, vật liệu, phương tiện giao thông, hoạt động giao thông, trạng thái sông nước: cà rá (karah “nhẫn”), cà tăng (ratăng), cái lu (ᶈlu), cái om (ḳǒk om), cái trã (ḳlah), cái trách (klek), cây dầu rái (traik), cây kiền kiền (kaḳiên “cây sao”), cây thao lao (taḳalào “cây bằng lăng”), chai, dầu chai (chai), ghe (ḳe “ghe, bè, đò”), bác – động tác kéo chèo (ᶈăk “kéo”), cạy – động tác đẩy chèo (kakeh “cạy”), lội (lôi “bơi, lội”), nước nhửng (ṭăng “đứng, dừng”), nước rặc (thrǒk “vơi, rút, ròng, rặc”), nước rông (prong “lớn”), cây tó (ḳai patǒk “cây chống xe”), chà von (taᶈong “mình thùng xe trâu, xe bò”); đụt mưa (kađauk)…

– Văn hóa tổ chức cộng đồng: Quá trình tiếp biến văn hóa để lại dấu ấn là những từ ngữ gốc Chăm trong tiếng Việt liên quan đến con người, quan hệ thân tộc: nậu, nẩu (mưnuih “người”), người Hời, ma Hời (H’roi), người Chàm, người Chăm (Chăm), ôông (ông), mụ (muk), đàn ông gà mái (kamay “đàn bà, nữ, gái”), đàn bà lại cái (likay “đàn ông, nam, trai”), con so (kachua), con rạ (halai)…

– Văn hóa tín ngưỡng, phong tục, lễ hội: Quá trình tiếp biến văn hóa để lại dấu ấn rõ ràng là những danh xưng gốc tiếng Chăm trong danh hiệu của các thần linh phổ biế n trên địa bàn Trung Bộ và Nam Bộ. Việc đối chiếu từ vựng các ngôn ngữ cho thấy một loạt từ mới của tiếng Việt Trung Bộ và Nam Bộ liên quan đến tín ngưỡng, phong tục, lễ hội đã hình thành từ việc vay mượn tiếng Chăm: giàng (dang “thần”), ma da (patao ia “thuỷ thần”), Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương, đền Cờn, Đại Càn Nam Hải Quận Chúa, Bà Càn, Đại Càn Nam Hải Đại Vương, Cá Ông (ikan, kan “cá”), Thiên Y A Na, Bà Chúa Xứ, Bà Chúa Ngọc, Chủ Xứ Thánh Mẫu (Pô Dang Inư Nưḳăn “Thần–Mẹ–Xứ sở, Bà Chúa Xứ”)…

– Văn học, nghệ thuật và ngôn ngữ: Quá trình tiếp biến văn hóa để lại dấu ấn rõ ràng là sự hình thành những từ ngữ gốc Chăm trong tiếng Việt liên quan đến việc cấu tạo địa danh, danh từ chung, đại từ, động từ, tính từ, phó từ. Một phần do ảnh hưởng của văn hóa và ngôn ngữ Chăm mà phương ngữ Nam của tiếng Việt trên địa bàn Nam Trung Bộ và Nam Bộ đã hình thành.

Những ảnh hưởng của văn hóa Hoa đối với văn hóa Việt để lại dấu ấn rõ nét qua các từ ngữ gốc Hoa hình thành trong tiếng Việt qua đường khẩu ngữ. Các từ ngữ gốc Hoa này có nhiều trong tiếng Việt Nam Bộ, nhưng trong tiếng Việt Bắc Bộ và Trung Bộ lẻ tẻ cũng thấy xuất hiện (mì, phở, tẩy chay…). Bộ phận từ ngữ này có thể chia thành năm nhóm nội dung ngữ nghĩa, phản ánh những hoạt động, phương tiện và sản phẩm văn hóa mà người Việt Nam Bộ đã chịu ảnh hưởng của người Hoa. Trong đó, ảnh hưởng rõ rệt nhất của văn hóa Hoa là ở các hoạt động mưu sinh, ẩm thực, tín ngưỡng, phong tục, lễ hội, ngôn ngữ:

– Văn hóa mưu sinh: biền “bờ sông rạch”, chạp phô “tạp hóa, hàng nhật dụng”, đìa “ao nuôi cá”, công xi “công ty; hùn hạp”, tiệm “quán, cửa hàng”

– Văn hóa ẩm thực, phục sức, giao thông: hủ tíu, mì, phở, bò bía, tàu hũ, há cảo, hủ qua, lục tào xá, chí mạ phủ, lạp xưởng, giò chá quảy, lẩu, nhậu, thèo lèo, xì dầu, tàu vị yểu, xí quách, ghe chài, xuồng… – Văn hóa tổ chức cộng đồng: cắc chú “người Hoa”, chế “chị”, củ “cậu”, hia “anh”, má “mẹ”, ba “bố, cha”, tàu kê “ông chủ”, tía “cha, ba”, xẩm “thím”…

