Không giống như trẻ em, người lớn là những cá nhân phức tạp vì phải gánh nhiều trách nhiệm, chính vì thế họ phải cân bằng những nhu cầu học tập. Người học trưởng thành, đặc biệt là người đang đi làm gặp phải những rào cản cản trở việc học. Tiền bạc, thời gian và cơ hội chỉ là một trong những rào cản. Việc tìm ra giải pháp học tập dành cho người lớn là một vấn đề cần được quan tâm.
Ở Libero, việc gặp gỡ và trao đổi với nhau đã hình thành một thói quen học tập mới cho người lớn. Tiến sĩ Vũ Đức Liêm, giảng viên, nhà nghiên cứu Lịch sử tại Đại học Sư phạm Hà Nội, khi dạy lịch sử tại Libero đã áp dụng phương pháp như thế.
Định kiến về môn lịch sử
Tốt nghiệp cấp ba và đại học, mọi người đều tìm đến những con đường và ngành nghề khác nhau, có rất ít học sinh đam mê môn Lịch sử và sống bằng nghề này. Vô hình trung, có nhiều người không yêu mến môn học này, dù là người Việt nhưng lại không nhớ được lịch sử Việt Nam.
Những người công tác trong ngành kinh tế, lĩnh vực tài chính… thường có rất ít cơ hội tìm hiểu lịch sử. Hầu như ai cũng trăn trở, quay cuồng kiếm tiền và giải quyết những khó khăn về cơm áo, bởi “không thực làm sao vực được đạo”.
Nói thế không có nghĩa là chúng ta không tự hào về những trang Lịch sử hào hùng của dân tộc. Thế nhưng có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao nhiều người lại không cảm thấy hứng thú với môn học lịch sử không?
Có thể tổng kết một số lí do chính như sau:
Thứ nhất, môn học này thường được mặc định là khô khan. Các dữ liệu ngày/tháng/năm thường khó nhớ, gây cảm giác chán nản cho người học.
Thứ hai, một số giáo viên giảng bài chưa thực sự thu hút. Lịch sử hàm chứa một lượng thông tin vô cùng to lớn, làm thế nào để người học chủ động nạp một lượng kiến thức lớn như vậy vào đầu không phải ai cũng làm được.
Thứ ba, học sinh thường có xu hướng miễn cưỡng học thuộc để đối phó với giáo viên khi bị gọi lên trả bài và thi cử. Bên cạnh đó, học sinh được học từng giai đoạn lịch sử ở từng cấp học, năm học, nhưng chưa có lúc nào tổng kết, và hệ thống lại tiến trình lịch sử từ xa xưa đến hết thời chiến tranh để học sinh có thể ôn lại và nắm rõ kiến thức.
Một thực tế xảy ra đối với người học lịch sử đó là: “thích mà vẫn không giỏi”. Việt Nam ta có truyền thống yêu nước, người Việt ta vẫn luôn tự hào về những trang sử vẻ vang của dân tộc, ấy thế mà môn Lịch sử vẫn trở thành nỗi ám ảnh của không ít người. Vậy tại sao lại thế?
Vấn đề không nằm ở bản chất của lịch sử, hay việc biến lịch sử thành một môn học bắt buộc mang tính gượng ép. Điều cần bàn là nên học sử như thế nào.
Những cải tiến về mặt nội dung
Rõ ràng, sự bế tắc khi đánh giá người học theo một tiêu chuẩn duy nhất là vấn đề nổi cộm trong hệ thống giáo dục nhân loại chứ không phải chỉ của Việt Nam. Phương pháp giáo dục môn lịch sử ở nước ta hiện tại có phần lạm dụng phương pháp cổ điển: NHỚ. Thế nhưng lịch sử, như đã nói ở phần trên, bao gồm rất nhiều dữ liệu. Việc học thuộc lòng các số liệu đó, có chắc chắn giúp chúng ta thật sự hiểu lịch sử nước nhà?
Hơn thế nữa, nhận thức lịch sử có thể là nhận thức khách quan hay chủ quan luôn là câu hỏi lớn đặt ra cho mọi thời đại sử học. Những lí giải khác nhau giữa các trường phái sử học trên thế giới cho thấy đây là một vấn đề khó xác định.
Khi thiết kế chương trình giảng dạy của mình, tiến sĩ Vũ Đức Liêm đã đặt cho chuyên đề Lịch sử một cái tên vô cùng gợi mở: “Đi tìm Việt Nam(s) giữa các thế giới”. Cả thầy và trò như được “lên ga” tối đa đề phóng về các mốc lịch sử của Việt Nam qua các sự kiện, câu chuyện, cuốn sách, các thảo luận cùng nhau. Tất cả nhằm giúp người học hiểu nguồn gốc của bản thân mình, nguồn gốc tên gọi Việt Nam, nguồn gốc chữ quốc ngữ và sự phát triển của Việt Nam trong các bối cảnh khác nhau
Sức mạnh của lịch sử được kết tinh trong truyền thống và bản sắc. Truyền thống và bản sắc được coi là gắn với mỗi cá nhân, là sức sống của dân tộc, những điều không bao giờ mất. Việc diễn dịch lịch sử nghiễm nhiên trở thành cách nhanh nhất để đến gần hơn với trái tim của con người. Hiểu về quá khứ để tìm cách giới thiệu mình, khẳng định mình. Nghiên cứu lịch sử cũng là một cách để chiếm hữu quá khứ, để khẳng định hiện tại và tương lai.
