Một ngày bạn đi ngang qua một người trên hành lang, tham gia một cuộc họp trực tuyến hoặc thậm chí tham gia một chương trình radio, thì rất có thể là bạn và những người khác sẽ phải trả lời câu hỏi: “Bạn có khỏe không?”. Chúng ta vẫn trao cho nhau những lời chào hoặc câu hỏi kiểu này. Và nhìn chung thì chúng ta không yêu cầu phản hồi cho những lời chào hay câu hỏi này kiểu vậy phải tuân theo quy tắc cụ thể nào. Chúng ta chỉ nói “Xin chào” hoặc “Cuối tuần của bạn thế nào?” như một cách chào hỏi thân thiện.

Tất cả chúng ta đều tuân thủ các quy tắc, kỳ vọng và tiêu chuẩn khác nhau được hình thành và duy trì trong một nền văn hóa cụ thể. Những quy tắc và kỳ vọng này đều có ý nghĩa riêng, nhưng ý nghĩa đó có thể bị hiểu sai hoặc truyền tải sai. Khi chúng ta không đáp ứng được những quy tắc hay kỳ vọng nói trên thì chúng ta có thể sẽ phải nhận một vài hình thức phản đối, như ánh mắt hay lời nhận xét với thông điệp rằng điều chúng ta làm là không thể chấp nhận được.

Hãy thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn nhận được câu hỏi “Xin chào! Dạo này anh thế nào?” và bạn quyết định mô tả chính xác và chi tiết từng việc xảy ra trong ngày hôm đó. Nếu ở Mỹ, thì bạn đã vi phạm quy tắc “chào hỏi”. Có lẽ, câu trả lời của bạn có thể được chấp nhận trong một tình huống khác, như bạn đang ngồi với một người bạn thân trong quán cà phê.

Những ví dụ trên đều là những khía cạnh khác nhau của văn hóa, bao gồm cả giá trị (lý tưởng) được chia sẻ, những niềm tin củng cố giá trị, chuẩn mực và quy tắc duy trì các giá trị, ngôn ngữ truyền tải các giá trị, ký hiệu hình thành nên ngôn ngữ, nghệ thuật và hiện vật, cũng như bản sắc và ký ức của con người. Về mặt xã hội học, chúng ta xem xét trong tình huống và bối cảnh nào thì một hành vi nhất định được mong đợi và ngược lại. Những người tương tác trong một nền văn hóa chia sẻ sẽ tạo ra và thực thi những kỳ vọng này. Các nhà xã hội học kiểm tra các trường hợp này và tìm kiếm các mẫu chung.

Trong cuộc trò chuyện hằng ngày, người dân Mỹ hiếm khi phân biệt giữa các thuật ngữ văn hóa và xã hội, nhưng các thuật ngữ này có ý nghĩa khác nhau và các nhà xã hội học cần phân biệt rõ. Một nền văn hóa đại diện cho các giá trị, niềm tin, chuẩn mực, ngôn ngữ, biểu tượng và thực hành của một nhóm. Trong khi đó, xã hội đại diện cho những người chia sẻ chung một nền văn hóa. Dù là xã hội hay văn hóa đều không thể tồn tại nếu thiếu nhau.

Tại nước Mỹ, nhiều nhóm người chia sẻ chung một cộng đồng và một nền văn hóa. Khi nói đến “cộng đồng”, các nhà xã hội học đề cập đến một khu vực có thể xác định được của một xã hội. Một vùng đất nhỏ như một khu phố (Brooklyn, hay “phía đông của thị trấn”), lớn như một quốc gia (Ethiopia, Nepal hoặc Mỹ) hay một khu vực nằm giữa hai khu vực nói trên (ở Mỹ đó có thể là miền Nam hoặc miền Trung Tây nước Mỹ).