– Văn hóa tín ngưỡng, phong tục, lễ hội: cửu – trường cửu (đồng âm), lục bát – lộc phát (đồng âm), lì xì “tặng tiền cho trẻ nhỏ, người thân”, hui nhị tì “chết”, nhị tì “nghĩa địa”, xìn xầm, dì dách, ngầu, tả, tài xỉu, các tín ngưỡng thờ cúng Bà Thiên Hậu, Quan Công, Ngọc Hoàng, Ông Bổn, Ông Thiên, Ông Địa, Thần Tài, Phật Bà Quan Âm…

– Ngôn ngữ: cấu tạo các địa danh, tính từ, động từ: số dách “số một, hạng nhất”, dách lầu “hạng nhất”, hên “may”, hên xui “may rủi ngẫu nhiên”, tẩy chay, xui “rủi”, hết xẩy “tuyệt vời”, xập kỷ nìn “xưa cũ, lạc hậu, già cỗi”, xập xí xập ngầu “xấp xỉ” Một phần do ảnh hưởng văn hóa và ngôn ngữ của người Minh Hương và người Hoa, ngữ âm của tiếng Việt Nam Bộ, đặc biệt là Tây Nam Bộ, bị biến đổi phụ âm đầu (R thành J / G, TR thành CH / T), âm đệm và âm cuối.

Những ảnh hưởng của văn hóa Khmer đối với văn hóa Việt để lại dấu ấn rõ nét qua các từ ngữ gốc Khmer hình thành trong tiếng Việt qua đường khẩu ngữ. Các từ ngữ gốc Khmer này có nhiều trong tiếng Việt Nam Bộ, nhưng không xa lạ đối với người Việt Bắc Bộ và Trung Bộ. Bộ phận từ ngữ này có thể chia thành năm nhóm nội dung ngữ nghĩa, phản ánh những hoạt động, phương tiện và sản phẩm văn hóa mà người Việt Nam Bộ đã chịu ảnh hưởng của Khmer:

– Văn hóa mưu sinh: Các địa hình, thực vật, giống lúa, nông cụ: rạch (prêk), vàm (piêm), bưng (bâng), lung (lung), thốt nốt (tnôt), sầu riêng (durian), chùm giuộc (kantuok), xoài (xoai), tầm vông (ping pong)…

– Văn hóa ẩm thực, phục sức, cư trú, giao thông: Mắm bò hóc (prahoc), mắm bò ót (pro ot), canh sim lo (sòm lo ko kô), cà ràng (krang), nóp (nop), xà rông (sarong), ghe ngo (tuk ngua)…

– Văn hóa tổ chức cộng đồng: Ông lục (lôk), phum (ph:um), sóc (srok)…

– Văn hóa tín ngưỡng, phong tục, lễ hội: Tín ngưỡng thờ cúng Ông Tà (ne– ak ta), các điệu múa lăm thôn (ram vong), xà quần (sarvan)…

– Ngôn ngữ: Cấu tạo các địa danh, tính từ, phó từ: ên (ên), trẻ măng (kmêng), già chác (chah), sồn (thom), lớn xộn (thom)…