Mục tiêu của lớp học giáo dục khai phóng là tìm ra phương pháp tư duy phù hợp với lịch sử học. Sử học, theo định nghĩa mà TS Liêm đưa ra, là cách con người hình dung về trật tự và sự vận hành của thế giới thông qua việc lựa chọn những gì diễn ra trong quá khứ làm ví dụ minh họa. Sử học không phải (chỉ) là khoa học về quá khứ. Đó là ngành nghiên cứu về sự thay đổi của con người và xã hội loài người.
Học viên Libero tự nghiên cứu các câu hỏi được giảng viên đặt ra trước mỗi buổi học, ví dụ như: “Bách Việt là ai?; Văn Lang Âu Lạc là nước nào? Sử liệu nào nói hai nước này?;…”, sau đó lên lớp chia sẻ với giảng viên và các bạn học của mình.
Lớp học được cấu trúc theo kiểu tự học có hướng dẫn. Những nghiên cứu giữa học viên và giảng viên sẽ trở thành câu chuyện được dẫn dắt trong các buổi học. Việc tổ chức lớp học cũng được hệ thống rõ ràng, giúp người học nắm bắt được các tiến trình lịch sử theo các giai đoạn lịch sử chứ không ép học viên phải nhớ từng mốc thời gian cụ thể. Bên cạnh đó, việc không thực hiện đánh giá theo điểm giúp học viên thoải mái và chủ động hơn trong hoạt động tiếp thu kiến thức.
Cách thức điển hình cho một lớp học giáo dục khai phóng
Khác với các lớp học truyền thống, Libero tiếp cận một phương pháp học hoàn toàn mới mà ở đó, chúng tôi lấy người học làm trọng tâm.
Đây là một lớp học khá điển hình theo phương thức triển khai một lớp học giáo dục khai phóng. Thay vì các tiêu chuẩn cụ thể, trải nghiệm học tập mới là thước đo đánh giá hiệu quả của quá trình học.
Một lớp học khai phóng tạo không gian cho người học rèn luyện khả năng đọc hiểu của mình. Đọc sách là một hoạt động không thể thiếu tại Libero. Bàn về việc đọc một cuốn sách lịch sử sao cho tốt, các học viên đưa ra nhiều quan điểm như:
“Quan điểm của mình là ưu tiên đọc các sự thật có thể kiểm chứng được để gắn nó vào một bức tranh tổng thể. Còn diễn giải của tác giả thì ta phải cẩn thận. Dĩ nhiên là mình tôn trọng ý kiến của tác giả, nhưng mình nên có kiến giải riêng từ hiểu biết của mình.” – Nguyễn Vĩnh, học viên, nghiên cứu viên kinh tế, chuyên phân tích dữ liệu của kinh tế phát triển.
Hay “Mục đích lớn nhất để người ta nghiên cứu lịch sử nói chung, và viết sách sử nói riêng là để phân tích các sự kiện trong quá khứ nhằm tìm ra giải pháp hoặc tránh lặp lại sai lầm trong tương lai. Theo đó thì khi đọc sách lịch sử, mình hay thử cố đặt mình vào bối cảnh xã hội lúc đó, để lý giải các sự kiện cho nó hợp lý. Sau đó xem thử là có rút ra được bài học gì cho hiện tại không.” – anh Võ Phi Hùng, học viên.
Hoạt động đọc sách trong giáo dục khai phóng chắc chắn có tính định hướng hơn hoạt động đọc sách không có chủ đích. Lấy ví dụ với một cuốn sách lịch sử, bạn có thể xem xét tác giả của cuốn sách ấy đang trả lời câu hỏi gì, rèn tư duy phản biện thông qua việc đặt các câu hỏi như: “Tại sao phải trả lời câu hỏi đó?” hay “Trả lời câu hỏi đó có tác dụng gì cho việc nhìn nhận hiện tại?”. Bạn cũng có thể tìm ra vấn đề của tác giả, sau đó đưa ra các kiến thức và quan điểm của bản thân, cuối cùng là đánh giá dưới góc nhìn khách quan nhất.
Đảm bảo “tôi hiểu”, trước khi “tán thành” hoặc “phản đối”, hoặc “tạm thời chưa nhận xét”. Mọi lập luận đều phải có tính logic mới có khả năng thuyết phục người khác. Khai phóng tiềm năng tư duy của bản thân chính ở chỗ đó.
Cảm giác như “yêu lại từ đầu”! – Đó là nhận xét của một học viên sau khi trải nghiệm chuyên đề Lịch sử tại Libero. Cảm xúc thích thú về cách học mới mẻ và hữu ích đã mang đến cho học viên những trải nghiệm thú vị mà chỉ có ở lớp học giáo dục khai phóng của Libero.