Chúng ta sẽ xem xét mối quan hệ giữa văn hóa và xã hội một cách chi tiết hơn và đặc biệt chú ý đến các yếu tố và lực hình thành nên văn hóa, bao gồm sự đa dạng và thay đổi xã hội. Phần thảo luận cuối chương xem xét các quan điểm lý thuyết mà dựa vào đó các nhà xã hội học nghiên cứu văn hóa.

— Trích dịch từ cuốn sách Introduction to Sociology 3e trên Openstax

Hình 1. Võ thuật có một truyền thống tôn trọng sâu sắc đối thủ, như những gì hai tuyển thủ judo này thể hiện sau một trận đấu. Ngay cả trong các bộ môn khác và các địa điểm khác, chẳng hạn như quyền anh chuyên nghiệp hay võ thuật tổng hợp, người ta vẫn thường thấy các đối thủ thể hiện sự lịch sự và quan tâm đến nhau bất chấp mức độ gay gắt trước và trong trận đấu. Mặc dù chắc chắn gây tiếng vang trong các đấu trường khác nhau, nhưng thực tế này là một phần quan trọng của nền văn hóa thể thao đối kháng. (Nguồn: Special Olympics Nationale/flickr)

Văn hóa là gì?

Con người là sinh vật xã hội. Theo nghiên cứu của Viện Smithsonian, con người đã hình thành các nhóm cộng đồng trong suốt gần 3 triệu năm để tồn tại. Sống cùng nhau, mọi người hình thành thói quen và hành vi chung, từ các phương pháp nuôi dạy con cái cụ thể đến các kỹ thuật ưa thích để kiếm thức ăn. Sống cùng nhau, mọi người hình thành thói quen và hành vi chung, từ các phương pháp nuôi dạy con cái cụ thể đến các kỹ thuật ưa thích để kiếm thức ăn.

Hầu hết mọi hành vi của con người, từ mua sắm đến hôn nhân, đều có được thông qua việc học. Ở Hoa Kỳ, hôn nhân thường được coi là sự lựa chọn cá nhân của hai người trưởng thành, dựa trên cảm xúc yêu thương lẫn nhau. Ở các quốc gia khác và vào những thời điểm khác, các cuộc hôn nhân đã được sắp đặt thông qua một quá trình phỏng vấn và thương lượng phức tạp giữa hai gia đình. Ở Papua New Guinea, gần 30% phụ nữ kết hôn trước 18 tuổi và 8% nam giới có hơn một người vợ (theo Cục Thống kê Quốc gia, 2019). Đối với những người không thuộc nền văn hóa đó, hôn nhân sắp đặt dường như không phù hợp hoặc sẽ không có tình yêu lãng mạn. Nhưng nhiều người từ các nền văn hóa nơi hôn nhân được sắp đặt, bao gồm một số quốc gia hiện đại và đông dân cư, vẫn thích cách tiếp cận này vì nó giảm căng thẳng và tăng sự ổn định (Jankowiak 2021).

Làm quen với các quy tắc bất thành văn giúp mọi người cảm thấy an toàn và thoải mái. Trước khi băng qua đường, việc biết nhìn trái thay vì nhìn phải có thể giúp bạn tránh nguy cơ bị thương nặng hay thậm chí tử vong. Biết các quy tắc bất thành văn cũng là nền tảng để hiểu được sự hài hước trong các nền văn hóa khác nhau. Sự hài hước phổ biến trong tất cả nền xã hội, nhưng điều gì được coi là hài hước thì không. Người Mỹ có thể bật cười trước cảnh một diễn viên bị ngã; nhưng trong các nền văn hóa khác, ngã không bao giờ buồn cười. Hầu hết mọi người muốn sống cuộc sống hằng ngày của họ một cách tự tin rằng các hành vi của họ sẽ không bị thách thức hoặc phá vỡ. Nhưng ngay cả một hành động có vẻ đơn giản như đi làm hằng ngày cũng chứng tỏ rất nhiều điều về văn hóa, tức là có rất nhiều hành vi được mong đợi ở đây. Và nhiều cách giải thích về hành vi đó.