Tiếng Việt Bắc Bộ Tiếng Việt Nam Bộ
ảnh hình
anh/chị cả anh/chị hai
ăn hớt ăn cơm hớt
bà giằn bà rằng, hằm bà lằng
bằng lăng thao lao
báo beo
bao diêm hộp quẹt
bao giờ, khi nào bao giờ, chừng nào, hồi nào
bao lâu bao lâu, mấy nả
bao nhiêu bao nhiêu, bao lăm, bao nả, mấy nả
bát chén
bật lửa hộp quẹt máy
bắt nạt ăn hiếp
bây nhiêu, ngần này bây nhiêu, bi nhiêu
béo mập
bí ngô, bí đỏ bí rợ
bít tất vớ
bố, cha ba, cha
bơi, lội lội
bọn tụi
bóng banh
bùn, lầy sình
bút viết, bút
cà chua cà tô–mát
cá quả, cá tràu cá lóc
cằn háp
căng–gu–ru chuột túi
cao chừng nào bao cao
cắt tóc hớt tóc
ca–vát cà–dạc, cà–la–oách
chăn mền
chân, giò chưn, cẳng, giò
chẳng nài bao nài
chén chung
chèo chèo, bơi
chiếu bóng chớp bóng
chum lu, khạp
chuột chù chuột xạ
chuột rút vọp bẻ
chụp ảnh chụp hình
cốc tách
cốc vại ly cối
con đầu lòng con so
cù léc, chọc léc, thọc léc
cứa, khúc khứa
cùn lụt
cuộc, đánh cuộc
cừu trừu
đà trớn
đánh rắm địt
đảo cù lao
đào lộn hột điều
dầu hỏa dầu hôi
dầu nhờn dầu nhớt, nhớt
đay nghiến, lai nhai cà riềng
đi ngoài, đi đồng đi cầu
đi nhờ quá giang
đĩa dĩa
điêu xạo
định tính
đỗ đậu
dở hơi ba trợn
đổ lỗi, đổ vấy đổ thừa
dứa thơm
dưa bở dưa gang
đũa cả đũa bếp
đùa giỡn cà rỡn
được được, đặng
đuổi rượt
đường, phố đường, lộ
gấp xếp
gáy ót
gầy ốm
gỉ sét
giận sôi gan giận cành hông
giống giống, in
giun lải
hắc ín dầu hắc
hắc lào lác
hổ cọp
hố xí, nhà xí cầu tiêu
hoa bông
hoa đại bông sứ
hoa râm bụt, hoa dâm bụt bông bụp
hòm hộp, rương
hòm thư hộp thơ, hộp thư
húc cụng, báng
kem cà–rem, cà–lem
khăn tay khăn mu–soa
khập khiễng cà thọt
khung (nhà) sườn (nhà)
lác mắt lé mắt
lấc xấc cà xóc
lãi lời
lại sức lợi nghỉnh
làm làm, mần
lần, lượt bận, lần
lọ chai
lợn heo
lớn bao nhiêu bao lớn
lừa gạt
lung tung, dông dài bao đồng
màn mùng
may hên
máy ảnh máy chụp hình
mấy hơi bao hơi
mẹ, u má, mẹ
mì chính bột ngọt
mò mẫm rị mọ
muỗi đốt muỗi cắn
mướp đắng hủ qua, khổ qua
na mãng cầu
ngã
ngan vịt xiêm
ngày kia ngày mốt
ngô bắp
ngòi, lạch rạch, xẻo, tắt
nhà cao tầng nhà lầu, cao ốc
nhẫn cà rá, khâu
nhanh lẹ
nhặt lượm
nhật báo nhựt trình
nhìn ngó
nói lắp cà lăm
nón, mũ nón
nôn, mửa ói, ọi
ô
ốm, đau đau
phên, cót cà tăng
phó cạo thợ hớt tóc
phó cối thợ cối
phó nhòm, thợ ảnh thợ chụp hình
phong bì bao thơ
phóng viên ký giả
quả trái
quần bò quần jeans
quan tài, áo quan hòm
quanh quẩn, loanh quanh cà rà, quanh quẩn
rẽ quẹo
rủi xui
sắn khoai mì
sao đành, đâu nỡ bao đành
sao nỡ, đâu nỡ bao nỡ
sáo sậu cà cưởng
sâu chừng nào bao sâu
tàu vũ trụ phi thuyền
tạt
thái xắt
thắp đèn đốt đèn
thi trượt thi rớt
thìa muỗng
thợ nề, thợ xây thợ hồ
thuê mướn
thuở nào bao thuở
thuốc mỡ pô–mát
thương, yêu thương
thuyền ghe, xuồng
thuyền cao tốc tàu cao tốc
tiêm chích
trả trả, thối
tránh
trẻ con con nít
trơn tru, trôi chảy ro ro
trông ngóng
trống rỗng tồng phộc
trú mưa đụt mưa
vở tập
vội vã, tất tả xăng văng
vữa hồ
vung nắp
vừng
xà–phòng xà–bông
xe cộ
xem coi
xem mặt coi mắt
xiếc xiệc
yểng nhồng
Ø bữa kia
Ø cà dang
Ø cà ràng
Ø con rạ
Ø đàn ông gà mái
Ø đàn bà lại cái
Ø già khằn
Ø khít rịch
Ø lai rai
Ø láng
Ø ma da
Ø nậu, nẩu
Ø nhậu
Ø nhậu nhẹt
Ø nước nhửng
Ø nước rặc
Ø nước rông
Ø om
Ø rộng cá

Quá trình tiếp biến văn hóa và tiếp xúc ngôn ngữ với văn hóa Pháp và tiếng Pháp trong gần một trăm năm đã để lại dấu ấn sâu sắc trong tiếng Việt. Quá trình này không chỉ đơn giản bổ sung một số đặc điểm văn hóa ngoại sinh vào văn hóa tộc người Việt, mà là một cuộc chuyển đổi toàn diện nền văn hóa ấy, làm thành một thời kỳ văn hóa mới trong lịch sử Việt Nam. Do đó, những ảnh hưởng về mặt ngôn ngữ của nó cũng sâu sắc nhất so với các thời kỳ tiếp biến văn hóa trước đó.

Về mặt ngữ âm, tiếng Việt đã tiếp nhận từ tiếng Pháp nhiều phụ âm đầu đơn và kép (p, br, bl, cl, st); nhiều phụ âm cuối (–r, –l); nhiều vần (–oong, –ooc, –ec).

Về ngữ pháp, tiếng Việt đã mượn nhiều cách diễn đạt của tiếng Pháp, phát triển các cấu trúc câu phức mô phỏng theo tiếng Pháp.

Về phong cách chức năng, các thể loại hành chính và văn học cũ mất dần, các thể loại văn bản hành chính, văn học và sân khấu hiện đại ra đời, các thể loại văn xuôi và thơ ca tiếng Việt phát triển nhanh chóng.

