1. Hiện tượng từ địa phương
Nước Việt Nam của chúng ta là một nước đa dạng về các vùng địa lý tự nhiên và đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử. Do đó, tuy cùng nói một thứ “ngôn ngữ toàn dân”, nhưng mỗi vùng miền có thể có giọng nói không giống nhau – điều này các bạn đã học trong bài về Ngữ âm địa phương của sách Tiếng Việt Lớp 6. Một ví dụ rất vui để các bạn ngẫm nghĩ: người dân gốc từ Thanh Hóa đến Nam Bộ khó phát âm đúng “con đỉa” (thanh hỏi) và “cái đĩa” (thanh ngã) – thật vất vả khi phải “bắt con đỉa bỏ vào cái đĩa”!
Sự khác nhau không dừng lại riêng với ngữ âm. Sự khác nhau còn lan sang cả lớp từ và ngữ. Người Bắc Việt Nam nói “con nhỏ”, “em bé”, thì người Nam Bộ nói “con nít”, “trẻ nít”, người Bắc nói “một đàn trẻ nhỏ” thì người Nam nói “sắp nhỏ”… Người Bắc nói “quả dứa”, người Nam nói “trái thơm”, “trái khóm”… Người Bắc nói “hai gia đình thông gia với nhau”, người Nam nói “hai nhà làm sui (gia) với nhau”…
Chúng ta chớ nên coi thường những sự khác biệt đó. Rồi đây, khi các bạn vào đời, khi đó các bạn sẽ làm việc và sinh sống chung đụng với những người Việt Nam nói tiếng địa phương “khác” với bạn, trong khi chính những người Việt Nam đó cũng lại thấy bạn nói năng “khác” với họ!
Chớ nên coi thường sự khác biệt đó! Tiếng địa phương, từ ngữ địa phương giúp nuôi dưỡng ý thức cội nguồn và gắn kết con người với quê hương bản quán. Cho nên, dù đi làm ăn sinh sống xa quê, ít có dịp dùng tới từ ngữ địa phương, mọi người đều cố gắng giữ gìn tiếng địa phương, từ ngữ địa phương của mình để nhớ về quê cha đất tổ và giao thiệp với họ hàng, bè bạn đồng hương.
Vậy từ địa phương là những từ như thế nào? Chúng có những đặc điểm gì? Chúng ta cần hiểu biết về từ địa phương để hiểu nhau trong giao tiếp, đồng thời cũng thấy cái đẹp riêng của từ địa phương.
2. Nhận diện từ địa phương
2.1. Nhận diện bằng kinh nghiệm
Cách nhận diện dễ thấy nhất là bắt gặp trong sinh hoạt hàng ngày các từ trong các nhóm như:
- Nhóm các từ cùng chỉ người mẹ: mẹ, mế, mạ, má, u, bu, bầm, đẻ...
- Nhóm các từ cùng chỉ người cha: bố, cha, cậu, thầy, thày, tía…
- Nhóm các từ cùng chỉ cái thuyền: tàu, thuyền, nốc, nôốc, ghe…
- Nhóm các từ cùng chỉ động vật: cá quả, cá chuối, cá sộp, cá tràu, cá lóc…vịt, ngan, vịt xiêm, lợn, heo…
- Nhóm các từ chỉ các loại ngũ cốc: lúa, ló, gạo, ngô, bắp, sạu, đậu, đỗ, lạc, đậu phộng, vừng, mè, sắn, mì, khoai, môn…
- Nhóm các từ chỉ các loại hoa quả: chôm chôm, măng cụt, mãng cầu, na, lòn bon, lê ki ma, trứng gà, vú sữa, dứa, thơm…
- Nhóm các đại từ xưng gọi: tôi, tui, tau, tao, qua; mày, mi, mầy, hắn, hấn, nó; bay, bây…
2.2. Tiêu chí nhận diện từ địa phương
Trong các từ ở các nhóm trên, so với ngôn ngữ toàn dân đã được thừa nhận, có nhiều từ có thể liệt vào loại từ địa phương. Tuy nhiên, việc xác định đâu là từ địa phương cũng không phải dễ dàng. Do đó, cần phải tìm đến các tiêu chí phân biệt, trước hết đó là xác định một định nghĩa đủ rõ.