Hình 2. Một du khách đến từ vùng nông thôn sẽ hành động và cảm thấy thế nào trên chuyến tàu đông đúc như thế này ở Hồng Kông? (Nguồn: Eric Chan/flickr)

Lấy trường hợp đi làm bằng phương tiện giao thông công cộng. Cho dù mọi người đang đi lại ở Ai Cập, Ireland, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ, thì sẽ có nhiều hành vi giống nhau và có thể thể hiện một khuôn mẫu chung. Nhưng vẫn có những điểm khác nhau. Ở nhiều nền xã hội sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hành khách sẽ tìm một bến xe buýt hoặc nhà ga được đánh dấu, chờ xe buýt hoặc xe lửa, trả tiền cho đại lý trước hoặc sau khi lên xe và lặng lẽ ngồi vào chỗ nếu có. Nhưng khi lên xe buýt ở Cairo, Ai Cập, hành khách có thể lên khi xe buýt đang di chuyển, vì xe buýt thường không dừng hẳn để đón khách. Ở Dublin, Ireland, những người đi xe buýt sẽ phải dang rộng một cánh tay để biểu thị rằng họ muốn xe buýt dừng lại. Và khi lên một chuyến tàu ở Mumbai, Ấn Độ, hành khách phải chen chúc trong những toa chật chội, lách giữa rất nhiều người đang xô đẩy nhau trên các sân ga đông đúc. Loại hành vi đó có thể bị coi là thô lỗ ở các xã hội khác, nhưng ở Mumbai, nó phản ánh những thách thức hằng ngày khi di chuyển bằng hệ thống tàu hỏa bị đánh thuế theo sức chứa.

Văn hóa được chia thành văn hóa vật thể hoặc văn hóa phi vật thể. Vé tàu điện ngầm và thẻ xe buýt là một phần của văn hóa vật chất, cũng như xe buýt, xe điện ngầm và cấu trúc vật lý của trạm xe buýt. Hãy nghĩ về văn hóa vật thể như những thứ bạn có thể chạm vào – chúng hữu hình. Ngược lại, văn hóa phi vật thể bao gồm các ý tưởng, thái độ và niềm tin của một xã hội. Đây là những thứ bạn không thể chạm vào. Chúng vô hình. Bạn có thể tin rằng nên xếp hàng để vào toa tàu điện ngầm hoặc những hành khách khác không nên đứng quá gần bạn. Những niềm tin đó là vô hình vì chúng không có tính chất vật lý và không thể chạm vào được.

Các khía cạnh vật thể và phi vật thể của văn hóa được liên kết với nhau và các đối tượng vật thể thường tượng trưng cho các ý tưởng văn hóa. Thẻ tàu điện ngầm là một đối tượng vật thể, nhưng nó đại diện cho một dạng văn hóa phi vật thể, cụ thể là chủ nghĩa tư bản và việc chấp nhận trả tiền cho việc di chuyển. Quần áo, kiểu tóc và đồ trang sức là một phần của văn hóa vật thể nhưng sự phù hợp của một số loại trang phục trong các sự kiện cụ thể phản ánh văn hóa phi vật thể. Tòa nhà trường học thuộc về văn hóa vật thể tượng trưng cho giáo dục nhưng phương pháp giảng dạy và tiêu chuẩn giáo dục là một phần của văn hóa phi vật thể của giáo dục.