Về từ vựng, trong tiếng Việt đã hình thành một bộ phận từ ngữ gốc Pháp với số lượng rất lớn, phản ánh những hoạt động văn hóa và sản phẩm văn hóa mới mẻ mà người Việt và văn hóa Việt đã chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp. Sự biến đổi sâu rộng về ngôn ngữ ấy đã phản ánh mức độ ảnh hưởng sâu rộng của văn hóa Pháp đối với văn hóa Việt và văn hóa Việt Nam trên hầu hết các bình diện văn hóa, từ văn hóa vật thể đến văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, do ba xứ Bắc, Trung, Nam tiếp nhận văn hóa Pháp vào những thời điểm khác nhau và với cách thức khác nhau nên khi du nhập vào tiếng Việt, hầu hết các từ ngữ gốc Pháp đều tạo nên những biến thể ở những phương ngữ khác nhau chứ không thống nhất.

Đối với các từ ngữ chỉ các phương tiện giao thông liên lạc mới du nhập từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 thì sự khác biệt giữa tiếng Việt Nam Bộ với phương ngữ Bắc hầu như là tuyệt đối, cho thấy hai vùng đã tiếp nhận các sản phẩm này của nước Pháp và phương Tây một cách hoàn toàn độc lập với nhau:

Tiếng Pháp Tiếng Việt Bắc Bộ Tiếng Việt Nam Bộ
(roue) libre líp líp
accumulateur ắc–quy ắc–quy
aerodrome;

aéroport

sân bay phi trường; phi cảng
aiguillage ghi ghi
arrière lùi xe de xe
autobus ô tô buýt xe buýt
autocar; car xe ca; ô tô ca;

xe khách

xe đò
automobile; auto ô tô; ô tô con; xe con xe hơi; xe du lịch
avion; aéroplane máy bay tàu bay
axe trục ắc; cốt
bac phà bắc
barrière ba–ri–e ba–ri–e
bicyclette à moteur;

cyclomoteur;

vélomoteur

xe máy xe hai bánh gắn máy; xe gắn máy
bicyclette; vélo xe đạp xe máy
bielle thanh truyền động cây biên
bille bi đạn
bloc–moteur lốc máy lốc máy
boite aux lettres hòm thư hộp thơ; hộp thư
bougie bu–gi bu–gi
boulon bu–lông bù–loong
cabine ca–bin ca–bin
cadre khung (xe) sườn (xe)
camion xe vận tải; xe tải xe cam–nhông
camion à benne xe ben xe ben
canot ca–nô bo bo
capot ca–pô ca–pô
carter chắn xích cạc–te
chaine xích sên
chaland sà lan sà lan
chaloupe sà–lúp sà–lúp
chambre à air săm ruột
char d’assaut;

char de combat

xe quân sự quân xa
chauffeur sốp–phơ; người lái xe sốp–phơ; tài xế
chef de gare sếp ga sếp ga
chemin de fer đường sắt thiết lộ; đường sắt
chemise sơ–mi sơ–mi
chevaux sức ngựa mã lực
commande–car;

command car

com–măng–ca còm–măng–ca
compteur

kilométrique

đồng hồ cây số công–tơ–mét
cône côn côn
container;

conteneur

công–te–nơ công–te–nơ; công
contrôleur lơ; người soát vé
convoi công–voa công–voa
courroie cua–roa cu–roa
croiseur tàu tuần dương tuần dương hạm
cyclo–pousse xích lô xích lô
cylindre xi–lanh xi–lanh
de secours xơ–cua xơ–cua
départ nổ máy; khởi động đề–pa; đạp máy
destroyer tàu khu trục khu trục hạm
dragueur; drague tàu cuốc xáng
embrayage ăng–bra–i–a ăm–bra–da
enveloppe phong bì bao thơ
enveloppe lốp vỏ
escorteur tàu hộ tống hộ tống hạm
essence ét xăng; xăng xăng
faire de

l’auto–stop

đi nhờ quá giang
frein cái phanh; cái hãm cái thắng
freiner phanh (xe); hãm (xe) thắng (xe)
garage ga–ra ga–ra
garantie ga–răng–ti ga–răng–ti
garde–boue chắn bùn
gare ga (tàu hỏa) ga (xe lửa)
gaz đạp ga đạp ga
goudron hắc ín; nhựa đường dầu hắc; nhựa đường
guidon tay lái ghi–đông
jante vành niềng
jockey dô–kề dô–kề
joint gioăng gioăng
kilomètre ki–lô–mét ki–lô–mét; cây số
litre lít lít
manivelle đùi giò gà
marque mác mạc
mètre mét mét; thước
Mobylette xe mô–bi–lét xe mô–bi–lết
moteur mô–tơ mô–tưa
motocyclette, moto mô–tô mô–tô
moyeu moay–ơ; mayơ đùm
panne (xe) pan (xe) pan
pédale bàn đạp pê–đan
pilote pi–lốt; phi công pi–lốt; phi công
piste đường băng phi đạo
piston pít–tông pít–tông
place quảng trường bùng binh; công

