Tại nước Mỹ, nhiều nhóm người chia sẻ chung một cộng đồng và một nền văn hóa. Khi nói đến “cộng đồng”, các nhà xã hội học đề cập đến một khu vực có thể xác định được của một xã hội. Một vùng đất nhỏ như một khu phố (Brooklyn, hay “phía đông của thị trấn”), lớn như một quốc gia (Ethiopia, Nepal hoặc Mỹ) hay một khu vực nằm giữa hai khu vực nói trên (ở Mỹ đó có thể là miền Nam hoặc miền Trung Tây nước Mỹ).

Chúng ta sẽ xem xét mối quan hệ giữa văn hóa và xã hội một cách chi tiết hơn và đặc biệt chú ý đến các yếu tố và lực hình thành nên văn hóa, bao gồm sự đa dạng và thay đổi xã hội. Phần thảo luận cuối chương xem xét các quan điểm lý thuyết mà dựa vào đó các nhà xã hội học nghiên cứu văn hóa.

Phần 1: Văn hóa là gì?

Phần 2: Các thành phần của văn hóa

— Trích dịch từ cuốn sách Introduction to Sociology 3e trên Openstax

Có vô số sự khác biệt rõ ràng về văn hóa giữa các cộng đồng trên toàn thế giới. Rốt cuộc, chúng ta có thể dễ thấy đa dạng người từ xã hội này sang xã hội khác. Thật tự nhiên khi cho rằng một phụ nữ trẻ đến từ một ngôi làng ở vùng nông thôn Kenya ở Đông Phi sẽ có cách nhìn khác về thế giới với một phụ nữ trẻ đến từ thành thị Mumbai, Ấn Độ—một trong những thành phố đông dân nhất trên thế giới.

Thêm vào đó, mỗi nền văn hóa đều có các biến thể nội bộ của riêng mình. Đôi khi sự khác biệt giữa các nền văn hóa không lớn bằng sự khác biệt trong các nền văn hóa. Nhà xã hội học Pierre Bourdieu đã viết về vốn văn hóa, bao gồm hàng hóa vật chất, thái độ phi vật chất và kiến thức dành riêng cho một tầng lớp kinh tế nhất định. Bourdieu đã nhóm vốn văn hóa thành ba loại: trạng thái thể hiện (một phương ngữ khu vực), trạng thái khách quan (sở hữu) và trạng thái thể chế (bằng cấp học thuật). Ở Hoa Kỳ, một số nhóm văn hóa cũng được chia thành ba loại: cao cấp, bình dân và đại chúng.

Văn hóa cao cấp, bình dân và đại chúng

Bạn có thể xác định Giám đốc tài chính của ba tập đoàn lớn không? Còn tên của người phục vụ tại ba quán xá địa phương thì sao? Bạn sở hữu bao nhiêu cuốn sách? Bạn truy cập vào bao nhiêu trang mạng xã hội? Gia đình bạn có được kể tên trên Social Register© không? Bạn đã bao giờ nghe nói về Social Register© chưa? Ở mỗi câu trả lời, một loại kiến ​​thức được coi là văn hóa thượng lưu và loại còn lại là văn hóa bình dân.

Sự phân loại này được cho là rập khuôn theo tầng lớp kinh tế hơn là theo chủng tộc hoặc giới tính, nhưng các nhà xã hội học sử dụng thuật ngữ văn hóa thượng lưu để mô tả hình mẫu các quan điểm, trải nghiệm văn hóa tồn tại trong các phân khúc tầng lớp cao nhất hoặc ưu tú của xã hội. Mọi người thường liên kết văn hóa thượng lưu với chủ nghĩa trí tuệ, quyền lực chính trị và thanh thế. Ở Mỹ, văn hóa thượng lưu thường có xu hướng gắn liền với sự giàu có. Các sự kiện được coi là văn hóa thượng lưu có thể tốn kém, trang trọng và độc quyền – như tham dự một vở ba lê, xem một vở kịch, nghe một buổi biểu diễn giao hưởng trực tiếp hoặc theo học một trường đại học danh tiếng. Tương tự, văn hóa bình dân gắn liền với hình mẫu các quan điểm, trải nghiệm văn hóa tồn tại trong các phân khúc tầng lớp thấp nhất của xã hội.