Nhìn chung, cho đến nay, các nhà Việt ngữ đều cho rằng: Từ địa phương là các từ được sử dụng ở các địa phương. Điều này không sai, nhưng chưa đủ. Nói là không sai, bởi vì ở các nhóm trên, các từ địa phương đều xuất phát từ các vùng miền trên cả nước.
- Các từ để chỉ người mẹ như u, bu có ở các tỉnh phía Bắc của đồng bằng Bắc Bộ; bầm ở vùng Phú Thọ, Vĩnh Phúc; mạ ở khu vực Bắc Trung Bộ; má ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ; còn mẹ là từ thông dụng, có tính toàn dân, ở vùng nào nghe cũng hiểu ngay.
- Các từ chỉ “cái thuyền” thì nốc có ở Nghệ Tĩnh, nôốc dùng ở khu vực Thừa Thiên – Huế, ghe phổ biến từ Đà Nẵng trở vào Nam, tàu và thuyền là những từ phổ thông chung.
Còn nói là định nghĩa trên chưa đủ, có phần mơ hồ, là bởi lẽ ta không thể lấy chính sự xuất hiện hay hiện diện của từ nào đó ở địa phương nào đó để coi đấy là các từ địa phương. Điều này có thể biện luận như sau:
(a) Có nhiều từ (ngữ) được dùng ở mọi địa phương, nhưng không ai cho đó là các từ (ngữ) địa phương, như: bác, chú, anh, em, con, cháu, bàn, ghế, đi, đứng, mặn, chua, ngọt,…
(b) Có nhiều từ (ngữ) được dùng ở địa phương, người ở các địa phương khác đều biết, nhưng không bao giờ được coi là các từ phổ thông, kiểu: ba (bố), má (mẹ), heo (lợn), mè (vừng), khoai mì (sắn), thơm (dứa),… Đây là các từ địa phương được xác định chắc chắn, không bao giờ gây tranh cãi hoặc lầm lẫn.
(c) Có nhiều từ (ngữ) vốn xuất hiện và được dùng ở một địa phương nào đó, nhưng một khi có điều kiện, chúng dễ dàng đi vào vốn từ phổ thông chung. Nguyên nhân ở đây nằm trong điều kiện xã hội, khi sự giao lưu giữa các vùng miền trở nên thông suốt và dễ dàng. Đó là các từ như: chôm chôm (một loại quả ở Nam Bộ), măng cụt (một loại quả ở Nam Bộ), lòn bon (một loại quả ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ), mè xửng (một loại bánh kẹo ở Thừa Thiên–Huế), a ti sô (cây thuốc ở Lâm Đồng), chùm ngây (loại rau mới xuất hiện, ở Hà Nội), v.v.. Ngay trước khi thống nhất đất nước, các từ trên còn xa lạ hoặc chưa được biết đến và sử dụng tại miền Bắc.
3. Các nhóm từ địa phương
Về nguyên tắc, có thể có nhiều cách phân loại, phân nhóm vốn từ địa phương của một ngôn ngữ. Điều này tùy thuộc vào mục đích của các nghiên cứu khác nhau. Tuy nhiên, có thể thấy rằng cách phân loại nào đơn giản, lại chặt chẽ, logic thì sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.
Ta có thể phân chúng thành bốn nhóm sau:
Lớp từ cùng gốc với tiếng phổ thông
(a) Nhóm từ có biến âm, tức là có quan hệ về mặt ngữ âm. Đây chính là các từ ngữ sử dụng ở địa phương có sự “nói chạnh” đi so với từ trong tiếng phổ thông. Ta dễ dàng nhận ra chúng là đơn vị cùng gốc với đơn vị tương đương trong tiếng Việt chung, bởi chúng chỉ khác ở một bộ phận của âm tiết: đờn (đàn), nhơn (nhân), nhá (nhé), quần soọc (quần soóc), thiệp (thiếp), v.v… Đây là nhóm từ có số lượng lớn trong số các từ địa phương.