trường

pompe cái bơm cái bơm
pomper bơm bơm
ponton ụ nổi pông–sông
porte–avions tàu chở máy bay;

tàu sân bay

hàng không mẫu

hạm

porte–bagages poóc–ba–ga; cái

đèo hàng

poọc–ba–ga
rail đường ray đường rầy
rayon; rai nan hoa; đũa căm
remorque rơ–moóc; moóc rờ–moọc
roue dentée đĩa dĩa
rouleau

compresseur

xe lăn đường; xe lu xe hủ lô
roulement à billes ổ bi; vòng bi bạc đạn
side–car xít–đơ–ca; mô–tô thuyền mô–tô ba bánh
signal đèn xi–nhan; đèn hiệu đèn xi–nhan
soupape xú–páp xú–pắp
sous–marin tàu ngầm tàu lặn;

tiềm thuỷ đỉnh

stoppe; stationner đỗ xe đậu xe
stopper dừng xe xì–tốp; ngừng xe
talon ta–lông ta–lông
tank xe tăng; tàu bò xe tăng
taxi xe tắc–xi xe tắc–xi
timbre chuông (xe đạp) chuông (xe đạp)
timbre tem
traction xe trắc–si–ông xe trắc–sông
train tàu hỏa; tàu lửa hỏa xa; xe lửa
traverse tà–vẹt tà–vẹc
valse van van; vòi
véhicule blindé;

blindé

xe bọc thép xe thiết giáp
vélo de course xe cuốc; xe đạp đua xe cuộc; xe đạp đua
voiture de location xe lô–ca–sông xe lô–ca–sông; xe lô
voiture des

pompiers

xe chữa cháy xe pom–dê;

xe cứu hỏa

volant vô–lăng vô–lăng; lái
wagonnet xe goòng xe goòng

Sự phản ánh những biến đổi ngôn ngữ và biến đổi xã hội của vùng: Trong hơn ba thế kỷ đồng hành cùng lịch sử đất phương Nam, tiếng Việt Nam Bộ đã trải qua nhiều biến đổi do sự biến âm, biến nghĩa, sự kiêng kỵ, kỵ huý, v.v…

Do cách trở giao thông và chia cắt về chính trị trong một trong thời gian dài, những biến đổi ấy ở phương Nam đã diễn ra tương đối độc lập với phần còn lại của đất nước. Kết quả là trong tiếng Việt Nam Bộ đã hình thành những biến thể của từ có hình thức ngữ âm, màu sắc tu từ… khác biệt so với những biến thể của chúng trong tiếng Việt Bắc Bộ:

Tiếng Việt Bắc Bộ Tiếng Việt Nam Bộ
bản bổn
bây giờ bây giờ, bi giờ
bệnh bịnh
bỏng phỏng
cà kheo cà khêu
cảnh kiểng
chân chưn
chấy chí
chính chánh
chu châu
chuột nhắt chuột lắt
cục cuộc
cưỡi cỡi
dâng dưng
đắt mắc
đậu hũ tàu hũ
dềnh dàng dình dàng
dĩa nĩa
đĩa dĩa
doanh dinh
giật giựt
giầu trầu
gio tro
giun trùn
gửi gởi
hạt hột
hoa huê
hoà huề
hoàn huờn
hoãn huỡn
hoan nghênh hoan nghinh
hoàng huỳnh
hôn hun
hồng hường
kênh kinh
khùng sùng
khựng sựng
kính, gương kiếng
lại lợi
lệnh lịnh
lênh đênh linh đinh
lênh láng linh láng
lĩnh lãnh
mách méc
mệnh mạng
này này, nè
ngẩng ngửng
nghênh ngang nghinh ngang
nguyên ngươn
ngửi hửi
nhậm nhiệm
nhân nhưn
nhất nhứt
nhật nhựt
nhọ lọ
nhòm dòm
om sòm um sùm
phanh banh, bành
phúc phước
quyền quờn
rết rít
sinh sanh
tầng từng
thật thiệt
thì thời
thớ sớ
thối thúi
thư thơ
thư ký thơ ký
tính tánh
toang hoác toàng hoạc
tôi tui
trượt trợt
vận bận
vầng vừng
vàng anh hoàng oanh
vào
vẹt két

(4) Sự ưu tiên sử dụng các đại từ nhân xưng lâm thời và danh từ thân tộc trong giao tiếp: Trong tiếng Việt, các đại từ nhân xưng thực thụ có số lượng rất ít: tao, ta, qua, choa, mày, mi, mậy, bậu, bây, nó, hắn, y, va, tụi tao, tụi bây, chúng ta… Không chỉ thế, nó còn bị giới hạn phạm vi sử dụng trong những hoàn cảnh giao tiếp thân mật hoặc suồng sã. Do đó, sắc thái biểu cảm của nó cũng không còn trung hoà nữa mà đã chuyển sang sắc thái thân mật hoặc suồng sã.