Khi mọi người đi từ một vùng đến những nơi hoàn toàn khác nhau trên thế giới, một số khía cạnh vật thể và phi vật thể của văn hóa trở nên xa lạ một cách đáng kể. Điều gì xảy ra khi chúng ta tiếp xúc với các nền văn hóa khác nhau? Khi chúng ta tương tác với các nền văn hóa khác với nền văn hóa của chúng ta, chúng ta nhận thức rõ hơn về sự khác biệt và điểm tương đồng giữa những nền văn hóa và của chính chúng ta. Nếu chúng ta giữ cho trí tưởng tượng xã hội học của mình tỉnh táo, chúng ta có thể bắt đầu hiểu và chấp nhận sự khác biệt. Ngôn ngữ cơ thể và cử chỉ tay khác nhau trên khắp thế giới, nhưng cũng có những điểm chung giữa các nền văn hóa: Khi ai đó về nhà muộn hơn thời gian cho phép, cha mẹ hoặc người giám hộ gặp họ ở cửa với tư thế khoanh tay và vẻ mặt cau có giống nhau, dù là ở Nga cũng như ở Mỹ cũng như ở Ghana.

Phổ quát văn hóa

Mặc dù các nền văn hóa khác nhau nhưng chúng cũng có những yếu tố chung. Phổ quát văn hóa là những mô hình hoặc đặc điểm văn hóa phổ biến trên toàn cầu, ở tất cả các nền xã hội. Một ví dụ về phổ quát văn hóa là đơn vị gia đình: mọi xã hội loài người đều công nhận một cấu trúc gia đình quy định việc sinh sản hữu tính và chăm sóc con cái. Mặc dù vậy, đơn vị gia đình đó được xác định như thế nào và chức năng của nó khác nhau như thế nào? Ở nhiều nền văn hóa châu Á, các thành viên gia đình thuộc mọi thế hệ thường sống cùng nhau trong một gia đình. Trong những nền văn hóa này, những người trẻ tuổi tiếp tục sống trong cấu trúc đại gia đình cho đến khi họ kết hôn và gia nhập gia đình của vợ/chồng mình, hoặc họ có thể ở lại và nuôi nấng gia đình hạt nhân của mình trong nhà của đại gia đình. Ngược lại, ở Hoa Kỳ, các cá nhân phải rời khỏi nhà và sống độc lập một thời gian trước khi thành lập một đơn vị gia đình bao gồm cha mẹ và con cái của riêng họ. Các phổ quát văn hóa khác bao gồm các phong tục như nghi thức tang lễ, đám cưới và sinh nhật. Tuy nhiên, mỗi nền văn hóa có thể xem và tiến hành các nghi lễ hoàn toàn khác nhau.

Nhà nhân chủng học George Murdock lần đầu tiên điều tra sự tồn tại của các phổ quát văn hóa trong khi nghiên cứu các hệ thống quan hệ họ hàng trên khắp thế giới. Murdock phát hiện ra rằng các phổ quát văn hóa thường xoay quanh sự sinh tồn cơ bản của con người, chẳng hạn như tìm kiếm thức ăn, quần áo và nơi ở, hoặc xung quanh những trải nghiệm chung của con người, chẳng hạn như sinh và tử, bệnh tật và chữa lành. Thông qua nghiên cứu của mình, Murdock đã xác định được các phổ quát khác bao gồm ngôn ngữ, khái niệm về tên riêng và cả những câu chuyện cười. Hài hước dường như là một cách phổ biến để giải tỏa căng thẳng và tạo cảm giác đoàn kết giữa mọi người (Murdock, 1949). Các nhà xã hội học coi sự hài hước là cần thiết cho sự tương tác của con người vì nó giúp các cá nhân điều hướng các tình huống căng thẳng.