Thuật ngữ văn hóa đại chúng ám chỉ đến hình mẫu các quan điểm, trải nghiệm văn hóa tồn tại trong xã hội chung. Các sự kiện văn hóa đại chúng có thể bao gồm một cuộc diễu hành, một trận bóng chày hoặc phần cuối của một chương trình truyền hình. Âm nhạc, phim hoạt hình và hóa trang cũng thuộc văn hóa đại chúng. Văn hóa đại chúng được tiếp cận bởi hầu hết mọi người và được thể hiện cũng như lan truyền qua các phương tiện truyền thông xã hội và thương mại như đài phát thanh, truyền hình, phim ảnh, ngành công nghiệp âm nhạc, nhà xuất bản và trang web do công ty điều hành. Bạn có thể chia sẻ cuộc thảo luận về các đội bóng yêu thích với đồng nghiệp mới hoặc bình luận về một chương trình thực tế khi đang xếp hàng tại cửa hàng tạp hóa. Nhưng nếu bạn cố gắng bắt đầu một cuộc thảo luận sâu về vở kịch Hy Lạp cổ điển Antigone, thì rất ít người trong xã hội Hoa Kỳ ngày nay quen thuộc với nó. Mặc dù văn hóa thượng lưu có thể được một số người coi là có cấp bậc cao hơn so với văn hóa đại chúng, nhưng ranh giới giữa văn hóa thượng lưu và văn hóa đại chúng thay đổi theo thời gian và địa điểm. Các vở kịch của Shakespeare, được coi là văn hóa đại chúng khi chúng mới được viết ra, hiện là một phần của nền văn hóa thượng lưu trong xã hội của chúng ta. Năm trăm năm nữa, liệu con cháu chúng ta có coi “Khiêu vũ với các vì sao” là nghệ thuật biểu diễn hay không?

Tiểu văn hóa và phản văn hóa

Hình 8. Những người hóa trang thuộc nhóm văn hóa riêng biệt (một nhóm văn hóa nhỏ hơn trong nền văn hóa lớn hơn) ở Hoa Kỳ. Và trong tiểu văn hóa lớn hơn là các nhóm nhỏ, chẳng hạn như nhóm này mô phỏng các nhân vật của D.C. Comics. (Ảnh: Pat Loika)

Một tiểu văn hóa đúng như tên gọi của nó là một nhóm văn hóa nhỏ hơn trong một nền văn hóa lớn hơn. Những người thuộc một tiểu văn hóa là một phần của nền văn hóa lớn hơn nhưng cũng chia sẻ một bản sắc cụ thể trong một nhóm nhỏ hơn.

Hàng nghìn tiểu văn hóa tồn tại trong các nhóm Dân tộc và chủng tộc Hoa Kỳ và cùng chia sẻ ngôn ngữ, đồ ăn và phong tục của họ. Các tiểu văn hóa khác được hình thành thông qua kinh nghiệm được chia sẻ lại. Văn hóa biker bắt nguồn từ sở thích đi xe mô tô. Một số tiểu văn hóa được hình thành bởi những người có sở thích khác với phần lớn dân số của xã hội. Cộng đồng sửa đổi cơ thể chấp nhận những bổ sung thẩm mỹ cho cơ thể con người, chẳng hạn như hình xăm, khuyên và một số hình thức phẫu thuật thẩm mỹ. Nhưng ngay cả khi cùng là thành viên của một tiểu văn hóa, họ vẫn xác định và tham gia vào nhóm xã hội lớn hơn.

Các nhà xã hội học phân biệt các tiểu văn hóa với phản văn hóa ở chỗ phản văn hóa loại bỏ một số chuẩn mực và giá trị của nền văn hóa lớn hơn. Trái ngược với các tiểu văn hóa vận hành tương đối trơn tru trong xã hội lớn hơn, thì phản văn hóa có thể chủ động thách thức/coi thường xã hội lớn hơn bằng cách phát triển bộ quy tắc và chuẩn mực của riêng mình để tồn tại, thậm chí đôi khi tạo ra các cộng đồng hoạt động bên ngoài xã hội lớn hơn. Các thành viên phản văn hóa đang ‘chống lại’ nền văn hóa phổ biến đang thống trị và muốn xây dựng các giá trị của riêng họ. Còn các thành viên của tiểu văn hóa có thể muốn thay đổi một số điều nhưng vẫn tuân theo các quy định đã được thiết lập.

Các giáo phái, một từ bắt nguồn từ văn hóa, cũng được coi là các nhóm phản văn hóa. Nhóm “Yearning for Zion” (YFZ) ở Eldorado, Texas, tồn tại bên ngoài xã hội, cho đến khi thủ lĩnh của nhóm bị buộc tội cưỡng hiếp và tảo hôn. Các chuẩn mực chính thức của giáo phái xung đột quá nghiêm trọng để được luật pháp Hoa Kỳ dung thứ, và vào năm 2008, chính quyền đã đột kích vào khu nhà và đưa hơn hai trăm phụ nữ và trẻ em ra khỏi khu nhà. Nhiều giáo phái tự xưng là tâm linh, thường tự coi mình là một tôn giáo. Do đó, nó bị ba tôn giáo Áp-ra-ham (Cơ đốc giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo) trên thế giới coi là giáo phái và chịu nhiều đàn áp.