Bù lại, người Việt đã phát triển các đại từ nhân xưng lâm thời bằng cách vận dụng các danh từ và đại từ khác nhau. Khi được vận dụng, các danh từ và đại từ này sẽ thể hiện sự đánh giá của người phát ngôn về vị trí xã hội, tương quan xã hội của các ngôi giao tiếp, và sắc thái tình cảm mà người phát ngôn muốn biểu thị. Cho nên, nội dung ngữ nghĩa của các đại từ nhân xưng lâm thời mang nhiều yếu tố xã hội và nhiều sắc thái biểu cảm khác nhau, cho phép người sử dụng có thể thể hiện tình cảm, cảm xúc của mình như một thông tin cần truyền đạt cho phía thụ ngôn. Công dụng biểu cảm ấy rất phù hợp với văn hóa giao tiếp của người Việt trong nhiều hoàn cảnh giao tiếp khác nhau. Cho nên trong tiếng Việt, đại từ nhân xưng lâm thời đã phát triển số lượng đến mức tối đa. Hiện nay, tiếng Việt toàn dân đang sử dụng đến bảy nhóm đại từ nhân xưng lâm thời khác nhau:

– Danh từ thân tộc trực xưng: Cố, cụ, ông, bà, nội, ngoại, cha, mẹ, bố, u, me, ôông, mụ, bọ, mạ, mệ, ba, má, bác, chú, thím, cô, cậu, mợ, dì, dượng, tía, củ, ỷ, ý, chế, hia, măng, anh, chị, em, con, cháu, họ, ông bà, anh em, chị em, anh chị em, bà con, cô bác, tụi con, tụi cháu…;

– Danh từ thân tộc gián xưng: Bố cu, bố đĩ, mẹ cu, mẹ đĩ, ba con Út, má thằng Năm, chồng con Tám, vợ thằng Tư, má bầy trẻ, má sắp nhỏ, bà nó, mẹ nó…;

– Danh từ chỉ quan hệ xã hội: Thầy, trò, bạn, đồng nghiệp, đồng chí, đồng bào, chiến hữu, tín hữu, gia chủ, chủ nhà, quan khách, khứa…;

– Danh từ chỉ địa vị xã hội: Hoàng thượng, bệ hạ, thần, chúng thần, tôi, chúng tôi, bọn tôi, tớ, chúng tớ, bọn tớ, tui, tụi tui (tôi, tui, tớ… nguyên là những danh từ chỉ địa vị xã hội của những người đi ở phục dịch cho nhà chủ và những quan lại phục vụ nhà vua), thủ trưởng, sếp, ông chủ, thủ tướng, chủ tịch, đại tá, đại uý, giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, giám đốc…

– Danh từ chỉ người: Ngài, ngươi, người, người ta, thằng, cái, gã, ả, mình, vú, chúng, chúng mình, tụi mình, quý vị…;

– Danh từ chỉ tên riêng: Nam, Hùng, Cu Anh, Đực Em, Hoa, Tuyết, Gái Lớn, Gái Nhỏ, Út Hết…;

– Đại từ nơi chốn: Đây, đó, ấy, bên í, đằng í, bên bển, đằng đó… Riêng phương ngữ Nam và tiếng Việt Nam Bộ còn mở rộng số lượng các đại từ nhân xưng lâm thời lên đến chín nhóm khác nhau, bao gồm bảy nhóm nêu trên, và thêm hai nhóm đặc thù:

– Danh từ thân tộc trực xưng kết hợp với thứ tự trong gia đình: con Tư, anh Hai, chị Bảy, chú Tám, dì Mười, ông Sáu, má Năm…;

– Đại từ khiếm diện mang thanh hỏi: Bển, đẳng, trỏng, ngoải, trển, ổng, bả, chả, mẻ, ảnh, chỉ, ẻm, cẩu, mở, dỉ, dưởng, vả, thẳng, cỏn, thẩy, cổ…

Trong xưng hô, tiếng Việt Nam Bộ cũng ưu tiên sử dụng các đại từ nhân xưng lâm thời và các danh từ thân tộc giống như các phương ngữ khác. Tuy nhiên, những đại từ và danh từ cụ thể mà nó sử dụng để xưng hô có khác với các phương ngữ Bắc, Trung.