Chủ nghĩa vị chủng và Thuyết tương đối văn hóa

Mặc dù các xã hội loài người có nhiều điểm chung, nhưng sự khác biệt về văn hóa thường thấy hơn nhiều so với sự phổ biến văn hóa. Ví dụ, trong khi tất cả các nền văn hóa đều có ngôn ngữ, thì phân tích nghi thức đàm thoại cho thấy sự khác biệt to lớn. Ở một số nền văn hóa Trung Đông, người ta thường đứng gần người khác khi nói chuyện. Người Mỹ giữ khoảng cách xa hơn và duy trì một “không gian cá nhân” lớn. Ngoài ra, những hành vi đơn giản như ăn và uống rất khác nhau giữa các nền văn hóa. Một số nền văn hóa sử dụng dụng cụ để đưa thức ăn vào miệng trong khi những nền văn hóa khác sử dụng ngón tay. Nếu giáo sư của bạn đến lớp vào sáng sớm, tay cầm một cốc chất lỏng, bạn cho rằng họ đang uống gì? Ở Hoa Kỳ, rất có thể nó chứa đầy cà phê chứ không phải trà Earl Grey, một loại trà được yêu thích ở Anh, hay trà Yak Butter, một loại lương thực chủ yếu ở Tây Tạng.

Một số du khách tự hào về việc sẵn sàng thử những món ăn lạ, như nhà văn ẩm thực nổi tiếng quá cố Anthony Bourdain (1956-2017). Tuy nhiên, thông thường, mọi người bày tỏ sự ghê tởm đối với ẩm thực của một nền văn hóa khác. Họ có thể nghĩ rằng ăn thịt sống của lừa hoặc các bộ phận của động vật gặm nhấm thật là ghê tởm, trong khi họ không thắc mắc về thói quen ăn thịt bò hoặc thịt lợn của chính mình.

Những thái độ như vậy là những ví dụ về chủ nghĩa vị chủng, có nghĩa là đánh giá và phán xét một nền văn hóa khác dựa trên các chuẩn mực văn hóa của chính mình. Chủ nghĩa vị chủng đang tin rằng nhóm của bạn là tiêu chuẩn đo lường chính xác và nếu các nền văn hóa khác không đo lường theo tiêu chuẩn đó, thì họ đã sai. Như nhà xã hội học William Graham Sumner (1906) đã mô tả thuật ngữ này, đó là niềm tin hoặc thái độ cho rằng nền văn hóa của một người tốt hơn tất cả những nền văn hóa khác. Hầu như tất cả mọi người đều có chút định hướng vị chủng.

Đánh giá cao nền văn hóa của chính mình là điều tốt. Ví dụ, cảm giác tự hào cộng đồng sẽ kết nối mọi người trong một xã hội. Nhưng chủ nghĩa vị chủng có thể dẫn đến thái độ coi thường hoặc không thích các nền văn hóa khác và có thể gây ra sự hiểu lầm, định kiến ​​và xung đột. Vẫn luôn có những cá nhân và tổ chức chính phủ, phi chính phủ, tư nhân hay tôn giáo tiếp cận một một nền xã hội để “giúp đỡ” người dân của xã hội đó, bởi vì họ coi họ là những người ít học, lạc hậu hoặc thậm chí thấp kém. Chủ nghĩa đế quốc văn hóa là sự áp đặt có chủ ý các giá trị văn hóa của chính mình lên một nền văn hóa khác.

Sự mở rộng thuộc địa của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan và Anh đã phát triển nhanh chóng trong thế kỷ 15 đi kèm với chủ nghĩa đế quốc văn hóa nghiêm trọng. Những người thực dân châu Âu thường coi người dân ở những vùng đất mới này là những kẻ man rợ vô văn hóa, những người được cần áp đặt chính quyền Công giáo, Cơ đốc giáo, trang phục châu Âu và các thực hành văn hóa khác.

Một ví dụ hiện đại về chủ nghĩa đế quốc văn hóa là công việc của các cơ quan viện trợ quốc tế giới thiệu các phương pháp trồng trọt tân tiến, đưa các loài cây trồng từ các nước phát triển đến khu vực khác, mà quên rằng các giống cây trồng bản địa có thể phù hợp hơn với nền nông nghiệp khu vực. Một ví dụ khác là nạn phá rừng ở Lưu vực sông Amazon khi các nền văn hóa bản địa mất đất vào tay các tập đoàn gỗ.