(b) Nhóm từ có biến nghĩa, tức là về nghĩa chúng có sự biến đổi ít nhiều so với từ gốc trong tiếng phổ thông. Sự biến đổi nghĩa này có thể theo hướng mở rộng hoặc thu hẹp so với đơn vị trong tiếng Việt đem so sánh. Ví dụ: dì (vừa là em gái mẹ, vừa là chị gái mẹ, dùng trong phương ngữ Nam), chích (vừa là trích/chích, vừa là tiêm, phương ngữ Nam), miếng (vừa là miếng cơm, vừa là ngụm nước, phương ngữ Nam), v.v… Đây là nhóm từ có số lượng không nhiều trong số các từ địa phương.
Lớp từ khác gốc so với tiếng Việt phổ thông
(a) Nhóm từ có đơn vị tương đương về nghĩa trong tiếng Việt phổ thông. Đây chính là nhóm (b) ở mục 2.2 nói trên. Có thể coi đây là nhóm từ “đặc địa phương”, nghĩa là tư cách “địa phương” của chúng rõ ràng đến mức xưa nay không ai có ý kiến gì. Ví dụ: dù (ô), chén (bát), li (cốc), cù lao (đảo), má (mẹ), ba (bố), bông trang (hoa mẫu đơn), đào/mận (roi), mè (vừng), đậu phộng (lạc), v.v… Nhóm từ này có số lượng lớn, và chúng cùng với nhóm (1) trên tạo nên số lượng từ địa phương chủ yếu trong tiếng Việt.
(b) Nhóm từ không có đơn vị tương đương về nghĩa trong tiếng Việt phổ thông. Có thể coi đây là một nhóm từ đặc biệt, bởi chúng không là đơn vị biến thể trong quan hệ với từ của tiếng phổ thông, như nêu ở nhóm (c) mục 2.2 nêu trên. Các từ ngữ nằm ở số lượng từ mới xuất hiện hàng năm có thể lên tới hàng trăm, thậm chí cả ngàn đơn vị, do vay mượn hoặc mới được tạo ra. Cũng có thể đó là các từ xuất hiện ở địa phương, nhưng chưa được sử dụng nhiều. Do là đơn vị có thể “lấp chỗ trống” trong hệ thống từ ngữ chung mà chúng dễ dàng đi vào vốn từ phổ thông như một sự đương nhiên. Đã có lần chúng tôi gọi đây là lớp từ phổ thông ở dạng tiềm năng. Các ví dụ như đã dẫn, là chôm chôm, măng cụt, lòn bon, nhút, chẻo, rau chùm ngây, rau bò khai, mì quảng, hoành thánh, bánh đập, bánh pía, v.v…
Khi xử lý trong từ điển, ba nhóm đầu trong số bốn nhóm trên có thể chú phương ngữ, còn các từ nhóm 4 này thì rất cần thận trọng (Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên) đã không chú phương ngữ cho các từ nhóm này).
Đối với học sinh Lớp 7, khi đã có một vốn từ địa phương nhất định và đã bước đầu có kiến thức về từ địa phương, các em có thể tự phân biệt từ ngữ địa phương với từ ngữ phổ thông và phân chúng về bốn nhóm như nêu trên. Vốn từ ngữ của các em, theo lứa tuổi, chắc chắn sẽ ngày càng phong phú lên nhanh chóng. Mỗi khi xem ti vi, đọc sách, đi siêu thị, đi nghỉ, về quê, hay đi đến một một nơi còn xa lạ nào đó, chúng ta sẽ gặp vô số các từ ngữ là tên hoa quả, cây cỏ, bánh trái, món ăn, con vật, dụng cụ sản xuất, săn bắt, đồ dùng gia đình,… mà mình bắt gặp thì hãy tự thể nghiệm kiến thức của mình bằng cách phân chúng về các nhóm nhé. Nếu thấy khó, chúng ta sẽ tra từ điển, hỏi thầy cô, hoặc tra trên mạng Internet.