– Trong nhóm danh từ thân tộc trực xưng, tiếng Việt Nam Bộ sử dụng cố, cụ, ông, bà, nội, ngoại, cha, mẹ, ba, má, bác, chú, thím, cô, cậu, mợ, dì, dượng, măng, anh, chị, em, con, cháu, họ, ông bà, anh em, chị em, anh chị em, bà con, cô bác, tụi con, tụi cháu… để xưng hô. Một số vùng ở miền Tây chịu ảnh hưởng của tiếng Hoa còn sử dụng tía, củ, ỷ, ý, chế, hia… Không dùng: bố, u, me, ôông, mụ, bọ, mạ, mệ, cậu (gọi người ngang hàng)…

– Trong nhóm danh từ chỉ địa vị xã hội, tiếng Việt Nam Bộ sử dụng tui, tụi tui, thủ trưởng, sếp, ông chủ, thủ tướng, chủ tịch, đại tá, đại uý, giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, giám đốc… để xưng hô. Không dùng: Tôi, tớ, chúng tôi, chúng tớ, bọn tôi, bọn tớ…

(5) Sự thay thế và lược bỏ đại từ ẤY: Trong tiếng Việt, ẤY là một đại từ đi liền sau danh từ để biểu thị một không gian, thời gian, sự vật hoặc con người khiếm diện khi giao tiếp diễn ra: “bên ấy”, “hôm ấy”, “cái ấy”, “ông ấy”… Khi xuất hiện trên văn bản viết, đại từ ẤY thường được ghi là “ấy”, hoặc đôi khi là “í”. Nhưng trong thực tế giao tiếp, tất cả các phương ngữ Bắc, Trung, Nam đều nhược hóa (nói lướt) đại từ này. Trong phương ngữ Bắc, ẤY thường bị nhược hóa thành âm tiết Í, phát âm không có trọng âm: Bên í, hôm í, cái í, ông í…

Trong phương ngữ Nam bao gồm Nam Bộ, ẤY càng bị nhược hóa mạnh hơn, đến mức bị thay thế và lược bỏ hoàn toàn.

Trường hợp phổ biến là đại từ ẤY hoà nhập hẳn vào danh từ đứng trước dưới dạng THANH ĐIỆU HỎI, làm hình thành trong phương ngữ Nam và tiếng Việt Nam Bộ một nhóm đại từ có nghĩa khiếm diện mang thanh hỏi, không có trong các phương ngữ Bắc, Trung: bển, đẳng, trỏng, ngoải, trển, hổi, hổm, nẳm, ổng, bả, chả, mẻ, ảnh, chỉ, ẻm, cẩu, mở, dỉ, dưởng, vả, thẳng, cỏn, thẩy, cổ…

Trong trường hợp danh từ đứng trước mang các thanh hỏi, ngã, sắc như khoảng, dưới, tháng, bữa, cái, bác, chú, thím, cháu… khiến cho đại từ ẤY không thể hoà nhập được, phương ngữ Nam và tiếng Việt Nam Bộ sẽ chọn một trong ba cách:

– Thay thế ẤY bằng một đại từ có nghĩa khiếm diện mang thanh hỏi: “Bà đã gặp bác Năm rồi, vậy ổng nói sao?”; “Bữa nay sắp hết tiền, bữa hổm anh chưa lãnh lương à?”…

– Thay thế ẤY bằng đại từ ĐÓ: “Bánh trái thì ở dưới đó chứ ở đâu đây mà hỏi!”; “Cu Tí không được nhõng nhẽo chú Tuấn nữa. Chú đó hổng phải là ba đâu ngheng!”…

– Lược bỏ ẤY: “Trên này bày biện xong rồi, ở dưới xong chưa?”; “Anh đừng có rủ thằng Út con chú Tám đi nhậu nữa, chú la đó!”…

(6) Sử dụng các phó từ chỉ mức độ đặc thù: Tiếng Việt Nam Bộ sử dụng các phó từ chỉ mức độ đặc thù Nam Bộ: Dữ, ghê, hà, hết biết, hung, lậng, lung, thiệt, bà cố, giàng trời, giàng trời mây, quá cỡ, quá trời, quá xá, tận mạng…; và các phó từ chỉ mức độ đặc thù Nam Bộ đi kèm với tính từ: mập lù, ốm nhách, dài thoòng, cụt ngủn, cao nhòng, lùn xủng, sáng rỡ, tối hù, dở ẹc, mừng húm… Ví dụ: “Vụ này coi bộ rối hung!”; “Tui nghĩ lung lắm, nhưng mà chưa ra!”; “Nó giàu bà cố mà còn làm bộ!”; “Coi vậy chứ nó khôn giàng trời!”…

Bên cạnh đó, nó cũng sử dụng các phó từ chỉ mức độ dùng chung với phương ngữ Bắc: Hết sẩy, hết sức, hết ý, hơi, hơi hơi, khá, lắm, quá, rất, thật, thôi…

Tiếng Việt Nam Bộ không sử dụng các phó từ chỉ mức độ đặc thù Bắc Bộ: Cực kỳ, đáo để, gớm, khí, khiếp, kinh, những, ra phết…; không sử dụng các phó từ chỉ mức độ đặc thù Bắc Bộ đi kèm với tính từ: béo núc, gầy nhẳng, dài ngoằng, ngắn tủn, cao kều, lùn tịt…

(7) Sử dụng các thán từ đặc thù: Tiếng Việt Nam Bộ sử dụng các thán từ đặc thù Nam Bộ: Cha chả, chèng đéc ơi, chèng ơi, chết cha, chết mẹ, chết mồ, chu cha, chu cha ơi, chu choa, chứ bộ, dữ ác hôông, ha, hả, há, hé, hèng chi, héng, hôông, í, mèng ơi, ngheng, nghôông, thánh thần thiên địa ơi, thấy bà, thấy cha, thấy con đĩ mẹ, thấy mẹ, thấy mồ, thấy mụ nội, thấy tía, trời đất quỷ thần ơi, trời ơi, trời ơi là trời…