Biến đổi văn hoá

Các nền văn hóa liên tục thay đổi bởi vì các đối tượng mới được thêm vào văn hóa vật chất mỗi ngày và lần lượt, ý nghĩa được gán cho chúng (phi vật chất), điều này ảnh hưởng đến các thành phần văn hóa khác. Ví dụ: một công nghệ mới, chẳng hạn như đường sắt hoặc điện thoại thông minh, mang tới những cách thức mới cho việc đi lại hoặc liên lạc. Những ý tưởng mới xâm nhập vào một nền văn hóa chẳng hạn như flashmob hoặc huy động vốn từ cộng đồng,. Các nhà xã hội học xác định có hai loại biến đổi lớn là đổi mới (có nghĩa là mới) và sự truyền bá (lan rộng ra). Thay đổi văn hóa vật chất xảy ra khi các đối tượng mới được phát hiện, phát minh hoặc xâm nhập vào một nền văn hóa do toàn cầu hóa.

Sự đổi mối: Khám phá và sự phát minh

Một sự đổi mới đề cập đến sự xuất hiện ban đầu của một đối tượng hoặc khái niệm trong xã hội—nó được coi là đổi mới vì nó mới. Những đổi mới được phát hiện hoặc phát minh. Còn những khám phá liên quan đến phát hiện ra cái gì đó mới mà đối tượng của nó đã tồn tại trước khi được phát hiện ra. Năm 1610, khi Galileo nhìn qua kính viễn vọng của mình và phát hiện ra Sao Thổ, hành tinh này đã ở đó rồi, nhưng cho đến lúc đó, không ai biết về nó cả. Khi Christopher Columbus nhìn thấy Hispaniola, hòn đảo này dĩ nhiên đã được cư dân của nó biết đến. Tuy nhiên, khám phá của ông đem đến kiến thức mới cho người châu Âu, và nó đã mở đường cho những thay đổi trong văn hóa châu Âu, cũng như văn hóa của những vùng đất được khám phá. Ví dụ, các loại thực phẩm mới như khoai tây và cà chua đã thay đổi chế độ ăn uống của người châu Âu, và những con ngựa được mang đến từ châu Âu đã thay đổi tập quán săn bắn của người Mỹ bản địa Great Plains.

Các phát minh có nghĩa là có một thứ gì đó mới được hình thành từ các đối tượng hoặc khái niệm hiện có—khi mọi thứ được kết hợp với nhau theo một cách hoàn toàn mới. Vào cuối những năm 1800 và đầu những năm 1900, các thiết bị điện đã được phát minh với một tốc độ đáng kinh ngạc. Ô tô, máy bay, máy hút bụi, đèn, radio, điện thoại và tivi đều là những phát minh mới. Các phát minh có thể định hình một nền văn hóa bằng cách thay thế các cách làm việc cũ, được kết hợp vào các hoạt động hiện tại hoặc tạo ra các hoạt động mới. Việc áp dụng chúng phản ánh (và có thể định hình) các giá trị văn hóa và việc sử dụng chúng có thể đưa ra các chuẩn mực và thông lệ mới.
Hãy xem xét việc dùng ngày càng nhiều điện thoại di động. Khi ngày càng có nhiều người bắt đầu dùng thiết bị này, các cuộc trò chuyện qua điện thoại không còn bị giới hạn trong nhà, văn phòng và bốt điện thoại. Mọi người trên tàu hỏa, trong nhà hàng và ở những nơi công cộng trở nên khó chịu khi nghe những cuộc trò chuyện một chiều. Các chuẩn mực và hành vi mới được cho là cần thiết cho việc sử dụng điện thoại di động. Một số người đã bắt đầu nghĩ rằng chúng ta nên chú ý đến mọi người và môi trường xung quanh. May mắn là công nghệ đã tìm ra giải pháp thay thế đó là nhắn tin. Nó cho phép việc giao tiếp thầm lặng và trở thành phương thức giao tiếp chính ở mọi lúc mọi nơi, vượt qua các cuộc trò chuyện qua điện thoại.

Khi tốc độ đổi mới tăng lên, nó có thể dẫn đến vấn đề khoảng cách thế hệ. Các tiện ích công nghệ nhanh chóng bắt kịp với một thế hệ, nhưng đôi khi nó không được chấp nhận bởi một thế hệ cũ vốn hoài nghi hoặc gặp khó khăn trong việc tiếp nhận công nghệ mới. Thế hệ cũ có thể thích một nhạc sĩ biểu diễn trên truyền hình trong khi thế hệ trẻ thích phát trực tiếp hơn. Các đối tượng và ý tưởng của một nền văn hóa có thể gây ra khoảng cách không chỉ về thế hệ mà còn về văn hóa. Văn hóa vật chất có xu hướng lan tỏa nhanh hơn văn hóa phi vật chất; công nghệ có thể lan truyền khắp xã hội chỉ trong vài tháng, nhưng để các ý tưởng và niềm tin của xã hội thay đổi thì có thể mất nhiều thế hệ, bao gồm các phương pháp tìm kiếm hoặc tìm hiểu thông tin (ví dụ: thư viện so với việc tìm kiếm trên Internet).