4. Sự vận động, phát triển của từ địa phương
Là phương tiện của tư duy và giao tiếp, ngôn ngữ tồn tại và phát triển cùng xã hội. Phương ngữ chỉ tồn tại ở khẩu ngữ (ngôn ngữ nói) và nó cũng giống ngôn ngữ, phát triển không ngừng. Sự phát triển “động” của vốn từ địa phương có thể khái quát theo hai hướng sau:
4.1. Xu hướng “phổ thông hóa”
Phổ thông hóa là cách thay đổi lối nói theo hướng dùng từ phổ thông. Đây là xu hướng chính trong sự vận động, biến đổi của các ngôn ngữ trên thế giới nói chung, trong đó có tiếng Việt. Tình trạng này được thấy ở mọi loại hình phương ngữ, từ thành thị tới nông thôn. Điều nay là dễ hiểu bởi lẽ chúng ta đang sống trong một thế giới “phẳng”, các phương tiện truyền thông như đài, ti vi, sách báo, Internet đang phát triển như vũ bão, các thông tin cập nhật nhanh chóng và chính xác, tri thức của người dân cũng ngày một nâng cao.
Sống trong môi trường xã hội như thế, các từ cũ, các cách nói cũ dần mất đi nhanh chóng. Ở các vùng Bắc Bộ và Thanh Hóa, cách xưng hô dì (em gái mẹ) thay bằng cô, dượng (chồng dì) thay bằng chú; trước kia gọi người đàn ông đẻ ra mình là thầy, thày, xưng là tôi thì nay gọi là bố xưng con; trước kia gọi người đàn bà đẻ ra mình là u, bu, bầm, đẻ xưng tôi thì giờ gọi là mẹ xưng con là phổ biến.
Tên gọi đồ vật, dụng cụ sản xuất, dụng cụ gia đình, tên món ăn,… cũng thay đổi theo xu hướng này. Nếu trước đây ít chục năm, ở Thanh Hóa người dân gọi “bánh cuốn” là bánh bèo thì nay gọi bánh cuốn; trước gọi “bánh răng bừa” là bánh lá, bánh tẻ thì nay gọi bánh răng bừa; trước gọi “bánh đa” là bánh da, bánh khô thì nay gọi là bánh đa; trước kia gọi “quả đu đủ” là quả hổng (nhỏ), quả hảng (to) thì nay gọi chung là quả đu đủ; trước kia gọi “vó tôm” bằng te thì nay gọi tó tôm; trước kia gọi “cái hom giỏ” bằng cái ton giỏ thì nay gọi cái hom giỏ, v.v…
Ở thành phố Hồ Chí Minh cũng như toàn khu vực Nam Bộ, Nam Trung Bộ, cặp xưng gọi ba/má (chỉ bố/mẹ) tưởng như cách dùng ổn định, bền vững, giờ cũng đang có xu hướng thay đổi. Hai từ này có lẽ được mượn từ cách gọi bố mẹ của người Hoa (trong Từ điển Việt – Bồ – La in năm 1651 của A. de Rhodes không thấy cặp từ này). Vậy giờ đây qua phim ảnh, cặp từ dùng để xưng hô với bố mẹ này đã đang chuyển thành ba/mẹ (chứ không phải là ba/má) như trước.
Ít lâu nay, xuất hiện một xu hướng hàng loạt các từ của phương ngữ Nam chỉ hàng hóa sản xuất tại thành phố Hồ Chí Minh vốn dần quen dùng với người dân cả nước: kem đánh răng, bột giặt, gạch bông, nước rửa chén, cơm chiên, cây, chỉ, lì xì… đang dần trở thành từ dùng chung, phổ thông hóa.