Bên cạnh đó, nó cũng sử dụng các thán từ dùng chung với phương ngữ Bắc: A, bỏ cha, bỏ mẹ, bỏ xừ, chậc, đi, hừ, hử, hứ, ơ…

Tiếng Việt Nam Bộ không sử dụng các thán từ đặc thù Bắc Bộ: Ạ, bỏ bố, bỏ bu, chết nỗi, chết tiệt, cơ, eo ơi, giời ôi, hở, nào, nhé, nhỉ, nhớ, ô hay, ô kìa, ồ, ôi, ôi dào, ôi giời, ối, ối dào, ối giời, ơ hay, ơ kìa, phỏng, thảo nào, ư…

(8) Sử dụng các quán ngữ đặc thù: Tiếng Việt Nam Bộ sử dụng các quán ngữ đặc thù Nam Bộ: Ăn ba hột cơm, bá chấy bù chét, bỏ đi Tám, cà kê dê ngỗng, chết đứng dựng bờ, chết đứng một cửa tứ, hết nước hết cái, hết xẩy con cào cào, hết sức nói, hóc Bà Tó, hổng dám đâu, hui nhị tỳ, lá mặt lá trái, mát trời ông địa, mút chỉ cà tha, mút mùa Lệ Thuỷ, ngay đơ cán cuốc, ngủm cù đèo, nói nào ngay, oải chè đậu, quá cỡ thợ mộc, quá xá quà xa, rành sáu câu, rửa cẳng phèn, sướng tỷ tê, tan nát đời cô Lựu, tận cùng bằng số, tệ hơn vợ thằng Đậu, thò tay mặt đặt tay trái, tiêu tán thoòng, trần ai khoai củ, vòng vo tam quốc, xí lắt léo…

Bên cạnh đó, nó cũng sử dụng các quán ngữ dùng chung với phương ngữ Bắc: Ấm ớ hội tề, bắt cá hai tay, bật đèn xanh, được cái là… Tiếng Việt Nam Bộ không sử dụng các quán ngữ đặc thù Bắc Bộ: Ăn phải bả, bóc ngắn cắn dài, bố vợ phải đấm, chả dám, cho em xin, cù cưa cù nhầy, của đáng tội, đừng tưởng bở, khí không phải, không dám…

Kết luận 

Tính đến nay, tiếng Việt Nam Bộ, một bộ phận của tiếng Việt thống nhất, đã có hơn ba thế kỷ hình thành, phát triển. Các yếu tố làm hình thành tiếng Việt Nam Bộ cũng là những yếu tố làm hình thành tập hợp cư dân ở nơi đây: di dân người Việt từ đồng bằng Trung và Nam Trung Bộ, người Khmer, người Hoa, người Chăm. Người Pháp, người Mỹ, mặc dù đã rút đi sau khi kết thúc chiến tranh, nhưng cũng đã để lại nơi đây những dấu ấn sâu đậm về ngôn ngữ và văn hóa. Từ sau ngày thống nhất đất nước 1975, di dân người Việt và các tộc người thiểu số từ Bắc Bộ và Trung Bộ lại đổ xô vào Nam Bộ để mưu sinh lập nghiệp. Các nhóm cư dân ấy đã cung cấp cho nhau vốn liếng ngôn ngữ sẵn có của mình, đồng thời cùng nhau sáng tạo, phát triển vốn liếng ngôn ngữ sẵn có để nó có thể phản ánh không gian văn hóa mới và các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội gắn liền với không gian văn hóa mới. 

Chính vì vậy, tiếng Việt Nam Bộ ngày nay có những đặc trưng về ngữ âm và từ vựng rất khác biệt với phương ngữ Bắc và phương ngữ Trung, hai phương ngữ chính đầu tiên hình thành trong tiếng Việt. Hiện nay, sự khác biệt đó vẫn đang tiếp tục gia tăng. Đó là vì ở nước ta, từ trước đến nay, các luồng di dân chỉ diễn ra một chiều từ Bắc vào Nam. Và từ thời kỳ Đổi mới, hàng vạn người phương Tây, người phương Đông đã quay trở lại Việt Nam mà nơi thu hút nhất chính là Nam Bộ. Do đó, khác với tiếng Việt và văn hóa Việt ở miền Bắc, miền Trung, tiếng Việt cũng như văn hóa Việt ở Nam Bộ có điều kiện để phát triển, biến đổi nhanh hơn.

Lý Tùng Hiếu

Bài viết được trích ra từ sách mở Cánh Buồm, tuân thủ giấy phép mở CC-BY-NC-SA 4.0 (Creative Commons Attribution NonCommercial ShareAlike 4.0 International)

Share This Post!