Hình 3. Trải nghiệm mới có thể dẫn đến mức độ quan tâm cao hoặc là chỉ trích. Người bản địa ở Sagada, Philippines, từ hàng nghìn năm nay đã đặt thi thể của những người đã khuất vào trong những chiếc quan tài treo trên vách đá gần ngôi làng của họ. Một số du khách có thể thấy cách làm này đáng ngưỡng mộ, trong khi những người khác có thể cho rằng nó không phù hợp. (Nguồn: Arian Zwegers/flickr)

Khi đặt mình vào một nền văn hóa mới, con người có thể cảm thấy mất phương hướng và thất vọng. Trong xã hội học, chúng ta gọi đây là cú sốc văn hóa. Ngoài việc đồng hồ sinh học của khách du lịch bị đảo lộn, thì một khách du lịch từ Chicago có thể thấy sự im lặng hàng đêm của vùng nông thôn Montana thật đáng lo ngại, không yên bình. Bây giờ, hãy tưởng tượng rằng ‘sự khác biệt’ là văn hóa. Một sinh viên trao đổi từ Trung Quốc sang Mỹ có thể cảm thấy khó chịu vì lớp học liên tục bị gián đoạn khi các sinh viên khác đặt câu hỏi—một hành vi được coi là thô lỗ ở Trung Quốc. Có lẽ lữ khách Chicago ban đầu bị vẻ đẹp tĩnh lặng của Montana hớp hồn, còn chàng sinh viên Trung Quốc ban đầu háo hức được tận mắt chứng kiến ​​lớp học kiểu Mỹ. Nhưng khi họ trải nghiệm những khác biệt không lường trước được so với nền văn hóa của chính họ, họ có thể đang trải nghiệm chủ nghĩa vị chủng vì sự phấn khích của họ nhường chỗ cho sự khó chịu và nghi ngờ về cách cư xử phù hợp trong tình huống mới. Theo nhiều tác giả, sinh viên quốc tế học tập tại Hoa Kỳ nói rằng rằng có những đặc điểm tính cách và hành vi được kỳ vọng ở họ. Các sinh viên gốc Phi da đen cho biết họ phải học để ‘trở thành người da đen ở Hoa Kỳ’ và các sinh viên Trung Quốc cho biết họ được kỳ vọng là phải giỏi toán một cách tự nhiên. Ở các nước châu Phi, mọi người được phân biệt theo quốc gia hoặc họ, chứ không theo màu da. Cuối cùng, khi mọi người tìm hiểu thêm về một nền văn hóa, họ sẽ thích nghi với nền văn hóa mới dễ dàng hơn vì nhiều lý do.

Sốc văn hóa có thể xuất hiện bởi mọi người không phải lúc nào cũng mong đợi sự khác biệt về văn hóa. Nhà nhân chủng học Ken Barger (1971) đã phát hiện ra điều này khi ông tiến hành một cuộc quan sát có sự tham gia của cộng đồng người Inuit ở Bắc Cực thuộc Canada. Xuất thân từ Indiana, Barger do dự khi được mời tham gia một cuộc đua giày tuyết (snowshoe) địa phương. Anh ấy biết rằng anh ấy sẽ không bao giờ có thể thắng nổi những chuyên gia. Chắc chắn rồi, anh ấy đã về cuối, với một cảm giác bị hành xác. Nhưng các thành viên bộ lạc đã chúc mừng anh ấy và nói rằng: “Bạn đã thực sự cố gắng!” Trong nền văn hóa riêng của Barger, anh ấy đã học được cách coi trọng chiến thắng. Đối với người Inuit, chiến thắng là điều thú vị, nhưng nền văn hóa của họ đánh giá cao những kỹ năng sinh tồn cần thiết cho môi trường nơi họ sống: một người cố gắng đến đâu tạo nên sự khác biệt giữa sự sống và cái chết. Trong suốt thời gian ở lại, Barger đã tham gia các cuộc săn tuần lộc, học cách trú ẩn trong những cơn bão mùa đông và đôi khi trải qua những ngày có ít hoặc không có thức ăn để chia cho các thành viên trong bộ lạc. Cố gắng và nỗ lực cùng nhau, hai giá trị phi vật chất, thực sự quan trọng hơn nhiều so với chiến thắng.

