1. Mở đầu
Trước đây, sách báo thường nói đến văn xuôi và thơ – nay cần nói cho chính xác hơn: tự sự và trữ tình (hoặc “văn tự sự” và “thơ trữ tình”).
Cách gọi “văn xuôi” và “thơ” là do phân biệt từ bề ngoài – vì thấy “thơ” thì có vần vè, còn “văn xuôi” thì được đọc tuồn tuột từ đầu chí cuối không ngắt nghỉ từng câu như thơ.
Nay chúng ta gọi tự sự và trữ tình là căn cứ theo tính chất bên trong – hoặc căn cứ vào cách thức làm ra tác phẩm thuộc thể loại đó.
2. Phân biệt TRỮ TÌNH và TỰ SỰ
Trữ tình có nội dung bên trong là một tâm sự được ghi lại trong một chữ nào đó. Chúng ta tưởng tượng, có một người xa nhà nhớ mẹ, chiều hôm đó sau khi nghỉ việc thì ngồi bên chén nước, người đó nhúng ngón tay vào chén nước và viết xuống mặt bàn một chữ Buồn, lát sau lại viết chữ Mẹ, và lát sau nữa thì lẩm nhẩm cho riêng mình nghe:
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương
Người đó đã tạo ra một tiếng nói trữ tình. Giảng nghĩa “trữ tình” là gì thật khó, nhưng cũng không khó lắm – nhà thơ hay nhà văn đều dùng chữ để viết văn và làm thơ. Những lời lẽ của nhà thơ không dùng để giải thích những điều này nọ (ví dụ, mẹ tôi ở đâu, tôi nhớ mẹ như thế nào, nhớ mẹ thì tôi sẽ làm gì, v.v… ). Lời lẽ nhà thơ khác với lời lẽ của người viết văn tự sự. Một câu chuyện kể cần nhiều lời hơn (cộng với những yếu tố khác nữa) được dùng để giải thích những điều được kể ra.
Tự sự có nội dung bên trong là một câu chuyện được kể ra. Một nhà văn có tài thường kể một câu chuyện sao cho bạn đọc xúc động mạnh. Nhà văn có tài thường tạo cho bạn đọc có được cảm giác được chứng kiến cả một câu chuyện có thực – chính cái chuyện đã làm cho nhà văn xúc động mạnh. Thực ra, nhà văn chỉ kể những câu chuyện như là có thực thôi. Tài năng của nhà văn khi viết văn tự sự cũng giống như tài nấu canh ngon của bà nội trợ. Nếu chỉ kể “chuyện hoàn toàn có thực” ở đời, thì chẳng khác gì ăn canh theo lối nhai một miếng rau, rồi thêm miếng thịt, rồi húp thìa nước sôi và nhấm tí muối… Bát canh ngon là sự hòa trộn của các vị được chế biến thành một tổng thể chứ không là nơi nhộn nhạo những “hương vị” khác nhau. Điều thú vị là những câu chuyện như thật này thường lại được người đọc thừa nhận là thật hơn chuyện thật. Đã có nhà văn nào xuống địa ngục đâu – ấy thế mà chuyện nhà văn kể về địa ngục lại rất hấp dẫn! (Nội dung này chúng ta sẽ còn học rất kỹ trong sách Văn lớp Bảy và lớp Tám).
3. Tìm cảm hứng của người viết văn tự sự
Làm cách gì để đoán được vì sao một nhà văn đã viết văn tự sự? Phải dựa vào một số căn cứ để từ đó đi tìm thông điệp nhà văn gửi cho người đọc.
Trong cuộc sống, con người bình thường hễ làm một việc gì cũng có mục đích. Làm nhà là để ở, để che nắng mưa, để thoát khỏi cảnh sống trong hang động. Làm ra cái áo phao là để không bị đuối nước. Làm ra cái lưới là để đánh cá mà ăn. Nhà hoạt động nghệ thuật thì hơi khác: hễ có cảm hứng thì họ làm ra sản phẩm nghệ thuật. Nếu nói vẽ tranh nhằm mục đích bán lấy tiền, thì người xưa vẽ tranh trong hang động để bán cho ai? Người mẹ làm bài thơ để ngẫm nghĩ về thân phận mình với những tình cảm rối bời, sau đó đem hát ru con, nhà thơ đó sẽ in thơ trên báo nào hoặc in thành sách ở đâu? Không ở đâu hết! Người nghệ sĩ chỉ có cảm hứng sáng tác thay cho mục đích. Cảm hứng trước hết!
Phạm Toàn
Bài viết được trích ra từ sách mở Cánh Buồm, tuân thủ giấy phép mở CC-BY-NC-SA 4.0 (Creative Commons Attribution NonCommercial ShareAlike 4.0 International)