Hình 9. Vòng đời áp dụng công nghệ — Nhà xã hội học Everett Rogers (1962) đã phát triển một mô hình về thuyết khuếch tán những đổi mới sáng tạo. Khi người tiêu dùng dần dần chấp nhận một cải tiến mới, mặt hàng này sẽ tăng lên mức sử dụng 100% hoặc hoàn toàn bão hòa trong xã hội. Biểu đồ này thường được sử dụng trong kinh doanh, bán hàng, công nghệ và đổi mới văn hóa. Nó có thể được sử dụng để mô tả tốc độ các nhóm khác nhau áp dụng (hoặc bắt đầu sử dụng) một công nghệ mới hoặc một từ lóng mới. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đây chỉ là một khuôn mẫu, có nghĩa là không phải mọi đổi mới đều tuân theo khuôn mẫu chính xác này, nhưng nó cũng là một nền tảng tốt để thảo luận và dự đoán. (Nguồn: Copyright Rice University, OpenStax, theo giấy phép CC BY 4.0)

Được đưa ra bởi nhà xã hội học William F. Ogburn (1957), thuật ngữ độ trễ văn hóa dùng để chỉ khoảng thời gian giữa việc giới thiệu một đối tượng mới của văn hóa vật chất và sự chấp nhận của xã hội. Độ trễ văn hóa cũng có thể gây ra các vấn đề hữu hình. Cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ được xây dựng cách đây hàng trăm năm hoặc lâu hơn nữa, đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng cuộc sống có nhịp độ nhanh và dân cư đông đúc của ngày nay. Tuy nhiên, có một sự chậm trễ trong việc khái niệm hóa các giải pháp cho các vấn đề cơ sở hạ tầng. Các thành phố phải vật lộn với việc kiểm soát giao thông, ô nhiễm không khí gia tăng và thiếu chỗ đỗ xe, tất cả đều là những ví dụ của độ trễ về văn hóa. Mặc dù mọi người đang nhận thức được hậu quả của việc sử dụng quá mức hoặc thiếu tài nguyên, nhưng việc giải quyết những vấn đề này cần có thời gian.

Truyền bá và toàn cầu hóa

Một cách khác để văn hóa vật chất và phi vật chất vượt biên giới là thông qua truyền bá. Giống như khí ga trong phòng thí nghiệm, đối tượng hoặc ý tưởng được lan truyền khắp nơi. Sự truyền bá liên quan đến quá trình hội nhập các nền văn hóa vào xu thế, trong khi toàn cầu hóa đề cập đến việc thúc đẩy và gia tăng sự tương tác giữa các khu vực và dân số khác nhau trên toàn cầu dẫn đến sự hội nhập của thị trường và sự phụ thuộc lẫn nhau của các quốc gia được thúc đẩy thông qua thương mại.

Các ý tưởng, khái niệm hoặc hiện vật thường được truyền bá hoặc lan truyền tới các cá nhân và nhóm, dẫn đến các hoạt động xã hội mới. Mọi người có thể có một sự đánh giá cao mới về mì Thái hoặc gelato (kem) của Ý. Truy cập vào truyền hình và Internet đã mang lối sống và giá trị của Hoa Kỳ đến các gia đình trên toàn cầu và ngược lại thông qua các bộ phim sitcom. Nguồn cấp dữ liệu Twitter từ các cuộc biểu tình công khai ở một quốc gia đã khuyến khích những người biểu tình chính trị ở các quốc gia khác. Khi loại truyền bá này xảy ra, các ý tưởng từ một nền văn hóa này được đưa vào một nền văn hóa khác, thường là trước các đối tượng vật chất liên quan. Biểu đồ trên biểu thị thời điểm truyền bá thường xảy ra, về cơ bản nó thúc đẩy một sự đổi mới lan rộng ra khỏi những người chấp nhận sớm nhất đến đại đa số mọi người.

Hình 10. Được cấp bằng sáng chế chính thức vào năm 1893 với tên gọi “khóa cài” (bên trái), khóa kéo không phổ biến trong xã hội trong nhiều thập kỷ. Ngày nay, nó có thể được nhận ra ngay lập tức trên khắp thế giới. (Nguồn: (a) Văn phòng Bằng sáng chế Hoa Kỳ/Wikimedia Commons; (b) Rabensteiner/Wikimedia Commons).

— Trích dịch từ cuốn sách Introduction to Sociology 3e trên Openstax