Trong thời gian sống với bộ tộc Inuit, Barger đã học cách tham gia vào thuyết tương đối về văn hóa. Thuyết tương đối về văn hóa là đánh giá thực tiễn một nền văn hóa theo tiêu chuẩn của chính nó hơn là nhìn nó qua lăng kính của nền văn hóa của chính mình. Thực hành thuyết tương đối về văn hóa đòi hỏi một tâm hồn cởi mở và sẵn sàng xem xét, thậm chí thích nghi với các giá trị, chuẩn mực và thông lệ mới.

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể chấp nhận một cách bừa bãi mọi thứ về một nền văn hóa mới. Ngay cả những người theo chủ nghĩa tương đối về mặt văn hóa nhất từ ​​các xã hội bình đẳng nhất – những xã hội mà phụ nữ có quyền chính trị và quyền làm chủ cơ thể của chính mình – đặt câu hỏi liệu có nên chấp nhận việc cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ ở các quốc gia như Ethiopia và Sudan như một phần của truyền thống văn hóa hay không. Khi đó, các nhà xã hội học cố gắng tham gia vào thuyết tương đối văn hóa có thể gặp khó khăn trong việc dung hòa các khía cạnh của nền văn hóa của chính họ với các khía cạnh của nền văn hóa mà họ đang nghiên cứu. Các nhà xã hội học có thể đặt vấn đề về các tập tục cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ ở nhiều quốc gia để đảm bảo trinh tiết khi kết hôn, cũng như một số nhà xã hội học nam có thể đặt vấn đề về vết sẹo trên da thịt để thể hiện tư cách thành viên. Các nhà xã hội học làm việc siêng năng để loại bỏ những thành kiến ​​cá nhân khỏi quá trình phân tích nghiên cứu.

Đôi khi, khi mọi người cố gắng giải quyết vấn đề về chủ nghĩa vị chủng và phát triển thuyết tương đối về văn hóa, họ lại đi quá xa dẫn đến chủ nghĩa vị ngoại. Chủ nghĩa vị ngoại trái ngược với chủ nghĩa vị chủng và đề cập đến niềm tin rằng nền văn hóa khác vượt trội hơn nền văn hóa của chính mình. (Từ gốc Hy Lạp xeno-, được phát âm là “ZEE-no,” có nghĩa là “người lạ” hoặc “khách nước ngoài.”) Một sinh viên trao đổi trở về nhà sau một học kỳ ở nước ngoài hoặc một nhà xã hội học trở về từ thực địa có thể thấy khó thích nghi với các giá trị của nền văn hóa của chính mình sau khi đã trải nghiệm những gì họ cho là một lối sống ngay thẳng hơn hoặc cao thượng hơn. Một phản ứng ngược lại là bài ngoại, một nỗi sợ hãi phi lý hoặc sự căm ghét các nền văn hóa khác nhau.

Có lẽ thách thức lớn nhất đối với các nhà xã hội học nghiên cứu các nền văn hóa khác nhau là vấn đề giữ một quan điểm khách quan. Không ai có thể vượt qua mọi thành kiến ​​văn hóa. Điều tốt nhất chúng ta có thể làm là cố gắng nhận thức được chúng. Niềm tự hào về nền văn hóa của chính mình không nhất thiết phải dẫn đến việc áp đặt các giá trị hoặc ý tưởng của nó lên người khác. Và sự đánh giá cao đối với một nền văn hóa khác không nên ngăn cản các cá nhân nghiên cứu nó với con mắt phản biện. Đây có lẽ là khó khăn nhất đối với tất cả các nhà khoa học xã hội.

Trích dịch từ cuốn sách Introduction to Sociology 3e trên Openstax