4.2. Xu hướng bảo thủ “địa phương” hoặc “địa phương hóa”
Địa phương hoặc địa phương hóa là cách nói vẫn tiếp tục phát triển theo lối nói địa phương. Xu hướng này có vẻ yếu hơn lối nói phổ thông hóa, nhưng vẫn tồn tại. Người dân ở các trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật lớn như thành phố Hồ Chí Minh của khu vực Nam Bộ, vốn là một “phương ngữ mạnh” trong tiếng Việt, vẫn bảo lưu cách dùng từ địa phương như vậy.
Những từ ngữ địa phương “cũ”, như ghe (thuyền), li (cốc), chén (bát), tô (bát to), vỏ (lốp xe), ruột (săm xe), viết (bút), gôm (tẩy), tập (vở), khoai mì (sắn), thơm (dứa), bắp (ngô), bôm (táo), ngò (rau mùi), chả giò (nem), heo (lợn), loăng quăng (bọ gậy),…vẫn được người dân sử dụng bình thường.
Trong số từ địa phương ở đây, đáng chú ý là có rất nhiều từ mới, kể cả cách dịch các từ vay mượn của tiếng nước ngoài, cũng được người dân sử dụng phổ biến theo lối riêng. Ví dụ: quần soọc (quần soóc), xiệc (xiếc), quần xịp/sịp (xilíp), rề soọc (khu nhà nghỉ ven biển), hoặc gần đây là a móc (a còng), v.v…
Nói chung, ta thật khó làm công tác “chuẩn hóa” các từ trên bởi thói quen nói năng của người dân cả một vùng rộng lớn, phát triển như vậy. Cũng nên nhớ rằng đây là những từ ngữ thông thường, được sử dụng trong cách nói năng hàng ngày của nhân dân, không hoặc ít đụng chạm đến các phong cách “bậc trên” như “chính luận”, “ hành chính – công vụ” hay “khoa học”, vốn có yêu cầu sử dụng từ ngữ khắt khe hơn.
Kết luận
Thái độ chúng ta khi sử dụng từ địa phương nên như thế nào?
Nếu coi cách giao tiếp của giới trẻ trên mạng Internet là phong cách giao tiếp khẩu ngữ – sinh hoạt, tức giao tiếp thông thường, thì đây là cách “làm mới” lối nói của họ. Bỏ qua cách viết câu, lối viết chính tả (lối viết tắt, viết chữ số, ký hiệu,…) thì cách dùng từ địa phương của họ cũng có điều đáng chú ý. Đó là cách xưng hô: tui (tôi), mi (mày, cậu), mềnh (mình), hấn (nó), mụ (nó, mày),… Đó cũng là cách sử dụng các tiểu từ tình thái cuối cùng để thể hiện tình cảm, như ta (đấy, vậy), nghe (nhé), nha (nhé), nghen (nhé, nghe không), hè (đi, nhỉ, à),…
Xem ra, đây là các từ của phương ngữ Nam Bộ và tiếng miền Trung, lại đa phần là các từ thể hiện tình thái (tình cảm): từ xưng gọi và tiểu từ tình thái cuối câu. Lối nói này không thể phủ nhận là có tính biểu cảm rõ ràng, lại ngắn gọn và mới. Tuy nhiên, số người chê cách viết này cũng nhiều và nêu cảnh báo về sự trong sáng của tiếng Việt bị vi phạm. Về điều này, là học sinh, chúng ta cần chú ý tránh cách dùng thái quá, gây khó hiểu và tạo sự phản cảm không cần thiết.
Phạm Văn Hảo
Bài viết được trích ra từ sách mở Cánh Buồm, tuân thủ giấy phép mở CC-BY-NC-SA 4.0 (Creative Commons Attribution NonCommercial ShareAlike 4.0 International)